Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Sẽ có liveshow tưởng niệm nghệ sĩ jazz Việt Nam

Sẽ có liveshow tưởng niệm nghệ sĩ jazz Việt Nam

Sẽ có liveshow tưởng niệm nghệ sĩ jazz Việt Nam


SGTT.VN - Vừa khép lại liveshow thường niên “Quyền Văn Minh và những người bạn” tại nhà hát lớn Hà Nội, nghệ sĩ Quyền Văn Minh đã lên ý tưởng cho một chương trình tưởng niệm các nghệ sĩ jazz Việt Nam, dự kiến diễn ra vào năm tới, đồng thời ra mắt dàn kèn saxo, theo lời ông “Thế giới cũng chưa có!”










Nghệ sĩ jazz Quyền Văn Minh.



Ý tưởng về một dàn kèn gồm bốn loại saxophone (4 soprano saxo, 4 alto saxo, 4 tenor saxo, 2 bariton saxo) đến với nghệ sĩ Quyền Văn Minh sau đêm nhạc tưởng niệm nghệ sĩ Quốc Trường, diễn ra vào đầu tháng 2.2012 tại Hà Nội. Đây là một mô hình hoàn toàn khác so với Big Band Sông Hồng, dàn big band đầu tiên của Việt Nam và duy nhất của Đông Nam Á tính đến giờ do chính ông sáng lập năm 2000, có cơ cấu ba nhóm kèn tương tự các dàn big band trên thế giới với 4 trompet, 4 trompone, 5 saxophone và bộ đệm: piano, trống, bass, guitar. “Có hai lý do thúc đẩy tôi thành lập dàn saxo. Thứ nhất, khi dùng toàn saxo để thay thế âm lượng của ba nhóm kèn, tất nhiên, ta sẽ được tần số khác, có thể không hiệu quả bằng, nhưng chắc chắn có màu sắc mới. Đây là một thể nghiệm thế giới chưa ai làm. Thứ hai, một dàn nhạc toàn saxo dễ tập hợp hơn và cũng dễ quản lý hơn, cả về mặt nhân sự lẫn chất lượng”, nghệ sĩ Quyền Văn Minh chia sẻ.


Dự kiến, trong đêm ra mắt dàn saxo vào mùa hè năm tới, sẽ có 15 – 20 cây kèn saxo, đều là các thế hệ học trò của ông tại nhạc viện quốc gia tham gia hoà tấu. Mang chủ đề “Tưởng niệm nghệ sĩ saxo Việt Nam”, đây sẽ là một chương trình giàu ý nghĩa với các nghệ sĩ saxo thuộc lớp kế cận. Người thầy của họ, Quyền Văn Minh, mong muốn sinh viên của mình biết được, từ những năm tháng xưa, jazz Việt Nam đã có những cây saxo tài hoa như Quyền Văn Quý (thân sinh của nghệ sĩ Quyền Văn Minh), Quốc Trường, Hoàng Xuân Vượng…


Ngoài phần solo nhạc cụ của Quyền Văn Minh, Quyền Thiện Đắc phối với dàn nhạc, sẽ có sự góp mặt của các ca sĩ tên tuổi. Và quan trọng nhất, nghệ sĩ Quyền Văn Minh khẳng định: dàn saxo sẽ được duy trì hoạt động song song với dàn big band Sông Hồng. Nếu chương trình thành công, rất có thể, ông sẽ tổ chức thường niên.


H. Lan






Lãnh đạo đích thực

Lãnh đạo đích thực

Tin văn


Lãnh đạo đích thực











SGTT.VN - Bill George – giáo sư về khoa học lãnh đạo của đại học Harvard (Mỹ), viết cuốn sách này từ những đúc kết trong cuộc đời hơn 30 năm làm lãnh đạo của ông.


Qua những minh hoạ, phân tích thực tế từ các tập đoàn lớn trên thế giới đồng thời từ chính hành trình lãnh đạo của Bill George, đặc biệt là thời gian ông làm tại Medtronic – một trong những tập đoàn công nghệ y tế hàng đầu thế giới – người đọc được tiếp thu nhiều bài học quý giá về thuật lãnh đạo đích thực giúp phát triển vai trò lãnh đạo của cá nhân, cách thức để xây dựng một công ty phát triển bền vững, vượt qua những thách thức thường gặp trên thương trường.


Sách do DTBooks liên kết cùng NXB Thời Đại ấn hành.


Trâm Anh






Công trình Ecorium – khu sinh thái Ecoplex

Công trình Ecorium – khu sinh thái Ecoplex

Công trình Ecorium – khu sinh thái Ecoplex


SGTT.VN - Nằm ở Seocheon, Hàn Quốc, công viên sinh thái Ecoplex là một dự án của chính phủ để bảo tồn môi trường thiên nhiên của khu vực và tạo ra một khu vực trung tâm của đất nước để tập hợp các tài nguyên sinh thái quý giá cho nghiên cứu và triển lãm ở Hàn Quốc. Công viên ban đầu được xây dựng và phát triển theo hướng một khu công nghiệp nhưng vì những giá trị môi trường của nó, chính phủ Hàn Quốc đã thay đổi kế hoạch và đã tổ chức đấu thầu thiết kế cho Ecoplex. Công ty thắng cuộc là Samoo Architects & Engineers.











Bên trong Ecoplex là Ecorium, một toà nhà cột mốc và cũng là một khu vực dùng cho triển lãm. Thiết kế bởi Samoo Architects & Engineers và Grimshaw Architects, Ecorium bao gồm nhiều nhà kính và các khu vực môi trường được kiểm soát và theo dõi nhằm tái tạo hệ sinh thái toàn cầu với năm khu vực khí hậu trải dài từ khu vực xích đạo đến hai cực trái đất. Được thiết kế với chủ đề “cuộc phiêu lưu của tự nhiên”, các khu vực khí hậu được liên kết với nhau bằng hệ thống đường đi trên mặt đất, đóng vai trò con đường triển lãm mang đến cho khách tham quan nhiều trải nghiệm.


Vào trong Ecorium, du khách sẽ diện kiến một sảnh lớn nơi họ có thể nhìn qua tất cả các khu vực khí hậu và tiếp cận được các khu chức năng khác như khu triển lãm, nhà hát, nhà ăn và cửa hàng lưu niệm. Khu vực nhiệt đới là khu vực đầu tiên du khách sẽ đến. Được thiết kế như một nhà kính lớn, khu vực cung cấp đủ không gian cho nhiều loại cây và thực vật phát triển trong tương lai. Nhà kính giúp đem lại cảm giác chân thực khi du khách có thể nhìn, nghe, cảm nhận và chạm giống như mình đang ở trong một khu rừng nhiệt đới. Sự sắp xếp cây cối, thực vật và hồ nước đã được tiến hành cẩn thận, cùng với cả thác nước để đem lại một trải nghiệm tổng thể. Và để có một cảm nhận thực hơn về môi trường, một đài quan sát đã được lắp đặt để du khách có thể quan sát bao quát toàn khu vực nhiệt đới.


Bên cạnh khu vực nhiệt đới là nhà kính thứ hai tái tạo khu vực á nhiệt đới với môi trường khắc nghiệt của sa mạc cũng như là môi trường trái đất trong tương lai nếu như sự nóng lên toàn cầu tiếp diễn. Nhà kính thứ ba là khu vực địa trung hải tràn ngập màu xanh đem lại một cảm giác trái ngược với hai khu vực trên. Nhà kính thứ bốn là khu vực ôn đới và cũng là khí hậu của đất nước Hàn Quốc. Nhờ có lợi thế này, khu vực đem lại vô vàn trải nghiệm với một số chương trình diễn ra ở bên ngoài như mô hình núi thu nhỏ và thung lũng với dòng nước chảy qua. Khu vực khí hậu cuối cùng là khu vực hàn đới với nhiệt độ dưới 0oC. Khu vực này diễn ra các triển lãm về môi trường hai cực với sự xuất hiện của chim cánh cụt. Khu vực cũng cung cấp một môi trường thực tế giúp thúc đẩy giáo dục về vấn đề nóng lên toàn cầu và sức phá huỷ của nó lên các miền ở hai cực trái đất.


Vì cấu trúc rất cứng nhắc của các nhà kính, mỗi toà nhà được nâng đỡ bởi một mái vòm khổng lồ giúp cho cả hệ thống kiến trúc được ổn định. Cùng với sự chống đỡ của mái vòm, hệ thống còn được trang bị một dàn đỡ chạy dài để giúp nâng đỡ khu vực xung quanh và tạo ra bản sắc riêng cho cả hệ thống kiến trúc. Các dàn đỡ nằm chéo được kết nối với mái vòm chính để nâng đỡ hệ thống tường ngoài và để chắn gió.


Được hoạch định là một công trình thân thiện với hệ sinh thái, Ecorium có chiến lược trở thành một cơ sở vật chất hàng đầu về độ bền vững. Ý tưởng tạo ra một cơ sở vật chất bền vững là cốt lõi của dự án và điều này đã được thực hiện thông qua nhiều thiết kế giả lập để giảm năng lượng tiêu thụ cũng như lượng CO2 thải ra. Chẳng hạn, sự sắp xếp và định hướng của các nhà kính đã được giả lập để tạo ra một môi trường lý tưởng tuỳ theo khu vực khí hậu mà nhà kính đó tái tạo. Thêm vào đó, giả lập về dòng chảy không khí đã được thực hiện để việc thông khí một cách tự nhiên có thể được duy trì suốt bốn mùa. Các bức tường ngoài dốc ở mỗi khu vực khí hậu sẽ cung cấp nước mưa để làm mát và tưới cây. Với các nỗ lực này, cả hệ thống đã giảm được năng lượng tiêu thụ bằng khoảng 10%.


Theo: archdaily. Ảnh: Young Chae Park






Đến với mùa thu Sa Pa

Đến với mùa thu Sa Pa

Nhật ký trên những đôi giày


Đến với mùa thu Sa Pa


SGTT.VN - Đến với thị trấn miền sơn cước xinh đẹp Sa Pa trong những ngày mùa thu với không khí lễ hội cho dịp kỷ niệm Sa Pa tròn 110 năm tuổi (1903 – 2013), du khách chắc hẳn phải ngẩn ngơ trước vẻ đẹp đến nao lòng của nơi này.










Sa Pa nhìn từ đỉnh Hàm Rồng.



Phải công nhận một điều rằng, mùa nào Sa Pa cũng đẹp, cũng cuốn hút du khách bởi những nét đặc trưng riêng của từng mùa. Thế nhưng, có lẽ mùa đẹp nhất của thị trấn du lịch này phải là mùa thu.


Bốn mùa trong một ngày ở Sa Pa


Suốt từ khi rời ga Lào Cai, ngồi trên xe ca qua quãng đường dốc khúc khuỷu 30km, tính tới trung tâm thị trấn, tôi đã cảm nhận được nét thu mơn man qua làn gió se se lạnh ùa qua ô cửa kính cùng cảnh sắc vàng óng ả của lúa ngày mùa đã và đang gặt dở trên những thửa ruộng bậc thang chạy dài tít tắp ở những ngọn núi nối tiếp nhau. Buổi sáng Sa Pa không có nắng vì vậy mà tầm nhìn có chút hạn chế, thế nhưng khi xe lên đến trung tâm thị trấn tôi vẫn có thể phóng tầm mắt tới tận những bản làng mãi dưới tận thung sâu. Ở đó, những làn mây trắng mỏng manh trôi hững hờ, bao phủ khiến cho những nếp nhà sàn đơn sơ lúc ẩn lúc hiện trong mây mù, tạo nên một bức tranh thuỷ mặc đầy huyền hoặc. Dường như biết được mùa thu Sa Pa đẹp nên du khách ta, khách tây lên với nơi này đông hơn hẳn những mùa khác trong năm. Các nhà nghỉ, khách sạn luôn kín phòng, nhất là những ngày cuối tuần. May mắn, cùng mấy người bạn đi chung thì có một chủ ngôi biệt thự trên lưng chừng một ngọn núi của thị trấn thân quen nên chúng tôi có được nơi tá túc.


Thời tiết Sa Pa trong mấy ngày chúng tôi lưu lại thật tuyệt vời, nhiệt độ lúc nào cũng mát mẻ, và chỉ hơi se lạnh khi màn đêm buông xuống mà thôi. Một ngày ở đây luôn chia thành bốn mùa rõ rệt và mùa thu cũng vậy. Buổi sáng hơi sương lành lạnh có thể được coi là mùa xuân. Buổi trưa với nắng lên cũng có thể coi là khoảnh khắc hè, thế nhưng những vạt nắng nhạt màu mật ong không quá nóng khiến du khách cảm thấy dễ chịu. Lúc này những làn mây mù tan dần để lộ một khoảng không gian rộng lớn và du khách có thể thoả thích phóng tầm mắt ra xa, thậm chí đến tận đỉnh núi cao nhất Đông Dương: Phanxipăng. Khi chiều buông, nắng tắt dần sau núi và hơi sương bắt đầu lảng bảng nhẹ nhàng lúc này thị trấn chẳng khác nào tiết thu êm đềm thư thả. Và lúc thị trấn lên đèn cho tới tận gần sáng sớm của ngày hôm sau là khoảng thời gian có thể gọi là “mùa đông” của Sa Pa. Bởi cái lạnh cũng hơi thấu da, và nó chẳng kém gì cái lạnh của những ngày mùa đông bình thường ở dưới xuôi.


Ăn đồ nướng bên bếp than hồng


Đến Sa Pa mùa này, du khách không chỉ được sống trong tiết trời mát mẻ, dễ chịu, được ngắm cảnh sắc đẹp đến mê hồn với những dòng sông mây cuồn cuộn trôi…, mà còn được khám phá nét đẹp, sự độc đáo của trang phục, cũng như tìm hiểu phong tục tập quán của bà con các dân tộc nơi đây. Ai mà chẳng ngẩn ngơ, chẳng thấy lạ lẫm và ngồ ngộ trước các nàng thiếu nữ Mông với váy thổ cẩm sặc sỡ xuống núi, hay những bà, những chị địu con đi làm nương, xuống chợ… Và chắc một điều rằng, du khách sẽ muốn lưu lại hình ảnh như thế bằng cách xin chụp vài pô ảnh làm kỷ niệm.


Đến Sa Pa mùa thu mà chỉ ngắm cảnh đẹp thôi thì quả còn thiếu sót, bởi thị trấn này luôn nổi tiếng với những món ẩm thực ngon đến khó quên, mà các món nướng là đặc trưng nhất. Dưới màn sương đêm lành lạnh, chỉ cần vài trăm ngàn đồng thì cả hội 4 – 5 người bạn có thể quây quần bên một quán nướng vỉa hè nào đấy để thưởng thức dăm, bảy món như: trứng, khoai, bắp, thịt heo lửng… nướng! Được tận mục sở thị chủ quán chế biến đồ ăn, và có khi tự tay khách cầm nướng lấy để ăn dưới chậu than hoa đỏ lửa càng cảm thấy thú vị. Các món nướng ăn dưới tiết trời lạnh tê tái của “mùa đông” Sa Pa có vẻ hợp và ấm cúng hơn. Chẳng vậy mà hầu như quán đồ nướng nào ở thị trấn, dù sang trọng đắt tiền, hay bình dân rẻ tiền cũng đều đông khách ở thời điểm này.


Chia tay Sa Pa, tạm biệt thị trấn nhỏ xinh như lòng bàn tay người con gái miền sơn cước này, tôi mang theo quá nhiều ấn tượng, bởi Sa Pa mùa thu quá đẹp, một vẻ đẹp đến nao lòng không dễ gì quên được…


bài và ảnh: Long Nguyễn






Nhà sách Waanders In de Broeren

Nhà sách Waanders In de Broeren

Nhà sách Waanders In de Broeren


SGTT.VN - Ngày 13.7.2013 vừa qua, nhà sách Waanders In de Broeren đã mở cửa đón chào công chúng. Hình thái shop độc đáo này đã xuất hiện từ thế kỷ 15 ở Broerenkerk. Trong thiết kế cửa hàng này, đã có thêm ba tầng được xây bên trong lòng nhà thờ và nội thất cửa hàng đã được thêm vào.











Văn phòng kiến trúc BK với Jos Burger and Wouter Keijze đã giải thích: “Hình thái kiến trúc cửa hàng bên trong nhà thờ này được dựa trên hai yếu tố đôi khi được coi là trái ngược nhau. Lần đầu tiên chúng tôi vào nhà thờ này chúng tôi đã cảm thấy được giá trị lịch sử của toà nhà. Từ không gian, chiều cao, chiều dài của nhà thờ, những mái vòm cao vút, những chiếc cửa sổ có hoa văn to lớn, những hình vẽ trên trần nhà và chiếc đàn organ tất cả đều giúp cho công trình từ thế kỷ 15 này trở thành một nơi quan trọng của thành phố Zwolle. Với dự án Waanders in de Broeren chúng tôi đã được yêu cầu phải thêm 700m2 diện tích cửa hàng vào trong nhà thờ thiên chúa này. Mục tiêu đầu tiên của chúng tôi là phải giữ nguyên không khí đậm chất lịch sử khi xây thêm cửa hàng. Vì vậy chúng tôi muốn tất cả sự bổ sung cho nhà thờ không được loè loẹt, phù hợp với toà nhà. Ba tầng mới được xây ở mạn bên của toà nhà, đan xen giữa các cột trụ, nằm ngoài khu vực sảnh giữa. Các tầng này không được xây dựng dính liền vào nhà thờ, vì vậy trong tương lai việc dỡ bỏ cửa hàng có thể diễn ra mà không cần phá huỷ nhà thờ.


Với việc giữ nguyên trục chính của nhà thờ, bạn vẫn có thể cảm thấy kích cỡ to lớn của toà nhà. Với hai yếu tố bắt mắt nằm ở hai bên của trục – chiếc đàn organ và cửa sổ kính hoa văn (thiết kế bởi nghệ sĩ Na Uy Kjell Nupen) sẽ khiến cho khách hàng không bận tâm đến toàn bộ chiều dài của nhà thờ. Vật liệu chúng tôi sử dụng cho xây dựng rất nguyên chất và không diêm dúa. Chúng tôi chỉ sử dụng ba màu gỗ và tường sơn trắng. Vì vậy tông màu chính trong cửa hàng sẽ đến từ các gam màu nóng từ chính kiến trúc nhà thờ và màu của sách cũng như các sản phẩm khác trong cửa hàng.


Mặt khác mục đích chính của cửa hàng là để bán sản phẩm. Vì vậy mục tiêu thiết kế tạo ra một hình thái cửa hàng tối ưu, với việc sắp xếp lối đi logic và việc trưng bày sản phẩm một cách bắt mắt. Trong một cửa hàng nhiều tầng thì một trong những điều quan trọng nhất là phải tìm cách đưa khách hàng lên tầng cao nhất. Một khi khách đã lên đó rồi thì họ sẽ phải đi xuống và trong quá trình đi xuống khách sẽ phải đi qua tất cả các tầng và xem qua tất cả các sản phẩm cửa hàng bán. Với suy nghĩ này chúng tôi đã xây dựng một cầu thang trung tâm rất thu hút. Những bậc thang này có độ cao chỉ bằng một nửa so với thông thường, và khi leo thang, bạn sẽ được khám phá tủ sách cao 11m kéo dài đến hết tầng 3. Điều này làm cho khách hàng quên đi việc mình đang leo thang mà có cảm giác như mình đang trong một chuyến phiêu lưu mà điểm kết thúc là những mái vòm đã được tu sửa. Tủ sách là một phần quan trọng của thiết kế. Khách hàng của chúng tôi, ngài Waanders, trong lần trò chuyện đầu tiên đã kể về một kiến trúc sư người Hà Lan tên là Dom Hans van der Laan. Kiến trúc sư này từng là một thầy tu và đã thiết kế cho một vài tu viện. Nội thất trong những thiết kế này thường được làm bằng gỗ và không loè loẹt, rất chi tiết. Đối với nội thất trong nhà thờ này chúng tôi đã lấy cảm hứng từ những công trình của vị thầy tu và thay đổi cách thiết kế của ông để phù hợp với mục tiêu bán hàng”.


Thiết kế: văn phòng kiến trúc BK. Ảnh: Joop van Putten, Hans Westerink






Khai mạc hội chợ HVNCLC Bình Định năm 2013

Khai mạc hội chợ HVNCLC Bình Định năm 2013

Khai mạc hội chợ HVNCLC Bình Định năm 2013


SGTT.VN - Ngày 22.10, hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) chính thức khai mạc tại trung tâm Hội chợ triển lãm tỉnh Bình Định (số 1 Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn, Bình Định). Hội chợ do hội Doanh nghiệp HVNCLC tổ chức, thu hút 120 doanh nghiệp với 300 gian hàng.


Hội chợ sẽ diễn ra trong sáu ngày từ 22 – 27.10.2013. Với chủ đề “Phát triển vững chắc mạng lưới phân phối và đẩy mạnh truyền thông cho hàng Việt”, hội chợ có nhiều hoạt động hấp dẫn như: chương trình huấn luyện tiểu thương; triển lãm sản phẩm của các doanh nghiệp HVNCLC, tập trung chủ yếu vào các nhóm sản phẩm mới, sản phẩm của doanh nghiệp mới đạt danh hiệu HVNCLC năm 2013, sản phẩm xuất khẩu; triển lãm cổng thông tin, truy vấn chứng thực nhãn hiệu HVNCLC. Khu vực Ngôi nhà chung của hội chợ sẽ được bố trí máy vi tính để người tiêu dùng kiểm chứng sản phẩm và doanh nghiệp HVNCLC (www.congthongtinhvnclc.vn)... Hội chợ còn dành nhiều ưu đãi cho người tiêu dùng như miễn phí vé vào cổng đến 16 giờ chiều, với mỗi vé vào cổng sau 16 giờ, khách tham quan có cơ hội rút thăm trúng thưởng nhiều phần quà có giá trị; ca nhạc hàng đêm với các ca sĩ, nổi tiếng...


Bảo Nhiên






Giữa lạ và quen

Giữa lạ và quen

Hoạ sĩ Ngô Văn Sắc:


Giữa lạ và quen


SGTT.VN - Triển lãm Giữa đời của Ngô Văn Sắc khai mạc lúc 18 giờ ngày 25.10 tại Craig Thomas Gallery (27i Trần Nhật Duật, TP.HCM) thách thức người xem bởi sự kết hợp giữa lạ và quen.











Ngô Văn Sắc (sinh 1980) vốn vững vàng nhiều kỹ thuật hội hoạ, hiện là thạc sĩ và là giảng viên mỹ thuật tại đại học Sư phạm Hà Nội. Triển lãm Giữa đời thể hiện khá rõ sự bài bản trong kỹ thuật, khi mà tác phẩm như là (nhấn mạnh chữ này) sự kết hợp giữa âm bản, dương bản của tranh khắc gỗ truyền thống với kỹ thuật đồ hoạ, kỹ thuật số thời nay. Về ấn tượng thị giác, xem lướt qua thì có vẻ như vậy, nhưng thực chất, nó không chỉ dùng các kỹ thuật này, bởi Ngô Văn Sắc vừa căn bản, vừa phức tạp hơn khá nhiều.


Căn bản vì tranh đốt gỗ (hay dùng lửa khắc gỗ) vốn là kỹ thuật xa xưa của người Việt. Thế nhưng khi dùng lại, Ngô Văn Sắc vừa trung thành vừa phản bội nó, nên có chỗ y như cũ, có chỗ phá cách. Nếu chỉ tuân thủ một kỹ thuật thì tác phẩm dễ nhận biết, sẽ đơn điệu và nhiều tính mỹ nghệ hơn. Ngô Văn Sắc kết hợp nhiều kỹ thuật truyền thống với hiện đại, đồng thời liên tục thay đổi cách tạo hình qua từng tác phẩm, nên thật khó “bắt giò”.










Tác phẩm Khu vườn yên tĩnh 2, sơn ta và đốt gỗ, 160 x 90cm, 2013.



Còn phức tạp, vì tranh chân dung của hoạ sĩ này (mà hình như Ngô Văn Sắc chỉ vẽ người) vừa là dấu chỉ của một lịch sử tạo hình dài lâu, vừa là cách tư duy mới của thời đồ hoạ, lắp ghép kỹ thuật số. Nó giống như các poster quảng cáo phim ảnh hay ca nhạc, nơi nhân vật trung tâm và các nhân vật phụ chia nhau một diện tích, một hướng nhìn. Trong nhiều tác phẩm, nhân vật trung tâm và các nhân vật phụ cũng là một, nó dường như phân thân để trong một người có nhiều thân phận và nhiều thân phận dùng chung một mặt người. Nó cũng giống như một tác phẩm vừa được nhìn tổng thể, vừa được nhìn đặc tả chi tiết – điều lý thú là chúng cùng lúc hiện lên bề mặt.


Xét về thân phận, các nhân vật của Ngô Văn Sắc thuộc loại đa nhân cách, giống như tác phẩm Khu vườn yên tĩnh 2, tổng thể là cái cây cổ thụ, trên thân cây lại có nhiều khuôn mặt (dường như tự hoạ) của một người, mà mỗi gương mặt là một tính cách, một thân phận. Đây là điểm khác biệt lớn về tư duy giữa tranh đốt gỗ của Ngô Văn Sắc với tranh đốt gỗ trước kia. Nhờ đồ hoạ, Ngô Văn Sắc đã đứng ra ngoài cách kể chuyện đơn tuyến, mà gần đến với đa tuyến, nó giống như nhiều thước phim, hay nhiều bức ảnh được bày hết lên mặt tranh, với một cấu trúc được tính toán cụ thể.


Cuối cùng, về tâm cảnh, dùng lửa đốt trên gỗ tươi cũng là cách để hồi ức lại thuở nguyên sơ của con người, nơi thân thể và thiên nhiên còn hoà đồng. Trong quá trình rời xa thiên nhiên để bước vào phố thị, giữa cõi lạ và quen, con người luôn có cảm giác bơ vơ, lạc lõng. Tranh của Ngô Văn Sắc trong triển lãm này, dù không trực tiếp “nói ra”, nhưng cũng là hành trình hồi nhớ một miền sống tươi xanh đã qua. Để nơi đây, một cõi người vừa lạnh lùng vừa mang màu đen của khói lửa, màu nâu xám của thớ gỗ đã bị thiêu đẽo tinh vi.


Hiền Hoà






Hoài Linh với Tía ơi

Hoài Linh với Tía ơi

Dọc đường văn nghệ


Hoài Linh với Tía ơi











SGTT.VN - Ngày 1.11, bộ phim Tía ơi của đạo diễn Xuân Phước có Hoài Linh vào vai diễn một người đạp xích lô nghèo khó nhưng giàu lòng yêu thương sẽ phát hành tại hệ thống rạp toàn quốc. Khác những nhân vật mồm miệng tía lia, tay chân thoăn thoắt trong các phim trước đây, ông Hai xích lô của Hoài Linh có phần điềm đạm, hồn hậu và kiệm lời. Đây là vai diễn mà Hoài Linh muốn thay đổi phần nào hình ảnh của mình trong lòng khán giả, cho thấy anh còn có thể hoá thân vào những vai khiến khán giả phải rơi nước mắt. Các bạn diễn của Hoài Linh có Minh Nhí, Thuý Diễm, Trịnh Kim Chi...


Phạm Vi






Ngọt bùi hoa nhà quê

Ngọt bùi hoa nhà quê

Hương vị quê nhà


Ngọt bùi hoa nhà quê


SGTT.VN - Thiên nhiên xứ nhiệt đới đã ban tặng cho mỗi miền quê những loài hoa thơm quả ngọt. Và cứ như thế, mỗi mùa mỗi loài hoa khác nhau làm nên sự thảo thơm, ngọt bùi nơi thôn dã.










Hoa thiên lý làm nhiều món ăn dân dã nhưng nay đã vào thực đơn ở các nhà hàng sang trọng. Ảnh: TL



Ngó bông súng và hoa thiên lý


Buổi sáng mùa hè nào cũng vậy, trời oi bức, nơi vùng trung du, người ta đều thấy những bà bầm, bà bủ khăn mỏ quạ, áo nâu tứ thân, cắp chiếc rổ tre bên trong đựng đầy hoa thiên lý. Bầm mang ra chợ, dưới gốc đa ngồi bán. Những chùm hoa thiên lý tươi rói, vàng tựa sao trời lóng lánh trong chiếc rổ tre. Nhìn hình ảnh ấy, tôi nghĩ đến mỗi trưa hè ở quê nhà, đi làm đồng về, bên hông đeo rọ cua. Những chú cua kềnh mùa gặt béo căng, mai bóng mượt được lột bỏ cho vào cối đá giã. Bà mẹ ngồi tỉ mẩn lấy tăm tre khêu từng nhúm gạch cua trên mai của nó cho vào bát rồi bắc ghế hái những chùm hoa thiên lý vàng ươm nấu canh. Thành thử nồi canh thơm phức, ngọt lừ. Màu vàng của hoa thiên lý hoà màu nâu trắng riêu cua, màu gạch cua nổi lên, chan vào bát cơm, cắn kèm quả cà pháo giòn tan. Mỗi bữa cơm quê như thế, người ta như lùa cả hương vị, sắc màu và sự thảo thơm đồng quê vào miệng.


Ở quê, sáng nào người dân đi làm đồng dường như ai cũng đưa mắt nhìn xuống con ngòi để ngắm những bông sen bông súng đang chúm chím, toả hương khắp ngõ làng. Súng và sen mọc từ dưới bùn sâu nên chúng phải vươn dài chiếc ngó để “thắp lửa” cho những bông hoa trên mặt nước. Ai mà nghĩ tới những loài hoa này cũng là một dư vị khó quên của cư dân nông nghiệp. Đã đành cây sen, từ hoa, lá, củ, ngó của nó đều trở thành những món ăn đậm đà. Nhưng hoa súng thì khó lòng ai ai cũng biết. Những trưa hè, mấy đứa trẻ đi câu cá, quần xắn tận đầu gối, lội ra giữa ngòi, rút lên những bông súng đang nở. Sau đó, bó thành bó nhỏ vác về, đi nghênh ngang trên đường làng. Chiều về, bà mẹ quê tước bỏ vỏ ngoài của thân ngó súng, ngâm vào nước hồi lâu, sau đó cắt từng đoạn ngắn, chẻ tư, vắt chanh, muối, đường, cùng lạc rang và rau húng. Trộn đều, cho vào dĩa, vậy là thành món nộm (gỏi) thơm ngon, giòn tan. Mâm cơm vậy mà thơm lạ lùng và dân dã.


Hoa bí hoa mướp hoa quỳnh


Trên rừng cũng có khá nhiều loài hoa có thể chế biến thành món ăn. Quen thuộc nhất là hoa chuối, một loài hoa có mặt ở khắp các khu vườn, khu rừng già và là bạn thân của nông dân tự bao đời. Chuối mọc thành rừng, thành vạt, chuối trổ hoa quanh năm. Chiều về, mấy đứa trẻ chăn trâu hay mấy người dân đi hái củi không quên toòng teng bên mình đôi ba cái hoa chuối đỏ tịm. Về nhà, thái mỏng hoa chuối, ngâm nước vo gạo cho hoa ra hết nhựa, hết chất chát rồi làm nộm. Tất cả gia vị, nào chanh trong vườn, lạc rang giã nhỏ, rau mùi tàu, kinh giới, húng dũi trộn đều; kèm theo tai heo luộc thái mỏng hay xương sụn băm nhỏ. Dĩa nộm bữa cơm chiều từ hoa chuối sao ngon đến thế. Hoa chuối không chát mà giòn, ngọt, tai heo ăn lật sật quyện mùi thơm của lạc, chanh, rau mùi. Thế là nhất xứ rồi, không chỉ ngon, hoa chuối còn bổ dưỡng vì nó chứa nhiều chất dinh dưỡng trong thời kỳ nuôi quả.


Ở quê, mẹ thường hay trồng bầu bí và mướp. Mùa nào thức ấy, không gian vườn tược không thể thiếu giàn quả nơi cầu ao hay trước sân nhà. Sáng sớm, mẹ ra vườn bí để thụ phấn cho những bông hoa cái còn những bông bí đực, mẹ hái bó thành từng lọn nhỏ trông đẹp mắt; gánh hoa ra chợ bán, đi dọc bờ đê, hai bên toàn hoa bí. Loài hoa này cũng giàu dinh dưỡng nên được người dân khá ưa chuộng. Hoa bí xào với lòng gà ăn thơm bùi, hoa bí nấu cua đồng; ôi thôi nó ngọt phải biết! Còn hoa mướp nữa, ngon không kém. Kỳ thực ít ai ăn hoa mướp, nhưng đã một lần sẽ nhớ mãi. Nụ mướp nở thành từng chùm, hái xuống rửa sạch, xào hay nấu canh đều ngon đáo để.


Tuy chưa được thưởng thức nhưng từng nghe và chứng kiến người dân quê tôi dùng hoa quỳnh sau khi đã nở trong đêm, nấu cháo dùng cho người ốm. Dân gian bảo, món cực quý đó là món ăn rất bổ dưỡng, xua tan mệt nhọc.


Thế mới biết, ở quê, mỗi mùa, mỗi dư vị khác nhau. Từ những loài cây, loài hoa dân dã, đều cho những món ăn dân dã, thảo thơm và giàu dinh dưỡng.


Nguyễn Thế Lượng






Giá quảng cáo trên tivi Mỹ: bóng bầu dục vẫn là vua

Giá quảng cáo trên tivi Mỹ: bóng bầu dục vẫn là vua

Giá quảng cáo trên tivi Mỹ: bóng bầu dục vẫn là vua










Ảnh: TLCK



SGTT.VN - Năm thứ hai liên tiếp, chương trình Sunday Night Football của hãng NBC trở thành chương trình có giá bán quảng cáo đắt nhất nước Mỹ: 593.700 USD cho một spot quảng cáo kéo dài 30 giây, tăng 8,9% so với mức 545.142 USD/spot vào năm ngoái. Đây là kết quả khảo sát hàng năm của Ad Age, công ty dẫn đầu toàn cầu về quảng cáo và tiếp thị.


Sunday Night Football là chương trình diễn ra vào chủ nhật hàng tuần, tường thuật và bình luận các trận cầu đinh của giải bóng đá Mỹ chuyên nghiệp (NFL). Người Mỹ gọi trò bóng bầu dục của họ là “bóng đá kiểu Mỹ”. Nó khác với rugby, cũng là môn chơi bóng bầu dục ở châu Âu, ở một số điểm như các cầu thủ phải đội mũ bảo hiểm, độn vai...


Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp, Sunday Night Football là chương trình có rating cao nhất trong năm. Tám năm trước đó, vị trí dẫn đầu rating thuộc về chương trình truyền hình thực tế American Idol của hãng Fox. Điều này cho thấy, sau khi choáng ngợp bởi format hấp dẫn của truyền hình thực tế, người Mỹ quay lại những thú vui căn bản của họ là thể thao, là bóng bầu dục với những cầu thủ độn vai, đội mũ bảo hiểm, chạy hùng hục và không ngần ngại lao thẳng vào người nhau.


Tờ Wall Street Journal thực hiện một số khảo thí thực tế trên sân cho biết trung bình mỗi trận bóng bầu dục diễn ra trong vòng ba giờ đồng hồ nhưng chỉ có 11 phút thi đấu “thực sự”, tức là thời gian “bóng sống”, còn lại là thời gian để hai đội thay người, xếp đội hình, gằm ghè nhau. 11 phút trong số 180 phút, tức khoảng 6% thời gian là có thi đấu “thực sự”, vậy mà người Mỹ yêu thời gian vẫn thích mới lạ.


Xếp thứ hai là American Idol với giá spot 30 giây quảng cáo trung bình là 355.946 USD, giảm rất nhiều so với thời hoàng kim của nó khi những người mua quảng cáo sẵn sàng trả hơn 500.000 USD cho mỗi spot. Khảo sát của Ad Age dựa trên cả số liệu từ bảy đại lý mua quảng cáo lớn khác ở Mỹ, là một chỉ dẫn cho những thương lượng quảng cáo trong thời gian tới giữa người bán và người mua.


Leo từ vị trí thứ 8 năm ngoái lên thứ 3 năm nay là phim dạng sitcom The Big Bang Theory đang vào mùa thứ 7 của hãng CBS. Phim này được lòng các khán giả từ 18 đến 49 tuổi. Trong tốp 10, nó xếp trên các phim sitcom khác là Modern Family của kênh ABC (thứ 6) và New Girl của Fox (thứ 8). Vào năm thứ 25 trên sóng truyền hình, series hoạt hình The Simpsons của Fox vẫn chứng tỏ sức sống mãnh liệt khi xếp thứ 9. Hãng Fox có tới năm chương trình trong tốp 10 những chương trình có giá quảng cáo đắt nhất.


The Voice của hãng NBC lần đầu vào tốp 10 đã chễm chệ ở vị trí thứ 4. Chương trình công bố kết quả của The Voice được xếp ở vị trí 7. Truyền hình thực tế cuộc thi ca nhạc như American Idol và The Voice thắng cả ở show thi lẫn show công bố kết quả, cho thấy những người tạo ra format của chúng quả biết cách kiếm tiền.


Xuân Trọng






U23 thay U21 gỡ gạc sĩ diện

U23 thay U21 gỡ gạc sĩ diện

Chuyện đêm nay


U23 thay U21 gỡ gạc sĩ diện


SGTT.VN - Thật sự, dù vào đến trận chung kết giải U21 quốc tế báo Thanh Niên năm nay, thế nhưng đội U21 đã không còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình như các năm trước. Đơn giản, bóng đá không chỉ là đá bóng, ngặt nỗi các cầu thủ U21 Việt Nam đã gây thất vọng khá nhiều.










Thắng U21 Malaysia để gặp lại U21 Sydney trong trận chung kết nhưng U21 Việt Nam chỉ được coi là hoàn thành nhiệm vụ với ban tổ chức giải chứ không thể nói đáp ứng được sự mong đợi của nhiều người xem. Ảnh: Tất Đạt



Suy cho cùng, trận thắng của U21 Việt Nam trước Malaysia cũng đáng vui, nhưng là vui với người tổ chức hơn. Bởi đội U21 Malaysia gần như bó tay trước trận đấu, họ có hai cầu thủ phải nhận hai thẻ vàng, một cầu thủ nhận thẻ đỏ và hai cầu thủ trong đội hình chính thức bị chấn thương, số lượng cầu thủ mới của họ trong trận đấu được coi là quyết định của giải là 5/11. Muốn căng ra đá cũng khó.


Rất tiếc, có vẻ như chiến thắng ấy không đủ khiến người ta quên đi sự dung túng với các vi phạm kỷ luật của ban huấn luyện đội U21 Việt Nam, và cũng chẳng khiến họ tự tin hơn tí nào về chuyên môn trước trận đấu được gọi là chung kết vào chiều nay 23.10, giữa U21 Sydney và U21 Việt Nam.


Nhiệm vụ giúp người ta “tạm quên” đi U19 hoặc chí ít là chứng minh, ngoài lứa U19 ra, các lứa cầu thủ còn lại cũng tử tế, đáng xem đã bất thành với đội U21 Việt Nam nếu không nói là họ còn “tô đậm, in nghiêng” thêm sự chỉ trích. Giờ thì người ta lại chuyển sự kỳ vọng ấy sang đội U23 Việt Nam, đội bóng đang được coi là lập kỷ lục, từ lúc tập trung đến nay đã toàn thắng cả 9 trận giao hữu. Vào ngày 26.10 này, đội U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Hoàng Văn Phúc sẽ có trận đấu đầu tiên trên sân Gò Đậu – Bình Dương tại BTV Cup. Một giải đấu được coi là sẽ chất lượng hơn hẳn hai trận đấu giao hữu “lạ” mà liên đoàn Bóng đá TP.HCM đã tổ chức.


Nhiều cầu thủ U23 cũng hiểu “tình cảnh” của mình hiện nay. Không ít cầu thủ nói thật lòng là họ cảm thấy bị tổn thương khi bị đưa ra làm ví dụ để so sánh với các cầu thủ U19. Giờ, sự khó khăn trong cách nhìn nhận đánh giá từ người hâm mộ đối với họ còn khó khăn hơn, vài cầu thủ U23 khi hay tin các cầu thủ U21 vi phạm kỷ luật đã than trời.


Mọi khi, chuyện thành tích chính là cách để giảm sự chỉ trích tốt nhất. Chính vì vậy, thông tin đội U23 Myanmar và U23 Philippines không thể sang tham dự giải đấu này, thay vào đó chỉ là một câu lạc bộ của Indonesia, có thể khiến ban tổ chức hơi buồn nhưng lại là tin tốt với U23 Việt Nam. Bởi lẽ, nằm cùng bảng với U23 Việt Nam có chăng chỉ Bangu Athletico Clube đến từ Brazil được coi là khó nhằn, câu lạc bộ Semen Padang F.C và Đồng Nai bị coi là yếu hơn hẳn. Vé vào bán kết gần như được đặt sẵn cho U23 Việt Nam.


Nhưng lần này mục tiêu của thầy trò ông Hoàng Văn Phúc được “đề nghị” cao hơn chuyện thắng thua, rất cụ thể ở giải đấu này, chí ít là phải vào đến trận chung kết. Phải thắng, thắng đẹp nữa là đằng khác, nhưng quan trọng hơn, giải đấu này chính là một phần của công cuộc cải thiện hình ảnh. Trước đây, đội U23 Việt Nam đã từng bị chỉ trích là đá rất “láo”, những pha vào bóng triệt hạ, câu giờ, coi thường khán giả chẳng phải hiếm. Thế nên, ngoài chuyện lối chơi, cách chơi của từng cầu thủ, ngay cả sinh hoạt trong thời điểm diễn ra giải đấu cũng được quan tâm đến chẳng kém.


Hy vọng, đội U23 sẽ làm được điều mà U21 Việt Nam đã không thể, đó là gỡ gạc lại sĩ diện cho các lứa đội tuyển Việt Nam. Gỡ gạc lại cho VFF về khả năng quản lý, giáo dục cầu thủ chứ lẽ nào, chỉ có bầu Đức mới biết dạy cầu thủ, còn lại… “mất dạy” hết ráo.


Thảo Du






Bán nhà trên mạng bị nạn cò hành

Bán nhà trên mạng bị nạn cò hành

Bán nhà trên mạng bị nạn cò hành


SGTT.VN - Vừa đăng báo bán căn nhà ở đường Trần Phú (quận 5, TP.HCM) được chừng ba ngày, chị Trang đã đề nghị nơi đăng quảng cáo rút thông tin xuống vì không chịu được... các loại “cò”.


Từ cò trên mạng...









“Trước giờ tôi có đăng số điện thoại lên mạng làm gì đâu. Nay vì muốn bán căn nhà nên nghe lời các dịch vụ địa ốc trên mạng nên đăng thông tin. Giờ phải đổi số điện thoại vì bị làm phiền quá mức”.



Chị Trang cho biết, trước đó do có nhu cầu cần bán căn nhà nên đã treo bảng trước nhà. Tuy nhiên, cả tháng treo bảng vẫn không có người hỏi mua, ngoại trừ hàng xóm dòm ngó. Thấy vậy, chồng chị đã đến một phụ san của một tờ báo chuyên về đăng tin quảng cáo, rao vặt để đưa thông tin bán nhà. Sau khi thông tin đưa lên mạng, hàng loạt cuộc gọi đã đến với chị Trang nhưng tuyệt nhiên không có một người nào hỏi mua thật sự.

Theo chị, gần như sáng nào cũng có các nhân viên tự xưng là ở công ty môi giới này, sàn giao dịch kia xin thông tin để đăng lại trên website của họ. Tuy nhiên, nếu đồng ý đưa thông tin, chị Trang phải làm hợp đồng và nhân viên bên các công ty kia xuống để chụp hình đưa lên internet. Giá dịch vụ này dao động từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng, tuỳ trang web. “Tôi đề nghị rằng, nếu họ là công ty môi giới thì cứ dẫn khách đến và tôi chi hoa hồng sau khi bán được nhà, họ không chịu nhưng hết người này đến người khác, hết sàn này đến sàn kia muốn được làm môi giới trên mạng”, chị Trang nói.


Ngoài việc bị các trang giao dịch nhà đất làm phiền thì ông Từ Quốc Bảo (Âu Dương Lân, quận 8) bắt đầu gặp rất nhiều phiền toái từ các dịch vụ môi giới bảo hiểm, vay tín chấp, mời gia nhập câu lạc bộ VIP khách sạn... kể từ khi số điện thoại của ông được đưa lên internet. Ông Bảo nói: “Trước giờ tôi có đăng số điện thoại lên mạng làm gì đâu. Nay vì muốn bán căn nhà nên nghe lời các dịch vụ địa ốc trên mạng nên đăng thông tin. Giờ phải đổi số điện thoại vì bị làm phiền quá mức”.


Đến “cò đề, cò ăn nhậu”










Ảnh: TL



Trường hợp của chị N.T.M.T. ở quận 11 thì lại gặp dạng “cò” khác. Sau khi đăng thông tin bán khu đất ở Long An, suốt hai tháng liền chị phải chấp nhận “sống chung với cò” qua điện thoại. Đến khi có người tỏ thái độ muốn mua thật thì hoá ra đây lại là... “cò số đề”! Theo lời chị T., có một người đàn ông cho biết đã gần 60 tuổi ở Tiền Giang, đang làm trong công ty Xổ số kiến thiết, muốn mua miếng đất của chị để dưỡng già. Nghe giọng người đàn ông nói chuyện có vẻ thân tình, hứa hẹn một cuộc mua bán thuận lợi. Chị T. khấp khởi chờ đến sáng mai dẫn ông đi coi đất. Sáng hôm sau, người này gọi lại báo bận việc cơ quan đột xuất nên hẹn lại chị vào ngày khác. Cứ gọi rồi hẹn, hẹn rồi thất hẹn cho đến một ngày người đàn ông này nói có vụ áp phe vé số, muốn bán số cho chị T. đánh đề. Chỉ cần bỏ ra vài triệu cho ông ta đánh đề, nếu trúng ông ta sẽ mua đất của chị T.!


Ông Hữu Thái (ngụ tại Phan Huy Ích, Gò Vấp) thì gặp phải chuyện mà theo ông dù có nghi ngờ nhưng vẫn dính. Khi rao bán căn nhà khác của mình, ông cũng đã tiếp nhiều cuộc điện thoại hỏi thông tin. Tuy nhiên, có trường hợp có người giới thiệu tên tuổi, danh thiếp đàng hoàng khi gặp và tự xưng đã bán rất nhiều căn nhà vì ông này có nhiều mối quan hệ thuộc dạng... đại gia. Ông Thái kể rằng, người môi giới này đã không làm phiền gì ông cho đến khoảng một tuần sau khi gặp lần đầu, người này gọi ông ra quán ăn trưa rồi dẫn khách vào xem nhà, ông đồng ý. Ra đến quán, ông thấy người môi giới đang ngồi với một cặp nam nữ khác trông có dáng sang trọng cùng đồ ăn, bia bọt trên bàn. Khi gặp nhau, hai người này nói có nhã ý muốn mua nhà và ăn uống xong sẽ vào xem để đặt cọc luôn. Thế nhưng, sau khi ăn uống xong, cặp nam nữ này nói ông Thái ngồi tại quán cùng người môi giới chờ để họ đi rút tiền. Quả là câu chuyện “tào lao”! Và, người môi giới đứng dậy với lý do ra xe lấy đồ cá nhân rồi... không quay trở lại. Chờ hoài không thấy tay môi giới quay lại, điện thoại thì ò í e, tất nhiên, hoá đơn của buổi ăn uống đó ông Thái phải trả với số tiền hơn 5 triệu đồng. “Không ngờ có nhiêu đó tiền mà họ cũng lừa được mình”, ông Thái vẫn còn cay cú khi nhớ đến chuyện này.


N. Hưng – M. Cúc






Nước ngoài muốn “mua nguyên lô” nợ xấu

Nước ngoài muốn “mua nguyên lô” nợ xấu

Nước ngoài muốn “mua nguyên lô” nợ xấu


SGTT.VN - Theo thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia Lê Xuân Nghĩa, các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua số lượng rất lớn nợ xấu của Việt Nam, việc chúng ta cần là tạo ra phương thức để họ có thể tiếp cận, giao dịch một cách nhanh chóng, thuận lợi.


Ông Nghĩa cho biết, Chính phủ kiên quyết xử lý vấn đề sở hữu chéo, bởi những ngân hàng có sở hữu chéo thường có tỷ lệ nợ xấu cao nhất.


Các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua nợ xấu qua công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) hay mua trực tiếp từ các ngân hàng?










TS Lê Xuân Nghĩa. Ảnh: TL



Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, VAMC phải tập trung, nếu phân tán sẽ không có hiệu quả. Lý do, VAMC như những người đi làm ve chai, phải thu gom vào một chỗ, phân loại, rồi mới bán cho người mua, chứ các khách hàng không thể tự đi thu gom được, vì họ không biết nó ở đâu. Các nhà đầu tư nước ngoài vào đây chỉ có dăm ba chục quỹ đầu tư lớn với những đơn mua hàng tỉ, hoặc hàng trăm triệu USD, nên không thể tới từng ngân hàng thương mại để xem ông bán cái gì, tìm hiểu khối tài sản cần bán có thể nằm từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.


Ngoài ra, VAMC có một đặc quyền là có thể bán nợ xấu cho bất cứ ai mà không cần phải tham khảo ý kiến của các chủ sở hữu trước đó như các doanh nghiệp hay ngân hàng thương mại và điều đó khiến các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm, vì chỉ cần đến một cửa, đàm phán, thanh toán ở đó, làm thủ tục ở đó.


Như vậy, VAMC sẽ tạo đà để thúc đẩy thanh khoản cho thị trường nợ xấu?


Chỉ có điều, VAMC vừa mới hoạt động, họ không thể ngờ các nhà đầu tư nước ngoài lại vào nhiều như thế, thậm chí có người đặt mua ngay lập tức với giá trị rất lớn, trong khi VAMC chưa kịp phân loại hàng hoá, chưa kịp tạo ra những phiên đấu thầu về một lô lớn, nên cũng lúng túng. Mặt khác, chúng ta cũng chưa có chủ trương, phương thức mua – bán rõ ràng. Chúng ta vừa tổ chức đấu thầu bán chiếc tàu đầu tiên trong số năm chiếc tàu của Vinashin, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua năm chiếc một lúc, không qua đấu thầu. Họ không thích đấu thầu, thứ nhất vì e ngại có thể làm lộ thông tin vì đấu thầu, ngại “quân xanh quân đỏ”; thứ hai, vì họ mua có tính chất đầu cơ, cần mua nhanh, có lãi có thể bán ngay, nhưng nếu tổ chức đấu thầu mất nhiều thời gian, có thể tới 6 – 7 tháng mới bán được một chiếc tàu. Đây là những vấn đề mà tới đây khi xử lý nợ xấu chúng ta phải rút kinh nghiệm.


Theo ông, chính sách cần điều chỉnh ra sao?


Thực ra văn bản chủ chốt chúng ta đã có rồi, nằm trong luật Dân sự, luật Các tổ chức tín dụng, luật Phát mại tài sản… Vấn đề là chủ trương, cách thức làm như thế nào để người nước ngoài họ chấp nhận được. Theo kinh nghiệm quốc tế, các nước có thể bán cho nhà đầu tư nước ngoài nhiều nhất tới 60% nợ xấu, ít nhất cũng phải 30%. Nếu không có nhà đầu tư nước ngoài thì không thể làm tăng thanh khoản nợ xấu được. Nếu chúng ta xử lý chậm, bán thu hẹp cho thị trường nội địa, có thể làm toàn bộ thị trường bất động sản sụp đổ, vì sẽ chẳng có ai mua cả.


Vấn đề hậu tái cấu trúc, theo ông phải làm gì để các ngân hàng thương mại không lặp lại sai lầm dẫn tới nợ xấu?


Năm 2014, Chính phủ tập trung tái cấu trúc sở hữu tại các ngân hàng thương mại. Bởi trên thực tế, nhiều ngân hàng mà ông chủ nhà băng đồng thời là ông chủ của các tập đoàn, doanh nghiệp – có nợ xấu lớn nhất. Tại những ngân hàng này, doanh nghiệp của các ông chủ đó chiếm toàn bộ tín dụng trung và dài hạn của ngân hàng. Họ luôn tìm cách đảo nợ để duy trì nợ ở nhóm 1, nhóm 2. Qua sở hữu chéo, một nguồn tín dụng khổng lồ đã đổ vào các tập đoàn tư nhân, mà trường hợp nhiều nhất có thể lên tới 100.000 tỉ đồng, trường hợp thấp hơn là 40.000 – 50.000 tỉ đồng, và rất đông những trường hợp 5.000 – 7.000 tỉ đồng trong khi tài sản của họ chỉ còn 1.000 – 2.000 tỉ đồng. Có “đại gia” là chủ ngân hàng mà khoản vay của họ chiếm tới 43% vốn tự có của ngân hàng đó… Để lách luật, họ đứng tên con, cháu, họ hàng, người quen, qua nhiều vòng khiến cho ngân hàng không kiểm soát nổi, thậm chí ngay cả thanh tra ngân hàng Nhà nước cũng không thể kiểm soát nổi và chỉ có cơ quan điều tra mới có thể làm rõ việc đó. Quan điểm của Chính phủ là dứt khoát đuổi những ông chủ này ra khỏi hệ thống ngân hàng, tài chính. Trường hợp vi phạm nặng hơn, có thể xử lý hình sự.


Xuân Thu (thực hiện)






Cần giải quyết cái lùng nhùng của tập đoàn, tổng công ty

Cần giải quyết cái lùng nhùng của tập đoàn, tổng công ty

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch


Cần giải quyết cái lùng nhùng của tập đoàn, tổng công ty


SGTT.VN - Việc cơ quan điều tra mới đây phát hiện những vụ án tham nhũng lớn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như Vinashin, Vinalines… cũng khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại. Bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 22.10, uỷ viên thường trực uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, TS Trần Du Lịch đã trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp Thị:


Thưa ông, nhiều người dân đang tỏ ra giận dữ về mức độ tham nhũng lớn ở một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đặc biệt là vụ Dương Chí Dũng ở Vinalines. Theo ông, tình trạng tham nhũng ở khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải chăng, đang ngày càng nghiêm trọng?


Thực sự những vụ tham nhũng lớn, từ Vinashin, Vinalines và một số nơi khác ví dụ như liên quan đến ngân hàng, nông nghiệp đang được truy tố, xét xử, sẽ quyết liệt trong xử lý. Tuy nhiên, để khắc phục một cách căn cơ, tôi đã nhiều lần đề nghị kể cả từ Quốc hội khoá XII, đó là chúng ta phải công khai minh bạch hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nó phải minh bạch ít nhất bằng các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán về các hoạt động, thông tin, để có thể giám sát.


Thứ hai, tôi cũng đề nghị từ khoá XII phải xây dựng đạo luật về quản lý vốn kinh doanh nhà nước, làm rõ mối quan hệ chủ sở hữu là Nhà nước với những người quản lý ở công ty, quyền và nghĩa vụ rõ ràng, minh bạch. Đổi mới cơ chế quản lý, những cái như vậy đề xuất cho tới nay trong nhiều năm không có, chưa thực hiện. Thành ra những vấn đề căn cơ như vậy mà chúng ta chưa thực hiện, thì cũng khó có thể nói được là vấn đề chống tham nhũng là tiến bộ. Dĩ nhiên, việc trừng trị, xử lý, thanh tra, xử lý như báo cáo thanh tra là khá nhiều, nhưng tôi cho rằng phải giải quyết từ gốc vấn đề. Đây là vấn đề chậm trễ.


Theo ông, với thực tế như hiện nay, có nên đặt ra vấn đề thu hẹp mạnh hơn nữa khối DNNN chứ không thể để khối này làm “chủ đạo” hay “nòng cốt”?


Tôi cũng ủng hộ phải thu hẹp bớt số lượng các DNNN. Chủ trương của Đảng từ lâu là những loại nào Nhà nước không cần nắm giữ thì nên cổ phần hoá. Tôi thấy hoàn toàn có thể cổ phần hoá ngay một số tổng công ty, chứ không phải công ty nhỏ, và chúng ta cũng không nên nghĩ rằng do thị trường khó khăn hiện nay, thị trường chứng khoán này nọ không làm được. Dường như chúng ta chưa dứt khoát. Tôi rất tâm đắc phát biểu của Thủ tướng hôm qua, trong câu chúng ta dường như chưa có sự thống nhất cao, còn gì đó hơi lùng bùng, nhận thức vai trò của Nhà nước và vai trò kinh tế nhà nước, trong đó có DNNN.


Chính phủ cũng đã nhận ra có sự lùng bùng về nhận thức trong khối DNNN thì cách nào, theo ông, để xử lý mối lùng bùng đó?


Nhưng vấn đề của chúng ta không chỉ có Chính phủ. Tôi nghĩ phát biểu của Thủ tướng có bài học, nguyên nhân rất đáng chú ý, thế thì bây giờ giải quyết cái lùng nhùng ấy đi. Muốn giải quyết vấn đề đó phải làm rõ: Nhà nước cần giữ DNNN để làm gì, phục vụ mục tiêu gì, minh bạch, rõ ràng, cái gì là để.


Những đề xuất của ông rất hay nhưng từ Quốc hội khoá XII đến giờ không được thực hiện thì theo ông, nó có những cản trở nào?


Tôi không rõ nhưng mà tôi không dám suy diễn cái gì cả, phát biểu của Thủ tướng tôi thấy dường như cái gì đó chưa rõ ràng. Hay là có thể, bây giờ các bộ ngành, chủ quản các doanh nghiệp không muốn nhả ra!


Khi nghe kết quả điều tra việc ông Dương Chí Dũng tham nhũng, kê khống tiền mua tài sản doanh nghiệp rồi lấy tiền mua nhà cho bồ nhí, cá nhân ông có cảm giác thế nào?


Cái đó liên quan đến công tác cán bộ, do lỏng lẻo cơ chế trong công tác cán bộ, đó là suy đồi đạo đức, thường tham nhũng gắn liền với suy đồi đạo đức. Tôi cho là sự suy đồi quá lớn, hư hỏng.


Ở nhiều nước trên thế giới, Quốc hội của họ còn trực tiếp giám sát, kiểm tra các tập đoàn, có quyền buộc lãnh đạo các tập đoàn phải báo cáo. Theo ông, ở ta cũng nên làm như vậy?


Tôi cũng có nghiên cứu vấn đề này. Tập đoàn, tổng công ty lớn ở các nước, điều lệ hoạt động có tính chất đạo luật, phải báo cáo trực tiếp cho Quốc hội, vì chính cơ quan Quốc hội mới là đại diện chủ sở hữu. Ngay cả bán cổ phần, làm ăn thế nào Quốc hội quyết, thậm chí đầu tư… Mình đang dần dần tiến tới việc quy định, hoạt động trong một số lĩnh vực quan trọng, phải báo cáo, ít ra cũng là Uỷ ban thường vụ Quốc hội, thường xuyên để giám sát hoạt động đó, quyết định cả việc đầu tư, không đầu tư, chứ không phải như chúng ta đang làm hiện nay. Những kỳ trước tôi nhớ có năm bổ sung vốn cho tập đoàn dầu khí là 3.500 tỉ đồng, bằng lợi nhuận, bằng tiền khai thác dầu, nhưng bổ sung xong giờ hoạt động ra sao không ai báo cáo cả.


Theo ông có nhiều vấn đề tiêu cực trong khối tập đoàn, tổng công ty nhà nước như vậy, còn do các nguyên nhân nào?


Nếu như đầu tiên minh bạch báo cáo, thông tin thì làm gì có chuyện lùng bùng. Như những câu chuyện ở tập đoàn Điện lực (EVN) mới đây do Thanh tra Chính phủ phát hiện thì đó là do không minh bạch. Tôi nghĩ quan trọng nhất là minh bạch. Muốn quản lý hiệu quả, giám sát được thì phải tổ chức làm sao giống như anh làm việc trong phòng có kính trong suốt, ai đi qua cũng nhìn thấy anh đang làm hay anh đang chơi. Đối với các tổ chức của nhà nước đòi hỏi phải là như vậy, phải có kính trong suốt như phòng pha lê, để người ta đi bên ngoài, xin lỗi, biết anh đang làm việc hay ngồi giũa móng tay, thế thôi. Còn bây giờ, với các đơn vị đó, cơ quan thanh tra, điều tra muốn vào phải gõ cửa thì làm sao thấy được, giám sát cái gì?


Theo ông, công tác giám sát của Quốc hội với các tập đoàn lớn hiện nay có được tốt?


Làm sao giám sát được (khi chỉ) đi tới một bữa, nghe báo cáo.


Mạnh Quân (thực hiện)









THANH TRA, KIỂM TOÁN KHÔNG PHÁT HIỆN ĐƯỢC THAM NHŨNG


Theo tin từ Văn phòng Quốc hội (QH) ngày 22.10, uỷ ban Tư pháp của QH đã chuyển đến các ĐBQH kết quả giám sát về tình hình chấp hành pháp luật trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ tại bảy tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương, Quảng Bình. Theo đó, ngay trong khâu giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) liên quan đến tham nhũng hiện nay, vẫn còn tình trạng kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn, né tránh gây bức xúc trong nhân dân. Tỷ lệ số vụ việc tham nhũng phát hiện thông qua giải quyết KNTC còn rất thấp. Trong lĩnh vực thanh tra, nhiều tỉnh, thành phố hàng năm tiến hành rất nhiều cuộc thanh tra, phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý nhà nước với thất thoát nhiều tỉ đồng, nhiều hecta đất, nhưng lại không phát hiện được tham nhũng hoặc có phát hiện được thì rất ít. Tuy nhiên, sau đó báo chí, cơ quan điều tra lại phát hiện ra (Vinashin, Vinalines). Theo uỷ ban Tư pháp của QH, “mặc dù vậy, các đoàn thanh tra, kiểm toán, thanh tra viên, kiểm toán viên… lại không bị xem xét trách nhiệm và không phải chịu trách nhiệm về việc thanh tra, kiểm toán nhiều nhưng không phát hiện ra tham nhũng”. Trong điều tra, việc xử lý đối với nhiều vụ án về tham nhũng, chức vụ còn kéo dài từ 2 – 3 năm, thậm chí có vụ sau 12 năm mới đưa ra xét xử được, gây bức xúc trong nhân dân”. Ngành toà án cũng không có tiến bộ nhiều. Tình trạng áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nhiều lần để xử dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ còn chiếm tỷ lệ cao, có nơi việc tuyên dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc cho hưởng án treo chiếm tới 80%, thậm chí là 100%.


Hà Giang







Đồng hồ thông minh thắng được đồng hồ cổ điển?

Đồng hồ thông minh thắng được đồng hồ cổ điển?

Đồng hồ thông minh thắng được đồng hồ cổ điển?


SGTT.VN - “Bạn sẽ phấn khích đến mức nào khi anh bồ của bạn tặng bạn một chiếc đồng hồ thông minh thay vì một chiếc đồng hồ nạm kim cương?” Người đặt câu hỏi là tỉ phú Johann Rupert, người sáng lập tập đoàn Richemont sản xuất và phân phối đồ xa xỉ lớn thứ ba thế giới, hiện đang phân phối đồng hồ cho 13 thương hiệu nổi tiếng như Cartier, Vacheron Constantin. Và ông tự trả lời: “Tôi không tin đồng hồ thông minh gây tác động xấu đến doanh thu của thị trường đồng hồ cổ điển”.










Smartwatch có thể là phần thêm vào bộ sưu tập công nghệ chứ không thể thay thế được một cái Omega. Ảnh: TLCK



Ước tính 1 triệu đồng hồ thông minh (smartwatch) như iWatch của Apple hay Galaxy Gear của Samsung sẽ được bán trong năm nay, và con số này lên đến 7 triệu trong năm 2014. Công ty nghiên cứu thị trường Sanford Berntein dự báo doanh thu của iWatch sẽ tăng từ 2,3 tỉ USD lên 5,7 tỉ USD sau một năm được tung ra thị trường.


“Những nhà sản xuất đồng hồ Thuỵ Sĩ không nên nói quá sớm về khuynh hướng tiêu dùng mới sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến họ”, Andreas Hofer thuộc công ty tư vấn Boston Consulting Group ở Zurich phản pháo, “Họ nên khiêm tốn một chút”. Hofer thường xem giờ giấc qua chiếc iPhone của mình.


Ngành sản xuất đồng hồ đã qua nhiều phen điêu đứng. Khi công nghệ quartz (thạch anh) ra đời vào những năm 1970, người tiêu dùng bỏ đồng hồ cơ (lên dây cót bằng núm vặn hoặc tự lên dây cót bằng chuyển động của tay) chuyển sang đồng hồ quartz, khiến cho số người làm việc trong ngành chế tác đồng hồ ở Thuỵ Sĩ giảm từ 900.000 người năm 1970 xuống còn 30.000 người năm 1984. Số công ty sản xuất đồng hồ giảm từ 1.600 năm 1970 xuống còn 600 ngày nay.


Đồng hồ quartz rẻ và tin cậy hơn. Ngay cả những đồng hồ cơ đắt nhất hiện nay cũng chạy chậm vài giây mỗi tuần, và cần được bảo hành hàng năm. Tuy nhiên, đồng hồ cơ vẫn có thị trường riêng. Năm ngoái, đồng hồ cơ chiếm 1/3 trong số 58 tỉ USD doanh thu của ngành đồng hồ trên toàn cầu. Cũng năm ngoái, lượng đồng hồ xuất khẩu của Thuỵ Sĩ tăng 11% lên doanh thu kỷ lục 23,7 tỉ USD. Những chiếc đồng hồ tinh xảo từ Thuỵ Sĩ vẫn là thứ đồ mê hoặc với giới nhà giàu: Chiếc Sky Moon Tourbillon của nhà Patek Philippe có giá 1,3 triệu USD, chiếc Aeternitas Mega 4 của nhà Franck Muller có giá 2,9 triệu USD.


Những nhà sản xuất đồng hồ Thuỵ Sĩ tin tưởng việc làm ăn của họ tiếp tục phát đạt, bởi một chiếc smartwatch có thể là phần thêm vào bộ sưu tập công nghệ chứ không thể thay thế được một chiếc Rolex giá 5.000 USD. “Chiếc Rolex sẽ thay lời muốn nói của bạn về việc bạn là ai. Bạn không thể có yếu tố tương tự với chiếc smartwatch”, Jon Cox thuộc hãng phân tích thị trường Kepler Cheuvreux ở Zurich, nhận xét. Cox cũng đúng khi cho rằng những nhãn hiệu đồng hồ tầm thấp và trung giá từ 200 – 400 USD sẽ gặp nguy hiểm với smartwatch.


Một số người như Michel Keusch thuộc công ty quản lý tài sản Bellevue AG nắm nhiều cổ phiếu của tập đoàn Richemont cho rằng chỉ riêng ý niệm của smartwatch đã có vấn đề. “Bạn phải sạc pin hàng ngày, các tính năng của nó chẳng có gì nổi trội, bạn đã có smartphone làm mọi thứ rồi”. Keusch cho rằng những tín đồ công nghệ sẽ cố gắng kiếm một chiếc smartwatch về dùng trong cơn say công nghệ rồi sau đó quẳng nó đi, giống như những chiếc đồng hồ có máy tính được sản xuất những năm 1980.


Năm 2003, Microsoft hợp tác với các hãng đồng hồ Fossil và Citizen cho ra những chiếc đồng hồ có thể nhận các thông tin như tin nóng, thể thao, thời tiết, chứng khoán. Hai hãng đồng hồ Swatch và Tissot cũng kết hợp với công ty về phần mềm cho ra sản phẩm tương tự vào năm 2004. Nhưng đến năm 2008, tất cả rút hết khỏi thị trường.


Đ. Hiệp






Hài kịch giữa phi đạo

Hài kịch giữa phi đạo

Phiếm


Hài kịch giữa phi đạo


SGTT.VN - Trên một phi trường nội địa sáng nay, dù hành khách đã ra tới chân cầu thang máy bay nhưng nhiều người không chịu lên, cứ nghiêng ngó tìm gì đó. Cô tiếp viên ra vẻ thông hiểu, trấn an:


- Thôi nào, quý khách lên đi, em cam đoan trên chuyến bay hôm nay không có… Lý Nhã Kỳ.


Một hành khách lắc đầu:


- Cô hiểu lầm rồi. Chúng tôi không sợ dư cô đại sứ, mà chỉ sợ máy bay thiếu chi đó, như… cái bánh chẳng hạn!


Sau đó, hành khách tự phân công nhau đi kiểm tra từng bánh xe, có người còn cẩn thận đếm xem cánh quạt có thiếu cái nào hay không. Thấy mọi thứ vẫn đầy đủ, hành khách lục đục kéo lên máy bay. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy máy bay lăn bánh, mọi người lại nhốn nháo:


- Hay cơ trưởng đi mua hàng chưa về?


- Khùng! Đây là tuyến bay nội địa, ai thèm buôn lậu!


Có hành khách:


- Tôi biết nè: cơ trưởng bận đi kiếm cái bánh rớt hôm trước về nộp!


Đang ồn ào thì chợt có tiếng loa:


- Mong quý khách thông cảm, do chờ đợi quá lâu nên cơ trưởng tranh thủ chợp mắt tí ấy mà. Xin quý khách thắt dây an toàn để máy bay chuẩn bị cất cánh. Lưu ý: đây là chuyến bay không hút thuốc, đủ bánh xe và dư thừa lời xin lỗi!


Hành khách vỗ tay:


- Hoan hô! Tới luôn bác tài!


Người già chuyện






Khảo cổ học các đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa

Khảo cổ học các đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa

Khảo cổ học các đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa


SGTT.VN - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam vừa ký kết thoả thuận chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn với tỉnh Khánh Hoà, giai đoạn 2013 – 2018.


Theo đó, viện sẽ giúp Khánh Hoà điều tra, đánh giá và xây dựng một số đề án cụ thể hoá quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh theo hướng bền vững, phù hợp với đặc thù, thế mạnh biển đảo của địa phương; phối hợp triển khai một số đề án điều tra, đánh giá, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử của địa phương để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá…


Tại lễ ký kết, Khánh Hoà đã đề xuất trong năm 2014 tỉnh và viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam triển khai sớm một số đề tài cấp tỉnh, trong đó có tổ chức điều tra, thám sát khảo cổ học các đảo nổi và khảo cổ dưới nước một số đảo chìm tại huyện đảo Trường Sa. Bên cạnh đó, hai bên phối hợp trưng bày các tư liệu, hiện vật về văn hoá biển, đảo của Khánh Hoà qua các thời kỳ lịch sử, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước...


Tuấn Giang






Bán đấu giá bộ xương khủng long 150 triệu năm

Bán đấu giá bộ xương khủng long 150 triệu năm

Bán đấu giá bộ xương khủng long 150 triệu năm











SGTT.VN - Ngày 27.11 tới, tại triển lãm đấu giá Summers Place ở West Sussex của nước Anh, bộ xương khủng long Diplodocus có niên đại 150 triệu năm sẽ được đưa ra bán đấu giá với mức khởi điểm 600.000 bảng Anh (khoảng 20,5 tỉ đồng).


Theo Washington Post, bộ xương khủng long Diplodocus có tên Misty, với chiều dài 16,76m, cao 5,79m (ảnh), được tìm thấy bởi Raimund Albersdoerfer – nhà khảo cổ chuyên “săn” khủng long nổi tiếng thế giới – tại một mỏ đá ở Wyoming (Mỹ) vào năm 2009. Đây là bộ xương khủng long Diplodocus hoàn chỉnh cực hiếm vì phần lớn các bộ phận còn nguyên vẹn, được lưu giữ tại một phòng thí nghiệm hoá thạch ở Hà Lan trước khi chuyển đến lắp ghép hoàn chỉnh tại Anh. Erroll Fuller, người phụ trách buổi bán đấu giá cho biết, chỉ có sáu bộ xương tương tự như thế ở các bảo tàng trên thế giới.


Diplodocus là chi khủng long thuộc cận bộ Sauropoda và họ Diplodocidae, sống ở vùng nay là Tây Bắc Mỹ vào cuối kỷ Jura. Loài khủng long này đứng bằng hai chân sau để kiếm ăn ở những cây cao.


Lê Sơn






Nhậu con đuông... hại cây dừa

Nhậu con đuông... hại cây dừa

Bến Tre:


Nhậu con đuông... hại cây dừa


SGTT.VN - Đuông dừa là loài côn trùng ký sinh trên đọt có khả năng giết chết cây dừa tại nhiều vùng trồng chuyên canh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chính vì vậy nó là “kẻ thù” của người trồng dừa. Tuy nhiên gần đây, nhộng đuông dừa trở thành món khoái khẩu, món đặc sản phục vụ thực khách trong các nhà hàng hạng sang, đuông dừa trở thành đối tượng nuôi của một vài hộ dân ở xứ dừa Bến Tre.











Ông Nguyễn Tấn Đắc, phó chủ tịch hiệp hội Dừa Bến Tre xác nhận: “Có nghe thông tin phong trào nuôi đuông dừa đang lan rộng ở Bến Tre,” nhưng cá nhân ông Đắc cũng chưa được nhìn thấy các mô hình nuôi loài côn trùng gây hại trên cây dừa này. Ông Nguyễn Văn Tuyến, phó chủ tịch UBND xã Lương Hoà (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) cho biết: “Tại địa phương cũng đã có thông tin về việc người dân gây nuôi con đuông dừa với mục đích kinh tế, tuy nhiên, chỉ có một trường hợp thừa nhận họ đang đầu tư nuôi”. Theo ông Tuyến, có thể còn một số hộ dân khác cũng đang nuôi nhưng họ không khai báo, bởi mới đây, cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản gởi sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre và các tỉnh ĐBSCL yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, thu gom, tiêu huỷ toàn bộ; xác định nguồn gốc con giống để xử lý theo luật. Theo cục Bảo vệ thực vật, đuông dừa là loài nguy hiểm trên cây dừa, nên bị nghiêm cấm nhân nuôi, buôn bán dưới mọi hình thức theo điều 7 của pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2011.


Ông Huỳnh Văn Hoanh, người trồng dừa ở xã Lộc Thuận (huyện Bình Đại) cho biết: “Trước đây con đuông sau khi làm chết những cây dừa, nhộng đuông phát triển thành kiến dương (đuông dừa trưởng thành) phát tán tự nhiên, nhưng nay nhộng đuông dừa bán được 5.000 – 10.000 đồng/con, nên khi phát hiện cây dừa chết do đuông, người ta nhanh tay chẻ ngọn dừa ra, bắt sạch”. Do đuông tự nhiên không đáp ứng đủ cho nhu cầu ẩm thực, nên người dân tỉnh Bến Tre đã tìm cách gây nuôi đuông với mục tiêu kinh tế. Đã có những mô hình nuôi đuông “công nghiệp”, nuôi nhốt trong các thùng, xô nhựa, toàn khu vực nuôi quy mô vài chục thùng được bao kín bằng lưới nilon. Thức ăn nuôi là cám tự chế trộn với các bã mía, cọng bẹ dừa xay nát thay vì củ hủ dừa là môi trường sinh sản, phát triển của đuông dừa trong tự nhiên. Hỗn hợp nuôi nhân tạo này vừa là nguồn thức ăn, vừa làm nơi trú ẩn, tránh ánh sáng của ấu trùng, nhộng đuông. Phong trào nuôi đuông phát triển rộ từ cuối năm 2012, nhất là khi giá dừa khô nguyên liệu giảm thấp dưới 1.000 đồng/trái.


Hiện nay, có người nuôi đuông dừa theo “mô hình” gần giống với tự nhiên bằng cách thả nhiều ấu trùng đuông (con giống) vào các củ hủ dừa thu gom được với giá khoảng 30.000 – 50.000 đồng/củ hủ dừa. Sau từ hai đến ba tháng nuôi, có thể cho thu hoạch 1 – 2kg/ổ đuông (củ hủ dừa) tuỳ độ lớn củ hủ dừa – môi trường nuôi, và mật độ thả giống. Sản lượng nhộng khi thu hoạch sẽ được các đầu mối từ TP.HCM thu gom theo đặt hàng. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ với một đầu mối cung ứng tại TP.HCM, đại diện của đơn vị này cho biết: “Chỉ thu gom đuông dừa có nguồn gốc tự nhiên!”


Ngọc Tùng






Biển cứu hộ đã được dựng lên

Biển cứu hộ đã được dựng lên

Biển cứu hộ đã được dựng lên


SGTT.VN - Sau đợt triều cường lịch sử tháng 10.2013, ở trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) một trong những điểm ngập nặng nhất của thành phố, chính quyền quận 7 đã dựng lên biển thông tin cứu hộ cứu nạn khi có sự cố khẩn cấp.


Ảnh chụp vào lúc 15 giờ 20 phút ngày 22.10 tại góc đường Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Qùy, quận 7, TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Vinh.















Nhiều doanh nghiệp châu Âu sẽ đổ vào Việt Nam đầu tư

Nhiều doanh nghiệp châu Âu sẽ đổ vào Việt Nam đầu tư

Nhiều doanh nghiệp châu Âu sẽ đổ vào Việt Nam đầu tư


SGTT.VN - Ngày 21.10.2013, phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã ký quyết định tài trợ 4 triệu euro thành lập trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) châu Âu đầu tư vào Việt Nam. Phòng thương mại và công nghiệp Pháp là tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện dự án. Dự kiến trung tâm này sẽ chính thức khai trương hoạt động vào ngày 12.11.2013 nhân dịp đoàn Ủy ban châu Âu và các DNVVN châu Âu đến TP.HCM xúc tiến đầu tư.










Họp báo công bố trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: Các Ngọc



Ông Franz Jessen, đại sứ - trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết sự hội nhập kinh tế ở Đông Á đang diễn ra mạnh mẽ, khu vực này đang tiếp nhận ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển địa bàn sản xuất, kinh doanh đến, nhất là đối với những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam. Rất nhiều DNVVN EU đang muốn vào Việt Nam đầu tư. Để hỗ trợ các DNVVN EU rút ngắn thời gian và chi phí tìm hiểu môi trường đầu tư, các thủ tục pháp lý, liên hệ với các cơ quan chức năng trong những lĩnh vực nhà đầu tư quan tâm, cũng như tìm các đối tác, nhà cung cấp, giúp việc thiết lập hoạt động nhanh chóng, phái đoàn Liên minh châu Âu đã quyết định chi bốn triệu euro thành lập trung tâm Hỗ trợ DNVVN EU đầu tư vào Việt Nam. Vai trò của trung tâm như một bên thuận lợi hóa cho doanh nghiệp EU khi vào làm ăn tại Việt Nam.


Không khẳng định sẽ tạo nên một làn sóng DNVVN EU, nhưng ông Pierre – Jean Malgouyres, chủ tịch phòng Thương mại và công nghiệp Pháp – đơn vị thực hiện dự án, nhận thấy trung tâm hỗ trợ sẽ tạo động lực cho rất nhiều doanh nghiệp EU đầu tư vào Việt Nam trong năm năm tới. Đầu tiên, đoàn DNVVN EU đến vào tháng 11 tới sẽ quan tâm đầu tư hoặc hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, hóa chất và dược phẩm.


Đại điện phòng Thương mại và công nghiệp Ý cho biết các doanh nghiệp Ý hoan nghênh việc thành lập trung tâm vì họ đang muốn đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh. Cuối năm 2013, tổng lãnh sự Ý sẽ mở văn phòng tại TP.HCM để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và công dân Việt làm ăn hay du lịch Ý có visa thuận lợi hơn.


Ông Franz Jessen nhấn mạnh thêm, trung tâm Hỗ trợ DNVVN EU cũng góp phần thúc đẩy tiến trình ký kết hiệp định tự do hóa thương mại (FTA) Việt Nam – EU mà trong tháng 11.2013 sẽ diễn ra vòng đàm phán thứ năm tại Việt Nam. Khi FTA Việt Nam – EU được ký kết, ông tin sự dịch chuyển cơ sở sản xuất từ EU sang Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn.


Các Ngọc






Nghi án não của John Kennedy bị em trai đánh cắp

Nghi án não của John Kennedy bị em trai đánh cắp

Nghi án não của John Kennedy bị em trai đánh cắp


SGTT.VN - Khoảng 3 năm sau khi các chuyên gia pháp y tiến hành khám nghiệm tử thi vào năm 1963, não của Tổng thống Mỹ bị ám sát John F.Kennedy (JFK) đã biến mất một cách bí ẩn khỏi nơi bảo quản là Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ.


Theo cuốn sách mới có tựa Những ngày cuối cùng: Vụ ám sát John F.Kennedy của tác giả James Swanson, thủ phạm không ai khác chính là em trai của tổng thống, cựu bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy.


Theo đó, trong lúc mổ xác JFK, não được đặt vào thùng chứa và được cất giữ tạm thời tại Cơ quan Mật vụ trước khi chuyển sang Cục Lưu trữ quốc gia cùng các chứng cứ pháp y khác. Thế nhưng, “vào tháng 10.1966, người ta phát hiện bộ não, các lát mô và những vật liệu khám nghiệm tử thi đã biến mất, giống như thể chúng chưa bao giờ được đặt vào đó”, tờ The New York Post dẫn lời ông Swanson.










Theo cuốn sách mới có tựa Những ngày cuối cùng: Vụ ám sát John F.Kennedy của tác giả James Swanson, thủ phạm không ai khác chính là em trai của tổng thống, cựu bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy. Ảnh: Nationalenquirer.com



Bộ trưởng Tư pháp lúc đó là Ramsey Clark đã ra lệnh điều tra vụ việc. Dù không lấy lại được bộ não của JFK, cuộc điều tra thu thập được “bằng chứng thuyết phục” cho thấy ông Robert Kennedy đã đánh cắp chứng cứ với sự hỗ trợ của trợ lý Angie Novello, theo Swanson.


Một số người cho rằng bộ não bị đánh cắp nhằm che giấu việc ông JFK bị bắn từ phía trước chứ không phải từ phía sau như kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, tác giả Swanson suy đoán mục đích của ông Robert Kennedy là nhằm che giấu tình trạng bệnh tật hoặc dấu vết tổn thương não do dùng quá nhiều loại thuốc của người anh trai.


TNO






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ