Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Lễ hội xe scooter lớn nhất thế giới

Lễ hội xe scooter lớn nhất thế giới

Lễ hội xe scooter lớn nhất thế giới


SGTT.VN - Hàng ngàn tay lái xe gắn máy hoài cổ đang muốn quay lại thập niên 1960 vào tuần qua trong một lễ hội xe scooter lớn nhất thế giới trên tiểu đảo Wight (Anh).


Lễ hội này diễn ra hằng năm vào tháng 8 từ năm 1980 tại thành phố Ryde của đảo Wight.


Khởi Thức (Daily Mail)










Hàng ngàn tay lái xe scooter quy tụ về đảo Wight để tham dự lễ hội xe scooter lớn nhất thế giới Ride Out.











Lễ hội trở thành một chuyến du lịch đám đông gồm cả tay lái trẻ lẫn già.




















Đây là thế hệ sắp tới của dân Mod (dân chuyên chơi xe scooter của thập niên 1960): Trẻ em cũng tham gia lễ hội.











Còn phải có đủ lệ bộ thời trang gắn theo người và xe.











Nơi quy tập đủ lại Vespa và Lambretta cổ điển cho đến những đời xe hiện đại.











Lambretta từng là thứ thời thượng đối với nhiều thế hệ, trở thành lực lượng chính của lễ hội.











Lambretta và Vespa là những chiếc scooter có nguồn gốc Ý, và có những tay lái đội nón mang màu cờ Ý.











Khoảng 140.000 người tham gia tạo nên một biển sắc màu.











Cũng có những đám cưới biểu diễn ở lễ hội với sắc màu bạc hà.











Một kẻ si Lambretta với hình xâm chiếc xe sau ót.







Tháng 8 tồn kho đồ uống tăng cao

Tháng 8 tồn kho đồ uống tăng cao

Tháng 8 tồn kho đồ uống tăng cao


SGTT.VN - Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số tồn kho tại thời điểm đầu tháng 8.2013 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9% so với cùng kỳ năm 2012.


Trong đó, chỉ số tồn kho sản xuất đồ uống tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước, giấy và sản phẩm từ giấy tăng 25,1%, sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 22%.


Tuy nhiên, cũng có một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hoặc giảm là sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,4%, sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 2,1%; sản xuất thuốc lá giảm 0,3%.


Tính chung cả tám tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó ngành khai khoáng tăng 0,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,5%.


Phapluattp.vn






HAGL tuyên bố tháo chạy khỏi BĐS Việt Nam

HAGL tuyên bố tháo chạy khỏi BĐS Việt Nam

HAGL tuyên bố tháo chạy khỏi BĐS Việt Nam


SGTT.VN - "Tôi cho rằng đây không phải là một hướng đi thông minh mà là một hướng đi thiếu chuyên nghiệp", ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết.


Tháng 6.2013, sau khi công bố dư nợ từ các dự án BĐS, Hoàng Anh Gia Lai quyết định bán sáu dự án thủy điện và hai dự án đang xây dựng bất động sản mà công ty đã và đang đầu tư.


Việc bán các dự án thủy điện này giúp giảm nợ vay 1.876 tỷ đồng và mang lại doanh thu 2.099 tỷ đồng cho Hoàng Anh Gia Lai.


Việc Hoàng Anh Gia Lai quyết định "đầu hàng" thị trường BĐS tại Việt Nam được coi như một cuộc tái cấu trúc ngành BĐS. Bởi lẽ ông Đức cho rằng: "Hoàng Anh Gia Lai tạm thời bỏ ngỏ thị trường BĐS Việt Nam vì càng làm càng lỗ".


Theo giải thích của ông Đoàn Nguyên Đức, chỉ những phân khúc đầu tư cho nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp may còn trông chờ chút lãi. Nếu đầu tư vào phân khúc nhà ở thương mại và nhà ở cao cấp thì không mong thu được vốn.










Hoàng Anh Gia Lai quyết định "đầu hàng" thị trường BĐS tại Việt Nam. Ảnh: hagl.com.vn



Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng thừa nhận thị trường BĐS trong nước không có dấu hiệu phục hồi và họ sẽ tập trung chủ yếu vào đầu tư BĐS ở nước ngoài.


Ông Đức cho biết, riêng dự án bất động sản tại Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai sẽ tách các công ty con sở hữu các dự án căn hộ ra khỏi tập đoàn, chỉ giữ lại dự án tại Myanmar và một số dự án trực thuộc Công ty Phát triển nhà Hoàng Anh.


Trước tuyên bố sẽ rút ra khỏi thị trường BĐS Việt Nam để đầu tư ra nước ngoài của Chủ tịch Tập đoàn HAGL, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành đánh giá:


"Tôi cho rằng đây không phải là một hướng đi thông minh mà là một hướng đi thiếu chuyên nghiệp. Chúng ta đã làm một ngành nghề gì thì phải có một sự chuyên nghiệp về ngành nghề đó.


“Ví dụ sau 1.9, thị trường hàng không hết phép thì phải chuyển sang làm thị trường hàng không giá rẻ, các hãng hàng không phải tranh thủ nghiên cứu thị trường. Chứ không phải là bay không được thì chuyển sang đi tàu hoả, công ty sản xuất máy bay không được thì chuyển sang sản xuất tàu ngầm. Không như vậy được.


“Chuyên nghiệp là phải sống chết với nghề và biến khó khăn trong nghề đó thành một loại sản phẩm khác, chứ không phải bỏ chạy."


Theo ông Đực: "HAGL muốn bỏ chạy cũng không dễ. Toàn bộ BĐS nằm ở đây nhưng bán cho ai? Nên nhớ trước đây HAGL từng tuyên bố, ai muốn bán dự án, HAGL mua. Nhưng cuối cũng HAGL có mua được của ai đâu?".


"Bây giờ ngược lại, HAGL tuyên bố bán nhưng có bán được đâu? Rõ ràng hơn một năm trước HAGL rất kiêu ngạo, ai cần thì mua, nhưng mua với giá rẻ, chèn ép người khác nên người ta không thể bán được.


“Giờ đến phiên HAGL bán dự án thì ai là người mua? Và mua với giá bao nhiêu? Của anh 10 đồng, người ta mua 3 đồng được không?".


Đánh giá hành động "khua chiêng gõ trống" rút khỏi thị trường BĐS của HAGL, TS. Alan Phan nhận định: "Tôi không biết HAGL còn bao nhiêu dự án tại Việt Nam và thanh khoản của HAGL tại những dự án này như thế nào.


“Nhưng có một điều tôi thấy hơi lạ, là thường thường khi một doanh nghiệp tháo chạy như vậy sẽ im lặng để thị trường không xáo động, để người ta lặng lẽ mà chuồn."


"Còn bây giờ, trong một cái rạp hát, ông muốn chuồn mà ông lại la làng lên rồi ông chạy thì có thể gây ra một sự hoang mang lớn cho thị trường và cho đám đông ở xung quanh.


“Đây chỉ là một nhận xét của tôi thôi, chứ như tôi đã nói, tôi không có những thông tin chi tiết về HAGL để mà bàn sâu về vấn đề này", TS. Alan Phan cho hay.


Trước tình trạng dự án hoàn tất nhưng bán không được dẫn đến hàng tồn kho tăng lên trong khi vẫn phải trả lãi suất, đáo hạn ngân hàng, không chỉ có HAGL mà hàng loạt doanh nghiệp BĐS lớn nhỏ khác cũng đang từng bước "rút chân" khỏi thị trường BĐS.


“Liệu đây có phải là xu hướng cho các doanh nghiệp BĐS từ giờ đến cuối năm nay?.


Theo Trí Thức Trẻ






Nhiễm giun, sán: mối nguy đâu chỉ bởi ốc dừa

Nhiễm giun, sán: mối nguy đâu chỉ bởi ốc dừa

Sống khoa học


Nhiễm giun, sán: mối nguy đâu chỉ bởi ốc dừa


SGTT.VN - Cuối tuần qua, đoạn clip với hình ảnh một nùi sán bò lúc nhúc trong những con ốc dừa lan truyền liên tục trên các trang mạng xã hội. Cùng với đó là những khuyến cáo tẩy chay món ăn này. Từ góc độ chuyên môn, các chuyên gia cho rằng sán trong ốc dừa là chuyện… bình thường, và không phải tẩy chay ốc dừa thì trừ khử được nguy cơ nhiễm sán nếu ăn uống không đúng cách.










Đoạn clip “ốc dừa lúc nhúc sán” được đưa lên mạng xã hội bởi một người có nickname Sang Nguyen. Người này cho biết: “Hình ảnh và clip là người thật việc thật luôn nhé. Mua 2kg ốc dừa về luộc mới vừa lể vài con thì thấy cái gì lạ lạ. Xem kỹ thì thấy “cái đó” nó nằm sau đuôi con ốc dừa. Sẵn điện thoại đang cầm trên tay quay clip và chụp ảnh lên cho ai là fan ốc dừa xem chơi… cho đỡ thèm”. (Ảnh chụp lại từ YouTube)



Có tới… 350 loài ốc có liên quan!


BS Nguyễn Võ Hinh, thầy thuốc ưu tú, viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Quy Nhơn cho biết ốc nước ngọt là vật chủ trung gian thường gắn liền với các bệnh sán nhiễm qua đường thức ăn gây bệnh ở gan, phổi, ruột người và động vật. Ước tính có tới 350 loài ốc có liên quan đến sức khoẻ con người và động vật. Ốc có thể được phân chia thành hai nhóm chính: ốc thuỷ sinh chỉ sống được dưới nước và ốc lưỡng cư sống được cả trên cạn. Trong đó, nhiều loài là vật chủ trung gian của các loài sán ký sinh ở người như: ốc mút (Melanoides tuberculatus) là vật chủ trung gian của sán lá gan và sán lá phổi; ốc vành tai (Lymnaea swinhoei), ốc chanh (Lymnaea viridis) là vật chủ trung gian của sán lá gan lớn; ốc nhỏ thuộc giống Tricula aperta là vật chủ trung gian của sán máng... “Mỗi loài sán phát triển trong một loại ốc đặc trưng. Ấu trùng đuôi phát triển ở ốc và cũng có thể bơi lội tự do trong nước, sau đó bám vào một vật chủ trung gian thứ hai hoặc những cây thuỷ sinh để tạo thành nang. Những vật chủ hoặc cây thuỷ sinh này thường là thức ăn của con người như rau cải xoong, rau ngổ, ngó sen, cá hoặc loài giáp xác. Nếu người ăn phải thực phẩm có nang sán, ấu trùng nang phát triển thành sán trưởng thành và gây bệnh”, BS Hinh nói.


Tái hay sống cũng đầy nguy cơ


Theo ThS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, trưởng khoa nội tiêu hoá bệnh viện nhân dân 115, TP.HCM, người có thói quen ăn thịt tái sống có thể nhiễm ký sinh trùng như: giun xoắn (do ăn thịt heo hoặc thịt động vật hoang dã sống hoặc nấu chưa chín), sán đầu gai (do ăn các động vật mang ấu trùng như cá, tôm, ốc, ếch, lươn, rắn… không nấu chín); sán lá nhỏ ở gan (do ăn cua, cá, thực vật thuỷ sinh sống hoặc nấu chưa chín); sán lá lớn ở gan (do ăn thực vật thuỷ sinh mang ấu trùng); sán lá phổi (do ăn cua, tôm, ốc sống hoặc nấu nướng chưa chín); sán lá ruột (do ăn cá, thực vật thuỷ sinh như rau muống, rau nhút… sống hoặc nấu chưa chín); sán dải heo (do ăn thịt heo mang trứng hay đốt sán dải (heo gạo) sống hoặc nấu chưa chín… Ngoài ra, ăn thịt tái sống còn có thể bị nhiễm nhiều loại ký sinh trùng khác (gây viêm não, viêm màng não…), bị nhiễm trùng, nhiễm độc cấp tính như thương hàn (do ăn trứng sống, thịt gà, thịt vịt, thịt heo, nghêu, sò, ốc, hến… mang mầm bệnh lại nấu chưa chín), dịch tả (do ăn cá, tôm, cua, sò, ốc… đánh bắt ở nguồn nước ô nhiễm)… “Món ăn tái sống muốn hấp dẫn thì phải thật bắt mắt. Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng có sẵn đồ tươi ngon, vì thế nhiều nơi bán đã giữ cho thịt tươi lâu, có màu đẹp bằng urê, hàn the, muối diêm, formol… gây nguy hiểm trước mắt và lâu dài cho người dùng”, BS Phượng nói.


Chỉ nấu chín kỹ mới an toàn


Để đề phòng nhiễm ký sinh trùng, BS Hinh cho biết cần truyền thông giáo dục sức khoẻ, cảnh báo cộng đồng về các món ăn có nguy cơ nhiễm bệnh. Không ăn các thức ăn thuỷ, hải sản còn sống hay ở trạng thái tái. Sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, không uống nước lã. Khi làm thịt thuỷ, hải sản nên mang găng tay cao su bảo vệ, đề phòng ấu trùng giun, sán có thể chui xuyên qua da. Hầu hết giun sán hoặc trứng và ấu trùng của chúng đều bị tiêu diệt ở nhiệt độ nước sôi nên cần nấu chín thực phẩm. BS Hinh lưu ý: “Dù chế biến thức ăn trong gia đình hay đi ăn uống ở các điểm du lịch, cũng nhất quyết yêu cầu nhà hàng nấu chín kỹ mới ăn”.


Theo BS Phượng, hầu hết các loại ký sinh trùng khi vào cơ thể người không chỉ phát triển trong đường ruột mà còn ở nhiều nơi khác. Vì vậy, để phát hiện không chỉ xét nghiệm phân mà phải sử dụng những kỹ thuật tiên tiến hơn mới có thể chẩn đoán chính xác. Biện pháp xổ giun định kỳ sáu tháng chỉ hiệu quả với các loại giun ký sinh ở người, còn loại ký sinh trùng lạc chỗ thì rất khó bị tiêu diệt. Do vậy, khi có những dấu hiệu bất thường cần đi khám sớm để tránh biến chứng nguy hiểm. “Nên ăn thực phẩm đã nấu chín kỹ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu cần phải ăn những món tái sống thì phải ngâm thức ăn vào giấm đậm đặc từ năm tiếng trở lên. Nhiều người chủ quan cho rằng cứ ăn tái sống cho ngon, lỡ bệnh thì chữa. Thực ra, khi đã nhiễm bệnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong chẩn đoán và điều trị”, BS Phượng nói.


Vi Thoại – Lê Hương






Nhiều sức ép với khu vực nông nghiệp

Nhiều sức ép với khu vực nông nghiệp

Tham gia Hiệp định tự do thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)


Nhiều sức ép với khu vực nông nghiệp


SGTT.VN - Từng sống ở Cần Thơ, ông Herb Cochran, giám đốc điều hành AmCham Vietnam biết tâm trạng ngổn ngang đang diễn ra trong các doanh nghiệp tham dự hội thảo “Tận dụng TPP để phát triển cho doanh nghiệp Việt” do hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, CLB Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) và hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) phối hợp tổ chức tại thành phố Cần Thơ (ngày 22.8.2013). Ông nói: “Khó quá! Làm sao mà bán được?”


Frederick R. Burke, giám đốc điều hành của hãng luật Baker & McKenzie cho biết dù đàm phán và thành đối tác hay không thì chuyện chống bán phá giá hay chống trợ cấp vẫn không thay đổi. Riêng việc thừa nhận có nền kinh tế thị trường, châu Âu có năm tiêu chí, Mỹ có sáu tiêu chí, nhưng chỉ riêng tiêu chí đồng tiền tự do chuyển đổi đã là thách thức với Việt Nam. Rồi liệu tham gia TPP, các nhà sản xuất Mỹ có vô Việt Nam nuôi cá nheo để bán sang Mỹ không? Đó là câu hỏi chưa được trả lời, cũng bí mật như những nội dung đàm phán của TPP.


Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, tiếc rẻ khi nói về những cơ hội thích ứng: “Mấy năm gần đây các nước trong khu vực đã vượt ra khỏi khủng hoảng, còn ta thì sao? Đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới cơ cấu kinh tế, cải cách khu vực nhà nước, cải cách hệ thống ngân hàng, cải cách khu vực đầu tư công, lĩnh vực thuế, sắp xếp lại chiến lược các ngành… nhưng không có luật để thể chế hoá nên kinh tế cứ nghẽn mãi và bây giờ trở thành thách thức khi nói tới đàm phán TPP”.


Biến áp lực thành cơ hội, TS Lê Quốc Điền, giám đốc trung tâm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thuộc viện Cây ăn quả miền Nam nói: “Khó nhất, thách thức dữ nhất vẫn là chất lượng do phía mình. Thật ra các nhà phân phối lớn ở Mỹ đều có hệ thống quan sát ở Việt Nam. Họ không cần lộ diện, nhưng có thể biết kết quả đo sinh thái trái cây, theo dõi cách tác động sau khi thu hoạch và biết người ta đã làm gì. Họ chọn Thanh Long, mít nghệ… và chấp nhận kỹ thuật sấy thăng hoa khi làm hàng bán sang Mỹ từ những kết quả rất cụ thể”.


Trong khi đó, thị trường tồn tại cách làm ăn khác: không cần kiểm tra, mọi giao dịch thật dễ dãi, thậm chí mua hàng dính nhiều đất cũng được, cứ đấu trộn, nhúng thuốc càng tốt và cứ đóng thùng “Made in Vietnam” xuống tàu. Có thể xem đây là liều thuốc độc bọc đường.


Tuy vậy, các nhà sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long lo lắng trước những quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, lao động, môi trường… Làm ra hàng có chất lượng tốt, có giá trị cao là thách thức. Không những thế, doanh nghiệp còn phải đối mặt với cạnh tranh của hàng hoá của các đối tác chảy vào Việt Nam.


Hoàng Lan






Xuất khẩu cá tra, triển vọng vẫn... mờ mịt

Xuất khẩu cá tra, triển vọng vẫn... mờ mịt

Sổ tay


Xuất khẩu cá tra, triển vọng vẫn... mờ mịt


SGTT.VN - Theo khảo sát của tổng cục Thuỷ sản, đến ngày 16.8.2013, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thả nuôi cá tra trên diện tích mặt nước tương đương 4.696ha, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2012, sản lượng thu hoạch 770.796 tấn, tăng 5,3%. Đến hết tháng 7.2013, dư nợ cho vay nuôi trồng cá tra 8.125 tỉ đồng, tăng hơn 4,2% so với thời điểm cuối năm 2012; dư nợ thu mua, chế biến, xuất khẩu cá tra 14.784 tỉ đồng.


Tuy nhiên, trong quý 2 và đầu quý 3/2013, giá thành sản xuất dao động từ 22.000 – 24.000 đồng/kg, giá bán cá tra nguyên liệu dao động từ 20.500 – 22.700 đồng/kg. Đầu tháng 4 và cuối tháng 7 giá cá nguyên liệu xuống dưới 20.000 đồng/kg, thậm chí có nơi mua với giá 19.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi lỗ từ 2.000 – 4.000 đồng/kg.


Hậu quả việc giá cá nguyên liệu thấp, ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty cổ phần Thuỷ sản Hùng Vương dẫn báo cáo của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết cá nguyên liệu ở ngoài thị trường không còn, nghĩa là việc tái đầu tư nuôi cá tra đang giảm. Ông Nguyễn Huy Điền, phó tổng cục trưởng tổng cục Thuỷ sản cũng nói: “Đến hết tháng 7.2013 không có hiện tượng tồn đọng cá nguyên liệu trong dân, chỉ còn một số doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho nhưng không nhiều”.


Đến lượt các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh thức ăn thủy sản than thở: từ tháng 7 đến nay, sản lượng thức ăn bán ra chỉ khoảng 50.000 – 52.000 tấn/tháng thay vì 90.000 tấn/tháng như sáu tháng trước đó.


Ông Trương Đình Hoè, tổng thư ký hiệp hội Xuất khẩu cá tra Việt Nam (VASEP) cho biết, từ quý 2 đến nay thị trường nhập khẩu cá tra từ Việt Nam có dấu hiệu dần hồi phục, trừ EU. Nhưng ông Hoè dự báo trong quý 4/2013, giá cá tra nguyên liệu sẽ không đổi so với quý 2, tức giá bán dao động quanh mức 20.000 đồng/kg.


Như vậy, người nuôi cá vẫn còn lỗ, không tái đầu tư, nghĩa là không có nguyên liệu cho xuất khẩu. Xem ra triển vọng phục hồi xuất khẩu cá tra vẫn mờ mịt.


Anh Ngọc






Trả lại bản chất cho việc góp vốn, hợp tác đầu tư nhà ở

Trả lại bản chất cho việc góp vốn, hợp tác đầu tư nhà ở

Trả lại bản chất cho việc góp vốn, hợp tác đầu tư nhà ở


SGTT.VN - Trong thời gian qua tại một số dự án bất động sản (BĐS) như: Usilk City, chung cư Emico... việc khách hàng đấu tranh và đòi quyền cùng tham gia quản lý dòng tiền của dự án cho thấy nhiều vấn đề cần phải bàn về quy định pháp luật đối với hoạt động thực hiện dự án nhà ở.


Dưới góc độ pháp lý, theo quan điểm của luật sư Trần Đức Phượng, công ty luật Hợp Việt, việc khách hàng đấu tranh và đòi quyền tham gia quản lý dự án là tất yếu (quản lý dòng tiền dự án chỉ là một phần quyền của họ). Ông Phượng cho rằng cần bỏ ngay hình thức “hợp đồng, văn bản góp vốn hoặc hợp đồng, văn bản hợp tác đầu tư để đầu tư xây dựng nhà ở và bên tham gia góp vốn hoặc bên tham gia hợp tác đầu tư được phân chia sản phẩm là nhà ở” theo nghị định 71/2010/NĐ-CP.


Ông đưa ra lý do: bản chất của giao dịch góp vốn hoặc hợp tác đầu tư là đồng vốn đưa vào kinh doanh là vốn thuộc quyền sở hữu chung, do họ cùng nhau quản lý và cùng chịu trách nhiệm. Những quy định tại nghị định 71/2010/NĐ-CP không phù hợp với bộ luật Dân sự và đã tước đi quyền sở hữu chung của người góp vốn, hợp tác và quyền quản lý của họ.


Thứ đến, những quy định này sẽ làm rối thêm và phá vỡ nguyên tắc “giao dịch qua sàn giao dịch BĐS” của pháp luật Kinh doanh BĐS và dẫn đến tình trạng không thể quản lý được, do các sản phẩm của dự án BĐS không được tiến hành giao dịch qua sàn giao dịch BĐS mà “tự phân chia”.


Kế tiếp, mặc dù tên gọi là hợp đồng, văn bản góp vốn hoặc hợp tác nhưng nghị định 71/2010/NĐ-CP lại quy định theo hướng bản chất là “mua bán, chuyển nhượng tài sản hình thành trong tương lai”. Rõ ràng quy định pháp luật không điều chỉnh đúng nội dung quan hệ pháp luật nên không thể đảm bảo quyền của người người tham gia giao dịch (người góp vốn, hợp tác).


Vì vậy mà hiện nay lĩnh vực kinh doanh BĐS đá nhau, vẫn rối như tơ vò. Hậu quả tất yếu xảy ra: quy định pháp luật không giảm được các tranh chấp; cơ quan nhà nước không quản lý được lĩnh vực kinh doanh BĐS; hoạt động kinh doanh BĐS vẫn không thể công khai, minh bạch; các chủ thể tham gia giao dịch mất quyền tự do thoả thuận, không đảm bảo quyền lợi của chủ thể, mọi rủi ro bị đẩy về người góp vốn, hợp tác...; phát sinh nhiều bất cập và rủi ro trong hoạt động giao dịch bảo đảm về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của các dự án BĐS; hiệu quả kinh tế xã hội đầu tư trong lĩnh vực BĐS vẫn kém.


Luật sư Trần Đức Phượng đề xuất: Thứ nhất, nên quy định việc góp vốn hoặc hợp tác được điều chỉnh theo quy định của bộ luật Dân sự. Người góp vốn, hợp tác sẽ cùng với chủ đầu tư tham gia góp vốn và quản lý thực hiện dự án theo văn bản góp vốn, hợp tác và quy định pháp luật. Chủ đầu tư sẽ cùng với các người góp vốn, hợp tác có thể cùng thành lập một bộ máy để quản lý việc hợp tác chung...


Thứ hai, các sản phẩm của doanh nghiệp kinh doanh BĐS đều phải qua sàn giao dịch BĐS, người góp vốn, hợp tác sẽ được hưởng theo thỏa thuận với chủ đầu tư và chỉ được nhận “giá trị sản phẩm” thay cho “nhận sản phẩm”, để phù hợp và không mâu thuẫn với luật Kinh doanh BĐS.


Thứ ba, người góp vốn, hợp tác có thể mua, nhận chuyển nhượng tài sản hình thành trong tương lai của các dự án BĐS phải qua sàn giao dịch BĐS và các giao dịch này theo quy định chung của pháp luật.


Thứ tư, vốn thực hiện dự án BĐS của chủ đầu tư phải thực hiện thông qua một tài khoản riêng nhằm kiểm tra năng lực tài chính của chủ đầu tư, việc huy động vốn.


Vũ Nguyên (ghi)






Vụ bãi xe lấp rạch Xuyên Tâm: tiếp tục chờ phối hợp!

Vụ bãi xe lấp rạch Xuyên Tâm: tiếp tục chờ phối hợp!

Vụ bãi xe lấp rạch Xuyên Tâm: tiếp tục chờ phối hợp!


SGTT.VN - Báo Sài Gòn Tiếp Thị số ra ngày 8.7.2013 có bài Rạch đã bị lấp, cơ quan quản lý còn… phối hợp!, phản ánh tình trạng rạch Xuyên Tâm, đoạn chảy qua cầu Bình Triệu 2 – đối diện bến xe Miền Đông, thuộc phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM đã bị các bãi giữ xe ôtô “vô tư” lấn chiếm. Mới đây, trong một báo cáo (theo yêu cầu của sở Giao thông vận tải TP.HCM), quận Bình Thạnh thừa nhận địa phương đã biết nhưng việc khắc phục thì... chưa.


Theo báo cáo của quận Bình Thạnh, qua kiểm tra thực tế đoạn từ số 391 – 397, đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh có tới hai chủ lấn chiếm, kinh doanh giữ xe ôtô trái phép là ông Nguyễn Văn Nhiên và bà Lê Thị Sơn. Cụ thể, tháng 9.2010, bà Ngô Thị Tùng (ngụ số 391 đường Đinh Bộ Lĩnh) cho ông Nhiên thuê khu đất tại địa chỉ trên. Sau khi thuê đất ông Nhiên đã lấn chiếm rạch Xuyên Tâm, tính đến thời điểm tháng 6.2012, ông Nhiên đã lấn đến 52m2 của con rạch. Theo đó, đến ngày 30.7.2012, thanh tra xây dựng quận lúc đó phối hợp với phường 26, kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính. Sau đó quận Bình Thạnh ra quyết định buộc ông Nhiên phải trả lại phần diện tích lấn chiếm. Gần ba tháng trôi qua, ông Nhiên vẫn không thực hiện. Đến ngày 23.10.2012, quận Bình Thạnh đã ban hành quyết định cưỡng chế.


Tương tự, ngay từ năm 2008, quận Bình Thạnh đã phát hiện bà Lê Thị Sơn (ngụ số 397 đường Đinh Bộ Lĩnh) đã có hành vi đổ đất đá, san lấp kênh mương thoát nước (rạch Xuyên Tâm – PV) trái quy định, nên tháng 4.2008, quận Bình Thạnh đã ban hành quyết định xử phạt hành chính, buộc bà Sơn khôi phục lại phần đất lấn rạch là 2,91m2; và kèm theo sau đó là quyết định cưỡng chế. Sau khi bị lập biên bản xử phạt, không những không đóng phạt, không khôi phục lại hiện trạng ban đầu, bà Sơn còn tiếp tục lấn chiếm rạch Xuyên Tâm. Điều này thể hiện rõ qua quyết định xử phạt vi phạm hành chính của quận Bình Thạnh đối với bà Sơn vào ngày 8.3.2011. Ở quyết định này, quận Bình Thạnh buộc bà Sơn, khôi phục phần đất lấn chiếm rạch lên đến... 72,89m2. Không những không thực thi quyết định trên qua quyết định xử phạt vi phạm hành chính mới nhất đối với bà Sơn, thì phần đất lấn chiếm rạch Xuyên Tâm của bà Sơn đã nhảy lên con số 112,7m2.


Ở cuối công văn, UBND quận Bình Thạnh, đánh giá và đề nghị: “Do tính chất vụ việc phức tạp, UBND quận Bình Thạnh đề nghị sở Giao thông vận tải cử cơ quan chức năng phối hợp hỗ trợ UBND quận trong việc lập phương án cưỡng chế...”


Theo một người dân địa phương, đến bây giờ UBND quận Bình Thạnh vẫn còn đang lập kế hoạch tổ chức cưỡng chế là chưa thể hiện thái độ kiên quyết, vì thực tế sự việc đã xảy ra từ lâu, gây nhiều bức xúc, trong khi chuyện xử lý triệt để này hoàn toàn nằm trong tay của địa phương này.


Đỗ Thông






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ