Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Tự vệ trước làn sóng thực phẩm bẩn

Tự vệ trước làn sóng thực phẩm bẩn

Tự vệ trước làn sóng thực phẩm bẩn


SGTT.VN - Tình trạng thực phẩm không an toàn đang tràn ngập trên thị trường và trở thành nỗi ám ảnh của người tiêu dùng. Trong khi các cơ quan chức năng chưa kịp trở bộ, thì các bà nội trợ phải tự xoay xở để... tự cứu mình.










Trồng rau sạch tại nhà. Ảnh:



Chị Mỹ Hạnh ở quận 3, hôm 25.8, chóng mặt, mệt và phải nghỉ làm mấy ngày vì phải cấp cứu do ngộ độc rau cải mua ngoài chợ. Từ hôm bị bệnh, chị không dám đụng vào món rau. Còn chị Thanh Dung ở đường Lê Quang Định (Bình Thạnh) cũng vừa “nếm” một trận đau bụng, nôn mửa do đi ăn phở ở một quán mới khai trương gần nhà. Bây giờ chị không dám ăn bất kỳ đồ ăn nào ngoài đường… Tình trạng này đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Thêm các thông tin về bún nhiễm chất có thể gây ung thư, rau có thuốc trừ sâu, sữa nhiễm bẩn, đậu hũ có thạch cao dùng để đổ bêtông… đã khiến người tiêu dùng hoảng loạn thật sự, nhất là phụ nữ – người lo bữa ăn hàng ngày trong gia đình. Chị Mỹ Hoa, nhân viên văn phòng công ty vận tải nói, “mấy ngày nay tôi lo quá, nghe đậu hũ có thạch cao mà mẹ tôi lại ăn chay trường”… Và, còn biết bao các bà mẹ trẻ đang ngày đêm lo lắng vì thực phẩm và rau củ trong các bữa ăn hàng ngày của các bé sơ sinh.


Chị Thanh – bạn của tôi ở đường Tô Hiến Thành bức xúc: “Thực phẩm nhiễm bẩn tràn ngập thị trường mà vẫn chưa thấy các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm có những biện pháp tích cực nào để ngăn chặn và hạn chế…, có lẽ mình phải tự bảo vệ trước nguy cơ này”.


Tự sản xuất thực phẩm sạch


Do rau xanh thường sử dụng hàng ngày nên các bà, các chị chọn giải pháp: tự trồng rau tại nhà. Phong trào này nhanh chóng lan toả: rau được trồng trên sân thượng, bancông, trên tường, nóc nhà, có khi trồng trong nhà như dạng rau mầm. Trong các khu phố, các bà còn “liên kết” lập nhóm để trao đổi rau và kinh nghiệm trồng cho nhau. Các bà lên mạng trao đổi hạt rau, phân bón và kinh nghiệm trồng trọt. Chị Thái Hà – người trồng rau tại gia có kinh nghiệm cho rằng: “Ít ra khi tự trồng mình biết mình đang ăn rau gì, cây bón cái gì, còn mua rau bên ngoài, có thể chất độc ăn vào ngấm từ từ thật đáng sợ! Xung quanh có nhiều người bị ung thư đấy thôi nên mình cứ phòng xa”. Những người không có điều kiện tự trồng rau như chị Thu Ngân – nhân viên văn phòng có con nhỏ lo lắng, “tôi không dám mua rau ngoài chợ mà vào siêu thị mua nhưng bạn tôi một kỹ sư nông nghiệp cho biết, rau trong siêu thị vẫn có thể không an toàn”. Chị Ngân theo bạn bè đến các cửa hàng bán rau sạch với giá gấp ba rau thường để dành riêng cho con ăn. Chị thốt lên: “Thôi, hy sinh đời mẹ để củng cố đời con”. Với chị Mỹ Hoa (Bình Thạnh) thì lên mạng tìm kiếm cách làm đậu hũ. Sau vài lần thử thành công, chị chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè trên mạng và được nhiều người đặt hàng. Trong công ty chị Hoa còn có người tự làm giá đỗ, làm đậu nành… rồi trao đổi sản phẩm cho nhau. Hay như chị Đặng Ngọc Vân (quận 12) bộc bạch: “Từ ngày nghe tin trong bánh canh có chất tinopal, mì làm bằng cao su… tôi phải tự mua bột về làm. Cực chút nhưng an toàn”.


Tự đi chợ phương xa


Trong giới nhân viên văn phòng cũng đang hình thành nhiều phương thức liên kết, phân phối thực phẩm sạch. Chị Thanh, nhân viên công ty dầu khí, văn phòng ở quận 5, tự lập một nhóm năm người, mỗi người sẽ làm một món nấu sẵn ở nhà, cung cấp cho những người kia, cứ thế luân phiên nhau xoay vòng cho hết tuần. Phong trào “trở về quê hương” là cách nói vui của các bà nội trợ đang tổ chức các cuộc săn lùng thực phẩm ở quê. Chị Trang (quận 11) từ ngày nghe chuyện gạo làm giả bằng cao su, bị tẩm hoá chất, ướp hương liệu… nên cứ vài tháng lại về quê chồng ở Tân Thạnh (Long An) chở gạo lên ăn. Số là, nhà chồng chị Trang có khoảng chục công ruộng, thu hoạch hai mùa lúa, gạo nhà trồng không bón thuốc trồng dài ngày, gạo hơi cứng nhưng an toàn. Chị Trang khoe: “Mấy chị bạn làm chung biết chuyện, nhờ mua dùm nhưng phải từ chối vì không kham nổi”. Với chị Việt Linh, quê ở Bến Tre thì đặt nuôi heo, gà, vịt ở quê với tiêu chuẩn chỉ ăn cám... Sau khi gà, vịt lớn, chị sơ chế và chuyển lên thành phố để mấy gia đình chia nhau sử dụng. Chị Linh cho biết, “cách này tuy mất công, giá không rẻ nhưng mua được sự yên tâm”.


“Đi chợ phương xa” là phương thức tự vệ của một số gia đình có điều kiện. Ngại trái cây tẩm hoá chất, trái cây Trung Quốc, thịt nhiễm bẩn nên chị Thuý Hà (quận 3) có người thân ở Phần Lan, cứ vài tháng, chị nhờ người thân bên đó mua giùm vài thùng trái cây gửi về và chia lại cho bạn bè. Chị Hà kể “Tuy hơi bất tiện và tốn kém nhưng yên tâm. Trái cây chuyển về bằng đường hàng không, không tẩm ướp chất bảo quản nên hương vị thơm, ngọt hơn hẳn”. Còn chị Kim Chi nhà ở Phú Nhuận cho biết, chị có biết những người hàng tháng thường đi chợ ở nước ngoài về bán, mình cần mua gì cứ đặt hàng là có. “Tôi thường xuyên đặt mua thịt bò Úc, sữa từ Mỹ về cho con cái ăn…”


… Và cứ thế, các bà nội trợ đang phải tự vạch kế hoạch đối phó trước làn sóng... thực phẩm bẩn.


Thu Thuỷ – Minh Cúc






Đứng dậy đột ngột bị hoa mắt, phải làm sao?

Đứng dậy đột ngột bị hoa mắt, phải làm sao?

Đứng dậy đột ngột bị hoa mắt, phải làm sao?


Tôi 27 tuổi, gần đây rất thường xuyên gặp phải triệu chứng đang ngồi mà đứng dậy đột ngột thì hoa mắt, bước đi chóng mặt, choáng váng, có lúc phải bám víu vào vật gì đó, không thôi sẽ ngã. Nếu cứ để như thế liệu có nguy hiểm không?


Hồng Loan (hoaxuyenchi2007@...)


GS.TS.BS Phạm Gia Khải, chủ tịch hội Tim mạch học Việt Nam: Tình trạng đó là do thay đổi huyết áp đột ngột khi thay đổi tư thế, nhiều người mắc phải, bệnh có liên quan tới thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Có những người thần kinh giao cảm và phó giao cảm không tự điều chỉnh được, nhất là với người cao tuổi, nhưng nhiều người trẻ cũng bị kém điều hoà về thần kinh giao cảm và phó giao cảm.


Có thể bạn bị cùng nguyên nhân đó, nên khi bạn đứng dậy huyết áp tụt, còn với người bình thường huyết áp sẽ không chênh lệch. Có một cách là khi thay đổi tư thế, cần thay đổi từ từ, tránh đột ngột. Trong trường hợp huyết áp tụt nhiều có thể uống trà gừng, ăn một số chất mặn, uống trà đặc, càphê thì huyết áp sẽ lên. Bạn cần xem lại hoàn cảnh các lần bị hoa mắt, chóng mặt của mình: do thay đổi sinh hoạt (như mất ngủ), hoặc do ốm dậy, hoặc phụ nữ có thai tới tháng thứ 7, thứ 8 đứng lâu cũng có thể ngất do máu dồn xuống... Nếu bạn không nằm trong các trường hợp đó thì do cơ địa. Bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và có lời khuyên cụ thể hơn với tình trạng sức khoẻ của bạn.






Phố lồng đèn đã… lên đèn

Phố lồng đèn đã… lên đèn

Phố lồng đèn đã… lên đèn


SGTT.VN - Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là đến tết Trung Thu. Trong khi các quầy bánh Trung Thu đã trương bảng hiệu “mua 1 tặng 1” thì những chiếc lồng đèn đang vào lúc bán được hàng. Những cửa hàng bán lồng đèn lẻ đã trưng hàng để đón những vị khách nhí. Còn phố lồng đèn Lương Nhữ Học, cắt ngang đường Nguyễn Trãi và Trần Hưng Đạo (Q.5, TP.HCM) cũng đã sáng đèn cho mùa kinh doanh đèn lồng chơi tết Trung Thu.


Đèn Trung Thu năm nay đã có những sản phẩm do các cơ sở trong nước sản xuất nhưng nguyên liệu, từ vải bọc, khung nhựa… được nhiều người bán cho biết là nhập từ Trung Quốc, Đài Loan. Những chiếc lồng đèn này dùng đèn cầy nhưng nếu cần, mua thêm tay cầm gắn pin (5.000đ, nhập từ Trung Quốc) là trở thành chiếc đèn lồng điện. Khảo sát tại phố lồng đèn, giá đèn lồng, từ loại bằng giấy cho đến vải có giá dao động từ 18.000đ – 80.000đ. Cũng có những chiếc lồng đèn vài trăm ngàn nhưng chủ yếu dùng để treo hơn là cho trẻ cầm rong phố.










Đèn lồng xen với bong bóng ở phố lồng đèn Lương Nhữ Học.












Cha mẹ chọn mua cho con một chiếc lồng đèn cho tết Trung thu tại phố lồng đèn Lương Nhữ Học.












Lồng đèn cũng được bán nhiều ở đường Nguyễn Trãi, quận 5.



Còn những chiếc đèn lồng điện, hầu hết nhập nguyên liệu, từ khuôn mẫu cho đến mạch điện, sau đó lắp ráp tại Chợ Lớn. Nhiều mẫu mã nhưng hầu hết không đẹp, chính vì vậy mà không thu hút các bậc cha mẹ. Tùy theo kích thước và kiểu dáng, giá đèn điện từ 20.000đ – 60.000đ.


“Mua đèn lồng đi anh, mua đi chị. Mấy ngày nữa là hết mẫu đẹp đó”. “Anh chọn mẫu nào? Lấy mấy cái”. “Đèn này sản xuất ở đâu vậy? Hàng Trung Quốc là không mua đó nghen”… Những lời chào, hỏi giá, hỏi nguồn gốc của chiếc lồng đèn cứ lao xao cả con đường Lương Nhữ Học. Người đi bộ. Kẻ đi xe máy. Không thiếu những chiếc xe taxi, xe hơi…. càn vào con đường nhỏ hẹp. Những chiếc bảng nhận giữ xe để khách tham quan phố lồng đèn mọc lên khắp nơi, từ đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, thậm chí có cả trong con đường Lương Nhữ Học cũng nhận giữ xe.










Vừa bán lồng đèn, tranh thủ giữ xem kiếm thêm chút tiền.











nam thanh nữ tú tranh thủ điệu đàng với những chiếc lồng đèn ở phố lồng đèn.



Khách hỏi cứ hỏi, mua hay không tùy thích. Người bán chẳng hờn giận gì. Thỉnh thoảng có chủ sạp còn nhắc nhở khách hàng: “Coi chừng bóp và điện thoại nhen. Đừng cầm ra ngoài mà nó giật đó”… Không ít bạn trẻ đến phố lồng đèn để chụp hình kỷ niệm chứ tuổi đó đâu cần chiếc lồng đèn trong tết Trung Thu. Vui thiệt.


Giá mà có không gian rộng hơn để tổ chức hội chợ bán lồng đèn, chắc sẽ đông khách hơn. Người mua có thời gian xem hàng, trả giá. Còn người bán sẽ bán được hàng vì có nhiều khách đến.


Song Minh

Ảnh: Minh Phúc






Khám phá một tác phẩm mới của danh họa Van Gogh

Khám phá một tác phẩm mới của danh họa Van Gogh

Khám phá một tác phẩm mới của danh họa Van Gogh


SGTT.VN - Viện Bảo tàng Van Gogh ở thành phố Amsterdam đã ra mắt một bức tranh mới được phát hiện của danh họa người Hà Lan Vincent Van Gogh.










Giám đốc viện Bảo tàng Van Gogh Axel Ruger bên cạnh bức tranh vừa đước phát hiện "Hoàng hôn ở Montmajour" của Van Gogh, ngày 9.9.2013.



Viện Bảo tàng Van Gogh hôm nay đã trình làng bức họa “Hoàng Hôn ở Montmajour”, một bức tranh sơn dầu khổ lớn vẽ phong cảnh.


Các giới chức của Viện Bảo tàng nói rằng bức tranh này đã được cất giữ trong một gác mái nhà của một nhà sưu tập tranh người Na Uy, ông nghĩ rằng bức tranh này là một bức tranh giả sau khi mua nó vào năm 1908.


Họ nói bức tranh này đã được chứng thực qua chữ viết, phong cách cũng những các vật liệu được sử dụng.


Các giới chức Viện Bảo tàng nói vụ phát hiện này là một chuyện chỉ xảy ra có một lần trong đời.


Bức tranh sẽ được trình bày cho công chúng thưởng lãm tại viện Bảo tàng Van Gogh vào ngày 24.9 tới.


P.V






Kiến nghị rà soát lại dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A

Kiến nghị rà soát lại dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A

Kiến nghị rà soát lại dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A


SGTT.VN - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.


Theo văn bản, bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ Công Thương xem xét, rà soát lại quy hoạch đối với hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nói riêng và quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai nói chung.










Bản đồ khu vực dự kiến xây thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: TL



Theo phân tích của bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thực hiện các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên thượng nguồn sông Đồng Nai sẽ gây ra những tác động bất lợi đến môi trường sinh thái, đặc biệt là tác động đến sự toàn vẹn của Vườn Quốc gia Cát Tiên, khu ngập nước Bàu Sấu. Việc quyết định đầu tư các dự án này cần được xem xét trên cơ sở cân nhắc hài hoà các yếu tố lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và di sản thiên nhiên. Khi vận hành thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ sản xuất ra 929 triệu kWh điện và nộp thuế cho Nhà nước khoảng 300 tỉ đồng mỗi năm.


Theo phương án đưa ra, hai dự án thủy điện trên sẽ được thiết kế xây dựng cống xả đáy và sử dụng tuabin Kaplan để điều hòa dòng chảy sau khi qua công trình thủy điện Đồng Nai 5. Tuy nhiên, nếu xây dựng, hai dự án trên sẽ tác động đến hàng loạt những vấn đề môi trường và đa dạng sinh học của cả một vùng.


Mất hàng trăm ha rừng, tác động đến đa dạng sinh học


Theo bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thực hiện hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ làm mất vĩnh viễn 327,23ha đất rừng; trong đó đặc biệt có 128,37ha đất ở khu vực Cát Lộc thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên. Trong báo cáo tác động môi trường có cam kết trồng rừng bồi hoàn diện tích rừng bị tổn thất do thực hiện các dự án, nhưng lại chưa nêu được vị trí cụ thể và phương án trồng rừng thay thế.


Bên cạnh đó, hai dự án thủy điện trên cách khu ngập nước Ramsar Bàu Sấu 55km theo đường sông. Tuy nhiên báo cáo tác động môi trường lại chưa đánh giá được đầy đủ sự tổn thất về đa dạng sinh học trong vùng ngập và khu vực xây dựng công trình đầu mối trong mối quan hệ với tính nguyên vẹn, giá trị đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên và hệ sinh thái bản địa của khu vực. Một số biện pháp giảm thiểu tác động đến đa dạng sinh học của báo cáo tác động môi trường còn thiếu tính khả thi, không đề ra biện pháp bảo vệ, bảo tồn loài cá chình hoa quý hiếm.


Ngoài ra, do không chuyển dòng chảy, nên tổng lượng nước chảy về hồ Trị An hầu như không thay đổi. Trong khi hồ chứa của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là điều tiết ngày nên các hồ chứa này sẽ tác động đến nhu cầu sử dụng nước phía hạ du đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Mặt khác, báo cáo tác động môi trường cũng chưa phân tích rõ vai trò của dòng chảy có đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước gia tăng theo quá trình phát triển kinh tế - xã hội phía hạ du, môi trường sống cho hệ sinh thái thủy sinh, đặc biệt đoạn sông ngay sau đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A và khu ngập nước Bàu Sấu.


Vi phạm luật Đa dạng sinh học và luật Di sản


Bộ Tài nguyên và Môi trường dẫn giải, theo khoản 1 điều 36 luật Di sản văn hoá quy định “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường, sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa-thông tin.”


Ở thời điểm hiện nay, trong hồ sơ báo cáo tác động môi trường của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A chưa có văn bản thẩm định của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa-thông tin.


Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 điều 7 luật Đa dạng sinh học thì “xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; xây dựng công trình, nhà ở trái phép trong phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn” là hành vi bị nghiêm cấm. Căn cứ hồ sơ thì hai dự án nêu trên đều có một phần diện tích nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Do vậy, việc xây dựng các công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là vi phạm quy định trên.


Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, trường hợp nếu các dự án trên được triển khai sẽ phải xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ, đường dây truyền tải, đường giao thông tiếp cận…. Việc thực hiện các hạng mục này sẽ gây ra những tác động bất lợi đến môi trường tự nhiên và các điều kiện kinh tế-xã hội khu vực diễn ra các hoạt động thi công tạo cơ hội thuận lợi cho các hành vi xâm hại Vườn Quốc gia Cát Tiên.


Một tác động khác mà bộ lo ngại đó là tác động đến sinh kế của người dân sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt cá vùng hạ du, đặc biệt là các dân tộc ít người như: Châu Ro, Châu Mạ, STiêng , M'Nông… Hơn nữa, nếu triển khai hai dự án trên sẽ gây bất lợi đến quá trình xem xét công nhận di sản thiên nhiên thế giới đối với Vườn Quốc gia Cát Tiên.


Theo TTXVN






"Nướng" vốn vào điện máy, ba "ông lớn" ngắc ngoải

"Nướng" vốn vào điện máy, ba "ông lớn" ngắc ngoải

"Nướng" vốn vào điện máy, ba "ông lớn" ngắc ngoải


SGTT.VN - Từ 2011 đến nay, mỗi năm thị trường điện máy lại chứng kiến sự ra đi của một "ông lớn" ham đầu tư hoành tráng, khuyến mãi khủng để rồi cuối cùng đau đớn rời cuộc chơi trong nợ nần chồng chất.


Những "đại gia" ném tiền qua cửa sổ


Đến đầu tháng 9.2013 lại thêm một tên tuổi lớn nữa phải rời "cuộc chơi", đó là chuỗi siêu thị điện máy HomeOne (thuộc công ty CP dịch vụ bán lẻ Tiên Phong).


Từ cuối quý II đến đầu tháng 9 này, HomeOne đã lần lượt khai tử cả ba siêu thị của mình tại đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp; đường Đồng Nai, quận 10; trung tâm Vincom A, quận 1 (TP.HCM).










Chi phí mặt bằng thường chiếm tới 50% tổng chi phí của các siêu thị.



HomeOne, một hệ thống bán lẻ khá lớn trên địa bàn TP.HCM, có số vốn khoảng 200 tỉ đồng, nhưng chỉ sau hai năm kinh doanh số tiền này đã đội nón ra đi.


Đến nay HomeOne đang trong tình cảnh nợ lương nhân viên ba tháng, nợ tiền thuê mặt bằng hàng tỉ đồng và nợ nhà cung cấp cũng hàng tỷ đồng, các siêu thị bị niêm phong, bị thu hồi mặt bằng.


Giới kinh doanh cho biết hiện có khoảng ba "ông lớn" trong lĩnh vực kinh doanh điện máy có hệ thống siêu thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đang ngắc ngoải với những khoản nợ lớn, bị ngân hàng cảnh báo, nhà cung cấp phong tỏa, nợ lương nhân viên, nợ tiền thuê mặt bằng, hàng tồn kho chất đống, khách vắng lặng... sắp ra đi trong thời gian tới.


"Nổ phát súng" đầu tiên trên thị trường điện máy là vụ phá sản của WonderBuy vào ngày 13.6.2011 sau một năm hoạt động.


Ban lãnh đạo công ty cổ phần Điện máy, máy tính, viễn thông Hợp Nhất, đơn vị sở hữu thương hiệu WonderBuy cho biết siêu thị đã thua lỗ hơn 52 tỉ đồng, trong đó gồm tiền thuê mặt bằng, tiền hàng hóa của các nhà cung cấp.


Trước đó một năm, siêu thị điện máy WonderBuy khai trương trên đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) với kinh phí đầu tư hàng trăm tỉ đồng, bán hơn 70.000 chủng loại hàng điện máy và nội thất.


Dạo đầu khai trương, Wonderbuy khuyến mãi ầm ĩ, đặc biệt khi ra mắt chương trình bán hàng kiểu Mỹ (hoàn 30% tiền sau 3 năm sử dụng sản phẩm), đã thu hút được sự chú ý lớn của khách hàng.


Với WonderBuy ra đời, lãnh đạo công ty Hợp Nhất mong ước sẽ xây dựng một "đế chế" bán lẻ hàng điện máy lên tới 23 trung tâm tại các thành phố lớn và vùng kinh tế trọng điểm để đạt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ hàng điện tử lớn và chuyên nghiệp tại Việt Nam sau năm năm.


Tuy nhiên chỉ sau một năm "giấc mơ đã tan thành mây khói", WonderBuy phải nộp đơn xin phá sản vào cuối tháng 5.2011. Sự sụp đổ của WonderBuy cho thấy, "chiến trường" bán lẻ điện máy không hề dễ ăn như người ta tưởng.


Tiếp bước Wonderbuy là Best Carings, đến cuối năm 2012 đã đóng cửa siêu thị cuối cùng và lặng lẽ rời thị trường. Best Carings là chuỗi siêu thị điện máy nhượng quyền đầu tiên tại Việt Nam, là kết quả hợp tác của công ty tiếp thị Bến Thành (Tara) với tập đoàn bán lẻ Best Denki (Nhật) vào năm 2004.


Với hệ thống ba siêu thị tại Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ, Best Carings từng lọt vào top 500 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương năm 2008, 2009 và top 10 nhà bản lẻ hàng đầu Việt Nam năm 2009, 2010.


Trong nhiều năm, siêu thị này đã gây "sốt" khi liên tục đưa ra những chương trình khuyến mãi lớn vào các ngày lễ, tết. Đơn vị này tung ra nhiều chương trình bán hàng trả góp không lãi suất hoặc lãi suất thấp dưới 1% khiến không ít các đối thủ cạnh tranh khi đó phải choáng váng.


Tuy nhiên đến năm 2010, Tara quyết định chuyển nhượng Best Carings cho chủ mới, quay lại lĩnh vực phân phối sỉ. Cũng từ đó Best Carings bắt đầu đi xuống, hàng không bán được, các chương trình khuyến mãi "khủng" giảm dần và sức cạnh tranh thua xa những đối thủ khác.


Best Carings bắt đầu nợ lương nhân viên, nợ tiền thuê mặt bằng và lần lượt đóng cửa từng siêu thị một tại Cần Thơ, TP.HCM, Hà Nội và... mất hút.


Cái chết được báo trước?


Nguyên nhân chung khiến ba "ông lớn" nêu trên phải đội nón ra đi, được các chuyên gia tổng kết lại là do không quản lý được chi phí.










Các DN nhảy vào cuộc chơi nhưng chưa hình dung hết nghiệp vụ kinh doanh quá nhanh của nhóm sản phẩm điện máy.



Những DN này đều thuê mặt bằng ở những nơi có giá cao, mở những siêu thị hoành tráng, nhưng không đạt được doanh số trên m2 như mong muốn.


Chẳng hạn như Wonderbuy thuê tại ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu - Đinh Tiên Hoàng, có chi phí lên tới 25 USD/m2 được cho là quá cao. Chi phí mặt bằng thường chiếm tới 50% tổng chi phí của các siêu thị.


Tính toán sơ bộ, để có hiệu quả thì doanh số tính trên m² diện tích sàn ở mức 80-100 triệu đồng/tháng, nhưng với các siêu thị này doanh số thu được ngày càng giảm, chỉ đạt là 30 triệu đồng/m²/tháng, vì thế mà kinh doanh không có hiệu quả.


Ngoài ra là thiếu đội ngũ nhân sự lành nghề và kinh nghiệm, thiếu tầm nhìn, thậm chí kém về năng lực; lãnh đạo hay thay đổi các quyết định.


Hơn nữa, với những siêu thị này, hệ thống phần mềm quản lý bán hàng quá kém, vòng quay vốn kéo dài, hàng kho tăng cao, đến giới hạn cuối cùng, không kham nổi, đành phải "bỏ cuộc chơi".


Các DN nhảy vào cuộc chơi nhưng chưa hình dung hết nghiệp vụ kinh doanh quá nhanh của nhóm sản phẩm điện máy và đặc biệt hơn là đòi hỏi cao về công tác hậu mãi như giao nhận, lắp đặt, bảo trì, bảo hành... cần đầu tư chi phí tốn kém, cũng như kinh nghiệm quản lý. Với mức lãi gộp trung bình 10%, thì chi phí cho hậu mãi là một vấn đề đau đầu.


Một nguyên nhân quan trọng nữa là kinh doanh chưa đâu vào đâu đã khuyến mãi ầm ĩ, khuyến mãi khủng với giá rẻ, giảm giá mạnh (thậm chí đến 50%). Nhưng phần lớn hàng giảm giá là hàng bị lỗi kỹ thuật, trầy xước, cần thanh lý... từ đó làm mất uy tín thương hiệu.


Kinh tế khó khăn, tiêu dùng suy giảm, cạnh tranh khốc liệt, nếu không xây dựng được nền tảng kinh doanh vững chắc thì thua lỗ, phá sản là điều khó tránh khỏi.


Bài, ảnh: VEF






Việt – Hàn sớm ký lại thỏa thuận hợp tác lao động

Việt – Hàn sớm ký lại thỏa thuận hợp tác lao động

Việt – Hàn sớm ký lại thỏa thuận hợp tác lao động


SGTT.VN - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhấn mạnh, hai nước cần tăng cường trao đổi, sớm ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động, thay thế cho thỏa thuận trước đã hết hạn năm 2012. Đó là một trong những nội dung chính trong hội đàm sáng 9.9 giữa hai vị nguyên thủ nhân dịp bà Park Geun-hye thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.


Hai nhà lãnh đạo nhất trí Việt Nam và Hàn Quốc phấn đấu tăng kim ngạch thương mại song phương lên 70 tỷ USD vào năm 2020, cải thiện cán cân thương mại song phương; nhất trí đẩy nhanh tiến trình đàm phán, sớm ký kết hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc; nhất trí hợp tác triển khai thành công dự án viện khoa học công nghệ Việt Nam (V-KIST).


Đáng chú ý, Chủ tịch nước và bà Park Geun-hye thống nhất tiếp tục quan tâm đến việc bảo vệ và bảo đảm quyền lợi chính đáng cho công dân mỗi nước hiện đang cư trú tại nước bên kia; nhất trí tăng cường sự quan tâm và hỗ trợ cần thiết để các gia đình đa văn hóa Việt Nam-Hàn Quốc trở thành cầu nối hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hai bên cũng trao đổi về tình hình bán đảo Triều Tiên và việc duy trì hòa bình, tự do hàng hải trên biển. Hai vị nguyên thủ đã dự lễ ký kết 7 văn kiện hợp tác giữa hai bên.


Sáng cùng ngày, tại văn phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã diễn ra cuộc gặp giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt – Hàn. Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Hàn tăng đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt.


Đồng thời hợp tác nông nghiệp gắn với chế biến để Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới”. Ông Lộc cũng mong Chính phủ hai nước quan tâm xây dựng vườn ươm SME. Ông Kim Ki Min, chủ tịch liên đoàn Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (KBIZ) cho hay, ông mong đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam nhanh và nhiều hơn trong thời gian tới.


Việt Anh






Lấy cục pin trong thực quản bệnh nhi 10 tháng tuổi

Lấy cục pin trong thực quản bệnh nhi 10 tháng tuổi

Lấy cục pin trong thực quản bệnh nhi 10 tháng tuổi


SGTT.VN - Ngày 9.9, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và cấp cứu cho bệnh nhi Hoàng Tiến Đ, 10 tháng tuổi, nuốt phải pin. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt từng cơn, ho, khò khè, đau và quấy khóc nhiều, đặc biệt là khi ăn.


Sau khi thăm khám, bệnh nhi được được chụp X - quang. Trên phim chụp lồng ngực cho thấy có 1 dị vật cản quang tròn đường kính 1,5cm có 02 bờ. Bệnh nhi được chẩn đoán dị vật pin thực quản bị bỏ quên có nguy cơ cao thủng thực quản do có chứa chất ăn mòn, đe dọa tính mạng.


Sau hơn một giờ các bác sĩ đã lấy được cục pin kim loại, hình tròn đã bị hoen gỉ, thực quản bị loét sâu. Hiện sức khỏe trẻ cháu Đ. hồi phục dần. Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, trước đó mấy ngày có tháo cục pin của máy tính để ra ngoài.


L.Hà






Diễn biến trong vụ kiện "đường lưỡi bò" Trung Quốc

Diễn biến trong vụ kiện "đường lưỡi bò" Trung Quốc

Diễn biến trong vụ kiện "đường lưỡi bò" Trung Quốc


SGTT.VN - Trong khi Trung Quốc vẫn cố chấp chối bỏ vụ kiện xét xử “đường lưỡi bò” phi pháp mà họ tự vạch ra trên Biển Đông thì những thông tin mới nhất về phiên tòa này đã được cập nhật trên trang web chính thức của Tòa án quốc tế về luật Biển (ITLOS).


Theo đó, trang web chính thức của ITLOS vừa mới cập nhật đầy đủ các thông tin về vụ kiện Trung Quốc do Philippines khởi xướng.










Chánh án ITLOS Shunji Yanai. Ảnh: UN.org



Các thông tin này được liệt kê từ quyết định của chính quyền Manila khi kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế ngày 22.1.2013 về những tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông cho tới các sự kiện gần đây nhất.


Cùng với đó, ITLOS cũng đăng tải lại danh sách chính thức Hội đồng trọng tài xét xử vụ kiện này bao gồm: Thẩm phán Ghana Thomas Mensah (Chủ tịch) cùng các thành viên hội đồng: Thẩm phán Đức Rüdiger Wolfrum (đại diện cho Philippines), Thẩm phán Ba Lan Stanislaw Pawlak (đại diện cho Trung Quốc), Thẩm phán Pháp Jean-Pierre Cot và Thẩm phán Hà Lan Alfred Soons.


Ngoài ra, website của ITLOS còn đính kèm phụ lục VII và các thông cáo báo chí về một số nội dung tại phiên họp đầu tiên thảo luận về tiến trình xét xử.


Cũng trong phiên họp này, Hội đồng trọng tài đã gửi tiến trình này tới cho cả Manila và Bắc Kinh để lấy ý kiến. Trong khi Philippines tuyên bố ủng hộ thì Trung Quốc tiếp tục duy trì quan điểm phản đối tính pháp lý của vụ kiện mà Philippines khởi xướng.


Mới nhất, ngày 9.7, Nhân dân Nhật báo còn cho đăng tải một bài viết chụp mũ Philippines và quy kết nước này đã có một bước đi “lạc lối, quấy phá” – giọng điệu quen thuộc mà phía truyền thông Trung Quốc thường đổ vấy cho Philippines về vấn đề Biển Đông.


Tuy nhiên, Giáo sư Julian Ku thuộc Đại học Yale (Mỹ) nhận định: dù một bất kỳ một bên nào phản đối thì phiên tòa vẫn sẽ được tiến hành theo đúng luật pháp quốc tế.


Đó cũng là quyết tâm và quan điểm mà các quan chức Philippines vẫn thường tuyên bố bởi họ đánh giá “đường lưỡi bò” đã đi quá xa so với luật pháp quốc tế, nhất là khi những vạch khi đứt, khi liền này ít có những luận cứ lịch sử chắc chắn.


Theo songmoi.vn






Hầu hết tham nhũng liên quan đến doanh nghiệp

Hầu hết tham nhũng liên quan đến doanh nghiệp

Hầu hết tham nhũng liên quan đến doanh nghiệp


SGTT.VN - 70% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ chủ động hối lộ.


“Trong 20 vụ tham nhũng lớn được Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng (PCTN) Trung ương chỉ đạo điều tra thì 50% xảy ra ở các doanh nghiệp (DN), điển hình như vụ Vinashin, Vinalines vừa qua.


“Những vụ còn lại tuy không xảy ra ở DN nhưng hầu hết cũng liên quan đến DN,” ông Ngô Mạnh Hùng, phó cục trưởng cục PCTN, Thanh tra Chính phủ, cho biết như trên tại tọa đàm Minh bạch, liêm chính trong kinh doanh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức chiều 9.9 tại Hà Nội.










Theo ông Ngô Mạnh Hùng, doanh nghiệp thường chấp nhận hối lộ để được việc (ảnh minh họa). Ảnh: INTERNET



Theo ông Hùng, những vụ tham nhũng như vụ Mai Văn Dâu nhận 6.000 USD, bản chất là nhận hối lộ của DN xin quota xuất nhật khẩu, hoặc gần đây là vụ hàng loạt lãnh đạo các ngân hàng khu vực phía Nam bị điều tra đều có dính dáng đến DN.


Nhiều thông tin trên báo chí cũng như kết quả thăm dò dư luận gần đây cũng cho thấy tình trạng tham nhũng trong DN không mấy sáng sủa.


Trong khảo sát mới đây của thanh tra Chính phủ với Ngân hàng Thế giới, trước câu hỏi “DN hành động gì khi gặp vướng mắc với cơ quan nhà nước” thì 51% trả lời là dùng mối quan hệ để tác động - kèm theo đó là phong bì, 59% DN trả lời đưa tiền, quà để giải quyết cho được việc.


Chỉ có 13% DN phản ảnh cơ quan chức năng và 6% phản ánh với cơ quan báo chí.


Trả lời câu hỏi “tại sao DN đưa hối lộ”, 32% DN cho rằng cần giải quyết công việc nhanh, hiệu quả; 26% DN nói chi phí “mua” quan chức rẻ hơn so với lợi ích mang về; đáng chú ý đến 68% DN cho rằng không có hối lộ thì sẽ hỏng việc.


Với câu hỏi “cán bộ, công chức có ép buộc DN đưa hối lộ hay DN chủ động”, 70% DN cho biết họ chủ động.


“Điều này cho thấy ứng xử của DN là chấp nhận hối lộ để được việc. Hành vi đưa hối lộ đã trở nên phổ biến, tình trạng tham nhũng đã ăn sâu trong DN,” ông Hùng nhấn mạnh.


Tuy nhiên, theo ông Hùng, hành vi đưa hối lộ hiện nay rất phổ biến nhưng nhiều người lầm tưởng không phải là hành vi tham nhũng.


“Trước đây, bộ luật Hình sự (năm 1999) quy định bảy hành vi tham nhũng nhưng không có hành vi đưa hối lộ. Sau này, luật PCTN ra đời (năm 2005) có quy định hành vi tham nhũng bao gồm cả hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ.


Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự vẫn giữ quy định hành vi đưa hối lộ là thuộc nhóm “các tội phạm khác về chức vụ” chứ không thuộc nhóm “các tội phạm về tham nhũng”.


Chính vì vậy, để nhiều người hiểu rõ hành vi đưa hối lộ cũng là tham nhũng thì cần sửa luật cho phù hợp,” ông Hùng nói.


Đồng thời ông Hùng cũng nêu lên một khác biệt của Việt Nam với thế giới là chưa thừa nhận, chưa quy định hành vi tham nhũng trong khu vực tư nhân.


Vì vậy chỉ những vụ có liên quan đến cán bộ, công chức ở các cơ quan nhà nước mới được xem là có tham nhũng còn nếu không có yếu tố Nhà nước thì chỉ bị coi là phạm tội ở các nhóm tội phạm khác.


“Hiện tham nhũng trong DN rất phức tạp và tinh vi. Một trong những giải pháp có thể PCTN hiệu quả là xây dựng bộ quy tắc ứng xử, xây dựng đạo đức kinh doanh trong DN,” ông Hùng nhấn mạnh.


theo PLTP









Luật PCTN của Mỹ ra đời năm 1977, áp dụng cho cả quan chức nhà nước và bất kỳ người nào lạm dụng công quyền để trục lợi cá nhân.


Tham nhũng ở Mỹ có thể bị phạt hình sự lên đến 2 triệu USD đối với pháp nhân và 100.000 USD đối với thể nhân, cùng với hình phạt tù không quá năm năm cho mỗi lần vi phạm.


Mức phạt dân sự đối với pháp nhân và thể nhân lên đến 16.000 USD cho mỗi lần vi phạm.


Việc PCTN trong DN ở Mỹ dựa trên bộ quy tắc ứng xử trong DN, trong đó có sự cam kết của đội ngũ lãnh đạo cao cấp và một chính sách chống tham nhũng rõ ràng.


Trên cơ sở đó, mỗi DN hình thành quy tắc ứng xử với các chính sách và quy trình tuân thủ nó.


Đồng thời, quốc gia này có cơ chế khuyến khích để mọi người đều có trách nhiệm phát hiện dấu hiệu đáng ngờ của tham nhũng và đi kèm là các biện pháp kỷ luật cũng như báo cáo bảo mật và điều tra nội bộ…


Luật sư DANFORTH NEWCOMB - Mỹ







Thượng viện Mỹ ấn định ngày bỏ phiếu đánh Syria

Thượng viện Mỹ ấn định ngày bỏ phiếu đánh Syria

Thượng viện Mỹ ấn định ngày bỏ phiếu đánh Syria


SGTT.VN - Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu thủ tục vào ngày 11.9 về biện pháp cho phép Tổng thống Barack Obama dùng vũ lực với Syria.


Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid ngày 9.9 cho biết Thượng viện sẽ bỏ phiếu về một đề nghị tiến hành tranh luận liên quan tới nghị quyết chấp thuận "hành động quân sự hạn chế" để phản ứng trước việc Syria sử dụng vũ khí hóa học.










Phản đối chiến tranh với Syria. Nội dung biểu ngữ: "Obama hãy trả lại giải Nobel hoà bình. Ông không xứng đáng. Ảnh: thestar.com



Nếu có sự phản đối về đề nghị này, ít nhất một nghị sĩ Cộng hòa đã đe dọa điều này vào tuần trước, thì Thượng viện cần ít nhất 60/100 phiếu thuận để đưa nghị quyết này lên trên.


Các nghị sĩ Dân chủ kiểm soát Thượng viện, song hiện không rõ Tổng thống Barack Obama có đủ sự ủng hộ tại Thượng viện để đạt ngưỡng 60 phiếu thuận hay không.


Trong khi đó, theo kết quả thăm dò dư luận mới của Reuters/Ipsos, số người Mỹ phản đối nước này tấn công Syria đang tăng sau khi họ biết thêm về cáo buộc chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học.


Cuộc thăm dò tiến hành từ ngày 5-9.9 cho thấy 63% người Mỹ phản đối can thiệp vào Syria. Đây là sự gia tăng so với con số 53% của cuộc thăm dò hôm 30.8, thời điểm một tuần sau khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại ngoại ô Damascus.


Trong khi đó, số người ủng hộ Mỹ can thiệp vào Syria cũng giảm, từ 20% xuống còn 16%.


Trong trường hợp chứng minh được quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học, cũng chỉ có 26% số người Mỹ cho rằng nên can thiệp. Số người phản đối là 52%, tăng so với con số 44% của cuộc thăm dò cuối tháng 8.


Vietnam+






Tôn trọng khác biệt là động lực phát triển

Tôn trọng khác biệt là động lực phát triển

TS Huỳnh Thế Du


Tôn trọng khác biệt là động lực phát triển


SGTT.VN - Tiểu học trường làng, trung học trường huyện, tốt nghiệp đại học tỉnh, hoàn thành luận án tiến sĩ Harvard chỉ trong một năm rưỡi… thông điệp mà TS Huỳnh Thế Du (giảng viên chính chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) đưa ra cũng độc đáo như con đường học vấn của anh: một xã hội lành mạnh là một xã hội thừa nhận bản chất con người và để cho nó phát triển một cách tự nhiên.











Đâu là kỷ niệm tuổi thơ mà anh nhớ nhất?


Thời bao cấp, hầu hết các gia đình Việt Nam đều khó khăn. Bố mẹ tôi phải nuôi bảy người con nên còn nan giải hơn. Tuy nhiên, nhà tôi luôn đầm ấm và điều đặc biệt là bố mẹ gần như không ép buộc chúng tôi bất cứ điều gì. Tôi được làm những gì mình thích và tự chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Có lẽ đây là tài sản quý giá nhất mà tôi được bố mẹ dành cho.


Thời sinh viên của anh thế nào, và đâu là thời khắc khó khăn nhất?


Thời đại học của tôi rất bình thường với kết quả học ở mức trung bình. Tôi quyết định mọi thứ và chúng cứ bình bình trôi qua nên bây giờ được hỏi đâu là thời khắc khó khăn nhất, thực tình tôi nghĩ không ra!


Động lực nào khiến anh theo nghiệp chữ nghĩa của một ông giáo?


Học xong ngành xây dựng ở đại học Bách khoa Đà Nẵng, tháng 9.1996 tôi đi làm ở ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Bình Định được năm năm thì thấy mình phải đi học thêm một cái gì đó. Tình cờ một anh ở cơ quan đi học tại chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) mang thông tin về. Tôi nộp hồ sơ và đi thi.


Cách học hoàn toàn mới ở FETP làm tôi rất thích nên tôi đã học một cách say mê. Tháng 6.2002, tôi trở về cơ quan cũ làm việc khoảng nửa năm thì FETP mời tôi tham gia nghiên cứu và giảng dạy. Cũng may là lúc đó sếp tôi chuyển từ BIDV Bình Định vào sở giao dịch 2 ở TP.HCM nên kéo tôi theo.


Từ tháng 3.2003, tôi làm việc chính thức ở BIDV và bán thời gian ở FETP. Đến đầu năm 2005, tôi thấy việc giảng dạy và nghiên cứu phù hợp hơn nên thôi làm ngân hàng cho dù cơ hội ở BIDV đang rất tốt. Hơn thế, trước đó mấy tháng tôi cũng nhận được lời mời về điều hành một ngân hàng cổ phần đang chuẩn bị nâng cấp từ nông thôn lên đô thị.


Học xây dựng ra làm ngân hàng rồi chuyển sang giảng dạy và nghiên cứu về chính sách công – đúng là việc chọn người chứ người không chọn được việc. Từ kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng đúng chuyên môn ngay từ ban đầu không phải là yếu tố quan trọng vì khi học xong trung học, rất khó để biết được ngành gì phù hợp với mình. Khi sang đến Mỹ tôi nhận ra rằng, ngay cả sinh viên Harvard cũng thế.


Là một giảng viên đại học, anh thấy động lực học và động lực sống của các bạn trẻ thế nào?


Có ý kiến cho rằng, thế hệ trẻ bây giờ không bằng các thế hệ trước đây. Họ thiếu động lực học và động lực sống. Tôi thì rất lạc quan về thế hệ trẻ. Bây giờ họ rất giỏi và dám thể hiện mình. Nhiều bạn có động cơ học và phong cách sống rất mạnh mẽ. Họ biết tận dụng và nắm bắt các cơ hội cũng như lợi thế của mình.


Nhìn sự “nổi loạn” của một số bạn trẻ muốn khẳng định mình, sẽ thấy một vấn đề xã hội rất lớn. Bản chất của con người là ai cũng vì mình trong khi không ít người trong xã hội chúng ta vẫn quan niệm rằng con người có thể, thậm chí là phải vì người khác. Con cái phải thế này thế kia mà thực chất là phải vì bố mẹ. Ở cơ quan phải nói vì tập thể, vì cơ quan. Nếu ai dám nói là tôi sống, tôi làm việc vì tôi thì bị cho là ích kỷ, cá nhân.


Thực ra, con người có thể vì người khác, vì cái chung trong một số bối cảnh đặc biệt trong ngắn hạn như đối diện một mất một còn trong chiến tranh chẳng hạn. Thời chiến, người ta có thể dỡ cả nhà của mình để xây chiến luỹ, nhưng khi trở lại với cuộc sống hàng ngày, chẳng ai chịu thiệt dù nửa viên gạch. Sẽ khập khiễng nếu lấy bối cảnh thời chiến để nhìn thời bình.


Để tạo động lực cho người trẻ, theo tôi là nên để cho họ được theo đuổi những gì mà họ thích, họ đam mê. Tuy nhiên, cũng cần phải cho mỗi người thấy được trách nhiệm cũng như điều hơn lẽ thiệt trong mỗi hành động hay quyết định của mình. Nói một cách đơn giản: anh có quyền làm bất cứ điều gì, nhưng anh phải chịu trách nhiệm về những việc làm của mình.


Theo anh, điều tiên quyết để người trẻ say mê sáng tạo, là gì?


Được làm những việc mình thích, mình đam mê.


Vừa bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ tại Harvard, anh có thể giới thiệu qua luận văn của mình?


Luận văn của tôi với tiêu đề “Chuyển đổi ở TP.HCM: Những vấn đề trong quản lý tăng trưởng”, tập trung vào bốn vấn đề chính: vai trò thực chất của quy hoạch đô thị; tính ưu việt cũng như những thách thức của cấu trúc nhà phố – nhà hẻm; phát triển các khu đô thị mới; những thách thức trong tái phát triển khu trung tâm hiện hữu ở TP.HCM.


Có hai điểm khác biệt trong luận văn này. Thứ nhất, đây là một trong những nghiên cứu hiếm hoi phân tích về phát triển đô thị ở TP.HCM một cách tổng thể, nhất là từ Đổi mới đến nay. Thứ hai, các bằng chứng thực nghiệm về những lý thuyết đô thị từ các nước phát triển đã được tìm thấy ở một nền kinh tế chuyển đổi và đang phát triển.


Nghe nói anh là người đầu tiên bảo vệ luận văn tiến sĩ ở chương trình này trong vòng một năm rưỡi?









Tôi chưa thấy một đất nước nào, một dân tộc nào theo triết lý mỗi cá nhân phải vì cái chung, không được thể hiện cái tôi, không được vì mình mà thịnh vượng. Những quốc gia thành công là những nơi cá nhân mỗi người được phát huy, được tôn trọng.



Tôi nghiên cứu về phát triển đô thị trong chương trình tiến sĩ ba năm (Doctor of Design) của trường Thiết kế Harvard (Harvard Graduate School of Design). Nhờ may mắn và những điều kiện thuận lợi khác nên tôi đã có thể bảo vệ luận văn sớm hơn và điều này cũng có những điểm lợi. Giờ đây tôi có nhiều thời gian hơn để làm những thứ mình thích thay vì “phải học” để hoàn thành chương trình. Thêm vào đó, gánh nặng tài chính cũng nhẹ đi rất nhiều.

Theo anh, ưu điểm của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ là gì?


Hệ thống giáo dục ở Hoa Kỳ cho mỗi cá nhân phát huy tối đa khả năng sáng tạo và năng lực của mình. Ai cũng có thể nghĩ khác và làm khác. Rất nhiều vấn đề dường như không có đáp án chung nên các câu trả lời trái ngược cùng được đánh giá cao là chuyện thường tình. Tính hợp lý trong các lập luận được đặt lên hàng đầu chứ không phải đúng hay sai. Nói một cách khác là con người được dạy cách tư duy “vừa là... vừa là...” chứ không phải “hoặc là… hoặc là...” Mỗi sự vật, mỗi người đều có mặt này mặt kia chứ không có chuyện người tốt thì không có điểm không hay và người xấu thì không có điểm tốt.


Điểm quan trọng khác trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ là họ dạy cho mỗi người biết coi trọng bản thân và phải biết được những rủi ro trong các hành động của mình. Lời khuyên đối với những tình huống nguy hiểm đang xảy ra trước mắt không phải là xả thân cứu người, mà là nếu không có chuyên môn về lĩnh vực đó và không có công cụ hỗ trợ thì nên tránh xa. Mỗi người phải biết lượng sức mình, chớ có anh hùng rơm.


Đây là một triết lý rất quan trọng và không hề vị kỷ. Mỗi người cần phải nhận thức được rằng sức khoẻ và sinh mạng của mình là quan trọng nên cần phải cẩn thận và có lý trí trong các hành động. Điều này sẽ giúp giảm đi những rủi ro, những tình huống không hay. Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn.


Xét về mặt kinh tế học, theo anh, để một dân tộc đi lên, cần có những động lực gì?


Để cho mỗi người được làm việc mình thích. Tôi chưa thấy một đất nước nào, một dân tộc nào theo triết lý mỗi cá nhân phải vì cái chung, không được thể hiện cái tôi, không được vì mình mà thịnh vượng. Những quốc gia thành công là những nơi cá nhân mỗi người được phát huy, được tôn trọng. Ở đó, các thể chế, luật chơi được thiết kế để mỗi người tự do chạy theo mục tiêu của cá nhân mình nhưng lợi ích cá nhân cùng hướng với lợi ích tập thể. Cuối cùng thì cả xã hội đều cùng tốt lên.


Là chủ tịch hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ, theo anh, động lực quay về đóng góp cho đất nước ở các bạn trẻ như thế nào?


Một chút gì đó về quê hương về đất nước thì ai cũng có. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu và thường trực của mỗi người là tương lai của bản thân và gia đình mình. Là người nghiên cứu về hành vi cá nhân cũng như hành vi tập thể, tôi tin rằng đa số đều vì mình. Mỗi người khi làm gì đều cân đo, đong đếm được và mất cho mình. Do vậy, động lực chính để du học sinh quay về là họ kỳ vọng rằng tương lai hay công việc của mình sẽ tốt hơn so với ở lại chứ không phải vì điều này điều kia.


Đối với nhiều người, khả năng tìm được một việc làm phù hợp chuyên môn với mức thu nhập ổn định ở nước ngoài là không khó. Tuy nhiên, sau một thời gian động lực làm việc có thể giảm đi rất nhiều vì sự lặp lại của công việc. Với một xã hội đã ổn định thì khả năng đột biến lớn là rất khó. Trong khi, với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, những cơ hội tạo ra đột biến lớn rất nhiều.


Hơn thế, ở “xứ người” phân biệt đối xử, mình thuộc nhóm thiểu số vẫn là một vấn đề. Có được một việc làm ổn định thì không khó, nhưng để có thể vươn tới đỉnh cao trong một lĩnh vực nào đó thì mình phải nỗ lực lớn hơn những người thuộc nhóm “đa số” rất nhiều.









Hãy để cho mỗi người tự quyết định điều gì là tốt cho họ, điều gì nên làm và không nên làm chứ không nên tạo ra các thể chế hay cách hành xử mà hầu hết mọi người phải nói một đằng, làm một nẻo!



Tuy nhiên, tôi xin nói rõ rằng những người chưa về không có nghĩa là họ thờ ơ hay không có đóng góp cho quê hương, đất nước. Trên thực tế, nhiều người ở lại nhưng có những đóng góp rất lớn cho đất nước bằng những việc làm cụ thể. Ở đâu tốt cho mình thì nên chọn ở đó.

Đối với mỗi người, làm ở đâu là phụ thuộc vào công việc hiện tại và triển vọng tương lai. Tuy nhiên, tôi thấy có hai vấn đề hiện nay:


Thứ nhất, những nước phát triển là nơi có đông đảo du học sinh trở về. Ngược lại, nếu một nước có nhiều du học sinh ở lại bên ngoài sẽ thành “quán quân về kiều hối” và rất khó phát triển.


Thứ hai, đối với mỗi cá nhân, được làm việc trong môi trường, văn hoá của mình, mình thuộc nhóm đa số sẽ dễ phát huy khả năng và thành đạt hơn. Tuy nhiên, mỗi người khi trở về cần có một khoảng thời gian nhất định để thích ứng. Đơn thân độc mã rất dễ nản và bị hất ra khỏi hệ thống.


Đây là hai trong những lý do chính để du học sinh chúng tôi cùng thành lập hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ, để mỗi thành viên có thể phát huy tốt nhất khả năng bản thân và đạt được mục tiêu của mình nhưng cũng tốt cho xã hội nói chung mà ở đây cụ thể là Việt Nam.


Như vậy, thay vì kiềm toả nhau, mỗi chúng ta hãy chấp nhận sự khác biệt của những cá nhân xung quanh và tôn trọng ý nguyện phát triển riêng của họ?


Đúng vậy! Tôi chỉ muốn nói rằng, con người được sinh ra là để vì mình chứ không phải vì người khác hay vì một cái chung nào đó. Một cách bản năng, hầu hết mọi người đều hành xử như vậy. Do vậy, một xã hội lành mạnh là một xã hội thừa nhận bản chất của con người và để cho nó phát triển một cách tự nhiên. Các thể chế trong xã hội nên được tạo ra để mỗi người được theo đuổi những đam mê hay mục tiêu cá nhân của mình, nhưng kết quả sẽ góp phần gia tăng phúc lợi cho toàn xã hội. Hãy để cho mỗi người tự quyết định điều gì là tốt cho họ, điều gì nên làm và không nên làm chứ không nên tạo ra các thể chế hay cách hành xử mà hầu hết mọi người phải nói một đằng, làm một nẻo!


thực hiện: Lê Ngọc Sơn


chân dung hội hoạ: Hoàng Tường






Hải sản sạch ở nhà hàng Khoái

Hải sản sạch ở nhà hàng Khoái

Hải sản sạch ở nhà hàng Khoái


SGTT.VN - Tận dụng nguồn hàng từ các bạn hàng ghe nhỏ, đánh bắt ngắn ngày cho Nhà Hàng Khoái 3A Lê Quý Đôn, cửa hàng hải sản sạch & tươi của Khoái với phương pháp giữ tươi duy nhất là đá lạnh, sẽ là nguồn cung cấp hải sản sạch cho bữa cơm gia đình chất lượng và an toàn.


Cửa hàng Khoái tại 16C Nguyễn Văn Giai, phường ĐaKao, Q.1, HCM với nguồn hải sản hoàn toàn thiên nhiên từ các làng chài Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang sẽ là địa chỉ uy tín cung cấp các loại hải sản cho thực đơn hàng ngày và các loại hải sản hiếm, theo mùa. Gọi số (08) 38 206 737 để được giao hàng tận nơi cho các đơn hàng từ 300.000 đồng trở lên.















DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ