Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Còn “ăn xổi ở thì”, còn vướng bẫy

Còn “ăn xổi ở thì”, còn vướng bẫy










Còn “ăn xổi ở thì”, còn vướng bẫy


SGTT.VN - Nhiều người lo ngại rằng, chúng ta có độc lập gần 70 năm, nhưng về mặt phát triển chúng ta vẫn lệ thuộc nhiều vào nước ngoài. Nhưng tình trạng này khá phổ biến cho nhiều nước, cái đáng buồn là khi nhìn thẳng vào hiện tình kinh tế và xã hội Việt Nam, tôi chưa thấy được hướng phát triển rõ rệt.










Ảnh: Trần Việt Đức



Rõ ràng, đã có rất nhiều phát biểu về mặt lý luận về định hướng lâu dài cho Việt Nam, nhưng cụ thể phải làm những gì, thực sự tôi chưa thấy rõ. Về kinh tế, chúng ta muốn trở thành một Philippines hay một Hàn Quốc? Bất cứ một sự phát triển bền vững nào đều dựa trên tầm nhìn dài hạn và tư duy chiến lược. Tuy nhiên, để phát triển, cần tránh lối tư duy muốn “có tiền” trong ngắn hạn, bằng đủ mọi cách. Kiểu tư duy này khá phổ biến ở nước ta, trong quần chúng, trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, đặc biệt là trong một số cơ quan nhà nước cũng như với một số người có trọng trách. Cha ông ta gói gọn lối tư duy này trong một câu thành ngữ rất cô đọng: “ăn xổi ở thì”.


Trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, mục tiêu rất rõ ràng. Mọi người sẵn sàng hy sinh cho mục tiêu ấy; hoà bình trở lại, Việt Nam cần phát triển. Muốn phát triển cần có nhiều người lãnh đạo, cần có đội ngũ nghiên cứu và thực hiện các chính sách có bề dày kiến thức kinh tế học, khoa học… Việt Nam thiếu rất nhiều người lãnh đạo, và đội ngũ cán bộ như thế. Rồi nạn tham nhũng hoành hành. Sau hoà bình, mọi người đều có nhu cầu chính đáng: được sống đàng hoàng hơn. Nhưng cái “tư” đi trước cái “công” trong tư duy của rất nhiều người. Một phần nào đó, đây là hậu quả của chính sách lương bổng, thu nhập ở Việt Nam.


Văn hoá ảnh hưởng nhiều vào quá trình phát triển. Cần phát hiện trong nền văn hoá này, cái gì nên giữ hoặc phát triển thêm, cái gì nên để tự nó đào thải. Thời tiết, khí hậu cũng ảnh hưởng lên phát triển kinh tế, khoa học ở một số nước. Do vậy, chúng ta cần hình thành tư duy “tự ái dân tộc”: thấy thua thiên hạ, thì vươn mình lên; thấy chưa bằng thiên hạ, thì phải thực sự học hỏi; thấy mình phát triển chậm thì biết tự xấu hổ với thiên hạ… để rồi từ đó tạo động lực đi lên.


Vậy, cách thức nào để Việt Nam thoát khỏi cái bẫy lưng chừng hiện nay, và mô hình phát triển nào Việt Nam có thể học được? Có lẽ cần cải tổ mạnh mẽ hệ thống kinh tế, xã hội, giáo dục, đào tạo. Cần có một cái nhìn dài hạn cho con đường phát triển cho Việt Nam, vạch ra những cái gì cần được phát triển trong dài hạn, ngắn hạn, những gì phải quyết tâm dẹp bỏ.


GS Lê Văn Cường


(giám đốc nghiên cứu trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp)






Ba tôi, Gatsby và những giấc mơ

Ba tôi, Gatsby và những giấc mơ

Ba tôi, Gatsby và những giấc mơ










Phát triển kinh tế, cần cả tình cảm và niềm tin. Ảnh: Thanh Hảo



Ba tôi và Gatsby...


Ba tôi là một đại tá quân đội, nhập ngũ từ khi còn là một thiếu niên và chết trong bộ quân phục. Tôi thường gắn những hoài niệm về vị thân sinh của mình bằng những sự kiện hàng ngày. Ví dụ như ngay bây giờ đây, hình ảnh về ba tôi rất gần với hình ảnh The Great Gatsby.


Trong bộ phim này, chàng sĩ quan không xu dính túi Gatsby yêu một cô gái thượng lưu tên là Daisy. Sau chiến tranh, Gatsby không tìm gặp lại Daisy mà để dành 5 năm để biến bản thân mình thành một đại gia lừng danh, xây một lâu đài tráng lệ với hy vọng cháy bỏng rằng, sẽ có một ngày Daisy ở đây, sẽ vui sống chốn này, sẽ hiện hữu trở lại trong cuộc đời của Gatsby bằng xương bằng thịt. Dù chỉ gắn bó với Daisy bằng một nụ hôn, nhưng Gatsby đã cưới Daisy trong tiềm thức, anh sống, và chết vì một viễn cảnh hạnh phúc với Daisy. Toàn bộ cuộc đời anh, thân xác anh, từng tế bào, giọt máu của anh dành cho viễn cảnh ấy. Anh chết thay cho Daisy, lời cuối cùng trên môi anh là cái tên Daisy, nhưng Daisy mà anh đã sống và chết thì bỏ mặc anh trong sự thờ ơ và trốn chạy.


Ba tôi cũng có một Daisy như vậy, chỉ vì một nụ hôn mà cống hiến cả đời mình, chứ không phải chỉ 5 năm như chàng Gatsby, cho một viễn cảnh hạnh phúc đến gần như không tưởng. Điều duy nhất khác biệt giữa ba tôi và Gatsby là Gatsby chết với nguyên vẹn hình ảnh diệu kỳ không tỳ vết (nhưng giả tạo) của Daisy. Ba tôi chết, một chiến binh oai hùng cả đời trận mạc, nhưng phút cuối cùng trong đời lại bấu chặt lấy tay chị gái tôi đến chảy máu, cầu xin chị hãy cứu ông thoát khỏi sự săn đuổi của những linh hồn thây ma đã từng bị ông giết chết trong ba cuộc chiến.


Nghĩ về thế nước


Một thực tế khá buồn hiện nay ở ta là nhiều người xem việc thu lợi trước mắt, kiềm tiền nhanh chóng... là một ưu tiên, thay vì đầu tư lâu dài. Nói theo kiểu phong thủy, Việt Nam là một quốc gia có thế nước khá bị dồn nén, bên phải có biển lớn mênh mông, bên trái núi non hiểm trở, phía trên có Trung Quốc bành trướng chắn tầm nhìn, chỉ có đằng sau là ngàn trùng nước nhỏ để ta có thể đi “mở cõi”.


Phải nói thật là tôi hơi nghi ngờ cách nhìn này, vì nó phủ nhận hoàn toàn ý chí của con người. Ví dụ như biển lớn chắn mặt sao không đóng thuyền vượt biển và có lịch sử hàng hải vinh quang mà lại hài lòng với cái ngô cái sắn dễ trồng dễ mọc dễ thu hoạch hàng ngày? Giả thuyết nông nghiệp thu hút được nhiều nghiên cứu, một phần giải thích dù chưa thực sự thấu đáo cách sống nhẩn nha, cái nhìn ngắn ngủi trong lũy tre làng của người Việt.


Một giả thuyết khác liên quan đến lịch sử dân tộc. Việt Nam đã liên tục trong tình trạng loạn lạc suốt nhiều nghìn năm. Để đối phó với sự bất an đó, người Việt đã hình thành một cách sống khá linh hoạt, "ở bầu thì tròn ở ống thì dài", “đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Chúng ta du nhập hành vi, tập tục ngoại lai rất nhanh, chúng ta cũng mau chóng mất đi bản sắc rất nhanh, cái gì cũng có thể thay đổi, ứng biến, thêm vào, rút ra cho hợp với thời thế, cho nhanh kiếm được lợi nhuận (ngắn hạn), cho xong việc, cho mau mau chóng chóng có lãi, rồi sau này thế nào không cần biết và có lẽ cũng không-thể- biết. Cuộc sống bất an mà!


Đặc tính văn hóa này rất nguy hiểm cho nền kinh tế hiện đại mở rộng ra toàn cầu. Khi đào tạo cho các công ty nước ngoài, tôi thường được tâm sự rằng một trong những điều làm họ khổ sở nhất khi làm ăn với đối tác Việt Nam là tư duy ngắn hạn. Tôi xin lấy hình ảnh xây dựng một căn nhà làm ví dụ. Doanh nghiệp có tầm sẽ có cái nhìn bao quát, chịu thua lỗ hoặc thất bát ban đầu, hoạch định xa, xây nền móng kỹ càng trong một tổng thể thống nhất. Doanh nhân Việt thì sẽ thích xây cái phòng khách trước, phải nhìn thấy, sờ thấy, ngửi hít thấy mùi kết quả cái đã rồi mới tính tiếp xây thêm bếp, nhà vệ sinh. Kết quả là cái nhà nó tự phình ra chứ không theo một thiết kế hoàn chỉnh có tầm vóc nào cả. Đó là nền kinh tế “hớt váng”, phát triển xổi, thấy lợi là ào đến, tí tẹo thua đã bỏ chạy, hỏng đâu sửa đấy. Đó cũng là nền kinh tế “nhiệm kỳ”, lãnh đạo chỉ lo có thành tích trong nhiệm kỳ của mình rồi hạ cánh an toàn, phủi tay về vườn. Nếu không thay đổi tư duy và có những chiến lược kinh tế vĩ mô đúng đắn thì Việt Nam sẽ sa vào khủng hoảng trầm trọng trong tương lai.


















Thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là đối đầu với một cuộc khủng hoảng còn lớn hơn khủng hoảng kinh tế, đó là khủng hoảng niềm tin.



Trong nghiên cứu văn hoá có một chỉ số/ giá trị được thiết lập bởi Hofstede tên là “time orientation” (tầm nhìn thời gian). Những nước châu Á thường có chỉ số cao như Trung Quốc (118), Nhật (80), Đài Loan (87), Hong Kong (97), Hàn Quốc (75). Việt Nam từng có chỉ số 80, và được Hofstede tiên đoán sẽ trở thành một nền kinh tế mạnh kiểu hổ rồng châu Á nếu Chính phủ có sự thay đổi tích cực. Nhưng trong phiên bản gần đây nhất của Hofstede thì Việt Nam bị đánh giá lại và tụt hạng thê thảm xuống mức dưới 50. Hẳn nhiên đây là thiếu sót khoa học lớn của cuốn sách, đơn giản vì một giá trị “văn hoá nền” về nguyên tắc không thể thoắt lên thoắt xuống như thế được. Tuy nhiên, tôi cho rằng chỉ số mới phản ánh đúng hơn tính cách dân tộc của người Việt.

Phát triển kinh tế, tình cảm và niềm tin


Thực tế đang chỉ ra rằng, thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là đối đầu với một cuộc khủng hoảng còn lớn hơn khủng hoảng kinh tế, đó là khủng hoảng niềm tin. Trải qua những đêm dài của chiến tranh và công cuộc thay da đổi thịt với nhiều thắng thua, người Việt đang rơi vào một thời kỳ quá độ và trở nên hoang mang với những giá trị và niềm tin của chính mình: Thứ nhất, sự tin tưởng vào các gốc rễ văn hóa bị lung lay, cộng với sự nhược tiểu về kinh tế nên đã trở thành đầu mối thể hiện sự tự ti văn hóa. Thứ hai, niềm tin vào rất nhiều các giá trị đạo đức bị bào mòn, hay đúng hơn là bị đập cho tan tác. Sự dối trá, tham nhũng trở thành các giá trị chung, không còn là “quốc nạn” nữa mà là một phần tất yếu của cuộc sống. Thứ ba, sự thiếu hiệu quả, những lời nói suông, tham nhũng, bao che, nhóm lợi ích... khiến cho người dân tự hỏi lấy gì để họ tin rằng các kế hoạch này, dự án nọ là sự chân thành trong việc dựng xây đất nước?


Tôi cho rằng niềm tin đã trở nên khan hiếm, và cuộc khủng hoảng niềm tin này, nếu không được xử lý đúng đắn, sẽ trở thành khủng hoảng niềm hy vọng. Khi đó thì hết thuốc chữa.


TS Nguyễn Phương Mai (đại học Amsterdam, Hà Lan)






Gầy dựng lại niềm tin từ mỗi gia đình

Gầy dựng lại niềm tin từ mỗi gia đình

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích


Gầy dựng lại niềm tin từ mỗi gia đình


SGTT.VN - Trong giới doanh nhân và luật sư, người ta nhắc đến ông với niềm ngưỡng mộ. Cùng nhóm nhân sĩ trí thức Thứ Sáu đóng góp đáng kể vào công cuộc đổi mới kinh tế, những cuốn sách và bài báo sắc bén của ông về kinh doanh, giáo dục, triết học… đã trở thành cẩm nang của nhiều độc giả. Ít ai biết ông đã nếm trải đủ mùi cay đắng của tù tội, mặc cảm khuyết tật, nỗi mất mát trong mối tình đầu… trước khi trở thành điểm tựa tinh thần của bao người.











Xã hội muốn phát triển bền vững, cần có những giá trị cộng đồng được thừa nhận như những giá trị tiêu biểu cho sức mạnh quốc gia. Nhưng dường như những giá trị ấy đang bị tổn thương?


Chúng ta từng có những giá trị tinh thần đáng quý được kết tinh qua cả một quá trình dài dựng nước và giữ nước, giá trị lớn nhất là niềm tin vào con người, vào sức mạnh dân tộc, sự tin cẩn lẫn nhau; sự hỗ tương, đùm bọc lẫn nhau, lá lành đùm lá rách; tinh thần đoàn kết; lòng vị tha, bao dung…


Xây dựng niềm tin mất nhiều thời gian và công sức nhưng để mất nó thì rất dễ. Vốn xã hội không thể có được khi trong xã hội người ta thiếu mất những giá trị nhân bản, đạo đức cá nhân. Xin đừng đánh đồng chủ nghĩa “vị kỷ” với cá nhân mỗi con người và phê phán nó, như thế là phá huỷ những đặc tính tốt đẹp của con người. Đạo đức cá nhân chỉ có được khi mỗi cá nhân có sự trung thực, người này độ lượng với người khác. Nếu một xã hội không độ lượng sẽ tạo ra dối trá, trả thù, mất đi tính trung thực. Một môi trường đầy rẫy sự bất tín thì khó có sự hợp tác hay tương tác.


Chất lượng cuộc sống cũng như khả năng cạnh tranh của một quốc gia tuỳ thuộc đặc tính văn hoá độc đáo lan toả trong quốc gia ấy, đó là mức độ tin cẩn nhau trong xã hội. Ở Việt Nam, xã hội xây dựng dựa trên căn bản là đấu tranh. Điều đó đúng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhưng khi đất nước hoà bình, chúng ta vẫn giữ tinh thần này. Có cả một cuộc triệt hạ văn hoá cũ, cải tạo ruộng đất phá vỡ nền tảng giá trị cũ, con tố cha, vợ tố chồng, đạo đức Khổng Mạnh bị đày đoạ. Cả một thời gian dài người ta sống thiếu trung thực, thiếu độ lượng, tha thứ, “chơi” những trò bẩn. Người ta cứ phải nói tốt trong khi phải sống không tốt vì thiếu thốn cả vật chất, tinh thần. Vì thiếu thốn mà người ta không muốn người khác hơn mình, thấy người khác sung sướng chịu không được, sinh ra dòm ngó lẫn nhau, bắt người ta phải nói dối, nói xấu lẫn nhau. Khi chạm đến những quyền lợi thiết thân sẽ xuất hiện nói xấu, đấu tranh rất nặng nề. Từ đó sinh ra nạn trộm cắp, côn đồ, con gái mặc áo dài cũng đánh nhau trong học đường… Khi xã hội thiếu nền tảng quan trọng nhất là sự trung thực thì làm sao thúc đẩy sự tha thứ, độ lượng và thông cảm?


Theo ông, phát triển kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào vốn xã hội?


Khi đi tìm các giá trị kinh tế, chúng ta phải quay trở lại giá trị nền tảng, đó là đạo đức cá nhân. Tên tuổi doanh nghiệp là kết quả một thương hiệu của nhiều người cùng xây dựng, nếu con người không vững thì làm sao có thương hiệu vững? Hơn nữa, suốt một thời gian dài chúng ta chỉ coi trọng doanh nghiệp nhà nước. Những doanh nghiệp nhà nước thường chỉ bám vào nhiệm vụ chính là phục vụ kế hoạch chính trị, xã hội, mà không làm cái đáng lẽ phải làm là sản xuất để kiếm lời. Một số doanh nghiệp tư nhân cũng chạy theo doanh nghiệp nhà nước, tìm chỗ quen biết để nhờ vả, chạy chọt dự án. Tài ba không được đo bằng lời lãi mà bằng sự chạy chọt, nghĩa vụ phải thực hiện, nên kinh tế không thể phát triển được.


Làm thế nào để có được một nền kinh tế khoẻ?


Trong môi trường mà những giá trị ảo lên ngôi sẽ tạo ra một xã hội coi trọng đồng tiền, coi trọng vật chất chứ không coi trọng đạo đức, cũng không coi trọng cách kiếm tiền. Nhìn vào danh sách những người giàu nhất Việt Nam, có thể thấy ít những nhà sản xuất. Một nền kinh tế khoẻ phải có nhiều người giàu về sản xuất. Sản xuất phát triển sẽ kéo theo dịch vụ ngày càng mạnh, từ đó mới xuất khẩu được. Khi sản xuất mạnh, ngân hàng tiêu thụ được tiền, mới đầu tư lại cho sản xuất, đầu tư thúc đẩy văn hoá tinh thần…


Về nông nghiệp, bốn nhà là Nhà nước, nhà nông, nhà công nghiệp, nhà xuất khẩu phải “chơi” được với nhau thì nông nghiệp mới “bốc” lên được. Một nền kinh tế mà ai cũng sử dụng ưu thế để kiếm lời, không phải để chia sẻ thì giá lúa cứ tụt mãi thôi. Ưu thế là để chia sẻ, không phải ăn một mình.


Về công nghiệp, phải kiểm soát được nguồn tiền, có một nền văn hoá và quản trị khoa học, xuất phát từ những doanh nghiệp tư nhân kinh doanh từ đồng tiền của chính mình. Các nước phương Tây phải trải qua 40 năm mới có được quy trình quản trị khoa học. Lúc ấy Việt Nam còn đóng cửa kín mít. Chúng ta vẫn đo quản trị kinh tế theo thước đo khác, làm sao phát triển thành tập đoàn?


Ông đã từng cho rằng những đổ vỡ của thị trường địa ốc là do… luật pháp?









Khi xã hội thiếu nền tảng quan trọng nhất là sự trung thực thì làm sao thúc đẩy sự tha thứ, độ lượng và thông cảm?



Luật pháp không phải chỉ để trừng phạt những vi phạm, mà phải làm sao để không xảy ra vi phạm. Lại trở lại vấn đề đạo đức. Nền kinh tế phát triển được là do sự tuân giữ tự nguyện của mỗi người. Khi mà đạo đức không còn được tuân giữ, ăn được của người khác là mừng lắm, không làm cho người ta áy náy lương tâm thì mọi hợp đồng cũng vô nghĩa. Như việc bỏ thuốc độc để giữ rau quả tươi lâu. Nếu còn lương tâm chắc chắn họ không kiếm tiền kiểu đó. Máu làm giàu không cần biết tới tội lỗi chứng tỏ rõ ràng họ đã mất đi cái khuôn tự chế ngự của con người. Nếu đạo đức còn, chắc chắn họ sẽ phải tự vấn: “Làm thế tội chết!” Đạo đức, tính thiện, tôn giáo trong tâm hồn giúp người ta nghĩ xa, còn nhìn ngắn hạn, giải quyết vấn đề ngắn hạn là tội ác.

Vậy thành trì cuối cùng mà ông trông cậy để có thể gầy dựng lại niềm tin là gì?


Muốn thay đổi điều này phải thay đổi cách giáo dục, bắt đầu từ gia đình. Đi sâu vào gia đình, tôi nhận ra vai trò của các bà mẹ cho hạnh phúc của gia đình và cho sự phát triển của xã hội. Tình thương yêu, sự độ lượng của bà ngoại truyền cho mẹ, mẹ truyền cho con là cái nôi, là thành trì cuối cùng để giữ lại các nền tảng đạo đức. Có như vậy thì con gái mới nói hết được với mẹ, giữa mẹ và con có một sự giao lưu, an ủi, đỡ đần, quý mến. Sự lo toan của người mẹ khiến con nhận ra đó là mẹ, và lòng kính trọng được sinh ra. Nếu người mẹ là cái nôi an toàn, con cái được giáo dưỡng đầy đủ sẽ trở thành những công dân tốt. Quan sát những gia đình thời nay, có những người rất thành đạt là nhờ có một người mẹ chịu thương chịu khó, biết dạy dỗ con cái. Con người là kết tinh và thăng hoa của tình yêu gia đình. Con người có một số đặc tính cơ bản, giáo dục phải triển khai nó lên. Biết xấu hổ là bản năng của con người. Khi xấu hổ, người ta sẽ nói thật. Nếu người ta sống với nhau cởi mở, rõ ràng, vì nhau, thì tình yêu sẽ được thăng hoa. Khi yêu, sẽ biết bảo vệ, tranh đấu để sống còn. Tình yêu đầu tiên bắt đầu từ gia đình, bố mẹ, anh em, yêu những gì thân thiết với mình như mảnh vườn, mái nhà của mình, từ đó mới biến thành tình yêu quê hương đất nước. Một thời gian dài chúng ta đã quan niệm sai về những nguyên lý cơ bản về con người. Nếu chỉ nhìn vào lịch sử, lấy những cái mà người chết đã thực hiện và đem ra áp dụng với người sống sẽ bị người sống phản đối. Phải đi vào sâu xa của con người để khám phá, phải coi gia đình là cái gốc, phải kích thích tình yêu gia đình.


Tác phẩm Tài ba của luật sư của ông đã trở thành sách gối đầu giường của giới luật sư. Ông đánh giá thế nào về khả năng hội nhập của giới luật sư Việt Nam với môi trường luật quốc tế?


Trong lĩnh vực kinh doanh, luật sư phải hiểu biết về tổ chức công ty, công việc kinh doanh, hoạt động kinh tế quốc tế, những luật để điều chỉnh hoạt động ấy… Nhưng nhà trường không cung cấp đủ những hiểu biết ấy. Một khoảng trống kéo dài trong đào tạo cộng với luật pháp nước ta chưa theo kịp thực tế, nên tự thân mỗi người khi ra hành nghề phải tự bơi, nghề dạy nghề, bị khách hàng mắng mãi cũng tự nhiên giỏi. Ngày xưa khi bước vào nghề tôi cứ lo với những kiến thức, khi kiến thức và luật pháp bị vi phạm, tôi dần khám phá ra sự vi phạm ấy do lòng người. Trong nghề luật, trước hết phải làm người ta tin mình, muốn thế, phải đàng hoàng, có sao nói vậy. Thứ hai, phải có khả năng phân tích các sự kiện, vấn đề trong các tình huống, hoàn cảnh khác nhau và kết nối chúng với luật pháp tương ứng. Nhưng rất tiếc trường luật không đào tạo luật sư, mà chỉ đào tạo cán bộ pháp chế.


Theo ông, vì sao phép nước không nghiêm?


Luật pháp của mình thường xuất phát từ những quan chức nhà nước chứ không phải từ thực tế kinh doanh, nên họ đưa ra quan niệm, triết lý trước, sau đó mới xây dựng định chế, vì vậy khi đưa vào thực tế sẽ bị vênh, lại phải thay đổi nhiều lần. Không thể xây dựng luật pháp một cách duy ý chí, mà phải cho một xã hội đang hoạt động, chú ý đến tâm lý của người thi hành luật. Nếu tâm không rộng, trí không cao, sẽ không làm ăn được với người có tầm cỡ. Luật pháp chúng ta thiết lập một mô hình kinh tế xã hội mới khác với thực tế đang có, công dân và tài sản không gắn với nhau. Thẩm phán khó áp dụng biện pháp, thiếu sáng suốt công minh nên người dân có khuynh hướng coi thường toà án, không tôn kính toà án như cơ quan tượng trưng cho quyền uy của quốc gia.


Nhóm chuyên gia Thứ Sáu trong đó có ông đã góp phần tích cực trong cuộc đổi mới kinh tế lần thứ nhất. Vì sao một trí thức từng trải qua 12 năm cải tạo như ông lại dám phê phán trực diện những sai lầm của bộ máy kinh tế một thời?


Tôi đóng góp chân tình, xây dựng, nhân ái, không cay nghiệt. Khi mình nói ra với tấm lòng ngay thẳng, công bằng, có lương tâm và trách nhiệm thì khó khăn có, nhưng không dài, và mình sẽ được hiểu. Sự công chính là mộc che đỡ, cộng với sự học không ngừng đã giúp tôi đóng góp cho xã hội một tấm lòng. Tôi biết tôi ở đâu, và phải làm gì để xứng đáng với nhân phẩm của mình. Trong bất kỳ hoàn cảnh gian nan nào, hay khi bị phán xét, tâm hồn tôi cũng thanh thản.


Vì sao ở thời điểm đó, những người trí thức thuộc chế độ cũ như ông lại được trọng dụng, và có tiếng nói thiết thực, hiệu quả?









Sự công chính là mộc che đỡ, cộng với sự học không ngừng đã giúp tôi đóng góp cho xã hội một tấm lòng. Tôi biết tôi ở đâu, và phải làm gì để xứng đáng với nhân phẩm của mình.



Là trí thức được đào tạo đàng hoàng trong chế độ cũ, ai cũng khao khát muốn sử dụng kiến thức của mình để giúp cho việc chung. Nhưng bao nhiêu năm bị cho là “nguỵ” đã làm cho khao khát ấy nhụt đi. Đầu tiên, giữa chúng tôi có một cái chung, đó là bị “lêu bêu” một thời gian dài. Trải qua đau khổ, người ta có nhu cầu được gặp nhau, được anh Phan Chánh Dưỡng tập hợp lại ở Cholimex, được yêu cầu đóng góp ý kiến, được trọng dụng trong phạm vi rất nhỏ. Từ Cholimex nhiều khao khát được khơi dậy, được đáp ứng. Thứ hai vì đã bị lêu bêu một thời gian dài nên chẳng ai đòi hỏi quyền lợi, cũng không mong điều gì mình nói cũng được lắng nghe, chỉ đóng góp theo đòi hỏi của lương tâm. Nếu đòi hỏi quyền lợi chắc cũng không tồn tại dài đâu. Nói là đổi mới nhưng thực ra là trở về cái cũ, mà những kiến thức kinh tế tư bản cũ của miền Nam thì chúng tôi đã rành rồi, đã xài rồi, vì thế cứ nói thẳng, nói thật thôi.

Điều gì đã làm nên bản lĩnh con người ông?


Tôi là người ý chí nghị lực rất mạnh, vì tôi là người có tật. Hồi bé tôi là người năng động và tích cực trong mọi việc, đôi lúc quên đi mình bị gù lưng. Nhưng khi bị trêu chọc “ Ê, thằng gù!”, mình nhột lắm. Tật gù lưng làm tôi bị sốc, mặc cảm tự ti nên tình cảm cũng bị teo đi. Lý trí phải vọt lên, tạo ra sức mạnh tinh thần.


Ngược lại, trong những sự kiện lớn, thấy ông xuất hiện rất tự tin?


Khi phần lý trí lên cao tôi tìm được sức mạnh, tình cảm được chữa lành khi lấy vợ, sức mạnh tinh thần ngày càng phát triển. Cũng nhờ thời gian du học ở đại học Harvard, sống với người Mỹ nhiều, từ năm 1965 – 1973, những tổn thương dần lành. Tôi là người mà tình cảm và lý trí không khớp nhau, rất dễ xúc động, luôn khám phá cái tinh tuyền của lý trí và tình cảm nên… dễ bị “té” lắm. Bản thân tôi là người tình cảm, thường chấp nhận hy sinh, thua thiệt, nhưng đến lúc tình cảm lấn át quá thì lý trí sẽ mách bảo, không để lại lỗi lầm. Tôi là người không ghen tỵ, nhờ thế nhìn người khác rõ hơn. Sống tốt cho người ta sự lạc quan. Khi tâm tĩnh thì trí sáng, khi trí sáng thì càng kích thích sự tìm tòi, khao khát.


Từng bị phụ tình, từng mất hết, có bao giờ ông gục ngã?


Tôi sống thật nên khó gục ngã lắm. Khi phạm lỗi, biết mình sai và xin lỗi bằng sự chân thành thì chẳng bao giờ gục ngã. Giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời tôi là thời gian đi tù từ năm 1976 – 1988, vào tù không bị ân hận giày vò, trái tim không lo âu, thì trí óc sáng suốt, biết lợi dụng hoàn cảnh để làm cho cuộc sống trong tù trở thành có ích. Trong tù tôi đọc rất nhiều sách, học khám phá hai chế độ, khám phá con người, khám phá chính mình. Tôi đã từng đau khổ rất nhiều khi bị phụ tình, đến khi vào tù, nỗi đau ấy lại trở thành phần thưởng, giúp tôi khám phá những bí ẩn của tôn giáo, sống với một tình yêu thần thánh. Vì thế, thời gian trong tù trở thành bổ ích, không phải đoạ đày, đó là cách tôi nhìn. Khi ra đời tôi đem những khám phá ấy ra áp dụng và đã thành công.


Được biết, giá của mỗi giờ tư vấn luật của ông tại văn phòng luật D.C Law TP.HCM rất cao, vậy thời gian đâu mà ông viết rất nhiều sách về kinh tế, luật, triết học…?


Bây giờ tôi đã giảm công việc. Tôi muốn đem kinh nghiệm, kiến thức truyền đạt cho thế hệ trẻ. Qua lớp tư duy pháp lý tài chính tại Luật sư đoàn TP.HCM, tôi muốn chia sẻ với đội ngũ trẻ cách tư duy pháp lý bằng một tâm tình, một tư chất, óc phân tích. Đây cũng là nơi giúp nhau trao đổi nghề nghiệp, luật pháp, cuộc sống… Tôi làm việc ấy với một tâm tình cho đi mà không cần nhận lại, tôi muốn gieo tinh thần đó cho những người trẻ. Khi viết sách, viết báo, có độc giả yêu thích thật sự, mình được chia sẻ nhiều lắm. Đó là niềm vui của tôi, chẳng cần gì nữa.


thực hiện: Kim Yến


chân dung hội hoạ: Hoàng Tường






Trong tháng 9, có từ 1 - 2 cơn bão ảnh hưởng tới Việt Nam

Trong tháng 9, có từ 1 - 2 cơn bão ảnh hưởng tới Việt Nam

Trong tháng 9, có từ 1 - 2 cơn bão ảnh hưởng tới Việt Nam


SGTT.VN - Trong tháng 9 có khả năng xuất hiện 2 - 3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông.


Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, trong tháng 9 có khả năng xuất hiện 2 - 3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó ảnh hưởng đến Việt Nam khoảng 1 - 2 cơn.


Hiện tại bắt đầu mùa mưa ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ, tuy lượng mưa dự báo có khả năng hụt so với trung bình nhiều năm, nhưng vẫn có khả năng xảy ra các đợt mưa lớn trong thời đoạn ngắn.










Hình ảnh sau cơn bão số 6 vừa qua đổ bộ vào Thanh Hóa.



Vì vậy cần đề phòng lũ lên nhanh trên các sông suối, lũ quét và sạt lở đất đá, đặc biệt tại các khu vực vùng núi nơi có địa hình dốc.


Các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có nhiệt độ trung bình tháng phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm trong cùng thời kỳ, với chuẩn sai nhiệt độ trung bình tháng phổ biến dao động từ -0,5 đến 0,50C.


Lượng mưa ở Bắc Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ dưới so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, với lượng mưa thấp hơn từ 20% đến 40%. Các tỉnh Trung Bộ có lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ dưới so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, với lượng mưa thấp hơn từ 20% đến 40%; riêng các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ ở mức xấp xỉ trên so với với trung bình nhiều năm với chuẩn sai lượng mưa tháng cao hơn từ 20 đến 40%.


Các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ có lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, với chuẩn sai lượng mưa tháng dao động từ -20 đến 20%; riêng các tỉnh miền Tây Nam Bộ và một số tỉnh ven biển miền Đông Nam Bộ ở mức xấp xỉ trên so với trung bình nhiều năm, với chuẩn sai lượng mưa tháng cao hơn từ 20 đến 40%.


Trong tháng 9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1 - 2 đợt lũ vừa; đỉnh lũ một số sông có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, có sông lên trên báo động 2; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận có khả năng xuất hiện một vài đợt lũ nhỏ.


Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên dần và đạt mức cao nhất vào những ngày cuối tháng 9; trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng lên mức: 3,8m, trên sông Hậu tại tại Châu Đốc lên mức 3,2m, thấp hơn mực nước trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,12 - 0,25m.


Trong tháng, trên sông Đồng Nai tại Tà Lài có khả năng xuất hiện 1 - 2 đợt lũ vừa; đỉnh lũ có khả năng ở mức báo động 1 đến báo động 2.


TTXVN

ảnh: VOV






TP.HCM sẽ xây hai nhà máy xử lý chất thải nguy hại

TP.HCM sẽ xây hai nhà máy xử lý chất thải nguy hại

TP.HCM sẽ xây hai nhà máy xử lý chất thải nguy hại


SGTT.VN - Sở TN&MT đề xuất xây hai nhà máy xử lý chất thải nguy hại tại Phước Hiệp và Đa Phước.


“Sở TN&MT đang nghiên cứu đề xuất UBND TP.HCM xây hai nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại với công nghệ hiện đại, công suất 500 tấn/ngày”, ngày 1.9, một lãnh đạo sở TN&MT TP.HCM cho biết.


Hai nhà máy này dự kiến sẽ được xây tại khu xử lý chất thải Phước Hiệp, huyện Củ Chi và Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước, huyện Bình Chánh.


Về rác thải sinh hoạt, theo chỉ đạo của UBND TP, chậm nhất đến năm 2020 TP phải hoàn thành việc đầu tư hạ tầng để vận chuyển rác về Khu liên hợp xử lý chất thải Tân Thành, tỉnh Long An bằng đường bộ và đường thủy.


Theo đó, TP sẽ xây hai trạm trung chuyển tại Khu xử lý rác Phước Hiệp và công trường Gò Cát (quận Bình Tân) để vận chuyển rác bằng đường bộ.


Đối với đường thủy, rác sẽ được tập kết tại trạm trung chuyển cảng Phú Định, quận 8 và Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước, huyện Bình Chánh.


Theo phapluattp






Lập đường dây nóng phản ánh lún sụp kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè

Lập đường dây nóng phản ánh lún sụp kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè

Lập đường dây nóng phản ánh lún sụp kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè


SGTT.VN - Một đường dây nóng về việc lún sụp dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã được thiết lập.


“Sở GTVT TP.HCM đã yêu cầu Ban Quản lý dự án Vệ sinh môi trường (VSMT) phải bố trí nhân sự, lập số điện thoại nóng để tăng cường thông tin và kịp thời xử lý tình trạng lún sụp liên quan đến dự án này”, ngày 1.9, một cán bộ của Trung tâm Chống ngập TP thông tin.


Theo báo cáo ngày 30.8 của Trung tâm Chống ngập, đến nay trung tâm đã tiếp nhận bàn giao hiện trạng phần lớn hệ thống thu gom nước thải của dự án VSMT lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè.


Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, trung tâm và Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị phát hiện nhiều khiếm khuyết vẫn chưa được khắc phục.


Trong đó, nhiều khiếm khuyết là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lún sụp dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.


Theo phapluattp.vn






Đồng Nai: Kiến nghị loại hai dự án, tạm ngưng ba dự án thủy điện

Đồng Nai: Kiến nghị loại hai dự án, tạm ngưng ba dự án thủy điện

Đồng Nai: Kiến nghị loại hai dự án, tạm ngưng ba dự án thủy điện


SGTT.VN - Ngày 1.9, nguồn tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết lãnh đạo tỉnh này đã có văn bản kiến nghị loại bỏ hai dự án và tạm ngưng ba dự án trong số năm dự án Quy hoạch thủy điện bậc thang trên địa bàn.


Đây là các dự án thuộc Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2010-2020, có xét tới 2030 (gọi tắt là Tổng sơ đồ 7), đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011.


Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc kiến nghị loại khỏi quy hoạch hai dự án Thủy điện Tà Lài, huyện Tân Phú và Thủy điện Ngọc Định, huyện Định Quán do các dự án này có công suất nhỏ, hiệu quả thấp.


Trong khi hai dự án này nằm gần Vườn quốc gia Cát Tiên và Nhà máy thủy điện Trị An, phải chiếm dụng nhiều đất sản xuất…


Tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị bộ Công thương đưa ba dự án thủy điện, Phú Tân 1, Phú Tân 2, Thanh Sơn vào danh sách các dự án tạm dừng.


Ba dự án này chỉ được cho phép đầu tư sau năm 2015 nếu đảm bảo có hiệu quả kinh tế và ít tác động đến môi trường - xã hội, phải có đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai.


phapluattp






Nước cờ cao tay của ông Obama khi hoãn đánh Syria

Nước cờ cao tay của ông Obama khi hoãn đánh Syria

Nước cờ cao tay của ông Obama khi hoãn đánh Syria


SGTT.VN - Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 1.9 đã bất ngờ hoãn đánh Syria, viện dẫn lý do là ông muốn đợi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu về việc này, nhưng nguyên nhân thực sự khiến ông Obama làm như vậy là do tỉ lệ người dân phản đối cao và nhiều nghị sĩ hoài nghi về kế hoạch của chính phủ, NBC News (Mỹ) nhận định.


Ông Obama dường như đã nghiêng về kế hoạch tấn công Syria mà không cần thông qua Quốc hội Mỹ trong tuần qua, các quan chức Nhà Trắng cho hay.










Tổng thống Mỹ Barack Obama được đánh giá là đã có một “nước cờ chính trị cao tay” về vấn đề Syria. Ảnh: Reuters



Tổng thống Mỹ được thuyết phục rằng đã có những bằng chứng đủ vững chắc về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria để "hậu thuẫn" cho một cuộc tấn công.


Kết quả là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đưa ra tuyên bố hùng hồn hôm 26.8 rằng chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al Assad phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công nói trên.


Nhưng chỉ vài giờ sau khi ông Kerry gọi Tổng thống Syria Assad là “một tên cướp và là một kẻ sát nhân”, ông Obama đã có một sự thay đổi về quyết định của mình đối với vấn đề Syria, NBC News cho hay.


Sau khi đi dạo cùng Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough trong khuôn viên Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ đã triệu tập các cố vấn thân cận và thông báo với họ về quyết định mới của mình - đó là chờ Quốc hội Mỹ bỏ phiếu.


Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng cho biết từ tuần trước, việc yêu cầu quốc hội bỏ phiếu hoàn toàn không tồn tại.


Một quan chức cấp cao nói với NBC News rằng không hề có lãnh đạo nào trong quốc hội đề xuất chuyện bỏ phiếu cho kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria.


Nguồn tin từ Nhà Trắng của kênh tin tức Mỹ cũng cho hay Tổng thống Obama xác nhận ông nghiêng về giải pháp tấn công Syria sau khi gặp gỡ với các cố vấn an ninh vào hôm 24.8.


Tuy nhiên, số lượng các nghị sĩ Quốc hội Mỹ bắt đầu hoài nghi về chiến lược mà chính phủ sắp triển khai tại Syria ngày một gia tăng trong tuần này.


Ngoài ra, kết quả một cuộc khảo sát của NBC News công bố hôm 30.8 cho thấy gần 80% người dân Mỹ cho rằng tổng thống nên tìm kiếm sự phê chuẩn của quốc hội đối với quyết định tấn công Syria.


Các quan chức Nhà Trắng cũng nói với NBC News rằng việc ông Obama thay đổi cách đối phó với tình hình Syria cũng bị ảnh hưởng bởi sự thất bại của Thủ tướng Anh David Cameron tại Quốc hội Anh.


Thủ tướng Cameron cùng chính phủ liên minh đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu phê chuẩn hành động quân sự chống Syria với tỉ lệ 285 phiếu chống và 272 phiếu thuận, theo Reuters.


Tại buổi tranh luận ở Nhà Trắng hôm 30.8, các cố vấn của ông Obama cho rằng thất bại của ông Cameron cho thấy hiểm họa của việc xin ý kiến quốc hội.


Nhưng Tổng thống Mỹ đáp lại rằng cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Anh thể hiện chính xác lý do vì sao ông cần phải yêu cầu Quốc hội Mỹ bỏ phiếu về việc có nên can thiệp vào Syria hay không. Cuối cùng các cố vấn đã thuận theo ý của ông Obama, nguồn tin của NBC News cho hay.


Kết quả là vào trưa 31.8 giờ Mỹ (tức rạng sáng 1.9 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ tuyên bố đã sẵn sàng có hành động quân sự can thiệp vào Syria nhưng vẫn sẽ chờ Quốc hội Mỹ bỏ phiếu cho việc này.


Các cố vấn Nhà Trắng cho biết họ khá tự tin rằng quốc hội sẽ “bật đèn xanh” cho chính phủ can thiệp vào Syria.


Quốc hội Mỹ không có lịch trình nhóm họp cho đến ngày 9.9. Chính phủ cũng quyết định không triệu tập sớm cuộc họp vì có ngày lễ trong tuần này.


Các quan chức Nhà Trắng cho biết sự trì hoãn này sẽ cho ông Obama thêm thời gian để thuyết phục thượng viện cũng như lôi kéo sự ủng hộ từ phía quốc tế.


“Câu hỏi của tôi dành cho mỗi thành viên Quốc hội Mỹ và mỗi thành viên của cộng đồng quốc tế - đó là thông điệp mà chúng ta sẽ gửi đi là gì khi một nhà độc tài bỏ khí độc giết chết hàng trăm trẻ em giữa thanh thiên bạch nhật và không phải trả giá gì cho hành động đó?”, ông Obama nói trong bài phát biểu ngày 1.9.


Thông qua việc xin sự phê chuẩn từ quốc hội, ông Obama đã đáp lại lời kêu gọi của hơn 100 thành viên Quốc hội Mỹ mà trước đó đã yêu cầu ông cần phải xin ý kiến của họ và cũng đáp lại lời kêu gọi của gần 80% người dân Mỹ muốn tổng thống phải thông qua quốc hội, trang tin Business Insider (Mỹ) bình luận.


“Một nước cờ chính trị thông minh để quốc hội thuận theo mình”, Keith Urbahn, trợ lý của cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld, nói với Business Insider.


TNO






Đau bên trái, mổ bên phải

Đau bên trái, mổ bên phải

Đau bên trái, mổ bên phải


SGTT.VN - Ngày 1.9, bác sĩ Cao Minh Chu, phó giám đốc sở Y tế Cần Thơ, cho biết sở đã chỉ đạo bệnh viện Lao và bệnh phổi TP.Cần Thơ có báo cáo bằng văn bản vụ bác sĩ Võ Tiến Cường của bệnh viện đặt nhầm vị trí ống dẫn lưu phổi cho bệnh nhân.


Trước đó, ngày 28.8, bệnh viện Lao và bệnh phổi TP.Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân Lê Văn Giang, 29 tuổi, ngụ P.Phú Thứ, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ, trong tình trạng nặng ngực, khó thở.










Hình ảnh X-quang của bệnh nhân Giang.



Sau khi khám, chụp X-quang phổi, bác sĩ Võ Tiến Cường, khoa Bệnh phổi không lao, đã chẩn đoán anh Giang bị tràn khí màng phổi phải, và chỉ định mổ đặt ống dẫn lưu.


Khoảng 14 giờ cùng ngày, bác sĩ Cường tiến hành tiểu phẫu đặt ống dẫn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, vừa đặt xong, anh Giang bị co giật, toàn thân tím tái do bị choáng chấn thương.


Ngay sau đó, bệnh nhân được hồi sức cấp cứu và chụp X-quang tại chỗ. Hình ảnh X-quang chụp lại cho thấy bệnh nhân bị tràn khí màng phổi bên trái chứ không phải bên phải như kết quả đọc của bác sĩ Võ Tiến Cường.


Lúc này, bác sĩ Nguyễn Văn Nhã, trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện, đã mổ đặt lại ống dẫn lưu bên trái cho bệnh nhân.


Đình chỉ công tác bác sĩ


Bác sĩ Hứa Trung Tiếp, phó giám đốc bệnh viện Lao và bệnh phổi TP.Cần Thơ, cho biết hiện sức khỏe bệnh nhân Giang đã ổn định, phổi nở lại tốt, khoảng 2 ngày nữa có thể rút ống ra.


Qua họp, hội đồng chuyên môn, bệnh viện cũng đã có kết luận nguyên nhân của việc đặt nhầm ống dẫn lưu là do bác sĩ Cường đọc phim X-quang chưa chính xác dẫn đến chẩn đoán và thực hiện tiểu phẫu chưa đúng.


Tuy nhiên, bác sĩ Tiếp cũng thừa nhận trường hợp của bệnh nhân Giang là khá khó để chẩn đoán bởi bệnh nhân bị di chứng sau điều trị lao và đã điều trị tràn khí màng phổi trước đó 10 ngày.


Giải thích về sai sót của mình, bác sĩ Võ Tiến Cường, người trực tiếp thực hiện ca tiểu phẫu nói: “Bệnh nhân bị di chứng sau lao, xơ hóa và trung thất biến dạng co kéo lệch qua một bên, cung động mạch chủ cũng không thấy, lúc này hình ảnh X-quang như bị đảo lộn phải thành trái.


Từ đầu đến lúc tiểu phẫu tôi vẫn nghĩ là bên phải. Khi tôi hội chẩn với lãnh đạo bệnh viện trước khi mở màng phổi, tôi cũng ghi hồ sơ là tràn khí bên phải”.


Bác sĩ Cường cũng khẳng định, bệnh nhân bị tràn khí màng phổi cả hai bên nên khi chọc thăm khám màng phổi phải vẫn cho thấy có tràn khí.


Bác sĩ Huỳnh Anh Tuấn, trưởng khoa Bệnh phổi không lao, cho rằng: “Sai sót chính là khi đọc hình ảnh X-quang, bác sĩ Cường đã bị đánh lừa bởi những di chứng của bệnh nhân.


“Hình ảnh X-quang ban đầu là hình ảnh chụp kỹ thuật số, nếu bác sĩ không cẩn thận cũng sẽ nhầm bên ngay”.


Chiều cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, giám đốc bệnh viện Lao và phổi TP.Cần Thơ thông tin, bệnh viện đã có quyết định tạm đình chỉ công tác chuyên môn 6 tháng đối với bác sĩ Võ Tiến Cường và ngày 3.9 sẽ họp Hội đồng kỷ luật của bệnh viện và đưa ra hình thức kỷ luật cụ thể.


Ban Giám đốc bệnh viện cũng đã tổ chức xin lỗi gia đình bệnh nhân Giang và miễn toàn bộ viện phí trong những ngày điều trị tại bệnh viện.









Nhầm lẫn do thiếu kiểm tra, đối chiếu


Liên quan đến vụ việc bệnh nhân bị tràn khí màng phổi bên trái (phổi trái), nhưng bác sĩ lại xác định sai và chữa trị phổi bên phải, PV trao đổi với các bác sĩ từ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ chuyên khoa phổi, bác sĩ điều trị và được các bác sĩ cho biết trong y khoa cũng có những trường hợp khó chẩn đoán.


Tuy nhiên, với trường hợp tràn khí màng phổi thì rất khó nhầm lẫn bên phải thành bên trái, và ngược lại. Với tình huống này, bác sĩ nắm chắc chuyên môn chỉ cần đặt ống nghe cũng nghe và xác định được tràn khí phía phổi nào, chứ chưa cần phải nhờ đến phim X-quang.


"Việc nhầm lẫn chỉ có thể không kiểm tra cẩn thận nên mới xảy ra mà thôi”, bác sĩ của một bệnh viện đa khoa lớn tại TP.HCM cho biết.


Một bác sĩ chuyên khoa về phổi lâu năm tại TP.HCM thì khẳng định: “Với trường hợp tràn khí màng phổi có chụp X-quang, thì bệnh thể hiện bên phải hay bên trái rõ ràng, rất dễ xác định, khó có thể nhầm lẫn”.


Còn một bác sĩ trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh của một bệnh viện đa khoa lớn tại Q.5, TP.HCM cũng nói: “Với trường hợp bệnh nhân ở Cần Thơ, phải là phải, trái là trái, rất khó nhầm lẫn được”.


Chúng tôi đặt nghi vấn: “Có khi nào do cầm phim ngược nên bị đảo lộn bên?”, thì các bác sĩ quả quyết: “Không thể là do cầm phim ngược, nếu người tỉnh táo thì khi xem phim ngược là biết ngay, vì hình phim phổi to, rõ ràng”.


Trong thực hành y khoa có việc “kiểm tra, đối chiếu” để khỏi nhầm lẫn. Tuy nhiên, trong thực tế đã xảy ra những trường hợp nhầm lẫn rất ngớ ngẩn, khó chấp nhận như trường hợp “gãy chân trái nhưng bó bột chân phải”, hay trường hợp cắt nhầm bên thận... là do cẩu thả trong việc kiểm tra, đối chiếu.



Bài, ảnh: Thanh Niên






Mong lời tuyên thệ phồn vinh

Mong lời tuyên thệ phồn vinh

Nhà thơ Nguyễn Duy có bài Nhìn từ xa… Tổ quốc: “Dù ở đâu vẫn Tổ quốc trong lòng, cột biên giới đóng từ thương đến nhớ”. Một nhà sử học cũng bảo: Cứ đi ra biển xa mà ngắm về dải đất liền của Tổ quốc, mới thấy cái rưng rưng xúc động của việc nhìn ngắm Tổ quốc từ xa, và nghiệm về dân tộc, về đất nước hình chiếc liềm trong thế giữ Biển Đông. Mừng ngày Độc lập, trên Sài Gòn Tiếp Thị số đặc biệt này, có những người Việt xa xứ chia sẻ những cảm xúc, những tâm sự của mình cho niềm mong mỏi thế nước mạnh hơn, dân ta ấm no hơn và tộc Việt mãi trường tồn. Đó là các học giả Cao Huy Thuần (Pháp), Vũ Minh Khương (Singapore), Lê Văn Cường (Pháp), Nguyễn Văn Tuấn (Úc), Nguyễn Phương Mai (Hà Lan).


Mong lời tuyên thệ phồn vinh


SGTT.VN - Chỉ khi có được đôi cánh xúc cảm – khai sáng mạnh mẽ, dân tộc Việt Nam mới có thể cất cánh với bứt phá kỳ diệu, để bước vào một giai đoạn phát triển kỳ vĩ.










Ảnh: Trần Việt Đức



Nhớ lời thề độc lập, chờ tuyên thệ phồn vinh


Thế hệ chúng ta hôm nay có lỗi rất lớn với đất nước và thế hệ cha anh. Một số người có quyền chức thì coi vị trí mình đang có là món lợi đặc quyền chứ không phải trách nhiệm rất khó khăn phải cùng toàn dân chia sẻ gánh vác. Một số người không có quyền chức thì tự coi mình như đứng ngoài cuộc trong sự mặc cảm, oán thán. Kết cục là sự vô cảm, lối sống chụp giật, và lòng nghi kỵ gia tăng. Sức mạnh hào hùng của ý chí xây dựng một Việt Nam hùng cường đã từng cháy bỏng trong tim óc thế hệ làm nên Cách mạng tháng 8 nay dường như trở nên xa lạ và đi dần vào dĩ vãng.


Con đường đi đến phồn vinh của một dân tộc là hành trình tới một mục tiêu thôi thúc; nó cũng là công cuộc cải biến phi thường và là một chuỗi liên tục những thử nghiệm đột phá và bước đi sáng tạo. Vì vậy những lối tư duy làm cái tâm ích kỷ, làm cái tầm hạn hẹp, và làm cái tài bị thui chột cần được dũng cảm loại bỏ.


Tôi luôn thấy lòng mình ngập tràn cảm kích về dân tộc Nhật Bản mỗi lần đọc lại năm lời tuyên thệ của vua Minh Trị trước công chúng tháng 4.1868, tạm dịch: “1. Các hội đồng suy xét sẽ được thành lập khắp nơi và mọi vấn đề sẽ được quyết định qua thảo luận của công chúng; 2. Mọi tầng lớp nhân dân, dù ở vị thế nào, sẽ muôn lòng như một trong thực hiện mạnh mẽ công cuộc quản trị đất nước. 3. Người dân bình thường, không kém quan trọng hơn quan chức nhà nước hay sĩ quan quân đội được khích lệ theo đuổi mọi ước mơ mà lòng mình thôi thúc để sự bất bình xã hội không còn chỗ đứng. 4. Những hủ tục của quá khứ sẽ bị loại bỏ và mọi việc sẽ được dựa trên quy luật công bình của trời đất. 5. Tri thức sẽ được truy tìm khắp nơi trên thế giới để gia cường sức mạnh quốc gia”.


Tôi ước mong sớm thấy một ngày được nghe lời tuyên thệ thiêng liêng và thôi thúc của lãnh đạo Việt Nam, tạo nền móng khởi đầu cho một công cuộc cải cách vĩ đại xây dựng đất nước trở nên hùng cường.


Cảm xúc và khai sáng


Với dân tộc Việt Nam, chống ngoại xâm và giành độc lập được ý niệm thường trực là một sự nghiệp thiêng liêng, gian khó; vì vậy, anh hùng của chúng ta trong sự nghiệp này rất nhiều. Chúng ta thường nghĩ có hoà bình độc lập là đã có tất cả nên nhanh chóng rơi vào trạng thái thoả mãn, an nhàn. Xây dựng đất nước hùng cường chưa thực sự được coi là sự nghiệp thiêng liêng, là phương thức hiệu lực nhất để bảo vệ nền độc lập quốc gia và bảo tồn di sản ngàn năm của dân tộc.


Công cuộc phát triển đòi hỏi hai động lực chủ đạo ví như đôi cánh của một con chim: xúc cảm và khai sáng. Xúc cảm trỗi dậy từ khát vọng đưa dân tộc đi đến phồn vinh với một vị thế xứng đáng trong cộng đồng thế giới và từ ý thức trách nhiệm sâu sắc với thế hệ mai sau. Thiếu động lực xúc cảm, con người thường rơi vào sự tham lam, ích kỷ, và những toan tính cá nhân, trong sự vô cảm với nỗi đau và niềm khát khao cháy bỏng của đồng bào mình.


Khai sáng là sự khai mở tư duy là sự khát khao học hỏi tri thức tinh hoa nhân loại. Thiếu tính khai sáng thường dẫn đến bốn khuyết nhược lớn sau: luôn tự coi mình là tuyệt đối đúng đắn; quy kết các khó khăn, thất bại gặp phải vào nguyên nhân khách quan; nghi kỵ người nói trái ý mình, các quyết sách thường mang tính đối phó – xoay xở, thiếu tính kiến tạo nền tảng và đột phá chiến lược.


Chỉ khi có được đôi cánh xúc cảm – khai sáng mạnh mẽ, dân tộc Việt Nam mới có thể cất cánh, với bứt phá kỳ diệu, để bước vào một giai đoạn phát triển kỳ vĩ mà ngàn năm còn hãnh diện tự hào.


Chính vì vậy, tôi không tin vào số mệnh, dù của một cá nhân hay của một dân tộc. Thế nhưng tôi rất tin vào lời nhận định mà nhà kinh tế danh tiếng Arthur Lewis đưa ra năm 1955, rất lâu trước khi xuất hiện sự phát triển thần kỳ của châu Á: “Một quốc gia sẽ bước vào một bước ngoặt phát triển nếu nó may mắn có được đội ngũ lãnh đạo xứng tầm vào đúng thời điểm cần đến. […] Tất cả các dân tộc đều có cơ hội phát triển nhưng chỉ những dân tộc hội tụ đủ được lòng dũng cảm và ý chí mới có thể nắm bắt được chúng”.


Nguyên lý phát triển nào cho ta?


Công cuộc phát triển của Việt Nam cần dựa trên ba nguyên lý chủ đạo: giá trị, bền vững, và lòng dân. Nguyên lý giá trị nhấn mạnh khía cạnh kiến tạo giá trị và không chấp nhận sự chụp giật, gian dối, phù phiếm. Nguyên lý bền vững coi trọng để lại di sản tốt đẹp cho thế hệ mai sau, từ việc tiết chế trong khai thác tài nguyên đến bảo vệ môi trường, từ nỗ lực nâng cao hiệu quả đầu tư đến phát triển mạnh mẽ nguồn lực con người, từ gia cường nền tảng đạo đức xã hội đến xây dựng thể chế chính trị dựa trên nền tảng quyền lực của nhân dân. Nguyên lý lòng dân coi ý chí và nguyện vọng của nhân dân như ánh sáng mặt trời chiếu rọi trong đánh giá và lựa chọn người chịu trách nhiệm điều hành đất nước và xã hội.


TS Vũ Minh Khương


(trường Chính sách công Lý Quang Diệu, đại học Quốc gia Singapore)









Đầu tư của kiều bào về nước tiếp tục tăng


Theo uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, bộ Ngoại giao, mặc dù khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài về nước tiếp tục tăng, quy mô của các dự án đầu tư tiếp tục mở rộng, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Năm 2011, lượng kiều hối đạt mức 9 tỉ USD, đến năm 2012 con số này đạt mức kỷ lục 10 tỉ USD. Đã có 51/63 tỉnh, thành phố có các dự án đầu tư của kiều bào với hơn 3.600 doanh nghiệp, tổng số vốn hơn 8,6 tỉ USD. Các lĩnh vực đầu tư cũng đa dạng như thương mại, du lịch, xây dựng, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản…


T.L (theo chinhphu.vn ngày 7.8.2013)







Tự vấn, tự trọng, tự do, tự đổi mới

Tự vấn, tự trọng, tự do, tự đổi mới

Tự vấn, tự trọng, tự do, tự đổi mới


SGTT.VN - Bản tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 mở đầu một lý tưởng nhân văn và cao đẹp cho Việt Nam. Ngày nay, 2.9 là dịp để chúng ta cùng tự vấn và tìm câu trả lời cho các vấn đề hiện tại.










Ảnh: Trần Việt Đức



Thoát nô lệ, vẫn lệ thuộc


Chúng ta có độc lập gần 70 năm qua, nhưng về mặt phát triển hầu như bất cứ lĩnh vực nào liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật, chúng ta đều lệ thuộc nước ngoài. Phụ thuộc có lẽ không phải là điều quá đáng ngại, nhưng lệ thuộc mới đáng quan tâm.


Tại sao đã gần 70 năm mà chúng ta vẫn còn kém? Cần nhìn nhận rằng trình độ của người Việt chưa theo kịp những vấn đề mà phát triển kinh tế – xã hội đặt ra. Điểm xuất phát của chúng ta là một nền văn minh và văn hoá nông nghiệp, và khi trong quá trình hội nhập thế giới được định hình bởi nền văn minh công nghiệp, thì nảy sinh rất nhiều vấn đề. Có nhiều sự chênh lệch giữa nhu cầu phát triển và khả năng đáp ứng của nội lực Việt Nam. Điều này có thể giải thích tại sao các công trình xây dựng, công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam không đạt chất lượng cao.


Có lẽ sự chênh lệch giữa khả năng nội lực và nhu cầu thực tế được thể hiện rõ nhất qua những vấn đề liên quan đến y tế. Báo chí hay hỏi tại sao chúng ta có những bác sĩ giỏi mà bệnh nhân giàu vẫn sang các nước trong vùng để điều trị. Theo tôi, câu trả lời là sự phát triển kinh tế và xã hội còn thiếu tính đồng bộ và thiếu tính hệ thống. Đây đó chúng ta có những chuyên gia có thực tài, nhưng nhìn chung họ chỉ là những cá nhân đơn lẻ, không đủ để định hình một nền khoa học. Có thể Việt Nam có những bác sĩ phẫu thuật không thua kém Singapore, nhưng chúng ta không có một hệ thống hỗ trợ hậu phẫu để lấy được niềm tin tưởng của bệnh nhân. Có thể chúng ta chỉ giỏi về kỹ thuật, mà kỹ thuật thì chỉ là một trong nhiều khâu quan trọng.


Đánh thức lòng tự trọng dân tộc


Trong vài năm gần đây, người ta đặt câu hỏi tại sao chúng ta có vẻ “thành công” trong chiến tranh nhưng không có thành tích nổi bật trong thời bình. Lịch sử cũng chỉ ra rằng trong thời bình, người Việt Nam không đoàn kết như trong chiến đấu chống ngoại xâm. Đất nước thống nhất gần 40 năm, nhưng lòng người hình như chưa thống nhất. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng hơn. Người Việt trong và ngoài nước chưa thật sự đồng lòng. Tất cả những yếu tố đó chỉ làm suy yếu cộng đồng dân tộc, và làm cho Việt Nam chưa phát triển đúng với tiềm năng dân tộc.


Trong lịch sử cận đại, chưa bao giờ nước ta có một thời gian hoà bình lâu dài như hiện nay. Thế mà cho đến nay, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia nghèo, có thời gian còn nằm trong nhóm nghèo nhất thế giới! Câu hỏi đặt ra là tại sao, và đã có nhiều câu trả lời cũng như cách tiếp cận câu hỏi đó. Tôi nghĩ lý do gần mà chúng ta có thể nhận ra được là chúng ta đã dành quá nhiều sức lực và tài nguyên cho chiến tranh. Đối với các nước lớn, chiến tranh là một cuộc chơi, hay thậm chí là một thương vụ, họ không mấy quan tâm đến thắng thua theo nghĩa kinh điển. Nhưng đối với nước nghèo như Việt Nam thì khi chiến tranh xảy ra là dốc toàn lực toàn tâm để giành thắng lợi. Trong cuộc chiến vừa qua, có trên 50.000 quân nhân Mỹ tử vong, nhưng Việt Nam thì trên 2 triệu người chết. Sau hơn 20 năm chiến tranh thì xã hội có dấu hiệu mệt mỏi cũng là điều không khó hiểu.


Nhưng tại sao có những nước, như Hàn Quốc và Nhật Bản, vươn lên rất nhanh sau chiến tranh, còn Việt Nam thì vẫn còn nghèo? Có ba giả thuyết chính được đề ra để giải thích sự khác biệt về mức độ phát triển kinh tế – xã hội giữa các quốc gia trên thế giới: địa lý – khí hậu, văn hoá, và thể chế. Chúng ta không thay đổi được địa lý, nhưng có thể thay đổi văn hoá và tạo ra một thể chế dung hợp hơn nữa, một thể chế mà trong đó mọi thành viên có cơ hội đóng góp chứ không phải chỉ vài nhóm lợi ích chiếm đoạt tài nguyên và lũng đoạn quốc gia.


Trên đôi cánh tự do


Mối đe doạ lớn nhất đến phát triển đất nước hiện nay là môi sinh và đạo đức xã hội. Nước ta là nước nhỏ (về diện tích), mật độ dân số khá cao, và môi sinh đang xuống cấp nghiêm trọng. Nếu không ngăn chặn hay khắc phục kịp thời, chúng ta sẽ không còn gì để lại cho các thế hệ mai sau. Kinh nghiệm của các nước như Trung Quốc cho thấy phát triển kinh tế nhanh nhưng phá huỷ môi trường sẽ làm cho sự phát triển trả giá rất đắt về lâu dài.


Làm gì để chúng ta vươn lên? Tôi nghĩ chúng ta nên quay lại với một lý tưởng quan trọng của ngày 2.9.1945: tự do. Hai chữ này có thể hiểu rất khác nhau giữa các cá nhân, nhưng ở đây, tôi muốn hiểu tự do theo nghĩa tự do tinh thần, và tự do kinh tế. Giới kinh tế cho rằng tự do kinh tế được xem là động lực và cũng là nguyên khí của phát triển kinh tế xã hội. Do đó, tôi rất tâm đắc với nhận xét của Amartya Sen (nhà kinh tế học gốc Ấn Độ được trao giải thưởng Nobel Kinh tế 1998) rằng phát triển có thể xem như là tự do.


Tự đổi mới


Người ta hay nói đến triết lý phát triển, còn tôi thì suy nghĩ đến nguyên lý phát triển. Tôi nghĩ đến nguyên lý “phát triển bền vững” sẽ là cách phù hợp nhất để Việt Nam đi lên trong bối cảnh hiện nay. Phát triển đi đôi với huỷ hoại môi sinh, hay phát triển mà chỉ lệ thuộc nước ngoài về khoa học và công nghệ, thì không thể xem là phát triển lâu dài được. Do đó, phát triển bền vững có nghĩa là chú trọng chất lượng cuộc sống cho người dân, và đồng thời tăng nội lực dân tộc.


Có danh nhân từng nói đại khái rằng biết được sự thật sẽ làm cho chúng ta tự do. Sự thật có thể không phải lúc nào cũng đẹp, nhưng vẫn là bài học để chúng ta vươn lên. Ở Úc, tôi thấy họ lấy cuộc chiến mà Úc thất trận ra dạy cho học sinh tiểu học và trung học. Họ không mặc cảm vì thất trận. Nhưng họ cũng không hạ thấp đối phương (là cựu thù). Trong sách giáo khoa sử của Úc, tôi không thấy những hận thù trong đó, tất cả sự kiện đều được trình bày bằng một văn phong khách quan và không cảm tính. Tôi được biết ở Nhật, người ta cũng dạy học sinh rằng Nhật từng là nước chiến bại.


Tôi cho rằng, trong việc giáo dục lòng yêu nước, cần phải truyền đạt cho giới trẻ nằm lòng rằng: làm thế nào để không cần đổ xương máu mà vẫn có độc lập. Chuyện quá khứ là quá khứ, nhưng chuyện quan trọng hơn là hiện tại: Việt Nam đang đứng trước một chặng đường đầy nguy cơ: kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học đều suy thoái, nền tảng đạo đức xã hội lung lay. Để tránh nguy cơ đó, tôi nghĩ mỗi chúng ta phải tự mình đổi mới. Mỗi chúng ta, chứ không ai khác, có nghĩa vụ đưa đất nước đi lên.


GS Nguyễn Văn Tuấn (đại học New South Wales, Úc)






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ