Nhật ký trên những đôi giày
Lang thang với những đôi giày của SGTT
SGTT.Vn - Tôi để lại sau lưng nhiều thứ, bắt đầu lang bạt đã rất lâu trước khi gửi bài đến SGTT. Lạ thay, bài đầu tiên tôi lọ mọ gõ, gửi đến “Nhật ký trên những đôi giày” không kể về những miền đất đẹp, lạ tôi từng ngang qua – mà chỉ kể về câu chuyện những chiếc ly và chai được gói trong giấy. Với ý định được khơi nguồn trong một đêm tháng 7 Sài Gòn mưa lê thê lạnh nhưng ấm nồng, ngồi với các anh SGTT, bên những chai và ly không bị gói giấy.
Cây cầu tre này mùa lũ dữ về sẽ cuốn phăng đi ở vùng quê hẻo lánh Kampong Cham. |
Duyên lạ với “những đôi giày”
Ngày đó đi hoang, những chuyến đi lẻ tẻ nhỏ nhoi tôi nào dám kể, dám đưa chuyện khi rùng mình đọc những phóng sự đường xa hoành tráng của các phóng viên nổi tiếng của báo. Rồi đến cái đêm hôm đó. Được khuyến khích, chỉ vẽ, tỉ mỉ biên tập… rồi bài được lên báo ngay, tôi hưng phấn đâm lao theo tiếp (!). Những câu chuyện nối dài những chuyến đi. Là dân bên tự nhiên, không dính dáng gì đến ban C, báo chí… chỉ trong hơn hai năm qua (từ cuối tháng 7.2011) cho đến nay, đã có hơn 100 bài được đăng trên “Nhật ký của những đôi giày” và có đến 4 – 5 bút danh trên báo… Bỗng nhiên tôi trở thành người “có rất nhiều giày”, như các anh vẫn đùa mỗi dịp gặp lại.
Điều lạ tôi rất thích mục này của báo là nó không chỉ giới thiệu về những danh lam thắng cảnh mà yêu cầu bài viết cần có thêm những góc nhìn thật sâu, thật nhân văn vào cuộc sống, xã hội, con người… nơi đất khách. Điều thiết nghĩ nếu chỉ cỡi ngựa xem hoa thì khó có thể làm được, nhưng rất hợp với kẻ đi để sống hơn là để chứng minh, “lấy số”... Thế nên, không chỉ những miền đất nổi tiếng ai cũng biết, báo nào cũng đưa… có miền đất đơn sơ thanh bình, với nét chấm phá là chiếc cầu đan bằng phên tre lát trên triền sông Mekong cát lún để đỡ nhẹ chân người dân quê xứ Kampong Cham hẻo lánh cũng được trân trọng lên trang. Thế nên có những vùng đất, nếu giới thiệu danh lam thắng cảnh, nếu viết bài gửi báo khác… thường sẽ chỉ có một bài. Nhưng với miền đất nhỏ Tana Toraja với những lễ tang thú vị, độc đáo, đầy tính nhân văn… đã có loạt liên tiếp ba bài viết, và còn hơn thế nữa… Thế mới có những “Trong vòng tay ấm Kyrgyzstan”, “Ăn momo đi rồi còn có ngày sum họp”… để gia đình, bạn bè tôi ở quê nhà yên lòng, không còn âu lo việc tôi cứ lang thang một mình, vì cuộc đời này ngoài kia vẫn còn biết bao nhân ái.
Bia chai và ly uống đều phải gói giấy ở Gaya – vùng đất luôn giữ sự chay tịnh. |
Những đôi giày rồi sẽ đi về đâu…
Tôi hầu như chỉ lang thang một mình. Nếu may mắn có bạn đồng hành thì thường là những người mới gặp trên đường, cho một vài cung đoạn nào đó, rồi vẫy tay chào nhau. Bạn bè cũ vẫn ở quê nhà, vì những chuyến đi của tôi thường rất không phù hợp, về rất nhiều mặt, với các bạn. Nhưng có một người bạn tôi luôn mang theo – “những đôi giày” của SGTT.
Ai hay lang thang một mình sẽ hiểu những khoảnh khắc lẻ loi thường không gặp ở những điểm đến, vì khi đó bạn đang choáng ngợp hay mải mê khám phá những danh lam thắng cảnh. Cô đơn cũng hiếm gặp khi về lại phố thị để nghỉ ngơi, chuẩn bị hành trình tiếp, vì những tâm hồn lang bạt rất dễ đồng điệu qua những câu chuyện giang hồ, nơi quán xá đông vui, thêm vào sự giúp đỡ của thần Dionysus… Cảm giác đơn độc chỉ thường xuất hiện khi một mình trên tàu, phà, xe pháo... Nhất là những chuyến xe, tàu đêm chập chờn, xòng xọc, khó ngủ. Khi không có gì để đọc, để ngắm dù là thiên nhiên khô cằn xấu xí hay sinh hoạt đơn điệu của người dân trên đường, trên xe… như lúc ban ngày.
Nhưng từ ngày có bạn mới, “Nhật ký trên những đôi giày”, tôi bớt lẻ loi, bớt nghĩ suy về cô đơn. Vì những lúc tàu xe bồng bềnh nổi trôi đó là khi đầu tôi rỗng nhất. Không suy nghĩ về con dốc ngược thăm thẳm phải bang nắng leo lên, không mơ màng biển xanh lộng lẫy kia có chăng mỹ nhân ngư quyến rũ… Tôi nhớ lại những chuyện đã qua, nghĩ về “những đôi giày” vừa mới ngang qua vùng đất này sẽ kể lại chuyện gì với bạn bè, cho báo. Phải đặt tựa đề này, câu kết nọ ra sao, điểm nhấn nào cho bài… để có thể thuyết phục được các bạn thư ký, biên tập chuyên nghiệp và kỹ tính của toà soạn… Nên tôi hết cô đơn. Rồi tôi còn để ý những miền đất nào tôi lang thang nhiều bằng những chuyến xe, tàu đêm thì vừa tiết kiệm được tiền khách sạn, bia bọt… buổi tối, vừa “đẻ” ra được nhiều câu chuyện cho đôi giày của mình để gửi về lại quê nhà. Rồi thêm nữa. Lạ thay, khác hẳn ngày cũ khi những miền đất đã qua thường sẽ dần mờ phai theo năm tháng, giờ đây khi tôi lóc cóc gõ chuyện người chuyện giày, theo những con chữ những hình ảnh, những câu chuyện lại ùa về, khắc sâu thêm vào tâm khảm. Rồi những khi cầm tờ báo thơm mùi mực, tươi sắc màu mới, miền đất xưa, xa ngái chân mây lại về tươi rói, làm tôi càng nhớ càng thương…
Những ngày cuối một năm có nhiều việc riêng nặng lòng, nghe chuyện của “những đôi giày” tôi càng buồn. Rồi mai mốt, những đôi giày của tôi sẽ đi về đâu khi lối cũ không còn… Ngày chia xa đã đến, đã thấy lòng nhung nhớ. Chỉ nguyện cầu cho mọi sự bằng an!
bài và ảnh: Trần Thái Hoãn
Gia đình của người bạn Baha ở Kyrgyzstan chụp hình kỷ niệm vào buổi sáng tiễn tôi về lại quê nhà. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét