Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

“Đừng quay lưng với những dòng sông”

“Đừng quay lưng với những dòng sông”

KTS Nguyễn Văn Tất:


“Đừng quay lưng với những dòng sông”


“Thành phố ta rất giàu quỹ mặt nước”, KTS Nguyễn Văn Tất nói về đặc điểm sông nước của Sài Gòn – TP.HCM và coi đó là một tài nguyên lớn. Cuộc trò chuyện của ông với Kiến trúc & Đời sống đầu xuân 2014 xoay quanh câu chuyện làm sao để có thể sử dụng tốt nhất nguồn tài nguyên này cho sự phát triển, cho đời sống của người dân thành phố.











Sài Gòn – TP.HCM là thành phố có “đặc thù sông nước”. Ông cảm nhận đặc thù đó như thế nào?


Nói đến Sài Gòn sông nước là tôi nghĩ ngay đến… sông nước Sài Gòn. Ở đây không phải là chuyện chơi chữ. Sông nước Sài Gòn là một yếu tố lớn của đô thị Sài Gòn chứ không phải là bản chất của cấu trúc đô thị. Nó có thể cho mình một định hướng chính xác hơn hoặc xây dựng những hình mẫu cho vấn đề phát triển của thành phố.


Tôi còn nhớ, khoảng đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, có lần tôi đi từ nông trường Đỗ Hoà (Duyên Hải – nay là Cần Giờ) về TP.HCM bằng đường sông. Trời tối, lớ ngớ thế nào, đoàn bị lạc. Dù sống ở Sài Gòn – TP.HCM đã lâu, buổi tối đó là lần đầu tiên tôi được tiếp cận thành phố từ sông nước ở hướng Bình Chánh. Tôi không nhận ra hay nói đúng hơn là kinh ngạc giữa mênh mông sông nước của Sài Gòn. Cho đến lúc đó, tôi cũng nghe nói về một Sài Gòn sông nước nhưng vẫn không thể tưởng tượng được sông nước Sài Gòn lại bao la đến thế.


Nhưng rồi thành phố chúng ta cũng có những thời điểm người ta phải kêu trời vì các dòng sông, dòng kênh bị lấn chiếm, bị ô nhiễm?


Đúng như vậy. Vẫn có những thời điểm, người ta có thể hào hứng, điềm nhiên lấp một đoạn sông rạch nào đó cho cái gọi là “phát triển đô thị”.


Sài Gòn có một mạng sông rạch kênh mương chằng chịt, có thể nói là thành phố ta rất giàu về quỹ mặt nước so với nhiều thành phố khác. Nhưng đã có một sự quên lãng về chính sách trong những năm qua. Đây là sự phí phạm rất lớn nguồn tài nguyên lớn lao này. Tôi nghĩ đó là cách ứng xử quay lưng với những dòng sông.


Tôi cho rằng sự trở lại với quỹ mặt nước phong phú này là việc chắc chắn phải xảy ra, chỉ có sớm hay muộn mà thôi. Nhưng nay đã bắt đầu có chuyển động thì rất đáng hoan nghênh.


Đã có một số cụm đô thị nhà ở khai thác cảnh quan sông rạch, những căn hộ “có view sông” được đưa vào quảng cáo. Ông có nghĩ điều đó là khai thác tốt lợi thế kênh rạch?


Ta đã có một số cụm đô thị mới tiếp cận với sông nước nhưng theo chủ quan tôi nhận xét, đó vẫn chỉ là dùng sông nước như cảnh quan điểm xuyết cho kiến trúc. Với tôi, ứng xử như vậy, với một chút cải thiện, cũng vẫn là một cách quay lưng với dòng sông.


Khác với các đô thị như Venise, Rosterdam hoặc như một vài đô thị khác của vùng Cà Mau có yếu tố sông nước bao trùm, Sài Gòn – TP.HCM là sự giao thoa giữa sông nước và hệ thống giao thông bộ bình thường. Với một đô thị sông nước thì giao thông thuỷ là giao thông chính tắc, là cực kỳ quan trọng. Với đô thị bình thường thì giao thông bộ là chính. Sài Gòn có giao thoa trên bến dưới thuyền, là đầu mối lớn cả về giao thông thuỷ và giao thông bộ. Ngoài sông Sài Gòn, sông Đồng Nai còn có hệ thống sông Thị Nghè, rạch Bến Nghé, rạch Ông… Giai đoạn đầu của phát triển Sài Gòn, bến Bình Đông, rạch Bến Nghé là trục thương mại cực kỳ nhộn nhịp. Nó để lại cho ta một di sản kiến trúc thực sự lớn ở vệt này. Các trung tâm đô thị hình thành ở thời kỳ tiếp sau có thể kể Chợ Lớn, khu Thủ Đức… và hiện nay có thêm Thủ Thiêm. Sự phát triển này dựa trên giao thông đường bộ. Nếu ta xem đó là quy luật để quên đi giao thông thuỷ thì là một sai lầm. Giao thông thuỷ ngày nay rất phát triền. Xa thì có Pháp, Bỉ, Hà Lan, gần thì có Bangkok, họ kết nối giao thông thuỷ và giao thông bộ rất tốt.


Bản quy hoạch khu trung tâm hiện hữu TP.HCM vốn bắt đầu từ đồ án được giải của Nikken Sekkei đã được ban hành. Đồ án này được chọn với nhận xét từ hội đồng tuyển chọn là “Nhấn mạnh cảnh quan kết nối đô thị hai bên bờ sông để làm nổi bật đặc điểm đô thị đặc thù sông nước của Sài Gòn – TP.HCM”… Ông muốn chia sẻ thêm điều gì khi quá trình triển khai thực tế đã được bắt đầu.


Có thể đồ án của Nikken Sekkei đã giải quyết được về nguyên tắc khai thác mặt nước kết hợp với bờ sông. Giả sử có một sân khấu nước ở vị trí tiếp cận được bằng đường thuỷ thì sẽ có ấn tượng đẹp về không gian chuyên dụng của công trình.


Có được đồ án quy hoạch với không gian đô thị giàu bản sắc Sài Gòn, theo tôi, cần đặt giao thông thuỷ về đúng tầm vóc của nó. Đó là sứ mệnh chung của cả thành phố này.


Cái đầu tiên cần làm và phải làm được là kết nối giao thông thuỷ – bộ. Ở đây không chỉ là kết nối lý tính thông thường theo kiểu có thuyền thì có bến mà phải là kết nối công năng được tổ chức bài bản, đòi hỏi phải có sự tiếp nhận từ bến đến các phương tiện khác của hệ thống giao thông bộ.


Giao thông thuỷ trong đô thị hiện nay có yếu tố giao thông – giải trí – du lịch chứ không đơn thuần là vận chuyển hàng hoá. Trong đời sống thực tế, con đường hiệu quả nhất không hẳn là đường thẳng. Có công trình ngay bờ sông nhưng cũng có công trình xa bờ sông. Giao thông thuỷ phải có bến, có điểm đón để đưa du khách tiếp tục hoà nhập vào hệ thống đường bộ. Tôi mới đi Bangkok và tham gia một chuyến du lịch đường thuỷ. Tôi nhận thấy có hơn phân nửa là khách nội địa dùng đường thuỷ như phương tiện giao thông thuần tuý. Ở nơi kẹt xe như Bangkok thì giao thông thuỷ đúng là lý tưởng.


Lâu nay ta đầu tư rất nhiều tiền cho xe bus nhưng tại sao tuyến giao thông thuỷ với nhiều ưu điểm về đầu tư lại chưa được quan tâm khai thác? Rạch Thị Nghè – kênh Nhiêu Lộc là một điểm son về cải thiện môi trường đô thị. Cùng với dòng chảy thông thoáng là hai con đường bên rạch. Nói cách nào đó có vẻ như thừa nhưng nếu giao thông thuỷ được tổ chức tốt thì hai con đường hai bên sẽ là nơi thu gom, phân bổ để phát huy tối đa năng lực hiệu quả của giao thông thuỷ. Tiếc là ta chưa làm được điều này. Nếu như chính sách được khẳng định và ấn định từ sớm có lẽ đã không có hàng loạt cầu qua rạch không có độ tĩnh không, không đảm bảo mỹ quan đô thị như hiện nay.


Ta cần còn đường – dòng sông – kênh rạch được kết nối hoàn chỉnh bởi taxi sông, bus sông với đường trên bộ. Ta vẫn còn tư tưởng ngôi nhà quay ra phố mới là nhà mặt tiền, còn nhà quay ra sông là phần phía sau của căn nhà. Ta quên mất dòng sông là một đại lộ thênh thang mát mẻ. Tại sao nó không phải là mặt tiền?


Có nghĩa là từ chỗ quay lưng với dòng sông, bây giờ ta phải quay mặt hướng ra phía dòng sông?


Chính xác là đừng lãng quên, đừng phí phạm giá trị những dòng sông. Nói thì dễ nhưng làm thì không dễ. Nó đòi hỏi phải chuyển từ trong suy nghĩ, đòi hỏi cả một quá trình.


Tôi nhắc lại sự kiện vừa diễn ra dịp 30.4.2013. Thành phố tổ chức cuộc đua ghe ở cầu Mống. Đường và cầu là khán đài để người dân quan sát sự kiện diễn ra trên mặt sông. Đó là hình ảnh thể nghiệm một quảng trường nước. Dù là một sự kiện nhỏ nhưng cũng đã gặp không ít ý kiến khó khăn. Rất may là sau khi xong mọi chuyện, hình ảnh để lại là ấn tượng tốt.


Lẽ ra với điều kiện tự nhiên của Sài Gòn ta phải làm những cái như vậy nhiều hơn. Có những việc làm mà ta không dễ hình dung ngay ra được.


Hơn 20 năm trước, năm 1990, khi đang làm ở Sài Gòn tourist, tôi có cơ hội góp ý cho phương án đang được cân nhắc lựa chọn cho dự án Phú Mỹ Hưng. Tôi hết sức ấn tượng với một “phạm quy” của công ty Skidmore Owings & Merrill- SOM (Mỹ), đơn vị chủ trì thiết kế Phú Mỹ Hưng. Thay vì chỉ cần vẽ đô thị cho phần sẽ phát triển là 1.600ha thì họ vẽ vượt thêm thành tổng cộng 2.700ha. Dù chỉ là bản vẽ phác nhưng việc vẽ mở rộng thêm cho một vùng với những hoạch định cảnh báo sẽ có liên quan như vậy là cần thiết. Tôi còn nhớ mình đã có ấn tượng đẹp thế nào với bản vẽ tay phác thảo cho một quảng trường nước trung tâm với đường bờ cong ấn tượng. Hơn hai mươi năm sau, cầu Ánh Sao đã hoàn thành ở đó và trở nên một điểm cảnh quan nổi tiếng. Phú Mỹ Hưng đã hình thành giữa vùng sông nước dù thực chất nó không phải là một đô thị sông nước. Quảng trường nước chỗ cây cầu Ánh Sao phải chăng là một giá trị?


Kiến trúc quy hoạch không phải là gạch đá bêtông, là mảng xanh mà giá trị cốt lõi lâu dài là giá trị nhân văn ẩn chứa trong đó.


thực hiện: Hưng long


ảnh: thu vân









Quỹ mặt nước của Sài Gòn – TP.HCM


TP.HCM có mạng lưới sông ngòi kênh rạch rất đa dạng. Sông Ðồng Nai Bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên, hợp lưu bởi nhiều sông khác, có lưu vực khoảng 45.000km². Với lưu lượng bình quân 20 – 500m³/s, hàng năm cung cấp 15 tỉ m³ nước, sông Đồng Nai là nguồn nước ngọt chính của thành phố. Sông Sài Gòn bắt nguồn từ vùng Hớn Quản, chảy qua Thủ Dầu Một đến TP.HCM, với chiều dài 200km và chảy dọc trên địa phận thành phố dài 80km. Sông Sài Gòn có lưu lượng trung bình khoảng 54m³/s, bề rộng tại thành phố khoảng 225 – 370m, độ sâu tới 20m. Nhờ hệ thống kênh Rạch Chiếc, hai con sông Đồng Nai và Sài Gòn nối thông ở phần nội thành mở rộng. Một con sông nữa của TP.HCM là sông Nhà Bè, hình thành ở nơi hợp lưu hai sông Đồng Nai và Sài Gòn, chảy ra biển Đông bởi hai ngả chính Soài Rạp và Gành Rái. Trong đó, ngả Gành Rái chính là đường thuỷ chính cho tàu ra vào bến cảng Sài Gòn. Ngoài ra, TP.HCM còn có một hệ thống kênh rạch chằng chịt: Láng The, Bàu Nông, rạch Tra, Bến Cát, An Hạ, Tham Lương, Cầu Bông, Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Bến Nghé, Lò Gốm, kênh Tẻ, Tàu Hủ, kênh Ðôi...


Năm 1985, diện tích mặt nước ở TP.HCM chiếm trên 25% diện tích tự nhiên của thành phố. Nhưng do phát triển các dự án đô thị, đến nay, diện tích mặt nước ở nội thành chỉ chiếm 10,43% tổng diện tích tự nhiên. Số liệu toàn thành phố hiện ước tính tổng chiều dài sông, rạch, kênh… gần 8.000km, diện tích mặt nước chiếm khoảng 16% diện tích.


Theo sở Giao thông vận tải TP.HCM, sở đã phối hợp với sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, sở Quy hoạch – Kiến trúc nghiên cứu thực địa đề xuất xây dựng, cải tạo từ nay đến năm 2015 tất cả 18 cầu tàu, nhà chờ. Còn lại 34 vị trí kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo phương thức xã hội hoá. UBND TP cũng giao cho tổng công ty Du lịch Sài Gòn khẩn trương thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp các bến do đơn vị quản lý gồm Bình Quới 1, 2, 3 và Tân Cảng cũng như đầu tư xây bến tại khu vực Cresent Mall.


(tổng hợp theo trang city web TP.HCM, báo Nông nghiệp Việt Nam, báo Nhân Dân)







Kinh tế khí hậu xa và gần

Kinh tế khí hậu xa và gần

Kinh tế khí hậu xa và gần


SGTT.VN - Đã có nhiều bằng chứng cho thấy thảm hoạ thiên tai và hiện tượng biến đổi khí hậu – nước biển dâng là một trong những rào cản cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam. Bất thường của khí hậu khiến các nỗ lực trong cuộc chiến trường kỳ chống lại đói nghèo trở nên thiếu bền vững, tốn kém hơn và nhiều khó khăn hơn.










Sự thảm liệt của cơn bão Haiyan, khiến Philippines phải cần đến 5 năm, với chi phí gần 2 tỉ USD để tái thiết và hồi phục. Ảnh: TLCK



“Đánh bạc với trời…”


Tại Việt Nam, câu nói “đánh bạc với trời…” không phải là mới đối với nhiều nông dân, ngư dân, diêm dân… nói chung là tất cả những ai mà sinh kế phải phụ thuộc cao vào thời tiết, vào dòng chảy, vào thời vụ…


Tập hợp các số liệu thống kê của cơ sở Dữ liệu sự kiện khẩn cấp (EM-DAT), tổ chức Y tế thế giới và uỷ ban Phòng chống lụt bão Trung ương, trung bình mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng 1,9 tỉ USD tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo sức mua (PPP), hay 1,3% GDP do các trận bão lũ gây ra. Tháng 11.1997, cơn bão Linda (bão số 5) đổ bộ vào vùng biển Cà Mau gây tổn thất 778 người và mất tích 2.123 người, làm bị thương 1.232 người, thiệt hại vật chất ước tính đến 7.200 tỉ đồng thời điểm lúc đó. Trận lũ năm 2000, có hơn 750 người chết và bị thương, thiệt hại kinh tế lên tới 4.600 tỉ đồng. Năm 2006, cơn bão Xangsane gây thiệt hại khoảng 1,2 tỉ USD tại các tỉnh duyên hải miền Trung. Các ước tính của tổ chức CARE và Oxfam cho biết, hiện tượng biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại 1 – 3% GDP của Việt Nam.


Thiên nhiên nổi giận


Thiên nhiên đã trừng phạt các hành động tàn phá môi sinh của con người. Vừa qua, trận siêu bão Haiyan càn quét qua thành phố Tacloban của Philippines chưa quá năm giờ, thiệt hại về cơ sở hạ tầng đã là hơn 885 triệu USD. Quay về quá khứ, trận động đất gần 10 độ Richter gây sóng thần kinh hoàng năm 2004 ở ngoài khơi Ấn Độ Dương đã giết chết gần 250.000 người ở 11 quốc gia. Bảy năm sau, 2011, một trận động đất và sóng thần với cường độ tương tự đã xảy ra ngoài khơi phía đông Nhật Bản, số người chết khoảng 11.000 người, thiệt hại về vật chất thì cao kỷ lục thế giới: hơn 300 tỉ USD, vượt hơn 12 lần so với siêu bão Katrina tấn công nước Mỹ năm 2005. Theo ước tính của Nordhaus (2005), nếu nhiệt độ không khí toàn cầu tăng thêm chừng 2,5 độ C thì thiệt hại cho toàn cầu vào khoảng 1,5 – 1,9% tổng sản lượng quốc gia (GNP) toàn thế giới, riêng các nước ở châu Phi tác động này có thể gần đến 4%, còn Ấn Độ là 5%.


Trong hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 19 do Liên hiệp quốc tổ chức tháng 11.2013 – gọi tắt là COP19 tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, ngân hàng Thế giới đã đưa ra con số thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra đối với kinh tế toàn cầu trong một thập kỷ qua đã tăng lên gần 200 tỉ USD/năm, và khi tình trạng nóng lên toàn cầu nhanh hơn gây hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng theo chiều hướng xấu thêm thì thiệt hại kinh tế sẽ tiếp tục tăng cao. Khả năng kéo ngược diễn biến khí hậu hiện nay trở về quá khứ vài ba thập niên trước dường như vô cùng khó trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và chính trị hiện nay. Nhật Bản, một trong các quốc gia khởi xướng sáng kiến và cho ra đời nghị định thư Kyoto ký ngày 11.12.1997 và có hiệu lực từ ngày 16.2.2005, thống nhất giữa các quốc gia công nghiệp trong vấn đề cắt giảm khí thải trên 5,2% so với năm 1990. Tuy nhiên, do sự cố rò rỉ phóng xạ từ thảm hoạ động đất và sóng thần, Nhật Bản phải đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân, chuyển sang dùng nhiên liệu hoá thạch khiến mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính chỉ còn 3,8% đến năm 2020, thay vì 25% như đã cam kết. Cũng tại COP19, Canada không còn tích cực tham gia cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Đất nước băng giá suốt tám tháng trong một năm này lại thấy hiện tượng nóng lên toàn cầu có vẻ tạo cho họ những thuận lợi: nhiều vùng đất canh tác ở Canada có được mùa hè dài hơn, diện tích canh tác mở rộng hơn, việc trồng trọt dễ dàng hơn, ngoài ra băng đá trên biển tan nhiều hơn giúp vận tải thuỷ trên Bắc Băng Dương nhộn nhịp hơn, có thể khai thác dầu khí và các khoáng sản ở đáy biển vùng cực Bắc. Điều này khiến các mục tiêu làm giảm tốc độ nóng lên trên toàn cầu trở nên bấp bênh hơn.


Lấy của che thân









Hiểu một cách ước lệ, nếu các quốc gia bỏ ra 1 đồng vào năm 2020 để ứng phó với khí hậu bất thường thì có thể giảm được 30 đồng thiệt hại cho đến 50 năm sau.



Cách thức gần như duy nhất và cấp bách mà nhiều diễn đàn quốc tế đã nêu lên là các nước phải tìm cách giảm thiểu tốc độ phát thải khí nhà kính trên quy mô toàn thế giới, đồng thời phải tìm ra các giải pháp thích nghi riêng biệt với sự thay đổi khí hậu trong tương lai cho từng ngành nghề, từng nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong từng vùng ở mỗi quốc gia. Đầu tư cho các hoạt động phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu cho các quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương, theo ước tính của các chuyên gia, cần ít nhất 100 tỉ USD từ nay đến năm 2020. Số tiền này không phải dùng để mua bảo hiểm mà để đầu tư cho các biện pháp phòng chống, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy đây là một số tiền rất cao nhưng nếu thực hiện tốt có thể giảm thiểu được thiệt hại do thời tiết cực đoan gây nên, chừng 3.000 tỉ USD cho đến năm 2070. Hiểu một cách ước lệ, nếu các quốc gia bỏ ra 1 đồng vào năm 2020 để ứng phó với khí hậu bất thường thì có thể giảm được 30 đồng thiệt hại cho đến 50 năm sau. Đây là con số có ý nghĩa về đầu tư cho kinh tế khí hậu (climate economics), một ngành khoa học mới hình thành gần mười năm nay, đang được nhiều quốc gia phát triển chú ý.

Nói đến kinh tế khí hậu, sẽ bao gồm hai yếu tố chính, đó là nguồn kinh phí để thực hiện các kế hoạch hành động ứng phó với với khí hậu thất thường; và phương cách sử dụng nguồn kinh phí đó một cách hiệu quả, công bằng và minh bạch. Nguồn kinh phí sẽ gồm tỷ lệ phần trăm phân phối ngân sách quốc gia và đóng góp địa phương, cộng thêm các khoản tài trợ của chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ. Số tiền này phải được sử dụng một cách khôn ngoan, có lồng ghép cho các nhóm hoạt động mang tính phi công trình và công trình. Các kế hoạch chiến lược phải cân nhắc sau một loạt điều tra, khảo sát, phân tích và tổng hợp các yêu cầu hành động từ ngắn hạn cho đến dài hạn.


Các nhà môi trường cho rằng việc sử dụng các nguồn tài chính nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu phải nhắm đến các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng người nghèo, giúp các cộng đồng biết xây dựng kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng và lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai và tăng khả năng, kỹ năng ứng phó với thiên tai cho từng thành viên cộng đồng. Việc đào tạo và cung cấp nguồn vốn giúp người nghèo có thêm các sinh kế bền vững và ít bị thiệt hại do những thay đổi của thời tiết và môi trường. Về mặt công trình, nguồn tài chính phải được sử dụng hiệu quả trong các hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông và thuỷ lợi. Trên quy mô quốc gia, một chiến lược tăng trưởng xanh cần được cổ vũ. Một nền kinh tế xanh phải thoả mãn ba yêu cầu chủ yếu: tối thiểu hoá sự phát thải các khí gây ra hiệu ứng nhà kính; tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên; và phát triển phải bền vững trên cơ sở tạo nên một sự công bằng chung cho toàn xã hội.


PGS.TS Lê Anh Tuấn (viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – đại học Cần Thơ)






Sài Gòn không cần nhập tịch

Sài Gòn không cần nhập tịch

Sài Gòn không cần nhập tịch


SGTT.VN - Đã nhiều lần tôi ước mình được sinh ra đâu đó ở miền quê, có sông suối núi đồi, vườn cây hoa lá, để lâu lâu về quê có những “đêm buồn tỉnh lẻ”, về Sài Gòn kể chuyện làm quà ra điều lãng mạn.










Những người Việt trên con tàu vào Nam hồi 1954. Ảnh: tư liệu



Sinh ra, lớn lên và sống gần hết đời ở cái đất Sài Gòn này mới thấy nó chán phèo. Hồi nhỏ thì chơi tạt lon, đánh đáo, giựt cô hồn… Thả diều không được, vì sợ vướng dây điện. Lớn hơn chút nữa thì chơi bầu cua, cáttê, xập xám…


Mỗi tối mẹ sai tôi xách thùng rác ra gốc me ngoài đường đổ. Tối cúp điện, tôi vừa xách thùng rác vừa nghêu ngao: “… Đường về hôm nay tối thui, gập ghềnh em không thấy tôi, em đụng tôi, em nói tôi đui…” Tội nghiệp bản Kiếp nghèo của Lam Phương, tôi chỉ cám cảnh a dua hát theo chứ đâu biết sửa lời. Trời nóng, để tạm thùng rác ở gốc me, chạy ra phông tên nước gần đó, năn nỉ mấy chị ma-ri-sến cho em thò cái đầu vô vòi nước một chút. Mát đầu có sức quậy tiếp.


Xóm nhỏ đôi khi lầy lội. Thỉnh thoảng mấy bà trong xóm cãi nhau ầm ĩ. Hôm sau hai ông chồng lại ngồi khề khà nhậu với nhau, còn mấy bả đon đả tiếp mồi.


Cãi nhau là chuyện nhỏ, chuyện hôm qua cho nó qua luôn. Đời sống nghèo ở Sài Gòn là vậy, có gì thơ mộng đâu?


Mà nói thiệt, tôi là dân Bắc kỳ… chín nút. Nhưng đó là chuyện của ba má tôi, dù sau này có về thăm quê nội ngoại tôi vẫn thấy hụt hẫng và hờ hững thế nào ấy. Tôi lớn lên ở Sài Gòn, không khí Sài Gòn, cơm gạo Sài Gòn, đầu Sài Gòn, tim Sài Gòn… bao nhiêu thứ buồn vui với nó. Trong tôi cứ bám riết cái Sài Gòn chán phèo này, dù đôi lúc mặc cảm mình không phải là dân Sài Gòn.


Hồi 54, cả trăm ngàn dân di cư mang theo đủ loại kiểu sống bó trong luỹ tre làng đem nhét hết vô mảnh đất nhỏ xíu này, cũng gây xáo trộn cho người ta chứ. Phong tục, tập quán, ở đất người ta mà cứ như là ở đất mình. Nhưng người Sài Gòn chỉ hiếu kỳ một chút, khó chịu một chút, rồi cũng xuề xoà đón nhận. Lúc đầu tụi bạn ghẹo tôi là “thằng Bắc kỳ rau muống”. Con nít đổi giọng nhanh mà, trong nhà giọng Bắc, ra ngoài giọng Nam. Thế là huề hết. Rủ nhau đi oánh lộn phe nhóm là chuyện thường. Khỏi cần biết đúng sai, mày đánh bạn tao, thì tao đánh lại, oánh lộn tưng bừng. Vài ngày sau lại rủ nhau đi xem xinê cọp. Dễ giận dễ quên.


Hè, tụi bạn về quê, Bến Lức, Vĩnh Long, Kiến Hoà… Cũng chia tay hứa hẹn, tình cảm ra rít: “Tao về quê sẽ mang lên cho mày ổi xá lỵ, xoài tượng…” Tôi ngóng cổ chờ bạn, chờ quà. Thực ra, tôi thèm có quê để về.


Tết đến, thầy cô, bạn bè về quê, nhiều người Sài Gòn xôn xao về quê. Tôi ở lại Sài Gòn mà thấy mình vẫn không phải dân Sài Gòn. Vậy ai là dân Sài Gòn chính hiệu đây? Chẳng lẽ phải tính từ thời mấy ông Pétrus Ký hay Paulus Của?


Sài Gòn trẻ măng, mới chừng hơn 300 tuổi tính từ thời Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền ở đây. Sài Gòn khi cắt ra khi nhập vào, to nhỏ tuỳ lúc. To nhất khi nó là huyện Tân Bình, kéo dài đến tận Biên Hoà. Nhỏ nhất là vào thời Pháp mang tên Sài Gòn. Ngay trước 1975, Sài Gòn rộng chừng 70km2, có 11 quận, từ số 1 – 11. Hồi đó Phú Nhuận, Tân Bình, Thủ Đức... còn được xem là nhà quê (tỉnh Gia Định). Bây giờ Sài Gòn rộng tới 2.000km2.


Sài Gòn đắc địa, có cảng nối biển, là đầu mối giao thương quốc tế, tiếp cận văn minh Tây phương sớm. Dân Sài Gòn không có địa giới rõ rệt. Nói tới họ có vẻ như là nói tới phong cách của dân miền Nam. Họ là những lưu dân khai phá, hành trang không có bờ rào luỹ tre nên tính tình phóng khoáng, trọng nghĩa khinh tài, nói năng bộc trực… Ai thành đại gia thì cứ là đại gia, ai bán hàng rong thì cứ bán.


Sài Gòn không tự hào mình là người thanh lịch, không khách sáo, không mời lơi. Họ lấy bụng đãi nhau. Sài Gòn có mua bán chém chặt? Có, đúng hơn là nói thách. Cứ vô chợ Bến Thành xem mấy bà bán mỹ phẩm, hột xoàn hét giá mát trời ông Địa. Không cứ khách tỉnh, dân Sài Gòn lơ mơ cũng mua hớ như thường.









Sài Gòn nhỏ tuổi nhiều tên, nhưng dù thế nào Sài Gòn vẫn là Sài Gòn. Nhiều người thành danh từ mảnh đất này. Sài Gòn nhớ không hết, nhưng mấy ai nhớ đến chút tình của Sài Gòn? May ra những người xa Sài Gòn còn chút gì nhức nhối...



Ít nơi nào nhiều hội ái hữu, hội tương tế, hội đồng hương như Sài Gòn. Có máu lưu dân trong người, dân Sài Gòn thông cảm đón nhận hết, không ganh tị, không thắc mắc, không kỳ thị. Người ta kỳ thị Sài Gòn, chứ Sài Gòn chẳng kỳ thị ai. Nhiều gia đình người Bắc người Trung ngại dâu ngại rể Sài Gòn, chứ dân Sài Gòn chấp hết, miễn sao ăn ở biết phải quấy là được.

Dân Sài Gòn làm giàu bằng năng lực hơn là quyền lực. Người ta nói “dân chơi Sài Gòn”. Trời đất! Sài Gòn mà “tay chơi” cái nỗi gì. Tay chơi dành cho những đại gia giàu lên đột xuất từ đâu đó đến. Sài Gòn a dua thì có, nhưng a dua biết chọn lọc. Coi vậy chứ dân Sài Gòn đâu đó còn chút máu “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”. Cứ xem dân Sài Gòn làm công tác xã hội thì biết, cứu trợ lũ lụt thấy người ta lạnh quá, cởi áo len đang mặc tặng luôn. Họ làm vì cái bụng nó thế, chứ không phải vì PR, đánh bóng bộ mặt.


Biết bao văn nghệ sĩ miền Bắc, miền Trung vào đất này “quậy” tưng, tạo ra cái gọi là văn học miền Nam hậu 54 coi cũng được quá chứ? Nhạc sĩ Lam Phương, quê Rạch Giá, mười tuổi đã lưu lạc lên Sài Gòn kiếm sống. Năm 17 tuổi nổi danh với bản Kiếp nghèo và khá giả từ đó.


Tiếp cận văn minh phương Tây sớm, nên dân Sài Gòn có thói quen ngả mũ chào khi gặp đám ma, xe hơi không ép xe máy, xe máy không ép người đi bộ, chạy xe lỡ va quẹt nhau, giơ tay chào ngỏ ý xin lỗi là huề. Những thói quen này giờ đây đang mất dần, nhưng dân Sài Gòn không đổ thừa cho dân nhập cư. Họ cố gắng duy trì (dù hơi tuyệt vọng) để người mới đến bắt chước. Chợ hoa là một chút văn hoá của Sài Gòn, có cả nửa thế kỷ nay rồi, có dân nhập cư nào “yêu” hoa mà ra đó cướp giựt hoa đâu.


Sài Gòn nhỏ tuổi nhiều tên, nhưng dù thế nào Sài Gòn vẫn là Sài Gòn. Nhiều người thành danh từ mảnh đất này. Sài Gòn nhớ không hết, nhưng mấy ai nhớ đến chút tình của Sài Gòn? May ra những người xa Sài Gòn còn chút gì nhức nhối. Tôi có người bạn Bắc kỳ chín nút, xa Việt Nam cũng gần 40 năm. Tên này một đi không trở lại, vừa rồi phone về nói chuyện lăn tăn, rồi chợt hỏi: “Sài Gòn còn mưa không?” – “Đang mưa”. Đầu phone bên kia thở dài: “Tao nhớ Sài Gòn chết… mẹ!” Sài Gòn nay buồn mai quên, nhưng cũng có nỗi buồn chẳng dễ gì quên.


Mới đây đi trong con hẻm lầy lội ở Khánh Hội, chợt nghe bài Kiếp nghèo vọng ra từ quán cóc ven đường. Tôi ghé vào gọi ly càphê. Giọng Thanh Thuý sao da diết quá: “Thương cho kiếp sống tha hương, thân gầy gò gởi theo gió sương…” Chủ quán, ngoài 60 cầm chồng báo cũ thẩy nhẹ lên bàn “Thầy Hai đọc báo…” Hai tiếng “thầy Hai” nghe quen quen… Tự nhiên tôi thấy Sài Gòn như máu chảy từ tâm, Sài Gòn bao dung. Tôi chợt hiểu ra, mình đã là người Sài Gòn từ thuở bào thai rồi, cần gì xin nhập tịch.


vũ thế thành






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ