Đạo diễn Như Lai:
“Tìm lại chính mình quan trọng hơn doanh thu!”
SGTT.VN - Sau NSND Lan Hương, NSƯT Chí Trung, đến lượt Như Lai đưa đoàn kịch I nhà hát Tuổi Trẻ “hành phương Nam” đúng dịp Quốc tế phụ nữ 8.3. Đây tựa như chuyến ra mắt lại khán giả TP.HCM của đạo diễn trẻ chuyên kịch đương đại Như Lai, ở một vị trí khác: trưởng đoàn kịch nói. Vẫn thế, anh rất tự tin bước vào trải nghiệm mới.
Liên tiếp mang chính kịch, thậm chí cả những vở khó bán vé hành phương Nam, ẩn sau chiến dịch lưu diễn này là một mục tiêu còn quan trọng hơn doanh thu?
Có một mục tiêu rất thực tế, đó là nhân rộng ảnh hưởng. Chúng tôi nhận thấy, khác với thế hệ trước, khán giả trẻ trong Nam ít biết về nhà hát Tuổi Trẻ cũng như hình thức sân khấu phía Bắc, nên việc “tiếp thị” hình ảnh là cần thiết. Chúng tôi muốn qua các chuyến lưu diễn, mỗi một thế hệ khán giả khi trưởng thành đều có một “ý niệm” về nhà hát Tuổi Trẻ. Ngoài ra, có một mục tiêu khác quả thực quan trọng hơn doanh thu, đó là: tìm lại chính mình! Sau thời kỳ chính kịch với loạt vở gây tiếng vang lớn như Bến bờ xa lắc, Rừng trúc, Macbeth… thì từ năm 2000 trở lại đây, nhà hát nổi trội ở những series hài ngắn dài hơi như Đời cười, Kẻ khóc người cười… Dần dà, hài kịch trở thành thương hiệu của nhà hát. Khán giả cũng có người nghĩ, nhà hát Tuổi Trẻ chỉ biết làm hài. Thế nên, chiến dịch của chúng tôi là khôi phục hình ảnh một sân khấu kịch phong phú về thể loại, nội dung, hình thức biểu diễn và tìm lại thương hiệu một thời của nhà hát Tuổi Trẻ: chính kịch! Các vở mang đi đa số là chính kịch, đã gây hiệu ứng mạnh ở phía Bắc, tuy nội dung khác nhau, nhưng đều lột tả chân thực cuộc sống đương đại với những ngột ngạt, khắc nghiệt và cả nét lãng mạn riêng… Tôi nghĩ, nghệ sĩ lẫn khán giả đều cần được thưởng thức những tác phẩm sân khấu giàu cảm xúc như thế!
Kịch mục du Nam có đến hai vở do Nguyễn Thu Phương – cây bút nữ đang độ sung sức của phía Nam viết kịch bản. Có vẻ như rất nhiều hy vọng đang được gửi gắm vào Nhà có ba chị em và Nhà có năm anh em trai – hai tác phẩm khiến cái tên Thu Phương trở nên hấp dẫn với khán giả phía Bắc?
Tác phẩm của Thu Phương, bám sát đời sống hiện tại, theo cách vừa mộc mạc, chân thực, vừa tinh tế. Đấy sẽ là những tác phẩm có sức sống lâu bền. Trong chùm kịch lưu diễn, tôi nghĩ có hai vở sẽ khiến khán giả phía Nam đặc biệt thích thú. Thứ nhất là Nhà có ba chị em, phản ánh được khoảng nhận thức của các thế hệ trong cùng một gia đình, những xung đột vô cùng hấp dẫn người xem. Ngoài ra, hài kịch dân gian dài Thị Hến cũng sẽ gây ngạc nhiên. Đạo diễn Lê Khanh xây dựng một cô Hến khác hoàn toàn so với trước, dựa trên nhận thức: Thị Hến là biểu trưng cho sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam từ thuở xa xưa. Ngoài nhân vật Thị Hến, chị Khanh cũng nhấn vào chuyện công đường, mượn xưa nói nay, đề cập đến những vấn đề nóng của xã hội.
Hỏi thật, anh có thấy, kịch mục du Nam lần này bị xen lẫn một chùm tiểu phẩm hài ngắn khá lệch “tông”?
Tôi thì lại nghĩ, như thế, tức là chúng tôi tôn trọng khán giả! Nhu cầu của khán giả ngày một đa dạng, chúng tôi mang đi cả một “bàn tiệc” sân khấu đa vị, là để người xem được thoải mái lựa chọn. Chúng tôi là nghệ sĩ chuyên nghiệp, tất nhiên, phải đi song song cả hai “chân”. Đó cũng là cách “mài sắc” khả năng cảm nhận về sân khấu, xây dựng hình tượng nhân vật và sống trong các tình huống kịch khác nhau. Dịp lưu diễn này, khán giả phía Nam sẽ được thưởng thức tài biến hoá của các nghệ sĩ xuất sắc ở cả hai mảng hài kịch và chính kịch như: Lê Khanh, Quang Ánh, Hương Tươi…
Đạo diễn Chí Trung có lần nói, sau mỗi chuyến lưu diễn miền Nam lại rạo rực cảm hứng và mơ ước… Còn anh thì sao?
Tôi thay đổi nhiều chứ, rõ nhất là nhận ra: sân khấu phải tìm đến khán giả, phải tìm thấy khán giả! Muốn vậy, phải tìm hiểu nhu cầu của khán giả ở mỗi vùng miền. Ở phía Bắc, thường bộ phận quản lý, đạo diễn, kịch bản mới lưu tâm vấn đề này, còn nghệ sĩ, theo quan sát chủ quan của tôi, thụ động hơn rất nhiều so với đồng nghiệp trong Nam. Trong Nam, cả êkíp đều hướng đến khán giả và “chiều chuộng” nhu cầu của khán giả. Còn ngoài Bắc, nhiều lúc, nghệ sĩ không mấy quan tâm khán giả nghĩ gì, cảm gì sau khi xem tác phẩm. Nên, tác phẩm trình làng đôi khi thất bại! Bởi thế, chuyến lưu diễn này cũng đặt mục tiêu: tạo cơ hội để nghệ sĩ cọ xát và thay đổi, chịu điều chỉnh cách tiếp cận nhu cầu khán giả, chịu “mở” hơn…
Nói vậy, việc trở lại kịch nói sau tám năm miệt mài cùng kịch đương đại với không ít thành công, cũng là một quyết định trong tâm thế “mở”?
Cũng nên có thời gian ngưng lại, để nhìn lại xem mình có đi đúng hướng không! Tôi muốn thay đổi sau một thời gian dài chỉ làm kịch đương đại. Thực ra, kịch nói là cái gốc của tôi. Tôi trở về, một phần do phân công công tác, một phần, do tôi cũng tự tin, mình có thể làm mới, làm khác đi những thứ vốn đã quá cũ kỹ. Tôi đang cẩn thận lựa chọn kịch bản, vì đây là tác phẩm “ra mắt” lại làng kịch nói của mình. Rất có thể, tôi sẽ tích hợp vào vở những gì đã học hỏi được suốt tám năm qua, thậm chí, có thể kết hợp kịch nói và kịch đương đại. Có thể, nó chẳng giống ai, nhưng chắc chắn, phải hay, phải đẹp, phải hấp dẫn.
Hương Lan (thực hiện)
Từ ngày 3 – 13.3 tại nhà hát TP.HCM và rạp Công Nhân, đoàn kịch I nhà hát Tuổi Trẻ biểu diễn các vở: Thị Hến du xuân (đạo diễn Lê Khanh); Nhà có năm anh em trai; Nhà có ba chị em, Cầu vồng lục sắc (đạo diễn Anh Tú); chùm hài kịch chọn lọc Phụ nữ ơi, em là ai? Sau đó, đoàn lưu diễn thành phố Đà Lạt từ ngày 14 – 16.3, diễn tại rạp Ba Tháng Tư. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét