Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng
Thật từng centimét
SGTT.VN - Sau điểm son Hot boy nổi loạn..., Vũ Ngọc Đãng đang nỗ lực hết mình với Vừa đi vừa khóc, bộ phim truyền hình nhiều tập sẽ phát sóng vào tháng 3.2014 trên VTV3. Tiếp tục hướng tới những thân phận dưới đáy xã hội, dòng phim hiện thực lãng mạn trong anh hình thành với một hơi thở mới, chân thực, sống động, trẻ trung, mà không kém phần khốc liệt.
Trong những phát biểu gần đây, anh có vẻ mất niềm tin vào báo chí?
Trước kia, mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên của tôi là ra sạp mua những tờ báo mới còn nóng hổi mùi mực. Mỗi dịp xuân về, tôi thường mua cả chục tờ báo xuân các loại để gửi tặng người thân và bạn bè, như một món quà tinh thần quý giá. Nhưng bây giờ, tôi nghĩ không chỉ tôi, mà rất nhiều người không còn tin vào báo chí nữa. Sự đổ vỡ ấy do nhiều nguyên nhân.
Là người làm nghệ thuật, nhưng tôi thấy việc phê bình nghệ thuật trên báo chí, kể cả báo mạng và báo viết đều rất mờ nhạt, không mang tính định hướng, mà chỉ dừng lại ở việc giới thiệu. Có cảm giác không còn người phê bình nghệ thuật nữa. Người ta viết vì nhiều mục đích khác nhau nằm ngoài nghệ thuật. Ấy là chưa kể việc giới thiệu này cũng sặc mùi… PR.
Dường như những tổng biên tập bây giờ không còn quan tâm đến mảng văn hoá nghệ thuật, nên đã để cho phóng viên muốn viết gì thì viết. Có những bài đăng rồi, khi bị phản ứng tổng biên tập mới… hết hồn! Rất hài hước là cũng tờ báo đó, mà số cuối tuần thì khen nức nở, số ngày thì chê tơi tả một bộ phim. Ngày xưa nói đến báo chí, mình hay gọi “tờ này, tờ kia”, nhưng bây giờ chỉ là “người này, người kia”, bài viết chỉ là quan điểm của người viết, chứ không phải là quan điểm của tờ báo. Truyền thông đang đánh mất vai trò của mình, đánh mất tinh thần của người làm báo, và đánh mất khán giả. Điều đó làm tôi mất niềm tin. Đọc báo bây giờ để giải trí là chính. Ngày xưa mỗi khi ra mắt bộ phim mới, chúng tôi đều mời báo giới, nhưng bây giờ thì rất chọn lọc, bởi có một số người chúng tôi rất… kỵ! Với họ, mình làm phim hay dở gì cũng bị “đập” hết.
Điều gì trên báo chí khiến anh buồn nhất?
Ai đưa những tin tức tiêu cực tràn ngập trên báo mạng? Ai giật những cái tít kinh hoàng? Ra mắt một bộ phim, chỉ cần lộng lẫy, “lộ hàng”, tụt áo, hở ngực là ngày mai lập tức sẽ được giật tít thành năm, bảy bài báo khác nhau, nhưng chẳng ai biết đó là buổi ra mắt phim nào. Những giá trị tài năng thầm lặng, chân thực không ai quan tâm nữa.
Quả thật tôi rất buồn khi có một bài báo nói tôi và đạo diễn Quang Dũng xuống tay nhiều năm nay, sự nghiệp đi xuống. Nếu đánh giá ấy có trước khi tôi làm phim Hotboy nổi loạn... thì tôi không ý kiến, nhưng bài báo lại đăng ngay sau khi tôi ra mắt bộ phim mà theo nhiều người đánh giá, đó là phim hay nhất của tôi. Như thế là không công bằng.
Gần đây xuất hiện những facebook kêu gọi “truyền thông có ý thức”. Bản thân mỗi người đã tự nhận vào mình trách nhiệm của một nhà báo, một người đưa tin. Đọc và lan truyền tin một cách có ý thức cũng chính là để xây dựng một môi trường tích cực, tạo ra những năng lượng tích cực, để xã hội bớt đi cái ác, cái xấu.
Anh nghĩ gì về Sài Gòn, đô thị mà anh đang sống?
“Vừa đi vừa khóc” là một tâm trạng mà bất cứ ai cũng một lần trải qua, đó là lúc họ thật nhất với bản thân, trong cả nỗi buồn và niềm hạnh phúc.
|
Tôi là một trong những người yêu Sài Gòn nhất. Sài Gòn là cuộc sống của tôi, nơi có rất nhiều cơ hội cho những người trẻ. Tôi không hiểu tại sao lại có người làm bộ phim về Sài Gòn rất đáng sợ để hù doạ người khác? Theo quan điểm của tôi, Sài Gòn chấp nhận tất cả mọi người có tài năng, sự mạnh mẽ, không quan tâm quá khứ bạn là ai. Sài Gòn cũng không đánh giá người khác qua bề ngoài, vui thì chơi, không quan tâm bạn có bao nhiêu tiền, đi xe gì… Cũng do báo chí đã tạo ra nhiều bi hài kịch! Một số người không có tài vẫn quần là áo lượt xuất hiện trong các event chỉ để được báo chí lăng xê, trong khi những nghệ sĩ chân chính thì van nài: “Báo chí đừng “giật tít” cái xe, cái nhà của tôi, làm cho chính tôi bị rẻ tiền đi. Hãy viết về album của tôi, tài năng, giọng hát của tôi!”
Phải chăng đó là động lực khiến anh hết lòng với bộ phim Vừa đi vừa khóc, một thế giới chỉ toàn người tốt?
“Vừa đi vừa khóc” là một tâm trạng mà bất cứ ai cũng một lần trải qua, đó là lúc họ thật nhất với bản thân, trong cả nỗi buồn và niềm hạnh phúc. Tiếng khóc không kìm nén được, bật ra một cách vô thức, đó là cảm xúc. Tôi không muốn 100% nhân vật của mình đều là người tốt, nhưng vì phim Việt Nam bây giờ toàn là giả tưởng, hài, không mang tính thực tế, và quá nhiều người xấu, nên tôi muốn có bộ phim cân bằng lại một chút, với những con người thật bằng xương bằng thịt trong cuộc sống hôm nay. Một câu chuyện dễ thương về những người tốt biết chấp nhận bản thân và chấp nhận người khác, để tìm đến sự thông cảm, bao dung, chia sẻ.
Tiêu chuẩn chọn diễn viên của tôi trước tiên là “tươi”, trong sáng, lương thiện, mộc mạc… đẹp hay xấu không quan trọng. Cách diễn cũng tự nhiên, dùng kỹ thuật là hỏng liền. Nhìn lại những bộ phim đã làm, dù thành công hay thất bại, dù kinh phí không cao, nhưng rõ ràng là cuộc sống thật, là sự mộc mạc, hồn nhiên, tươi mát, và không bị cũ… Càng về sau càng thật, đó là “đặc sản” của mình. Tôi không nghĩ mình giỏi, cũng chưa có bộ phim nào thật xuất sắc, nhưng khán giả yêu chính là yêu cái tinh thần của bộ phim thôi. Cũng có người cho phim tôi… “sến” quá, hơi lê thê, sướt mướt, nhưng đó là con người tôi, lúc nào cũng bị cảm xúc cuốn đi.
Có lần anh đã nói đạo diễn phải có khả năng của một… cave, nghĩa là phải biết chiều nhà sản xuất, chiều khán giả. Có bao giờ vì chiều quá mà anh đánh mất bản thân?
Khi tôi hỏi nhà sản xuất Thiên Ngân tại sao lại chọn tôi, một đạo diễn trẻ vô danh để làm Những cô gái chân dài, chị trả lời rất đơn giản: “Vì em là người duy nhất hỏi chị muốn làm bộ phim như thế nào”. Người đầu tư bỏ tiền ra không bao giờ muốn lỗ, nên cần một đạo diễn có tài, có tâm. Người đạo diễn cũng không thể chỉ vì mục đích bán vé mà làm ra những bộ phim khiến người ta cảm thấy ghê sợ, thấy phát bệnh. Dù phim hài, phim giả tưởng cũng phải đặt ra một vấn đề xã hội và giải quyết nó một cách nhân văn, khiến người xem thấy tin yêu cuộc sống, tin yêu người khác. Cuộc sống này còn rất nhiều người tốt. Tin và nỗ lực vươn lên, niềm tin sẽ đẩy ta đi. Tôi luôn cố gắng gầy dựng niềm tin cho người xem vào cuộc sống.
Sai lầm lớn nhất của tôi là xem xong Những cô gái chân dài, người ta cảm thấy nghề người mẫu ghê quá. Một cô gái mạnh mẽ, trung thực là thế mà vẫn phải dựa vào một người đàn ông? Sau đó, tôi quyết tâm không bao giờ lặp lại sai lầm này nữa.
Là “cave”, nhưng anh quyết không bán mình?
Tôi quyết không bán mình cho quỷ dữ. Mọi người hãy chờ những phim tiếp theo sẽ thấy được cái tâm của tôi. Tôi đang đi từng bước rất chắc, rất thú vị khi đã tự làm chủ được mình.
Nếu có điều kiện, anh muốn làm một bộ phim như thế nào?
Tôi muốn làm bộ phim về những người trẻ bước vào cuộc sống một cách đàng hoàng. Một bộ phim do chính tôi tự sản xuất, mang cái nhìn, quan điểm của tôi về nghệ thuật, về cuộc sống. Thử nhìn phim chiếu rạp của Việt Nam, có bao nhiêu phim đáng gọi là điện ảnh? Chỉ là những vở kịch truyền hình mệt mỏi. Nhiều khi tôi tự hỏi bản thân mình: Thoả hiệp đến đâu? Dù là phim truyền hình hay phim điện ảnh cũng đòi hỏi trách nhiệm với người xem ngang nhau. Phim truyền hình, tính lan toả còn mạnh hơn, đòi hỏi phải chân thực, sâu sắc.
Theo anh, vì sao ngày càng ít đi những bộ phim chân thực về cuộc sống của giới trẻ hôm nay?
Sau Vị đắng tình yêu của Lê Hoàng, dường như ngày càng hiếm những bộ phim hay về giới trẻ. Tôi và Quang Dũng vẫn quyết tâm theo đuổi mảng phim này, nhưng thực tế một vài gương mặt đạo diễn trẻ rất ấn tượng với bộ phim đầu tay đã dần bị lạc lối, bán mình một cách “triệt để” vì mục tiêu ăn khách rẻ tiền. Tôi không chấp nhận một một đạo diễn phải bám víu vào một vài ngôi sao hài mà không bám víu vào bản thân mình. Vẫn biết điện ảnh rất cần ngôi sao, nhưng không phải khai thác ngôi sao kiểu đó. Ngày xưa có thể mình chưa đủ bản lĩnh, nhưng giờ đều lớn khôn rồi, lý tưởng đã hình thành rất rõ. Tôi muốn làm những bộ phim ấm áp, tràn đầy niềm tin để người xem cảm thấy tin yêu hơn cuộc sống này.
Lý tưởng này không đi ngược với tiêu chí ăn khách, mà đồng điệu, đồng hành. Ăn khách vẫn là tiêu chí quan trọng, để bảo đảm đồng tiền người khác phải sinh lời, tạo niềm tin với điện ảnh cho nhiều người khác, vì nếu một bộ phim thất bại về doanh thu, không chỉ cướp đi cơ hội của chính mình mà cướp đi cơ hội của rất nhiều bạn trẻ mới bước vào nghề, khiến cho mọi người chùn tay lại hết.
Anh có giữ được niềm tin vào thế hệ mình?
Trước đây không lâu, chúng ta hy vọng nhiều vào đội ngũ đạo diễn được đào tạo bài bản ở nước ngoài về, nhất là đạo diễn Việt kiều có thể thay đổi mọi thứ. Sau một thời gian trải nghiệm, tôi nghĩ thay đổi phải đến từ nội lực. Bản thân mỗi người phải tự vượt lên hoàn cảnh, đủ nội lực để tạo nên màu sắc mới. Trải nghiệm cho chúng ta thấy tiền không quan trọng, quan trọng là bạn có đủ niềm tin, sự hy sinh, kiên định, để theo đuổi con đường của mình.
Nhìn lại những bộ phim đã làm, dù thành công hay thất bại, dù kinh phí không cao, nhưng rõ ràng là cuộc sống thật, là sự mộc mạc, hồn nhiên, tươi mát, và không bị cũ… Càng về sau càng thật, đó là “đặc sản” của mình.
|
Không phải chúng ta thiếu người tài, mà thiếu những đạo diễn có kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, biết tính toán đồng tiền, biết nắm bắt thị trường, biết thuyết phục người khác. Đừng nghĩ đạo diễn là vua! Tất cả đều phải học mới có được, và cần nhất là phải tôn trọng mọi người. Cơ hội nằm đầy ngoài đường, mình phải đi tìm, đừng trông chờ.
Đã qua rồi cái thời đạo diễn to mồm coi thường thị hiếu khán giả. Nhu cầu giải trí ngày càng lớn, khán giả ngày càng thông minh hơn, mọi cái đang đi ngược lại, chính khán giả lại coi thường đạo diễn, coi thường điện ảnh Việt Nam quá thấp, thấp hơn khán giả. Phải làm sao cho khán giả ăn món mới, hương vị lạ, có sáng tạo. Việt Nam làm phim bom tấn là sai lầm.
Những giải thưởng điện ảnh gần đây cũng khiến cho người trong nghề và khán giả không tin nữa. Tôi nghĩ những người như cô Trà Giang hẳn rất buồn khi biết những nghệ sĩ nghiệp dư không có cơ hội đóng phim thứ hai, không có khí chất của một ngôi sao lại được trao giải khiến cho dư luận nghi ngờ cả về tài năng và đạo đức, làm cho giải thưởng không còn giá trị.
Những bộ phim của anh đều do anh viết kịch bản, anh thường viết kịch bản trong hoàn cảnh nào?
Tôi thường viết trong quán càphê Highland, góc ngã tư Phạm Ngũ Lão, bên cửa sổ, nơi có thể nhìn thấy cuộc sống chuyển động, từ bác xe ôm đến bà lão bán vé số, như một xã hội sống động ở bên ngoài. Một quán quen khiến mình cảm giác rất bình yên vì không ai nhìn mình, vừa không bị tách khỏi thế giới. Ý tưởng thường nung nấu trong tôi rất lâu, nhưng khi viết thì liền một mạch rất nhanh, khoảng một năm. Tôi hình dung rất rõ về nhân vật, và thường chọn diễn viên trước khi đặt bút viết kịch bản, giống như là “đo ni đóng giày” cho từng người.
Trải nghiệm nào giúp anh thấu hiểu những thân phận bần cùng trong xã hội, để miêu tả họ một cách chân thực trong phim của mình?
Ngay từ nhỏ, tôi đã mê dòng văn học hiện thực lãng mạn như Những người khốn khổ, Trà hoa nữ, Con hủi… Mười tám tuổi, tôi đã phải lăn lưng ra đường kiếm sống ở khu công viên 23.9. Đó là cuộc sống của tôi, từ một kẻ vô danh gặt hái được một chút thành công nhờ kiên định, biết rất rõ mình muốn gì, dù có lúc hoang mang nhưng luôn giữ được niềm tin, và được nhiều người giúp đỡ, nhất là bạn bè. Khác với một số đạo diễn coi mọi người là công cụ trong tay mình, tôi luôn cố gắng làm gì mang lại lợi ích cho người khác, tất cả cùng có lợi, không để bất cứ ai thiệt thòi. Ngay trong kịch bản, tôi cũng chừa chỗ cho từng nhân vật toả sáng, dù là vai rất nhỏ.
Tên anh và người bạn thân, đạo diễn Quang Dũng thường được gắn với những biệt danh rất ấn tượng như “nổi loạn”, “khùng”… Cuộc sống riêng của anh có “loạn” như thế không?
Trái lại hoàn toàn, cuộc sống riêng của tôi có phần hơi tẻ nhạt. Những lúc không làm phim, tôi viết kịch bản trong lúc uống càphê, cảm giác thoải mái nhất, hoặc đi xem phim, đọc những cuốn sách mình thích. Chơi với bạn, tôi cũng không thích những người mất bình tĩnh, chỉ chơi với ai cảm thấy tin tưởng, dễ chịu. Tôi biết mình không giỏi, nhưng luôn tạo ra sự khác biệt, màu sắc riêng. Tôi không kể một câu chuyện phim cầu kỳ phức tạp. Giống như một người cha, dù gia đình nghèo, vẫn tạo ra không khí đầm ấm, từ ánh mắt, nụ cười. Đó là con người mình. Nhiều người nghĩ tụi tôi lý tưởng gì, chỉ bán được vé thôi là đủ. Tôi đâu có khùng, thật ra tôi sống rất lý tưởng, nhưng không bao giờ gồng quá.
Với anh bây giờ, điều gì là quan trọng nhất?
Vui là chính. Chơi với ai cảm thấy vui, làm gì cảm thấy vui. Giữ được sự cân bằng trong cuộc sống. Trên facebook của mình, người nào lên than thở là tôi cho đi hết. Cuộc sống không có sự than thở. Tôi cũng không thích thiếu nợ, không thích đi xe đắt tiền để phải lệ thuộc vào nó. Ăn mặc cũng cực kỳ đơn giản, chẳng quan tâm mọi người nghĩ gì về mình.
thực hiện: Kim Yến
chân dung hội hoạ: Hoàng Tường
Năm 1999: tốt nghiệp thủ khoa cao đẳng Sân khấu điện ảnh TP.HCM với phim Vợ chồng chuột, kinh phí 4 triệu đồng và diễn viên là… tám chú chuột. Ra trường làm tiếp phim Chuột với hãng phim Truyền hình TP.HCM, tổng số “diễn viên” lên đến hơn 100 con chuột, nhưng diễn xuất chỉ có bảy con. Năm 2004: Những cô gái chân dài, phim nhựa. 2006: Tuyết nhiệt đới, phim truyền hình dài 30 tập. 2008: Bỗng dưng muốn khóc, phim truyền hình 36 tập. 2009: Ngôi nhà hạnh phúc, phim truyền hình 26 tập; Đẹp từng centimét, phim nhựa, kinh phí 3,2 tỉ đồng, doanh thu 10 tỉ đồng sau nửa tháng công chiếu. 2010: Hot boy nổi loạn – câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt, phim nhựa, kinh phí 5,2 tỉ đồng, đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất, Bông sen bạc liên hoan phim Việt Nam thứ 17, giải thưởng Technicolor châu Á dành cho những dự án phim tiềm năng, được chiếu ra mắt tại liên hoan phim quốc tế Toronto (Canada).
|