Sữa nước
Thích uống tươi gặp giá đắt
SGTT.VN - Đánh đúng vào tâm lý thích uống sữa tươi, nguyên chất “100% con bò”, các doanh nghiệp lần lượt tung ra các dòng sản phẩm được quảng cáo sử dụng 100% nguyên liệu sữa bò tươi, thậm chí còn nhập khẩu hẳn sữa tươi từ nước ngoài về. Chưa biết độ “tươi” đến đâu, nhưng giá cả thì khá đắt đỏ.
Sữa “tươi” là hàng “hot” nên chiếm vị trí quan trọng ở các sạp chợ. Ảnh: Thanh Hảo |
Thử làm một cuộc thăm dò bỏ túi, số đông bà mẹ có con từ bốn tuổi trở lên nói rằng, họ giảm hoặc ngưng hẳn khẩu phần sữa bột, thay vào đó là thường xuyên mua sữa tươi tiệt trùng sử dụng 100% nguyên liệu sữa bò tươi cho con uống.
Cháy hàng
Theo một số đánh giá của các công ty nghiên cứu thị trường, hơn một năm trở lại đây, xu hướng tiêu dùng sữa nước có thay đổi rõ rệt, người dùng có nhu cầu sử dụng sữa tươi nguyên chất ngày càng nhiều. Nghiên cứu này phù hợp với thực tế thị trường thời gian gần đây, hàng loạt công ty liên tục tung ra sản phẩm gọi là “sữa tươi tiệt trùng” sử dụng 100% nguyên liệu từ sữa bò. Như đầu tháng 10 vừa qua, FrieslandCampina Việt Nam tung ra sản phẩm “Sữa chọn Cô gái Hà Lan” với thành phần chính là 100% sữa bò tươi. Dòng sản phẩm sữa tươi tiệt trùng của Vinamilk có mặt từ nhiều năm nay, nhưng ngay sau khi đưa vào hoạt động nhà máy sữa nước khổng lồ ở Bình Dương hồi tháng 9 vừa qua, công ty này đã làm mới lại bao bì với nền màu trắng tượng trưng cho dòng sữa bò tươi tinh khiết và thiên nhiên hơn…, đồng thời bổ sung thêm nhiều dưỡng chất có lợi cho người sử dụng như vitamin D hỗ trợ miễn dịch.
Tuy chưa có công bố chính thức, nhưng đại diện các công ty đều khẳng định thị trường sữa nước nói chung, sữa tươi tiệt trùng đang bán khá chạy. TH True Milk cho biết trung bình mỗi ngày sử dụng 80% trong số 300 tấn sữa bò tươi và doanh số mặt hàng sữa tươi tiệt trùng tại thị trường TP.HCM tăng ít nhất 20 – 30% trong vòng hai tháng gần đây. FrieslandCampina Việt Nam cũng có trong tay 240 tấn sữa bò/ngày, tuy không nói cụ thể tỷ lệ dùng làm nguyên liệu cho sản phẩm “Sữa chọn Cô gái Hà Lan” là bao nhiêu, nhưng vị đại diện công ty này nhất quyết rằng từ khi tung ra thị trường, sản phẩm này “không có tồn kho”. Còn với Vinamilk, dẫn đầu về sản lượng sữa bò tươi, khoảng 500 tấn/ngày và chiếm thị phần gần 48,7% mặt hàng sữa nước thì cho biết thường xuyên bị “cháy” hàng. Vừa qua, Vinamilk cũng chính thức nhập sữa tươi từ New Zealand, dù chưa quảng cáo rầm rộ nhưng đại diện công ty này tiết lộ “doanh số bán ra tăng vọt”.
Vì sao giá cao?
Người tiêu dùng đang tự nguyện trả giá cao để được sử dụng sản phẩm sữa tươi nguyên chất. Thực tế, so với sữa bột, giá sữa nước đang ở phân khúc cao hơn hẳn, phổ biến ở mức 30.000 – 32.000 đồng/lít.
Một số bạn đọc gửi phản ánh đến Sài Gòn Tiếp Thị phân trần về việc người tiêu dùng Việt Nam đang phải mua sữa tươi với giá cao hơn nhiều so với các nước. Nội dung thư của một bạn đọc đề cập như sau: giá nhân công tại Việt Nam thuộc loại thấp nhưng giá sữa tươi sản xuất tại Việt Nam 35.000 đồng/lít, cao hơn nhiều so với 0,5 – 0,8 USD/lít của các nước trong khu vực. Tại sao vậy?
Từ trải nghiệm của chính bản thân, một bạn đọc khác cũng thông tin: “Bên Canada tôi mua một bịch sữa tươi 4 lít có 100.000 đồng, còn ở Việt Nam bán 1 lít đến những 35.000 đồng”.
Ở khắp các tỉnh thành, nông dân đang bán sữa bò tại trại dao động từ 14.500 – 15.000 đồng/lít, nghĩa là chưa bằng 1/2 giá sữa tươi tiệt trùng trên thị trường.
Các doanh nghiệp cho rằng sở dĩ giá bán thành phẩm sữa tươi tiệt trùng cao là bởi phải chịu các khoản đầu vào chênh lệch quá xa so với các nước như nhân công, lãi suất, điện, nước, xăng dầu, marketing, đặc biệt là việc họ phải đầu tư số tiền lớn vào công nghệ chế biến hiện đại. Hơn nữa, từ cách nay vài năm, doanh nghiệp cho hay giá thu mua sữa bò tăng đáng kể, các công ty phải liên tục tăng giá mua để nông dân có lãi, phát triển đàn bò sữa nhằm giảm phụ thuộc nhập khẩu. So với giá thu mua sữa bò ở các nước chỉ có trung bình 8.000 – 9.000 đồng/lít, thì với mức thu mua hiện tại, nông dân Việt Nam vẫn bán được giá cao hơn nhiều lần. Ngoài ra, để có dòng nguyên liệu chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh phục vụ người tiêu dùng, doanh nghiệp còn phải đầu tư trang thiết bị, đầu tư kỹ thuật cho nông dân để quản lý đàn bò theo hướng chăn nuôi hiện đại. Dù sao, so với sữa bột ngoại nhập liên tục tăng giá thì giá sữa tươi tiệt trùng trong nước vẫn ổn định hơn…
Theo đánh giá của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tổng đàn bò sữa hiện nay chỉ có khoảng 160.000 con, cho ra khoảng 410 triệu kg sữa/năm, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu nội địa. Điều này khiến người dùng không chỉ đắn đo việc giá sữa đang quá cao, mà còn băn khoăn liệu “sữa tươi tiệt trùng” có được làm từ 100% nguyên liệu sữa bò tươi hay nhà sản xuất lại “trộn” thêm sữa bột nhập khẩu?
Hoàng Bảy
Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, trong vòng ba năm gần đây, người tiêu dùng bắt đầu tin tưởng vào chất lượng sữa nước nói chung, sữa tươi tiệt trùng nói riêng của các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Điều này giúp thị phần sữa của các doanh nghiệp tăng trưởng vượt bậc. Chẳng hạn, nếu như năm 2011, Vinamilk mới chỉ nắm giữ 42,9% thị phần sữa nước thì chỉ trong vòng một năm sau đã tăng lên 46,9% và chín tháng đầu năm 2013 trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường với 49,1%. Trong một cuộc họp báo mới đây, bà Mai Kiều Liên, tổng giám đốc Vinamilk khẳng định bằng việc đầu tư mạnh vào chăn nuôi bò sữa, xây nhà máy công nghệ hiện đại, Vinamilk đặt mục tiêu nắm giữ 60% thị phần sữa nước trong thời gian không xa. Số liệu thị phần mới nhất của FrieslandCampina Việt Nam tuy không được công bố, nhưng tại thời điểm tháng 7.2013, đại gia có vốn đầu tư liên doanh với một đối tác trong nước này được Nielsen xếp ở vị trí thứ hai sau Vinamilk khi nắm giữ 25,7%. Trong vòng ba năm trở lại đây, Nielsen cũng ghi nhận thị phần sữa nước của FrieslandCampina Việt Nam có bước tăng trưởng khá. Cuối cùng là TH True Milk, tuy mới có mặt trên thị trường chưa lâu nhưng cũng kịp có được 7,7% thị phần. |