Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Lòng tốt biết đặt vào đâu?

Lòng tốt biết đặt vào đâu?

Chuyện cuối tuần


Lòng tốt biết đặt vào đâu?


SGTT.VN - Ban đầu là câu chuyện những bà mẹ ông bố sôi sục trên các phương tiện truyền thông lên án kẻ dã tâm bắt mất con đầu lòng của vợ chồng anh H. chị T. Có lẽ một phần nhờ áp lực của dư luận mà các anh công an đã thành lập đội trọng án, lên phương án tác chiến cho trận đánh đẹp và ngày đêm tìm thủ phạm. Cuối cùng cô Tr. đã ra đầu thú, khóc lóc bảo rằng do sợ chồng bỏ vì không sinh được con nên đã bắt cóc đứa bé. Sau đó dư luận ào ào cho rằng vì cũng lâm vào hoàn cảnh khốn khổ, thôi thì bỏ qua việc bắt cóc con của cô Tr., bãi nại cho người ta v.v. Có lẽ cũng vì nghe theo dư luận nên vợ chồng anh H. sẵn lòng tha thứ, không những thế còn hứa là khi thủ phạm thụ án xong, sẽ cho cô làm mẹ đỡ đầu thằng bé.


Một kết thúc có hậu.


Nhưng cách đây hai ngày, công an nhận được một thông tin khác báo rằng chính cô Tr. đã gọi điện đòi bán thằng bé giá 10 triệu đồng! Quả là một cái tin động trời dù chưa có kết luận cuối cùng. Ngay lập tức dư luận phản ứng theo hướng khác.


Giờ phải làm sao với lòng tốt?










Còn lòng tốt, thì ra chỉ là một “vật xa xỉ” khi nó được ném ra trước một đám đông đang chết khát với nó. Ảnh: giadinh.net.vn



Phát minh hay nhất của con người thời hiện đại chính là internet, không cần chứng minh nữa. Chính cộng đồng mạng đã tác động rất nhiều đến xã hội ngày nay. Cách đây vài năm, thông tin chỉ có thể tìm đọc trên báo chí thì bây giờ, mỗi buổi sáng, chỉ cần bấm smartphone, ngồi ở Sài Gòn bạn có thể biết hết tin của một cháu bé bị ngược đãi ở một gia đình nào đó tận trên Thái Nguyên… Gần đây tin về tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhà nước và công dân ngày một nhiều hơn. Tin về hành hạ trẻ em mầm non, gia đình chém giết lẫn nhau vì tài sản cũng nhiều hơn và đặc biệt, nhờ có sức mạnh của cộng đồng mạng, nhà chức trách cũng ý thức rõ trách nhiệm của mình hơn. Việc các anh công an quận 7 hợp tác với cộng đồng mạng để tìm ra thủ phạm bắt cóc bé K. là bằng chứng.


Nhưng, thông tin vẫn chỉ có tính sự kiện, nó không chịu trách nhiệm về… tâm tính con người. Những ngôn ngữ mang tính cảm xúc mạnh đôi khi gây ra một năng lượng lớn, tuỳ tâm trạng tích cực hay tiêu cực mà người tiếp nhận nó định lượng. Chính vì vậy, để có thể đủ bình tĩnh trước một thông tin gây sốc như bắt cóc trẻ con, cần phải để cái đầu suy nghĩ trước khi ào ạt nhận định. Sau khi suy xét và nhận diện vấn đề, người ta mới có thể quyết định xử lý thông tin ấy như thế nào. Nếu là người thấu đáo, có thể sẽ đặt nghi ngờ xung quanh lời khai của Tr. về việc sợ chồng bỏ nên bắt cóc con người khác. Điều đầu tiên phải hỏi người chồng ấy là, sao vợ sinh con mà chồng không biết? Gia đình Tr. cũng vậy: con gái đi sinh mà không có ai bên cạnh?... Nhưng bài viết này không làm nhiệm vụ luận tội Tr. Chỉ là lên tiếng vì nghĩ đến cảnh người ta sẽ không còn bàn luận đến Tr. nữa để trốn tránh một việc: không chịu trách nhiệm với lời của mình, không chịu trách nhiệm với lòng tốt của mình. Nói cho có, nói lấy được, nói cho đã miệng, nghe cho sướng tai. Còn lòng tốt, thì ra chỉ là một “vật xa xỉ” khi nó được ném ra trước một đám đông đang chết khát với nó.


Và thật tội nghiệp cho gia đình anh chị T. và H. lúc đầu thì căm thù kẻ bắt cóc, sau thì nghĩ vì “tội nghiệp người ta” như đám đông nhận định nên tha thứ, giờ không biết hành xử sao nếu công an điều tra đó quả là kẻ bắt cóc trẻ con đem bán chứ không hề là một bà mẹ trẻ lâm vào hoàn cảnh nghiệt ngã?


Người viết bài này vẫn mong một sự bao dung – vốn là bản tính tự nhiên của con người khi thấu hiểu, chứ không phải vì sợ sự phán xét của đám đông.


Hồ Trần






Không làm giàu được thì làm phước

Không làm giàu được thì làm phước

Sức mạnh tình thân


Không làm giàu được thì làm phước


SGTT.VN - Cơn sốt bại liệt đã lấy đi đôi chân khoẻ mạnh của anh Mai Xuân Long – chị Hoàng Thị Hồng Châu, nhưng tình yêu gắn kết họ với nhau, gầy dựng lên ngôi nhà chung tại thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà – tỉnh Lâm Đồng. Chiều nào, khoảng đất trống trước ngôi nhà ấy cũng là sân tập của hai vận động viên khuyết tật cùng ba cô công chúa nhỏ, trong đó một là con nuôi.











Khuyết thể xác nhưng thừa ý chí


“Gần 20 năm, tôi mặc cảm, không đi đâu, không tiếp xúc với ai mà chỉ quẩn quanh ở nhà; nhưng rồi anh ấy đã đến và đưa tôi thoát ra khỏi những mặc cảm về bản thân” – chị Châu vừa dứt lời thì anh Long nói tiếp: “Thế mà con gái đầu lòng của vợ chồng chúng tôi học lớp 8 rồi đấy. Thời gian trôi đi nhanh thật”. Chồng sửa xe lăn, vợ nhặt rau chuẩn bị bữa cơm chiều, cùng kể lại câu chuyện tình yêu của họ cho tôi nghe. Bỏ qua những mặc cảm bản thân, những can ngăn từ phía gia đình, chàng trai Xuân Long quyết tâm rời thành phố Đà Lạt xuống Lâm Hà lập gia đình với cô thợ may Hồng Châu. Lúc đầu, gia đình anh Long phản đối bởi bố mẹ lo cả hai đều đi lại khó khăn, lấy nhau về làm gì mà sống. Nhưng rồi, bằng tình yêu thương họ đã vượt qua rào cản từ phía gia đình.


Trước khi quen chị Châu, anh Long là vận động viên giành nhiều huy chương vàng cho thể thao khuyết tật tỉnh Lâm Đồng. Ngưng tham gia một thời gian, năm 2003 anh quyết định quay trở lại với thể thao. Khi đó, anh chị đã có một bé gái. Mọi công việc nặng trong nhà đều do anh làm, sợ đi thi đấu xa vợ ở nhà một mình không thể cáng đáng được nên anh xin cho vợ và con đi theo cổ vũ mình thi đấu. Chỉ là người đi theo, nhưng được sự khích lệ của huấn luyện viên, chị Châu lên sân tập dự bị với các vận động viên khác.


“Dự bị nhưng mà thi đấu thật nha. Tôi cũng run lắm. Nhưng năm đó tôi được hai huy chương vàng và phá kỷ lục Paragames luôn”, chị Châu vừa kể vừa mang tấm huy chương ra ngắm nghía.


Bắt đầu từ mùa giải đó, anh chị đồng hành cùng nhau trên con đường thể thao chuyên nghiệp dành cho người khuyết tật. Cả hai đã mang về hơn 100 huy chương vàng trên các đấu trường trong và ngoài nước.










Gia đình anh chị Long – Châu.



13 lần chuyển nhà vì con


Ngôi nhà của vợ chồng Long – Châu yên bình nép mình sau lưng thị trấn Đinh Văn. Giữa năm 2011, xảy ra một sự kiện lớn trong ngôi nhà này: thêm một thành viên mới. Anh chị không thể nào quên được buổi chiều hôm ấy. Khi biết tin một bé gái sơ sinh bỏ rơi trong bệnh viện, anh chị quyết định nhận bé về nuôi dù đã có hai con. “Vì quá bất ngờ cho nên một người đi đón cháu, một đi mua đồ cho con. Những ngày đầu lo lắng lắm vì không có sữa mẹ, cháu toàn bú bình. Tôi cũng kiêng đúng ba tháng mười ngày, kiêng kỹ hơn cả lúc sinh hai đứa con đầu”, chị Châu kể. Kể từ ngày đưa bé về nuôi, anh chị đã trải qua nhiều thử thách: 13 lần chuyển nhà trọ với lý do tiết kiệm để có tiền mua sữa cho con, để tránh lời ra tiếng vào của hàng xóm. Chị Châu thổ lộ: “Nhiều người nói “vợ chồng khuyết tật, có hai đứa con đẻ rồi lại nhận thêm về làm gì, liệu có lo được cho nó hay lại đánh đập”, nhưng vợ chồng tôi nghĩ mình không làm giàu được thì mình làm phước. Nhiều đêm, tôi cứ ngồi ngắm con ngủ rồi khóc thầm. Vì thương cháu còn quá nhỏ chưa biết gì”. Nghĩ con nào cũng là con, ba đứa con gái đều được anh chị đặt chung một tên Vy, chỉ khác nhau chữ đệm.


Tính đến nay là tròn 31 tháng kể từ ngày con gái út về với gia đình anh chị. Không còn cảnh thức trắng đêm để trông con ngủ. Hôm nay, đứa bé ấy đã biết nói “Con chào ba, con chào mẹ con đi học, tối con lại về với ba với mẹ”. Những câu nói bi bô như món quà mà thượng đế bù đắp cho đôi vợ chồng khuyết tật. Với anh chị, niềm vui mỗi ngày là được thấy ba đứa con chơi đùa cùng nhau trước sân nhà, được một ngày hai lần chở con tới trường. Hình ảnh người cha ngồi xe lăn, bé gái chưa đầy ba tuổi đứng phía sau đi khắp các sân chơi thể thao ở huyện Lâm Hà đã rất đỗi thân quen với người dân Đinh Văn...


bài và ảnh: Thạch Thảo






Người phụ nữ nơi triền Dông Cụt

Người phụ nữ nơi triền Dông Cụt

Ký sự nhân vật


Người phụ nữ nơi triền Dông Cụt


SGTT.VN - Ít ai nghĩ ở vùng Dông Cụt hoang vắng thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức giáp ranh với những dãy núi cao của xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) lại có một trang trại trồng rừng kết hợp với chăn nuôi mà chủ nhân lại là một phụ nữ, nguyên là thanh niên xung phong (TNXP) sau chiến tranh.










Chị Phạm Thị Kim Anh nơi trang trại nuôi heo, bò ở thôn Thiết Trường, thị trấn Mộ Đức.



Chủ nhân của trang trại, chị Phạm Thị Kim Anh, nói: “Hồi mới lên đây hoang vắng vô cùng. Có lúc đêm nằm nghĩ quẩn, nói dại mình lỡ trúng gió chết cũng không ai hay. Nhưng mình đâu có đường lui. Đã quyết định lên đây thì phải cố gắng trụ cho được trên đất này”.


Kiện tướng đánh tranh


Nhà chị có năm chị em, bốn gái, một trai nên hồi còn nhỏ cha đã tập tành cho các chị em công việc của đàn ông. Rồi sau đó, cha bảo đi cày là chị vác cày, hụ trâu ra đồng cày hết đám này đến đám khác. Nhà dột thì chị em đi cắt cây cỏ tranh rồi cha bày cho cách đánh tranh lợp nhà. Năm 1976, đất nước vừa thống nhất, tỉnh tuyển TNXP lên xây dựng nông trường mía Nghĩa Hành. Chị có mặt ngay trong tốp đầu tình nguyện.


Trên đó là đất đôi hoang, hố bom chi chít. Thanh niên toàn tỉnh tập trung về đến tám đội, mỗi đội trên 200 người. Trong tốp thanh niên xây dựng lán trại, cô Sáu (chị Kim Anh) và chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Phổ Cường nổi danh với biệt tài một tay đánh tranh để cánh thanh niên lợp hết thảy 30 lán trại của TNXP trong đội.


Từ vùng đất bom mìn, hoang hoá, tất cả cùng nhau khai hoang, san lấp hố bom. Lao động vô cùng cực nhọc, ăn uống đạm bạc nhưng ai nấy đều vui. “Hồi đó, sức trẻ nên mưa nắng là thế và cả sốt rét rừng là thế; thoảng trong lúc san lấp hố bom còn đụng phải bom lép nổ có anh chị thương vong nhưng có mấy ai bỏ về quê. Đêm từng đêm sinh hoạt văn nghệ, tiếng hát vẫn vút cao sau mười năm, sức trẻ đã biến thành cánh đồng mía xanh bạt ngàn”, chị Anh kể.


Cũng từ những ngày đội nắng, đội mưa, chị Anh cũng như nhiều thanh niên xung phong hồi đó đã tạo lập được một mái ấm cho riêng mình. Ba đứa con của chị ra đời trên đất nông trường như thế. Nhưng rồi theo thời gian, nông trường giải thể. Vợ chồng chị tất tả quay trở lại quê. Cuộc sống khó khăn hơn, rồi vợ chồng lục đục dẫn đến một kết cục đáng buồn là cả hai chia tay nhau. Chị lại một thân một mình nuôi ba con nhỏ.


Câu hát trên rừng Dông Cụt


Một thoáng lắng lòng, chị Anh kể: “Từ hồi chia tay ảnh, mình mở quán bán tạp hoá. Nhưng rồi, quê nhà nghèo khó, tiền vốn chẳng nhiều mà bà con lại thiếu chịu quá nhiều nên chẳng thể “trụ” được. Thế là mình nghĩ cái nghiệp của mình là nông dân thêm kinh nghiệm của 14 năm sáu tháng làm TNXP gắn bó với đồi rừng thì chỉ còn cách lên đồi rừng khai hoang, trồng mì, trồng mía, nuôi heo, nuôi bò mới thuận. Thế là mình cùng cậu em trai út tự “xung phong” lên đất này và bắt đầu cuộc đời như hồi mới làm TNXP một lần nữa.


Hai chị em lại thay nhau phát quang bụi rậm đốt dọn rồi trồng khoai, trồng mì. Đôi bàn tay thời con gái đánh tranh lợp nhà cho toàn đội lại thêm một lần chẻ lạt, cắt tranh làm nhà, trát vách đất để có chỗ trú mưa , trú nắng. Vẫn những cơ cực đó, nhưng trước kia còn có chị em toàn đội để mà chia sẻ vui buồn, nay chị phải tự mình gánh vác, chịu đựng tất thảy. Những lúc khó khăn, sau khi thở dài chị lại động viên mình và tự hát câu hát ngày xưa “Năm nay, những bàn tay lấp hố bom xây cuộc sống...” Câu hát giữa đồi nắng cháy, giữa những đêm mưa rừng như xua tan sự cô đơn...


Nguyện suốt đời gắn bó với rừng


Trồng khoai trồng mì, rồi chị cũng mua được hai con bò làm giống sau đó nhân đàn lên tới 30 con. Rồi cũng từ tiền bán bò, chị mua heo giống về nuôi. Đàn heo có khi lên tới cả trăm con nên hai chị em chăm không xuể phải thuê bà con chòm xóm phụ giúp.


Trên triền đồi rộng 4,8ha vỡ hoang, ban đầu chỉ trồng mì, trồng chuối, sa pô chê nhưng cho giá trị thấp nên chị chuyển sang trồng cây lấy gỗ, cây keo nguyên liệu. Bây giờ, trên đồi đã được phủ xanh bởi hơn 1.000 cây xà cừ hơn mười năm tuổi và cánh rừng keo nguyên liệu xanh bạt ngàn.


Bây giờ, ba đứa con của chị đều đã trưởng thành, có gia đình riêng và được chị hỗ trợ vốn để làm ăn. Rồi chị cũng tìm được hạnh phúc cho riêng mình. Anh là bộ đội công tác ở Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, nhưng ngày nghỉ lại về vùng Dông Cụt cùng chị chăm sóc trang trại ngày thêm khang trang.


Năm ngoái, huyện Mộ Đức đầu tư làm đường lên khu vực Dông Cụt để phát triển kinh tế rừng ở khu vực phía tây huyện Mộ Đức. Một doanh nghiệp lên đây tham quan, muốn biến nơi này thành điểm du lịch sinh thái nên bảo chị Anh nhượng lại 4,8ha đất đồi rừng cho họ với giá 5 tỉ đồng, còn cây gỗ trên rừng thì chị khai thác. Lời đề nghị này đã làm nhiều thành viên trong gia đình chị suy nghĩ. Nhiều người bảo, chị giờ 56 tuổi, đã lên chức bà rồi nên cần nghỉ ngơi. Người cho rằng, với số tiền ấy cộng với số tiền tích luỹ lâu nay, cô Sáu về thị trấn Mộ Đức mua đất làm nhà, làm quán dư sức. Nhưng chị cả quyết: “Đời mình gắn bó với núi, với rừng. Mình sống được là nhờ rừng nên không sang nhượng cho ai mà sẽ gắn bó với nó cả cuộc đời”…


bài và ảnh: Cẩm Thư









Năm 2012, chị Phạm Thị Kim Anh được bầu chọn là đại biểu TNXP của tỉnh Quảng Ngãi tham dự hội nghị Biểu dương TNXP làm kinh tế giỏi toàn quốc. Tại hội nghị chị vinh dự được báo cáo về kinh nghiệm phát triển chăn nuôi, trồng rừng.







Đặc sản tết miền Tây vừa lạ vừa quen

Đặc sản tết miền Tây vừa lạ vừa quen

Đặc sản tết miền Tây vừa lạ vừa quen


SGTT.VN - Tết là dịp ăn xài của dân thị thành nên khu vực nông thôn xem mùa tết là mùa kiếm tiền. Nhưng chỉ có sản phẩm mới, lạ mắt, độc đáo… mới có thể “móc” được hầu bao của dân thành thị.










Kiểng thú được tạo hình bằng cây tắc ở Chợ Lách.



Cá khô, món không thể thiếu


Ông Nguyễn Tấn Tài, chủ cơ sở sản xuất cá khô Kim Huê ở thị trấn Chợ Mới (huyện Chợ Mới, An Giang) cho biết, “Cơ sở Kim Huê sẽ góp mặt với thị trường tết Nguyên đán năm nay khoảng 30 tấn cá khô các loại gồm: khô lóc, khô chạch, khô lìm kìm…”


Theo ông Tài, đây là những thứ đặc sản nổi tiếng từ lâu đời ở địa phương. Với kinh nghiệm theo mọi năm, ông Tài cho rằng, vào dịp tết, các thành phố lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ… “ăn” rất mạnh các loại cá khô. Có những năm tới những phiên chợ cuối, nhiều cơ sở sản xuất đã vét cạn nguồn hàng mà nhu cầu của các đầu mối vẫn chưa được đáp ứng đủ. Ngoài ra, kiều bào về nước cũng mang theo “nỗi vương vấn” cá khô trở về, nên họ đặt hàng sản phẩm cá khô. Ăn mấy ngày tết chưa thoả, Việt kiều còn đem cá khô ra nước ngoài làm quà biếu cho những người thân không có điều kiện ăn tết tại quê hương.


Nguyên liệu sản xuất cá khô tết năm nay dồi dào nhờ mùa nước nổi dâng khá cao, cá tự nhiên về nhiều mà cá nuôi cũng không ít. Do vậy, sản phẩm cá khô các loại hầu như không tăng so với mọi năm. Giá bán khô cá lóc từ 200.000 – 250.000 đồng/kg, khô cá chạch nguyên con khoảng 300.000 đồng/kg, khô cá lìm kìm 400.000 – 450.000 đồng/kg. “Khí hậu lạnh như năm nay tạo điều kiện tốt hơn cho việc bảo quản cá khô, chỉ cần treo nơi thoáng, thay vì phải giữ

trong ngăn mát của tủ lạnh”, ông Tài nói.


Kiểng lạ mắt, hiếm hàng


Ngoài 40 cặp ngựa bằng “chất liệu” cây si Nhật của cơ sở Năm Công ở xã Hưng Khánh Trung B (Chợ Lách, Bến Tre) được sản xuất theo đơn đặt hàng với giá 3 – 5 triệu đồng/cặp, làng hoa kiểng Chợ Lách còn chào năm mới với sản phẩm kiểng hình con ngựa được tạo hình bằng cây tắc.


Ông Trần Văn Được, chủ cơ sở Năm Được ở ấp Phú Hưng (xã Hưng Khánh Trung B) miệt mài trong suốt cả năm trời để tạo hình thành công 20 cặp ngựa và ba cặp rồng bằng cây tắc. Những năm trước, kiểng trái bắt mắt thường là cây đầu bò, nhưng năm nay, những con ngựa mà toàn thân dày đặc những trái tắc chín màu vàng tươi, là hình ảnh bắt mắt và được nhiều phú gia gật đầu khi chọn lựa. Giá bán hiện tại tuỳ kích cỡ và thời điểm, nhưng dao động trong khoảng 3 – 6 triệu đồng/cặp. Ông Được cho biết: “Các sản phẩm của cơ sở Năm Được đã được khách đặt hàng 70%, số còn lại ông Được dự kiến sẽ đưa đi tham gia các chợ hoa ở TP.HCM.


Ở miền Tây, nhiều người còn gọi cây tắc là cây hạnh, nên hạnh phúc hiện diện trong nhà ngay những ngày đầu năm là điều ai cũng mong muốn và hướng tới bằng tất cả khả năng. Tuy nhiên, theo ông Được, những loại sản phẩm này thường phải chưng song đôi, nên với túi tiền của dân lao động thì dù ham cũng khó quyết định mua. Do vậy, thị trường mục tiêu của ông Được là nhóm khách hàng khu vực đô thị có mức sống từ khá trở lên.


bài và ảnh: Ngọc Tùng






Làm hàng tết, làng nghề dễ hụt hơi

Làm hàng tết, làng nghề dễ hụt hơi

Làm hàng tết, làng nghề dễ hụt hơi


SGTT.VN - Nhiều cơ sở làng nghề “chạy kế hoạch” làm hàng tết. Cơ hội tốt cho những cơ sở tạo được lòng tin, nhưng ngay khi nhận được sự mời gọi hợp tác, thách thức cũng đã xuất hiện.










Chị Phan Thị Mỹ Ngọc nói: “Nằm mơ cũng thấy cơm sấy”. Ảnh: HL



“Làm cơm sấy, khó nhất là kỹ thuật và thị trường”, chị Phan Thị Mỹ Ngọc nói. Năm năm liền vừa tổ chức sản xuất vừa phát triển thị trường, cứ lấy lời đắp vô vốn. Làm lò hơi tốn khoảng 350 triệu đồng, nếu làm lò sấy thì cả tỉ đồng, đúng là giải bài toán tài chính quá khó khăn cho cơ sở nhỏ. Cuối cùng, chị chọn cách làm lò hơi hấp cơm rồi từ từ tháo gỡ vướng mắc khác. Năm 2012 lời khá nhất, chị gom vốn tích luỹ đầu tư dây chuyền hấp – sấy cơm – đóng gói đúng chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, trị giá 2 tỉ đồng. Vậy chị có thể làm hàng cho Co.opmart rồi?


Ngày thường đã “chạy tốt”


“Làm thế nào giải quyết khâu sấy thật tốt thì tình hình mới cải thiện được. Sấy ở độ cao mới tạo ra kết dính, vấn đề là chị vẫn sấy bằng than đá (do nơi này không có điện ba pha). “Nếu có thiết bị sấy như kiểu làm ở lò sấy lạp xưởng Vạn Thành, Trà Vinh có lẽ sẽ tốt hơn”, chị Ngọc ao ước! Nhưng chị chưa dám thử làm vì đầu tư hơn 2 tỉ đồng để giải quyết nhu cầu hiện có đã mệt rồi.


Dung lượng thị trường đang trong tầm kiểm soát, mỗi tháng doanh số 700 – 800 triệu đồng. Chị Ngọc tự tìm tòi kỹ thuật vì đam mê công việc và nó đã và đang đem lại nguồn lợi chính đáng cho gia đình đồng thời tạo việc làm thời vụ và thường xuyên cho 45 lao động ở nông thôn.


“Lúc đầu làm bị hư hoài, sản phẩm không đạt chứa một nhà. Bây giờ ổn rồi, làm bao nhiêu tiêu thụ bấy nhiêu”, chị Ngọc thú thiệt.


Đặc biệt, cơm cháy – chà bông làm từ gạo lức rất được ưa chuộng, ngay tại TP.HCM. Hiện nay, sản phẩm từ Trà Vinh đi Sài Gòn và các tỉnh rất tốt. Chị cho đó là may mắn, sản phẩm đúng sở thích và người mua kẻ bán được lòng nhau. Lòng tin của người mua đã giúp chị giữ được nhịp độ sản xuất – tiêu thụ khiến chị có trớn suy nghĩ sản phẩm mới, khác biệt từ gạo tím than của kỹ sư Hồ Quang Cua, người tạo ra giống lúa có sức cạnh tranh cao: ST, vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.


Lo hụt hơi


Cơ sở Tiến Hải, chuyên cung cấp sản phẩm tôm, cá khô về Sài Gòn, nôn nao khi nghe nói dự án cải tiến sấy khô và bảo quản sẽ được trung tâm Khuyến công tỉnh Trà Vinh giúp sức. Hiện nay, công nghệ được “rao truyền” là chính chứ không có ai cung cấp thông tin công nghệ, thiết bị nên nghe nói ở Cà Mau thì tự tìm tới nhưng chưa biết có thực sự thích hợp không. Hiện nay Tiến Hải và các cơ sở khác ở Trà Vinh đang xài lò sấy nóng, kích thước như lò bánh mì. Tôm, cá được xếp vỉ sấy khô. Sản phẩm sau khi sấy khô có độ dai tự nhiên. Tuy nhiên, khi vào mùa vụ, nguyên liệu dồi dào, doanh nghiệp có nhu cầu tăng công suất sấy thì lò sấy nhỏ không đáp ứng được, nếu tăng nhiệt độ để rút ngắn thời gian thì sản phẩm dễ bị khô giòn do mất nước, ăn không ngon. “Làm sao tìm được nơi cung cấp thiết bị, công nghệ sấy thích hợp?”, ông Dương Tiến Hải, chủ cơ sở, nói.


“Các cơ sở tàu hũ ky ở Vĩnh Long cũng nhận được đề nghị hợp tác từ Co.opmart. Với mặt hàng khô thì không có vấn đề gì, nhưng tàu hũ ky tươi ướp muối sả rất ngon lại không thể để quá mười ngày. Ông Đinh Công Hoàng, hợp tác xã tàu hũ ky Vĩnh Long nói cái khó của các hộ sản xuất này là có thể làm hàng cho siêu thị, nhưng để yên tâm hơn cần phải tìm ra được người hỗ trợ công nghệ giúp kéo dài thời hạn bảo quản cho món ngon tàu hũ ky tươi ướp muối sả của ông. Ông Đỗ Công Bình, giám đốc công ty Tứ Quý chuyên sản xuất cá khô ở Tràm Chim, Tam Nông, Đồng Tháp, cũng vướng công nghệ – thiết bị sấy. Phương pháp truyền thống ở vùng này là phơi nắng, thực sự khó bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và sẽ khó khăn hơn trong mùa mưa. Trên thị trường có nhiều nơi sấy nóng nhưng thiết bị và cách sấy khiến sản phẩm khô giòn, không còn độ dai tự nhiên. Trong khi đó, phương pháp sấy lạnh giữ được độ tươi của da cá và độ dai của sớ cá, ăn rất ngon, bảo quản trong túi hút chân không chủ yếu chỉ làm hàng xuất khẩu và chi phí cao hơn phương pháp sấy nóng nên nhiều doanh nghiệp cho đó là giải pháp không khả thi.


Ông Bình đã nhập một máy sấy, trị giá 284 triệu đồng, công suất 24 giờ/100kg khô; “chạy tiền” đặt thêm ba máy nữa nhưng nhà cung cấp bảo phải chờ trong khi tết đã gần kề.


Chị Ngọc cũng nói: “Nằm mơ cũng thấy cơm sấy”. Chị bắt đầu làm cơm sấy bán trong tỉnh và đưa từ Trà Vinh qua khu thương mại Cái Khế, TP Cần Thơ, được ưa chuộng suốt mười năm nay. Người lấy hàng biết chị đã cạn vốn nên đưa tiền gối đầu. Bên cạnh nguồn hỗ trợ nâng cấp thiết bị của khuyến công tỉnh Trà Vinh 30% thì có nguồn vốn từ bạn hàng giúp thêm để chị làm hàng tết tốt hơn. Nhưng lần này, Co.opmart muốn hợp tác đưa hàng vô siêu thị, chị lại lúng túng vì năng lực có hạn.


Hoàng Lan – Hà Minh






Hoạ sĩ Còm mê mải với hoa đào

Hoạ sĩ Còm mê mải với hoa đào









Một tác phẩm triển lãm của Còm.



Hoạ sĩ Còm mê mải với hoa đào


SGTT.VN - Từ ngày 20 – 24.1 tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội, hoạ sĩ Còm (Nguyễn Hữu Khoa) mở triển lãm Đào xuân, khoe 33 tranh sơn dầu vẽ hoa mới nhất của anh.


Hai năm trước, với triển lãm Xuân nồng, anh từng gây ngạc nhiên khi chuyển từ hí hoạ sang hoa. Nhưng, khác với Xuân nồng, lần này Hữu Khoa chỉ chuyên tâm vẽ đào xuân bằng một bút pháp rất đỗi mộc mạc. Vẻ đẹp mãn khai của hoa đào xuân được anh thể hiện bằng những nét vẽ say mê và tỉ mỉ


Hoạ sĩ Còm tâm sự, anh sinh ra và lớn lên ở làng đào Phú Thượng. Nay, làng đào ngày một ít người trồng hoa, mỗi độ xuân về hoa đào cũng ngày một thưa thớt. Nên Hữu Khoa vẽ hoa đào xuân phần vì nhớ tiếc, phần muốn lưu giữ mãi vẻ đẹp mãn khai ấy của hoa đào Phú Thượng.


H. Lan






Cận thị cũng... giả?

Cận thị cũng... giả?

Sống khoa học


Cận thị cũng... giả?


SGTT.VN - Phòng khám các bệnh về mắt thường tiếp nhận các phản ánh: một vài bạn trẻ thấy mắt nhìn kém hẳn sau một đợt học hành thi cử căng thẳng; có nhân viên văn phòng nhức mỏi mắt khi làm việc nhiều, đeo thử kính cận của người khác thì thấy sáng hơn... Hầu hết những người này đều nghĩ họ đã bị cận thị, cần đeo kính. Thực sự nhiều người đã phải đeo kính oan!










Khi mắt bị mỏi hoặc cứ sau khi làm việc bằng mắt một giờ, nên cho mắt nghỉ ngơi 5 – 10 phút. Ảnh: jimborange



Chỉ là rối loạn thoáng qua


Song hành với khái niệm cận thị là khái niệm giả cận thị. Giả cận thị hay gặp ở lứa tuổi học đường, với tỷ lệ khoảng 20%. Giống như các thuật ngữ y khoa khác như giả u, giả mang thai, giả nghén... “giả cận thị” hàm ý không phải bệnh lý cố hữu mà là những rối loạn thoáng qua rất giống một bệnh hay một hội chứng nào đó. Trên những người tham gia thực nghiệm tình nguyện, khi bắt họ nhìn gần liên tục trong 7 tiếng sẽ có khoảng 60% bị cận thị ít nhất -0,5D.


Phân biệt cận thị thực sự hay giả cận thị, không quá khó đối với bác sĩ chuyên khoa mắt. Triệu chứng chủ yếu của giả cận thị là khó khăn khi ghi chép sau một thời gian dài làm việc trong cự ly gần, hay còn gọi là hiện tượng mệt mỏi thị giác. Thị lực có thể cải thiện nhất thời nếu đeo kính cận (kính trừ). Chẩn đoán phân biệt rất đơn giản: chỉ bằng nhỏ thuốc liệt điều tiết như atropin hay cyclopegic, làm liệt cơ thể mi, giảm năng lực điều tiết, mắt sẽ trở lại bình thường.


Việc điều trị giả cận thị cũng tương đối đơn giản. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu nhìn không rõ, mệt mỏi, nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa sớm để xác định chính xác bị cận thị giả hay thật.


Coi chừng giả thành thật


Giả cận thị nếu không điều trị kịp thời hoặc không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, khiến mắt phải liên tục làm việc trong thời gian dài thì có thể dẫn đến suy nhược, trở thành cận thị thật. Trong thể giả cận thị thực thể do những nguyên nhân dùng atropine quá lâu, chấn thương mắt, chấn thương sọ não, viêm thể mi… ta cần dừng thuốc liệt thể mi và điều trị căn nguyên. Với thể chức năng thì cách khắc phục đơn giản là làm việc điều độ, trong điều kiện tối ưu cho mắt, giữ khoảng cách nhìn cho đúng, tập mắt dưới sự hướng dẫn của bác sĩ nhãn khoa. Khi mắt bị mỏi hoặc cứ sau làm việc bằng mắt một giờ, nên cho mắt nghỉ ngơi 5 – 10 phút. Có thể nhắm mắt, nhìn ra xa hoặc massage xung quanh mắt. Có thể dùng một số thuốc thuộc dòng vitamin để giúp đôi mắt đỡ mệt mỏi khi làm việc với cường độ cao, chống thoái hoá và lão hoá cơ quan thị giác. Có rất nhiều sản phẩm có tác dụng như vậy, ta có thể chia ra làm những nhóm sau đây: nhóm vitamin có bổ sung chorondine sufate; nhóm vitamine A, vitamine C, vitamin E có bổ sung sắc tố azeaxanthine, zeaxanthine...; vitamin có bổ sung khoáng vi lượng: đồng, kẽm, selene…; vitamin và cao bạch quả…


Để dùng đúng cách, lưu ý: người trên 50 tuổi có thể dùng thực phẩm chức năng bổ mắt lâu dài, liên tục. Người trẻ thì dùng đến khi thấy đạt hiệu quả thì thôi (trong đợt thi cử, khi làm việc quá nhiều bằng mắt, khi đang bị bệnh mắt...) Chỉ dùng một, hai loại thuốc bổ là cùng vì rất nhiều thuốc có thành phần gần giống nhau. Đừng quên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Các thuốc nhỏ mắt có thành phần làm êm dịu mắt, chống khô mắt, chống ngứa và sát trùng nhẹ dùng hỗ trợ cho mắt mệt mỏi cũng có rất nhiều, chỉ nên chọn một loại.


Mắt cũng như bất kỳ cơ quan nào có quyền mệt mỏi, lãn công khi bị làm việc quá nhiều. Ai trong chúng ta cũng có thể bị mệt mỏi thị giác, giả cận thị. Vì thế hãy làm việc bằng mắt điều độ và hợp vệ sinh.


ThS.BS Hoàng Cương, phó khoa khám bệnh, bệnh viện Mắt Trung ương









Không phải ai bị cận thị cũng cần đeo kính. Người cận dưới 0,75 điốp thì không cần phải đeo, dưới 2,5 điốp có thể bỏ kính khi đọc gần. Ở lứa tuổi học sinh, cận dưới 0,75 điốp bác sĩ chuyên khoa mắt thường không chỉ định đeo kính mà hướng dẫn cách tập luyện, nghỉ ngơi cho mắt để mắt tự điều tiết trở về bình thường.







RIAV và Việt KTV thực thi bản quyền nhạc trên đầu karaoke

RIAV và Việt KTV thực thi bản quyền nhạc trên đầu karaoke

RIAV và Việt KTV thực thi bản quyền nhạc trên đầu karaoke


SGTT.VN - Hiệp hội Ghi âm Việt Nam (RIAV) và công ty Việt KTV vừa gửi đi thông điệp mong muốn các nhà sản xuất kinh doanh đầu máy karaoke tôn trọng luật pháp, tôn trọng bản quyền âm nhạc vì hiện nay, theo RIAV, có hơn 80% các nhà sản xuất kinh doanh đầu máy karaoke đang vi phạm bản quyền, vì họ đang sử dụng các bản ghi âm, ghi hình của các nhà sản xuất là hội viên RIAV, khai thác nhưng không hề có bất cứ sự thương thảo và thoả thuận nào với chủ sở hữu. Nhân đây, RIAV đã giới thiệu đối tác mới là thương hiệu Việt KTV, đơn vị sản xuất và kinh doanh đầu máy karaoke đã tích hợp hơn 3.000 bài hát có bản quyền và sẽ bổ sung khoảng 7.000 bài hát trong thời gian tới.


Đây là một trong những nỗ lực của RIAV nhằm gia tăng việc theo dõi vấn đề bản quyền âm nhạc. Trước đó, RIAV đã có công văn gửi kêu cứu các cơ quan chức năng về việc vi phạm bản quyền âm nhạc của các công ty trong lĩnh vực nhạc số như NCT, 24h, FPT Online.


Trâm Anh






Mứt tết: chọn xấu màu không lo xấu bụng

Mứt tết: chọn xấu màu không lo xấu bụng

Mứt tết: chọn xấu màu không lo xấu bụng


SGTT.VN - Vừa qua, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát chất lượng, vệ sinh của các loại thực phẩm phục vụ mùa tết đã đến gần. Thế nhưng, bề dày “tai tiếng” của các loại mứt trong những năm qua khiến người tiêu dùng ở TP.HCM chưa thể an lòng.










Mua mà hồi hộp. Ảnh: Hồng Thái



Người dùng thủ thế


Sau khi dạo chợ, ngắm nghía đủ loại mứt, bà Ngân (nhà ở quận 11) quyết định mua mứt ở... siêu thị cho lành. Bà cho biết: “Trước đây tôi thích mấy loại mứt có màu đẹp, bây giờ sợ rồi. Với lại mứt không có nhãn mác gì hết nên cũng ngại”.


Điều lo ngại của bà Ngân hoàn toàn có cơ sở khi chúng tôi dạo một vòng quanh các sạp mứt ở chợ Bình Tây, thấy mứt khô bày bán nơi đây đều được đựng trong các bao nilông trắng không nhãn mác. Một số loại mứt ướt được chứa trong thau không có dụng cụ che chắn. Màu sắc phong phú nhất là các loại mứt dừa non, dừa sữa và dừa thường có giá 60.000 – 120.000đ/kg, với nhiều màu nổi bật như vàng, hồng, xanh, nâu. Mứt chùm ruột cũng có màu đỏ sặc sỡ không kém. Khác với năm ngoái, năm nay mứt tắc được đóng gói có dán nhãn mác đàng hoàng, giá 30.000 – 35.000đ/gói 0,5kg.


Trong khi đó, tại một số siêu thị, các loại mứt dừa non và dừa sữa chỉ có ba màu trắng, xanh, hồng với sắc độ nhàn nhạt. Các loại mứt ướt như mứt me, mứt mãng cầu… được đóng theo từng gói nhỏ. Siêu thị tạo được sự tin tưởng của những người tiêu dùng như bà Ngân có lẽ nhờ trên mỗi loại mứt đều ghi tên và địa chỉ nhà sản xuất, thành phần nguyên liệu như màu thực phẩm tổng hợp, chất bảo quản, chất chống oxy hoá, chất điều chỉnh độ axít…


Làm thủ công chưa chắc an toàn


Hiện nay, để tránh các loại mứt có hoá chất độc hại đang bán trên thị trường, nhiều gia đình tự làm mứt tại nhà hoặc chọn mua các loại mứt làm thủ công. Giảng viên Đỗ Thị Kim Quyên, bộ môn chế biến món ăn đại học Hoa Sen cho biết, quy trình làm các loại mứt như gừng, tắc, thơm, cà chua, me, dừa… tương đối giống nhau: sau khi sơ chế, nguyên liệu được ngâm qua nước muối, nước chanh, phèn chua, vôi trong, mỗi loại phụ gia có một tác dụng khác nhau như muối giúp trung hoà vị ngọt, tăng cường độ trắng cho nguyên liệu; chanh giúp giảm quá trình oxy hoá; phèn chua làm trắng và giòn nguyên liệu… Ngoài ra, các màu tự nhiên thường không bền với nhiệt độ nên đôi khi cần sử dụng màu bột hoặc màu nước.


Thế nhưng, theo các chuyên gia thực phẩm, chế biến thủ công tại nhà chưa chắc an toàn. Bằng chứng là dịp tết năm rồi, gia đình chị Xuân (ở quận Phú Nhuận) một phen đau bụng vì ăn mứt tắc ở nhà làm. Chị Xuân thắc mắc: “Làm rất kỹ, xài toàn nguyên liệu tốt không hiểu sao cũng đau bụng?” Lý giải trường hợp này, ThS Bùi Thị Minh Thuỷ, nguyên giảng viên chính khoa công nghệ hoá học và thực phẩm, đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết, khi xên mứt cần đem phơi nắng, trong giai đoạn này nếu không có đồ che đậy tránh bụi, côn trùng, mứt sẽ bị nhiễm khuẩn do ruồi bu hoặc bụi bẩn bay vào.


TS Phan Thế Đồng, nguyên trưởng khoa công nghệ thực phẩm, đại học Nông lâm TP.HCM cho biết thêm, mứt được chế biến theo hình thức công nghiệp sẽ an toàn hơn mứt thủ công vì người chế biến thực hiện sấy thay vì mang ra phơi (khả năng nhiễm vi sinh có hại cao hơn).


Đừng ham trắng, đẹp


Tư vấn về cách lựa chọn mứt, TS Phan Thế Đồng cho rằng, người làm mứt tết đàng hoàng sẽ sử dụng phẩm màu trong tự nhiên như lá dứa, nghệ, quả gấc... rất an toàn cho người tiêu dùng. Còn những loại màu trôi nổi cho màu sắc đậm, sặc sỡ kết hợp với hàn the để làm giòn mứt sẽ gây tổn hại thận và lâu dần có thể dẫn đến ung thư. Vì vậy không nên chọn mứt có màu sặc sỡ (lượng phẩm màu nhiều, độc hại hơn) và trắng quá (tức dùng chất tẩy mạnh). Về phía người sản xuất, phải luôn làm mứt trong điều kiện vô khuẩn, không ngâm mứt lộ thiên mà phải che đậy cẩn thận, sấy chứ không phơi ngoài trời, dùng loại phẩm màu cho phép, bao bì rõ ràng, đóng gói kín.


ThS Minh Thuỷ cũng khuyên khi chọn mứt nên căn cứ vào màu sắc. Mứt tự nhiên có màu không đẹp, còn mứt sử dụng màu công nghiệp màu sặc sỡ, tươi hơn và vị hơi đắng. “Thời gian sử dụng mứt chỉ từ 1 – 2 tháng. Các loại mứt khô không nên bảo quản trong tủ lạnh vì mứt sẽ bị chảy nước, lên nấm men, bị chua. Sau đó, mứt sẽ hết chua và hình thành nấm mốc có chứa độc tố aflatoxin gây ung thư gan”, bà Thuỷ lưu ý.


Sa Đồng – Hoàng Nhung









Thu giữ gần 60 tấn mứt, ô mai... nhập lậu


Ngày 16.1, thông tin từ chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết vừa phối hợp kiểm tra cùng cục Cảnh sát môi trường (bộ Công an) phát hiện 50 tấn hàng bao gồm các loại ô mai, mứt, nho khô, táo khô, bánh, kẹo… có nhãn in tiếng Trung Quốc, không có tem nhãn phụ, không có tên đơn vị nhập khẩu tại một kho hàng ở xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Cùng ngày, các cơ quan chức năng thu giữ hơn 300kg bánh, kẹo, táo tàu, ô mai, mứt... tại chợ Đồng Xuân và một điểm tập kết hàng bên ngoài chợ. Toàn bộ số hàng hoá trên đều nhập lậu, không có xuất xứ hàng hoá, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm…Trước đó, tổ công tác liên ngành Hà Nội cũng đã phát hiện ba ôtô tải chứa gần 7 tấn hàng không xuất trình được chứng từ chứng minh nguồn gốc lô hàng, gồm: bánh, kẹo, sữa đóng hộp, rượu ngoại, ô mai... đang trên đường chạy vào nội thành tiêu thụ. Hiện cơ quan chức năng đang xác minh làm rõ mức độ vi phạm.







Chợ Tết trong siêu thị Metro thỏa mãn mọi nhu cầu mua sắm Tết

Chợ Tết trong siêu thị Metro thỏa mãn mọi nhu cầu mua sắm Tết

Chợ Tết trong siêu thị Metro thỏa mãn mọi nhu cầu mua sắm Tết


SGTT.VN - Nhằm phục vụ khách hàng cả nước đón Tết Giáp Ngọ 2014, công ty Metro vừa khai trương Chợ Tết tại 19 trung tâm Metro Cash & Carry. Chợ Tết tại Metro chính thức hoạt động từ ngày 12-1 (tức ngày 12 tháng Chạp) đến 12 giờ ngày 30-1 (ngày 30 Tết). Đây là lần đầu tiên Metro tổ chức chợ Tết nhằm tạo điều kiện cho các khách hàng chuyên nghiệp mua sắm, đồng thời góp phần đẩy mạnh sức tiêu thụ hàng hóa cho các nhà sản xuất và cung cấp trong nước.


Chợ Tết được bố trí tại khu vực phía trước các trung tâm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng mua sắm và vận chuyển. Tại khu vực này, trên 100 loại mặt hàng chất lượng cao phục vụ cho dịp Tết được bày bán như bánh kẹo, mứt, trái cây, hoa quả... Các loại trái cây ngày Tết đa dạng và nhiều chủng loại gồm xoài cát Hòa Lộc, quýt tiêu Miền Tây, khóm Long An, bưởi hồng da xanh, bưởi Năm Roi, dưa lưới Tú Thanh, dưa không hạt, mãng cầu, thanh long… Đặc biệt lần đầu tiên có mặt tại Metro là sản phẩm Mâm ngũ quả.











Để hỗ trợ khách hàng tối đa, các trung tâm Metro đã sắp xếp các quầy thanh toán ngay trước lối ra vào khu vực chợ Tết để kịp thời thanh toán cho khách hàng. Công ty cũng chủ động lên phương án đảm bảo an ninh và phòng cháy chữa cháy trong suốt thời gian chợ Tết hoạt động.


Đại diện công ty Metro cho biết : “Chúng tôi mong muốn đem đến một cái Tết hoàn hảo cho khách hàng và hiện nay chợ Tết tất cả 19 trung tâm Metro trên cả nước đã sẵn sàng phục vụ. Với lượng hàng hóa phong phú, chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng và đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chắc chắn sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của khách hàng hàng hóa về Tết.”











Chị Huyền Trang (Hà Nội), khách hàng của Metro cho biết : “Tôi rất ấn tượng với nguồn hàng hóa dồi dào trong khu chợ Tết của Metro. Chỉ cần đến đây, tôi có thể mua được mọi thứ cho Tết. Ngoài ra, đồ trang trí nhà cửa cho Tết rất phong phú như chậu mai đào, hoa vải, bao lì xì, thiệp tết, liễn treo, dây treo... Tôi cũng đặc biệt ấn tượng với hàng trăm sản phẩm truyền thống khuyến mãi hấp dẫn phù hợp với nhu cầu Tết cổ truyền của Việt Nam như bánh mứt, dưa món, tai heo chua ngọt, củ kiệu.”


Nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm tết của khách hàng, kể từ ngày 15/01 đến ngày 19/01 Metro tăng thời gian phục vụ khách hàng từ 05 giờ sáng tới 11 giờ đêm. Các trung tâm sẽ tạm ngưng phục vụ từ 12 giờ trưa ngày 30/01 đến hết ngày 01/02/2014 và mở cửa phục vụ trở lại từ 06 giờ sáng ngày 02/02/2014.


Phương Anh






DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ