Việt Nam có thể chuyển từ nhập sang xuất khẩu phân bón
SGTT.VN - Ngày 10.9, tại Hội nghị “Cục diện thị trường và định hướng quản lý nhà nước về phân bón thời gian tới” (TP Cần Thơ) do bộ Công thương tổ chức, ông Võ Văn Quyền, vụ trưởng vụ Thị trường trong nước thuộc bộ Công thương cho biết, hiện nay, năng lực sản xuất phân bón trong nước đã đáp ứng trên 80% nhu cầu phân vô cơ, với việc chủ động hoàn toàn nguồn cung mặt hàng urê. Cục diện thị trường phân bón trong nước cho thấy nguồn cung sẽ có dư để xuất khẩu.
Theo bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tổng nhu cầu phân bón năm 2013 hơn 10,2 triệu tấn, nguồn cung sản xuất trong nước là hơn 8 triệu tấn. Như vậy sẽ phải nhập thêm khoảng 2,2 triệu tấn. Nhu cầu nhập khẩu phân bón chủ yếu tập trung vào 3 loại phân bón SA, kali và DAP.
Việt Nam có thể xuất khẩu phân bón (ảnh minh họa). Ảnh: mard.gov.vn |
“Dự kiến nhu cầu Urê năm 2013 là 2 triệu tấn, trong khi sản xuất trong nước ước tính 2,2 triệu tấn. Đến năm 2015, sản lượng phân bón trong nước sản xuất cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp với 100% lượng urê, lân và NPK; 70-80% lượng phân DAP và 30% lượng SA. Hiện nay 100% phân SA, loại đạm hàm lượng thấp, có thể thay thế bằng urê”, ông Quyền kỳ vọng.
Theo ông Quyền, việc đưa vào sử dụng nhà máy DAP số 2 (công suất 330.000 tấn/năm) tại Lào Cai vào năm 2014 cộng với nhà máy DAP số 1 đang hoạt động tại Hải Phòng (công suất 330.000 tấn/năm), ngành phân bón Việt Nam sẽ dần chủ động được nguồn cung đối với mặt hàng này.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, thứ trưởng bộ Công thương nhận định, việc chủ động được nguồn cung phân bón có ý nghĩa quan trọng trong việc bình ổn giá thị trường trong nước cũng như tránh được những rủi ro từ chính sách xuất khẩu ở các nước. Đặc biệt là Trung Quốc, cung ứng khoảng 80% lượng phân nhập khẩu của Việt Nam thời gian qua.
Dù bộ Công thương và bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang cùng tham gia quản lý mặt hàng này, nhưng hệ thống thanh tra chuyên ngành chưa được thiết lập;, chưa phân định rõ trách nhiệm nên quản lý phân bón nên tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng báo động nhưng xử lý không triệt để.
Phó cục trưởng cục Hóa chất thuộc bộ Công thương, bà Nguyễn Kim Liên, cho biết thêm: Cả nước có khoảng trên 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, nhưng nhiều sản phẩm phân bón hàm lượng chất dinh dưỡng rất thấp. Trong khi đó, việc xử lý bất cập do phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện có giấy chứng nhận hoặc giấy phép nên cơ sở nhỏ lẻ chưa có đủ các điều kiện cần thiết, chất lượng sản phẩm kém vẫn đưa ra thị trường.
NGỌC BÍCH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét