Tỷ lệ sinh viên hệ cử tuyển có việc làm thấp
SGTT.VN - Theo báo cáo của các địa phương đối tượng học sinh cử tuyển trình độ đại học, cao đẳng được tuyển sinh khóa học 2007-2008, trình độ cao đẳng khóa 2008-2009 thực hiện theo Nghị định 134 theo chế độ cử tuyển, đến thời điểm hiện tại, có 852 em được bố trí việc làm chiếm 62,2% và có 95% học sinh TCCN tốt nghiệp ra trường đã được bố trí việc làm.
Chiều 11.9, bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức sơ kết 6 năm thực hiện Nghị định số 134/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2007-2013.
Cụ thể, giai đoạn 2007-2013, số học sinh các dân tộc thiểu số được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng là 12.805 em, đạt 88% so với chỉ tiêu. Số học sinh cử tuyển vào trung cấp trên 2.000 em. Số học sinh, sinh viên cử tuyển được bố trí vào học tại các đại học, cao đẳng chủ yếu ở các ngành sư phạm, y tế, kỹ thuật, nông lâm, kinh tế, xã hội nhân văn, nghệ thuật...
Khó khăn của chính sách này là quy định về bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp đối với hệ cử tuyển khó thực hiện. Ở nhiều nơi sinh viên tốt nghiệp không về công tác, nhưng cũng có nơi sinh viên về thì tỉnh lại không bố trí được việc làm. Đặc biệt, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương chưa xây dựng được kế hoạch tổng thể đào tạo cán bộ theo chế độ cử tuyển, việc xác định nhu cầu ngành nghề, trình độ đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương.
Địa phương chưa có cán bộ chuyên trách để phối hợp với trường trong quản lý sinh viên trong quá trình học tập cũng như sau khi tốt nghiệp về địa phương. Đối với sinh viên tốt nghiệp ra trường không trở về công tác tại địa phương, nhiều nơi không kiên quyết trong việc bồi hoàn kinh phí đào tạo, mặt khác chính sách không cũng không có chế tài về việc này nên khó thực hiện.
Ngoài ra, việc xét tuyển của một số địa phương còn thiếu chặt chẽ, thiếu chính xác, tuyển sai khu vực, không đúng đối tượng. Việc giao, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển hàng năm còn chậm, số lượng và ngành nghề chưa căn cứ vào nhu cầu cán bộ và chuẩn bị nguồn tuyển của các địa phương. Trong thời gian đầu, toàn quốc đã có 55/63 tỉnh thành có học sinh cử tuyển. Nhưng số tỉnh cử học sinh giảm dần, đến năm 2012 chỉ còn 29 tỉnh cử học sinh cử tuyển, nhiều tỉnh không đạt được chỉ tiêu đăng ký như Bến Tre, Quảng Bình có năm chỉ đạt 40%.
T.Tuyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét