Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Kiếm sống trong vòng vây thuốc độc

Kiếm sống trong vòng vây thuốc độc

Kiếm sống trong vòng vây thuốc độc


SGTT.VN - Mới tờ mờ sáng mà hai anh thợ phun thuốc sâu Hai Ngay, Sáu Vũ – những nông dân được ví von là chiến sĩ của mặt trận bảo vệ mùa màng – đã “xung trận” ở một khu vườn trồng cây đặc sản xứ Lai Vung, Đồng Tháp. Không theo một nguyên tắc nào, “vũ khí” của các chiến sĩ này là cái cần xịt cầm trên tay cứ mềm mại đong đưa từ ngọn lá, xuống tới tận gốc của từng cây quýt hồng. Theo cánh tay họ, chiếc vòi phun gắn ngay trên đầu cần xịt hết kéo dọc lại đưa ngang, liên tục phun xèo xèo, phả ra những đám hơi nước mù mịt, đặc quánh mùi thuốc độc ở ngay phía trước mặt. Dù vậy, họ vẫn phải chen chân bước tới, len mình qua những đám lá quýt sũng ướt bởi dịch thuốc mới vừa phun… Cuộc mưu sinh của những người thường xuyên đọ sức với thuốc độc đã bắt đầu một ngày mới.










Nhưng do thói quen và tính chất công việc… sức khoẻ con người đã không được bảo vệ.



Dầu dãi cùng độc chất


Ban mai vừa thức thì chiếc áo trắng úa màu mà Sáu Vũ (Trần Thanh Vũ) đang mặc trên người đã ướt dầm, hai mắt đỏ gay... Tranh thủ lúc dừng tay chờ chủ vườn pha thêm thuốc, tháo vội chiếc khẩu trang đang che gần kín khuôn mặt, anh Vũ hít một hơi khí trời thật sâu cho đã thèm, thở dài rồi chia sẻ: “Công việc không nặng lắm, nhưng mồ hôi đổ nườm nượp vì phải kéo theo sau lưng cái ống cao su dài cả trăm thước, lại còn phải xoay trở liên tục cái cần xịt dài hơn 2 thước cho thuốc phun dính đều khắp từng tàn cây; thuốc phun ra rồi cũng dính trở lại áo một phần mỗi khi mình đi tới… nên làm cho nó càng ướt thêm”.


Sở dĩ công việc phải bắt đầu từ sớm vì theo Sáu Vũ, những người chuyên xịt thuốc mướn thường làm theo buổi đứng – công việc bắt đầu từ sáng sớm để đến khoảng đầu giờ buổi chiều là kết thúc. Bởi lẽ theo cảm nhận của người trong nghề, Sáu Vũ nói: “Trong thời gian nghỉ trưa, người đã xịt thuốc cả buổi sáng sẽ thấm thuốc nên nếu chiều mà còn phải xịt nữa sẽ rất mệt.” Ở phía đằng kia, chủ vườn quýt hồng Huỳnh Hồng Kim Định (Út Định) thuộc xã Tân Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) vừa hối hả cân, đo, định lượng thuốc gồm nhiều loại, pha đầy hai cái thùng nhựa to tướng. Không kịp ngơi tay, Út Định cầm tay quay “kích” cho cái máy dầu hoạt động trở lại. Nhận được truyền động, bơm nén tiếp tục tạo áp lực, các vòi phun lại tiếp tục phun xèo xèo. Những người hợp đồng “tác chiến” ở phía “đầu ra” của… thuốc độc lại tiếp tục ôm cần xốc tới.


Thỉnh thoảng vài áng mây trôi ngang qua làm dịu hẳn ánh nắng buổi sáng đã bắt đầu gay gắt. Út Định lại ngẩng mặt nhìn trời, có chút gì đó lo lắng, nói rằng: “Tốt nhứt là nên xịt thuốc theo buổi đứng, vì mùa này, làm vậy sẽ tránh được những trận mưa chiều rửa trôi hết ngay sau khi thuốc vừa mới được xịt xong”. Theo Út Định, làm vườn với diện tích lớn, dù chủ vườn phải trang bị đầy đủ máy móc hỗ trợ nhưng không thể làm nổi chuyện phun xịt thuốc, nên ở xứ quýt hồng không thể thiếu những người chuyên xịt thuốc mướn”.


Nếu đi ngang qua những khu vườn đang phun thuốc, chắc chắn người đi đường sẽ vượt nhanh qua để không phải hít thở lâu trong bầu khí khó ngửi ấy. Vậy mà những người xịt thuốc mướn chuyên nghiệp phải làm công việc của họ trong không gian như vậy từ ngày này qua ngày khác. Sáu Vũ chia sẻ: “Làm riết rồi quen, chứ hồi mới vô nghề cũng bị nhức đầu vì mấy cái mùi thuốc”. “Có những loại thuốc rất độc, người ta dặn phải mang áo mưa, đeo kiếng (kính) bảo hộ mắt… khi xịt, nhưng mang cái áo mưa là mồ hôi đổ như tắm, không chịu nổi; còn mang cái kiếng vô, quơ cái cần xịt chừng ba đường là nó mờ căm, hết thấy đường đi…” Chính vì vậy, những người này chỉ còn biết “xả thân” sao cho công việc tốt nhất với mức giá công nhật họ nhận được khoảng 150.000 – 170.000 đồng/ngày. “Xong việc, nhảy xuống kinh tắm táp sạch sẽ, về nhà nghỉ ngơi hoặc lai rai với bạn bè, sáng sớm hôm sau lại “chiến đấu” tiếp”, Sáu Vũ cười, nói tỉnh bơ.


Việc của người nghèo


Khác với vùng trồng cây trái, ở vùng sản xuất lúa, rau màu… người ta xịt thuốc sâu bằng các loại bình xịt đeo trực tiếp trên lưng. Anh Nguyễn Hữu Hoàng (Hai Hoàng) ở ấp Đông Hoà, xã Đông Hiệp (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) một thời sống bằng nghề xịt thuốc mướn chuyên nghiệp. Khó khăn của anh tới mức không mua nổi một cái bình xịt mới để đi làm dịch vụ cho đàng hoàng, mà lại phải năn nỉ mua lại cái bình xịt từ người mua ve chai mua được ở đâu đó!


Nhưng tới khi chứng kiến Hai Thành, một đồng nghiệp của anh cũng ở gần nhà bị ngộ độc thuốc, ngất xỉu ngoài bờ ruộng, ngay sau đó lại tới lượt mình… Hai Hoàng đã quyết tâm bỏ nghề này. Hoàng rùng mình, nhớ lại: “Cũng may là nhiễm thuốc hổng nặng, quậy nước chanh uống cho nó dã từ từ; hên cái nữa là lúc đó có nhiều người thấy chứ không là xanh cỏ rồi!” Hai Hoàng có cái may mắn là anh tìm được công việc khác thay thế cho nghiệp xịt thuốc mướn. Anh kể: “Cái bình gạt tay 14 lít – bơm hơi bằng tay, vừa bơm vừa xịt, mỗi ngày cật lực xịt được khoảng 20 bình, chủ ruộng trả công 6.000 – 7.000 đồng/bình, lỡ đổ bịnh hổng đủ tiền thuốc”. Dù vậy, người nghèo ở thôn quê cũng xem đây là phương kế sống.


Ở xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ một xã nghèo vùng sâu của Cần Thơ, có ít nhất chín hộ gia đình đã bớt nghèo nhờ tình nguyện làm thành viên của tổ xịt thuốc mướn chuyên nghiệp. Anh Đào Sen, một thành viên của tổ này cho biết: “Trước khi nhập nhóm, mỗi người phải tự sắm một cái bình xịt máy” (bình xịt có động cơ). Theo anh Sen, giá bán những bình xịt thuốc các nhãn hiệu Trung Quốc hiện khoảng hơn 2 triệu đồng/cái, bình xuất xứ Nhật Bản khoảng hơn 5 triệu đồng/cái. Nhưng tất cả anh em của tổ đều là hộ nghèo nên thường mua bình Trung Quốc, mà còn phải mua trả góp, chấp nhận mức giá cao hơn khoảng 10%. Theo phương thức này, khi nhận bình, người mua phải thanh toán ngay 1/3 giá trị, sau hai mùa lúa phải hoàn tất việc trả số tiền còn nợ lại. Với cái bình có động cơ, mỗi ngày có thể xịt được 30 bình thuốc, tiền công 10.000 đồng/bình, nhưng anh Đào Sen cho rằng: “Muốn xịt 30 bình thuốc mình phải đổ cho máy bơm thuốc 1 lít xăng, tiền xe đi lại nếu đi xa, cơm tự lo… thì phải dành dụm lắm mới trả nợ mua bình đúng hẹn được”.


Anh Đào Bình (47 tuổi) thành viên cao tuổi nhất của tổ, nói chen vào: “Riêng cái bình không đã nặng hơn 20kg, đổ đầy thêm 25 lít nước nữa mà phải mang trên lưng, lội dưới ruộng bùn… Ngày nào xịt nhiều thì ham, nhưng tối về nhà tay chân giở hổng lên; bữa nào trời có gió, thuốc bay vô mặt tứ tung, tối về mắt mũi nóng rần!” Trong khi đó, Danh Hoàng Sơn (22 tuổi) thành viên trẻ tuổi nhất của tổ cũng “có những ngày xong công việc dưới ruộng, lên bờ mệt quá phải nằm lăn ra bờ đất nghỉ cho khoẻ lại rồi mới về nhà, có khi tối mịt”. Anh Đào Bình cho rằng: “Bây giờ làm ruộng người ta chỉ mướn xịt thuốc vì họ sợ thuốc độc. Nghĩ cũng buồn khi công việc làm người ta sợ mình lại nhào vô, nhưng cũng nhờ người ta sợ mà mình kiếm sống được!”


bài và ảnh: Ngọc Tùng









– Theo chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long sử dụng khoảng 500.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật và nhiều chế phẩm khác mỗi năm trong quá trình sản xuất. Vậy nhưng, chưa có thống kê đầy đủ về mức độ tổn hại sức khoẻ đối với người trực tiếp thực hiện các thao tác phun xịt, các ghi nhận đều chỉ mới dừng lại ở tác động tới môi trường sống của nhiều loài thuỷ sản.


– Theo viện Y học bản địa Việt Nam, phốtpho hữu cơ – thành phần thuốc bảo vệ thực vật, có thể xâm nhập cơ thể qua đường tiêu hoá, hô hấp, da, niêm mạc (nhất là mắt). Người bị ngộ độc có triệu chứng: hoa mắt, co giật toàn thân, vã mồ hôi, nước bọt nhiều… Người đã bị ngộ độc nhẹ tiềm tàng trước đó cũng sẽ bị nhiễm độc nhanh hơn – yếu tố nhiễm độc mạn tính. Người bị ngộ độc mạn tính, sẽ có dấu hiệu nhiễm độc nhanh và nặng hơn nếu có nhiễm cấp.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ