Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

“Hãy giao quyền xuất khẩu cho nơi làm ra hạt gạo”

“Hãy giao quyền xuất khẩu cho nơi làm ra hạt gạo”

“Hãy giao quyền xuất khẩu cho nơi làm ra hạt gạo”


SGTT.VN - Tự nhận mình là “nông dân đang ngày đêm đối mặt với những sự thật trần trụi của cuộc đời”, trong “bức tâm thư nông dân gởi lãnh đạo Đảng” của ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ nhiệm hợp tác xã thuỷ sản Thới An (quận Ô Môn – TP Cần Thơ) đề ngày 12.8.2013, có đoạn viết: “Nhiều vị lãnh đạo trách rằng nông nghiệp chúng ta sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nông dân rất buồn! Manh mún nhỏ lẻ mà hàng hoá nông sản nhiều loại xuất khẩu nhất nhì thế giới liên tục nhiều năm? Sao ai đó không tự trách mình chưa biến cái nhỏ, lẻ này thành cái lớn lao như mong muốn?


Đến dự hội thảo “Mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn” do uỷ ban Kinh tế của quốc hội, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và trung ương hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ vào cuối tuần qua, ngoài báo cáo về hiệu quả mô hình liên kết nuôi trồng thuỷ sản, ông Hải còn mang theo cả bức tâm thư này. Ông cho biết, đây là lần bày tỏ nỗi lòng thứ hai sau tờ “đơn xin khoanh nợ vay ngân hàng” mà ông đã trao tận tay thống đốc ngân hàng Nhà nước, khi ông Nguyễn Văn Bình đến thăm hợp tác xã điển hình của Cần Thơ này vào ngày 29.7.2013.


Nông dân: mua gạo ăn giá cao, bán lúa giá rẻ


Trong báo cáo tham luận tại hội thảo, GS.TS Võ Tòng Xuân ray rứt: thực tế hiện nay, tôi vẫn chưa thấy sự đồng bộ trong các lãnh vực kinh tế nước ta, nhất là ở phát triển nông nghiệp. Sự tự phát của nông dân và lãnh đạo cấp cơ sở (nhóm sản xuất nguyên liệu nông nghiệp) thường rất độc lập với chủ trương của tỉnh, Trung ương và các nhà doanh nghiệp (nhóm dịch vụ đầu ra). Nông dân trồng lúa, thành phần đông đảo nhất của nước ta tuy sản xuất khối lượng lúa để chế biến ra gạo xuất khẩu đưa Việt Nam đứng vào hàng thứ nhất nhì trên thế giới, lại là tầng lớp nghèo nhất. Hầu hết nông dân phải lo bán đổ bán tháo lúa mới vừa gặt – thậm chí bán cả lúa non, để trang trải nợ nần.










“Nhiều vị lãnh đạo trách rằng nông nghiệp chúng ta sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nông dân rất buồn! Manh mún nhỏ lẻ mà hàng hoá nông sản nhiều loại xuất khẩu nhất nhì thế giới liên tục nhiều năm? Sao ai đó không tự trách mình chưa biến cái nhỏ, lẻ này thành cái lớn lao như mong muốn? Ảnh: Dân Việt



TS Nguyễn Trần Dương, phó chủ tịch hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM, cũng bày tỏ: “Tôi thật sự đau đớn khi nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tới thời điểm này vẫn lẩn quẩn trong vòng xoáy mùa vụ và giá cả”. Theo TS Dương, khi nước ta bắt đầu mở cửa hội nhập, nông dân ĐBSCL và liên doanh dầu khí Vietsopetro là hai “nhân vật” đầu tiên đã hội nhập ngay từ những năm 1990, và cho tới bây giờ vẫn tiếp tục phát triển kinh tế hàng hoá với đúng nghĩa của nó. Tuy nhiên, các yếu tố phi thị trường đang tồn tại, hoành hành các sản phẩm nông nghiệp và nông dân bằng các thủ thuật ép giá sản phẩm. Giá lúa rẻ, nhưng giá gạo bán tại chợ nội địa cao hơn rất nhiều so với giá xuất khẩu. Nông dân sau khi bán lúa rẻ, ra chợ mua lại gạo IR 50404 cho nhu cầu tiêu dùng giá bán sẽ không dưới 10.000 đồng/kg, một số loại gạo chất lượng cao cũng có giá gấp 3 – 5 lần giá xuất khẩu. Do vậy, “các thông số tính toán lợi thế so sánh nội sinh là cách tiếp cận tốt nhất để giải thoát nông dân. Muốn vậy, cần thiết có những nghiên cứu định lượng mà giảm bớt cách đánh giá chung chung”, TS Dương gợi ý.


GS Võ Tòng Xuân cho biết: “Quyết tâm của Đảng và Nhà nước giao quyền xuất khẩu gạo cho nơi nào làm ra hạt gạo sẽ là một quyết tâm chính trị lịch sử để chấm dứt kiếp làm tôi mọi của nông dân dưới chính thể xã hội chủ nghĩa”. Bức xúc của GS Xuân còn ở điểm nhấn mạnh ở cuối bài tham luận mang tiêu đề “Một giải pháp đồng bộ giải thoát cái nghèo của nông dân trồng lúa Việt Nam”, vì đây là lần thứ ba, GS Xuân phải đề cập lại vấn đề này tại các hội nghị, hội thảo… tính từ năm 2010. Chính vì vậy, GS Xuân bày tỏ hy vọng: “Hội thảo này là lần cuối mà rất nhiều cơ quan, ban ngành phải ngồi lại để bàn về chủ đề này”.


Nông dân “chết” vì khâu trung gian


Báo cáo dài tám trang của viện Nghiên cứu ngô, thuộc viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, chỉ ra hiệu quả kinh tế bình quân đạt 150 triệu đồng/năm và năm sau luôn cao hơn năm trước của công ty CP nông nghiệp Chiềng Sung tỉnh Sơn La. Nhưng khi chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế của Quốc hội – ông Nguyễn Văn Giàu, đặt vấn đề: “Vì sao không nhân rộng hiệu quả từ mô hình công ty này để vừa tăng hiệu quả sản xuất vừa giảm nhập khẩu?” Rất đơn giản vì “Viện chưa đi hết chuỗi liên kết để phát huy hiệu quả cây ngô”, TS Đặng Ngọc Hạ, viện phó viện Nghiên cứu ngô, giải thích.


Mô hình cánh đồng mẫu với chương trình cùng nông dân ra đồng của công ty CP Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang được đánh giá là ưu việt nhất trong sản xuất lúa ở ĐBSCL ở thời điểm hiện tại. Nhưng lại có quá nhiều thông tin về mức lợi nhuận trong các mô hình cánh đồng mẫu khác, nên chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã đặt câu hỏi trực tiếp với nông dân Nguyễn Văn Cường, ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình (Châu Thành, An Giang) rằng: “Lợi nhuận chênh lệch thực tế có đạt mức 20 triệu đồng/ha/vụ khi so sánh với sản xuất đơn lẻ?” Ông Cường thừa nhận: “Chênh lệch lợi nhuận giữa trong và ngoài mô hình cánh đồng mẫu theo tính toán thực tế khoảng 10 triệu đồng/ha/vụ lúa”. Về đảm bảo lợi nhuận tối thiểu 30% cho nông dân, nông dân Nguyễn Văn Tắc, nông dân TP Long Xuyên (An Giang) xác định: “20% thì được, chứ 30% thì… khó bởi mặt bằng giá thị trường quá thấp”.


Hiệu quả sản xuất lúa trong các mô hình mẫu đã vậy, ngư dân đánh bắt trên biển càng khó khăn hơn. Ngư dân Huỳnh Văn Minh (Quảng Ngãi) than phiền: “Giá cá ngừ đại dương ở mức 182.000 đồng/kg, ngư dân sống được, nhưng nhiều lúc chỉ còn 45.000 đồng/kg. Cá duồng còn đẹp thông thường giá khoảng 10.000 đồng/kg, nhưng khi cá về bến với lượng nhiều chỉ còn 3.000 đồng/kg, trong khi giá bán tại các siêu thị thường ở mức 35.000 đồng/kg”. Thấy được sự bất hợp lý trong khâu lưu thông phân phối, ông Minh đề xuất: “Cần tổ chức, quản lý tốt khâu trung gian để giảm bớt thiệt thòi cho ngư dân, những người đã cố vượt qua nhiều thử thách dài ngày giữa biển khơi”. Chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đồng Phát (Bảo Lộc – Lâm Đồng) ông Vũ Văn Cộng cũng than vãn: “Đầu ra của sản phẩm càphê và chè là do tư thương quyết định nên xã viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc bán nông sản mình làm ra…”


Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, phó ban chỉ đạo sơ kết nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau năm năm thực hiện, gợi mở: “Từng sản phẩm phải có phương thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ riêng, không máy móc mà phải thật sự phù hợp, hiệu quả”. Muốn vậy “phải có thông tin dự báo thị trường tốt chứ nông dân làm sao biết thị trường cần gì… nên họ cứ loay hoay điệp khúc trồng – chặt”, ông Ninh nói. Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng khẳng định: “Đã đến lúc không thể tiến mạnh mẽ nếu không khắc phục được những nhược điểm cố hữu”.


Ngọc Tùng






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ