Xin lỗi… vì đại cục
SGTT.VN - Cuối cùng thì tổng trọng tài môn karatedo đã phải lên tiếng xin lỗi đội karatedo Việt Nam, nhưng không thay đổi kết quả mà họ đã trắng trợn dâng huy chương cho vận động viên nước chủ nhà Myanmar… vì đại cục.
Khi các vận động viên Việt Nam khóc nức nở vì bị ép, chỉ có người hâm mộ chia sẻ, còn với các quan chức, chuyện chia chác huy chương, ép "gà" nhau đâu có mới. Ảnh: Liêm Quang |
Có người nói, cái “đại cục” ở SEA Games này cũng chẳng khác mấy cái “đại cục” trong vụ ăn chặn tiền của trẻ em khuyết tật ở Hà Giang. Cũng có mùi như nhau và có lẽ, cũng sẽ chìm xuồng như nhau.
Kỳ SEA Games nào cũng vậy, điệp khúc oán thán việc các trọng tài ép các nước khác để giúp chủ nhà “thăng hoa” luôn tràn ngập. Nếu diễn ra ở các nước mạnh về thể thao trong khu vực như Malaysia, Thái Lan hay Singapore thì còn đỡ, diễn ra ở Lào, Myanmar, Indonesia và thậm chí ở Việt Nam trước đây, sự oán thán lên cao ngút. Hôm qua, ở nhà thi đấu môn pencak silat, nhìn các vận động viên bất kể là nam hay nữ, nước mắt lăn dài, những tiếng nấc nghẹn, không ai khỏi cám cảnh, buồn lòng.
Chỉ vì chỉ tiêu thành tích, vì sự “vinh quang” của nước nhà mà không ít lần ban tổ chức SEA Games bất chấp sự khổ luyện của các vận động viên để nâng tầm “gà nhà” lên.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao ai cũng biết sẽ có chuyện thiên vị, vì sao kỳ SEA Games nào cũng có chuyện kiện tụng, khóc lóc nhưng mọi chuyện lại chẳng có gì thay đổi? Và ai cũng buộc phải coi đó như một phần của SEA Games, kỳ đại hội thể thao để thắt chặt tình đoàn kết các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Nói nhanh “cho nó vuông”. Nếu chấp nhận đây là sân chơi, là nơi để vận động viên có cơ hội cọ xát nhằm vươn lên tầm cao hơn thì mọi chuyện sẽ khác. Lúc đó, các môn “hội” như kiểu tarung, chinlone, kempo hay vovinam chỉ là phần phụ hoạ để các đoàn giới thiệu thêm về nét thể thao văn hoá của nước họ bởi nếu không tận dụng cơ hội làm chủ nhà, có lẽ cả đời không ai biết đến các môn thể thao ấy. Ở các môn thể thao Olympic còn lại, đó mới là bảng huy chương quan trọng đánh giá sự thăng tiến đến đâu của các nền thể thao trong khu vực.
Một ví dụ rất cụ thể cho chuyện chỉ coi đấu trường SEA Games là nơi để rèn luyện chính là các quốc gia Malaysia, Singapore, hay Thái Lan. Malaysia đã không buồn cử các vận động viên cầu lông đang đứng hàng đầu thế giới của họ sang SEA Games. Họ muốn dành cơ hội ấy cho các tay vợt có thứ hạng thấp. Còn như Lee Chong Wei, nhiệm vụ của họ là ở Olympic hay giải vô địch thế giới. Tương tự thế, Singapore đưa đến SEA Games đội bóng đá nam chủ yếu là lứa cầu thủ U21. Họ coi đây là cơ hội để bóng đá Singapore chuyển mình với mục tiêu cao hơn, thay vì chơi trò nhập tịch để làm bá chủ vùng trũng. Thái Lan cũng coi SEA Games như đấu trường để thử sức huấn luyện viên Kiatisuk. Cựu danh thủ của khu vực Đông Nam Á đang được nhắm tới cho chức danh huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Thái Lan, và nhiệm vụ là giúp bóng đá Thái ít nhất thành công ở đấu trường châu Á.
Trong khi đó, các nước như Việt Nam, Lào, Myanmar hay Campuchia đều rất “khổ tâm” ở mỗi kỳ SEA Games. Thậm chí, ở ta trợ lý huấn luyện viên Nguyễn Văn Sỹ được trao nắm đội tuyển, còn huấn luyện viên trưởng Hoàng Văn Phúc thì thân chinh làm việc ở đội U23. Ngược đời không? Không chỉ vậy, dường như ở những môn “lạ” như kempo, võ gậy… đoàn thể thao Việt Nam rất hào hứng tham dự bởi những tính toán được chia huy chương. Với những huy chương môn “trời ơi” nặng tính hội ấy, số lượng tổng huy chương được tăng lên đang kể, các báo cáo tổng kết cuối năm sẽ vang vang hơn.
Mà đã chơi chung, đã ăn chịu thì phải “hiểu” và “chấp nhận” chuyện bị ép, được ép. Thế nên cứ để ý mà xem, các quan chức theo đoàn thể thao cũng biết chọn “trọng điểm” để đến cổ vũ và chia vui, lên hình tươi đẹp đấy thôi. Mấy khi chỗ buồn bã, kiện cãi mà có mặt họ đâu, dù bảo vệ vận động viên là nhiệm vụ quan trọng của họ.
Vì “đại cục” cả ấy mà.
Tất Đạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét