Nghệ sĩ ưu tú Phan Thu Lan
Ca sĩ không học chỉ là “con hát”
SGTT.VN - Trước khi trở thành giảng viên thanh nhạc và trưởng khoa thanh nhạc nhạc viện Quốc gia Hà Nội, hát là nghề mưu sinh của chị. Trên làn sóng phát thanh của đài Tiếng nói Việt Nam thập kỷ 1980 – 1990, Thu Lan là một trong những tên tuổi được thính giả yêu âm nhạc chờ đợi, không chỉ bởi chất giọng đẹp, tố chất opera bay bổng và nỗi niềm dân ca mặn mà trong từng câu hát, mà còn bởi thế giới trong vắt và mộc mạc chị đem đến cho người nghe.
Trên bục giảng, giọng hát của chị là một dẫn dụ tuyệt vời. Và giấc mơ đẹp nhất về nghề mà mỗi ngày chị đang nỗ lực truyền dạy, đáng tiếc là không phải học sinh thanh nhạc hay ca sĩ trẻ nào cũng có thể lĩnh hội…
Vì sao câu chuyện “trách nhiệm xã hội” của người nghệ sĩ đến hôm nay vẫn chưa được thấu đáo ở một số ca sĩ trẻ cho dù họ được đào tạo bài bản, thưa chị?
Rất nhiều lý do. Ở đây tôi chỉ muốn nói đến sự tự rèn luyện của các em, tấm lòng của các em. Nếu chỉ nghĩ hát là để mưu sinh, để kiếm tiền, thì sẽ không có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân nào hết, dù các em hàng ngày ngoài học hát, học các môn văn hoá bổ trợ, vẫn thường xuyên được rèn dạy về đạo đức nghề nghiệp, về sự cống hiến. Rất khó để ca sĩ trẻ nào cũng thấm nhuần được điều này. Mới đây, có trường hợp một học sinh xuất sắc, rất được kỳ vọng, được cử đi học nước ngoài, về trường giảng dạy một thời gian ngắn lại được đi học tiếp, đã ở lại bên đó và bỏ nghề luôn, chưa kịp cống hiến gì. Tiếc lắm. Thực tế đó khiến tôi cũng nhiều khi phải nghĩ rằng, sự thực dụng của người làm nghệ thuật luôn là một trong những hạn chế, dẫn đến thiếu vắng đỉnh cao.
Liệu điều đó có thể lý giải cho việc chúng ta đã có một “thế hệ vàng” trong lĩnh vực thanh nhạc từ nửa thế kỷ trước, nhưng từ đó đến nay, ca sĩ nhiều hơn, thành công cũng rất đáng kể, song vẫn không thể sánh được với thế hệ đi trước?
Từ góc độ chuyên môn, có nhiều cách lý giải tại sao trước đây kinh tế khó khăn, kháng chiến gian khổ, Việt Nam lại có được một thế hệ giọng ca vàng, thành công của họ đã “đóng đinh” vào công chúng, vào lịch sử đất nước; mà về sau, hoà bình rồi, thuận lợi hơn, học sinh được đào tạo bài bản hơn, thì không có một thế hệ nào ngang tầm. Đó là do môi trường cống hiến của người nghệ sĩ. Khi họ chỉ có đam mê, chỉ có cho mà không bị chi phối bởi những đồng tiền cátsê, họ sẽ cống hiến hết mình, lúc đó tài năng của họ sẽ có cơ hội toả sáng hơn mọi hào quang tự tạo nào khác!
Có ý kiến cho rằng du học nước ngoài mới là cơ hội tốt nhất cho những tài năng nghệ thuật, chị có nghĩ vậy?
Phải nói rằng, trước hết, tài năng âm nhạc của chúng ta không thiếu, nhưng những tài năng đặc biệt thì không phải lúc nào cũng có. Năng khiếu trời cho, nếu được đào tạo đúng cách và hiệu quả, mới có điều kiện phát triển. Chỉ nói những nghệ sĩ tên tuổi và có thành tựu nhất định trong lĩnh vực biểu diễn của ta, trong đó có thanh nhạc, như thế hệ “vàng” vừa nhắc đến ở trên, hầu hết đều được đào tạo ở nước ngoài về. Tiếc rằng thời gian qua, do ngân sách không cho phép, việc đầu tư này bị đứt đoạn ở các cơ sở đào tạo âm nhạc trong nước. May mà mấy năm nay Nhà nước đã cho phép tiếp tục đầu tư trở lại cho một số ít học sinh du học ở Nga, Hungary, Rumani…, hy vọng sẽ có sự khởi sắc sau 40 – 50 năm nữa.
Nhạc viện Quốc gia chú trọng dạy thật, đào tạo thật, rất nghiêm túc; học sinh được trang bị nhiều kiến thức cần thiết khác như lịch sử âm nhạc, hoà thanh, phân tích tác phẩm, piano, ngoại ngữ… nhưng đào tạo trong nước dù đã có những nỗ lực và thành công, vẫn chưa thể “sánh vai” với các địa chỉ đào tạo âm nhạc lớn trên thế giới!
Trở thành giảng viên thanh nhạc và đang ấp ủ dự định về một luận án tiến sĩ ngành biểu diễn thanh nhạc, chị quan niệm thế nào về “sự học” của người ca sĩ hôm nay?
Sự thực dụng của người làm nghệ thuật luôn là một trong những hạn chế, dẫn đến thiếu vắng đỉnh cao. |
Thường ngày, tôi vẫn rất chia sẻ với các em học sinh của mình về việc học. Rất khó khăn, rất vất vả, rất cần có ý chí. Nếu các em đã chọn con đường hoạt động âm nhạc, nhất định phải có kiến thức mọi mặt, cơ bản về âm nhạc, nếu không sẽ chỉ là “con hát”. Là ca sĩ, bắt buộc phải biết những điều tối thiểu: ca khúc A, B thuộc thể loại gì, cấu trúc như thế nào, viết ở hình thức gì, cần phải diễn đạt ra sao… từ đó mới tự tin bước lên sân khấu được. Ngay cả với một giọng hát được cho là “trời phú” chăng nữa, vẫn phải học. Cá biệt vẫn có giọng hát không qua trường lớp nào mà vẫn thành danh, thậm chí còn được phong danh hiệu nghệ sĩ nhân dân. Phải thừa nhận tài năng thiên bẩm, sự cảm thụ âm nhạc, ngoại hình, những cơ duyên trong nghệ thuật cũng như sự khổ luyện, tự học của họ…
Những năm 1990, thị trường âm nhạc mở ra nhưng biên chế các đoàn nghệ thuật thì khép lại, chị đã lựa chọn bục giảng thay vì lên sân khấu như thế nào?
Tốt nghiệp đại học về thanh nhạc vào đúng thời kỳ nhạc thị trường bắt đầu bùng nổ, chủ trương “xã hội hoá” bắt đầu được áp dụng vào thực tiễn, vì thế mà trầy trật đi hát mãi tôi vẫn không đứng chân được ở đâu. Biên chế các đoàn nghệ thuật không được phép “nới” thêm, “bao cấp” không còn hoặc không như trước. Dù vậy tôi vẫn may mắn hơn nhiều người khác, trở thành nhà giáo. Cùng dòng nhạc chính thống và được đào tạo chính quy thời điểm đó ngoài tôi còn có ca sĩ Mai Tuyết, ca sĩ Rơ Chăm Pheng… đều trong hoàn cảnh như vậy. Ba chúng tôi hiện đều là nghệ sĩ ưu tú trong lĩnh vực biểu diễn và có nghề chính là dạy thanh nhạc ở ba cơ sở đào tạo âm nhạc trên địa bàn Hà Nội.
Từ sân khấu đến với bục giảng và nuôi dưỡng đam mê nghề nghiệp ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, hẳn đó không phải là câu chuyện của riêng chị?
Để trụ lại với nghề, mỗi nghệ sĩ có một cách. Bên điện ảnh có không ít nghệ sĩ kiêm thêm nghề trang điểm, cho thuê áo cưới. Tôi cũng có thời gian phải tranh thủ cắt may quần áo cho các diễn viên trong đoàn để có thêm thu nhập đủ sống và theo đuổi nghề chính. Đến năm 1995 thì tôi tích luỹ được đủ tiền để mua xe máy đi làm và bắt tay thực hiện kế hoạch đầu tư cho chuyên môn, học cao học và làm thạc sĩ chuyên ngành biểu diễn. Tôi nghĩ, đó có lẽ là quãng đường khó khăn nhất mà mình và các đồng nghiệp đã vượt qua.
Là nhà giáo, chị nghĩ thế nào về chuyện học sinh trường nhạc tranh thủ đi làm thêm?
Phải nói từ năm, bảy năm nay, nhu cầu ca sĩ, nhạc công phục vụ các sân khấu lớn nhỏ khá lớn, chưa kể các quán xá, nhà hàng mở ra nhiều, người ta đi ăn uống và có nhu cầu được nghe nhạc, nghe hát… Và vì thế thu nhập từ việc đi hát cũng tăng lên. Điều đó cũng có ý nghĩa tích cực, tác động đến các học sinh trường nhạc, khi mà phần lớn các em đều ở tỉnh xa về, cha mẹ nghèo, đời sống sinh viên kham khổ. Trong mười em đang học, nhiều nhất là một nửa số đó có thể đi biểu diễn và đa phần chỉ được mời diễn ở các quán bar, đám cưới, lễ khởi công hay cuộc vui nào đó, thù lao có khi chỉ 100.000 đồng/suất diễn. Thế nên số em có thể tự nuôi sống được bản thân bằng nguồn này thực ra chỉ khoảng vài em. Nói chung là các gia đình vẫn phải chu cấp cho con cái thành nghề. Ở đây có một vấn đề đáng nói là, đối với những em có trình độ nhất định, có thể đi hát kiếm tiền để phụ thêm vào chi phí hàng ngày, nhưng dù đi làm hay đi chơi thì nhất thiết không để ảnh hưởng đến chất lượng học tập và tư cách.
Trước những thực tế đời sống liên quan đến nghề hát và nghề dạy, tâm trạng của chị – một người “trong cuộc”?
Nhiều em 20 ngày trong tháng chỉ ăn mì tôm vì không có tiền. Có em mùa đông không đủ áo mặc, cô cũng không giàu có gì, chỉ có thể dắt đi mua tặng cái áo ấm. Biết rõ các em đa số rất nghèo nên tôi thực sự chia sẻ với các em, không khắt khe chuyện đi làm thêm, nhưng mỗi khi có dịp tôi vẫn tìm cách nhắc nhở: “Nếu ai mời đi hát, hãy coi đó là cơ hội tập dượt cho nghề nghiệp, đừng đặt mục tiêu kiếm tiền lên trên mà bị coi thường!” Làm sao để mai kia ra trường, các em như chim non đủ lông đủ cánh, rồi mới có thể lên sân khấu lớn được. Vấn đề quan trọng nữa là cô nói, nhưng trò có nghe không, nghe đến đâu. Cũng giống như trong gia đình, bố mẹ muốn điều tốt đẹp, con cái lại muốn khác. Đó luôn là khó khăn trong giáo dục! Càng ngẫm tôi càng thấy thương học trò. Nhiều em cả đời không có cơ hội bước ra sân khấu. Khoa thanh nhạc trường tôi mỗi năm có 15 – 20 em ra trường, năm ngoái đông nhất: gần 40 em. Chừng đó có đủ cho nhu cầu nghe? Xin thưa là quá thừa, vì không chỉ mỗi nhạc viện Quốc gia đào tạo. Dẫn đến học hát nhưng không phải ai tốt nghiệp ra cũng đi làm ca sĩ. Một số chuyển nghề về giảng dạy ở tỉnh, một số khá hơn được một số đoàn ở Hà Nội ký hợp đồng, một số khác làm ca sĩ tự do, ca sĩ không chuyên. Nhìn chung để phấn đấu thành một giọng hát nổi trội, có cống hiến thực sự, nổi bật trong đời sống âm nhạc, gian nan lắm.
Dưới sự dìu dắt của chị, những năm qua đã có khá nhiều ca sĩ trẻ giành được các giải thưởng nhất nhì tại các cuộc thi hát như Sao Mai, Sao Mai Điểm Hẹn… Có điều gì đáng suy nghĩ đằng sau cuộc sống của các “sao”, thưa chị?
Giấc mơ thành “sao” là chính đáng và phải nói đến tính hai mặt của các cuộc thi, những thành công đến sớm. Có em đã bỏ dở việc học để đi hát. Đặc biệt là các em nữ, do được mời chào nhiều, cũng đã có trường hợp bị “tai nạn nghề nghiệp”, không thể học tiếp bởi nhiều lý do mà hầu hết đều có trong đó sự cám dỗ của đồng tiền… Thầy cô cũng chỉ có thể đánh động từ xa, bày vẽ điều gì có lợi cho các em và hy vọng sự cứng cỏi, vững vàng dần lên của các em trong nghề và trong đời mà thôi.
Sự thực dụng, dễ dãi đã và đang làm thay đổi hình ảnh người nghệ sĩ biểu diễn trước mắt công chúng, thưa chị?
Quả có thế. Con đường đi đến sự thành công rất cần sự chuyên nghiệp, bài bản. Phải hội đủ nhiều yếu tố như đam mê, năng khiếu, dày công khổ luyện và may mắn là không thể thiếu. Cái giá của sự nổi tiếng chính là vấn đề. Nhiều người trẻ mới được vài giải này nọ cứ ngộ nhận là “sao” thật, trong khi về nghề thì họ đó còn phải phấn đấu rất nhiều, phấn đấu mọi thứ, để có thể tiếp tục đứng được với nghề, toả sáng và có tên tuổi.
Liên quan đến chuyên môn, ý kiến của chị về tình trạng hát nhép hiện vẫn rất phổ biến, kể cả ở một số chương trình lớn, có truyền hình trực tiếp?
Thăng hoa ở người nghệ sĩ là biểu diễn trực tiếp, không phải ở hát nhép. Tình trạng chung của nhiều chương trình là toàn mở băng rồi hát nhép. Ngay cả một số nghệ sĩ có tên tuổi vẫn hát nhép. Hát nhép như vậy chỉ làm hại chính họ. Có thể không mất sức nhưng mất uy tín. Giá trị của lao động không có. Có những chương trình mà các bên tham gia chủ động yêu cầu ca sĩ hát… nhép, là bởi mục đích “tránh rủi ro”, thậm chí là để tiết kiệm việc mời dàn nhạc tốn kém… Đáng tiếc cho những cách làm nghệ thuật xem thường người nghe và xem thường chính mình như thế.
Đó là một sự lừa dối không thể bao biện?
Nếu các em đã chọn con đường hoạt động âm nhạc, nhất định phải có kiến thức mọi mặt, cơ bản về âm nhạc, nếu không sẽ chỉ là “con hát”. |
Tôi đồng ý. Hát nhép chỉ xuất hiện khi có âm nhạc thị trường. Thập niên 1970 – 1980, có ai hát nhép đâu. Ca sĩ trẻ cũng vậy, vẫn thích hát thật hơn, nhưng rồi để được tham gia chương trình trong điều kiện hạn chế về thời gian và tiết kiệm cho nhà sản xuất (hát thật phải đầu tư đủ dàn nhạc tốn kém, tập dượt sân khấu và ghép nhạc rất công phu), họ đã dần “quen” với việc hát nhép, thậm chí coi đó là… bình thường! Rất đáng buồn là nhiều ca sĩ đã bị làm hư như vậy. Tất cả là do những con số lời lãi mà ra. Cục Nghệ thuật biểu diễn đã liên tiếp phải xử lý những chuyện này, nhưng giải quyết được triệt để 100% là khó. Trong nhà trường, học sinh thanh nhạc luôn được các thầy cô lưu ý chuyện này, coi đây là đạo đức, là tự trọng nghề nghiệp. Phải hát thật. Đó là lao động nghệ thuật chân chính. Mới đây chương trình kỷ niệm mười năm ngày mất Trần Hoàn tại nhà hát Lớn, ban tổ chức yêu cầu hát thật 100%, có những ca sĩ tên tuổi đã phải rút lui vì không đủ sức hát bằng đúng giọng của mình.
Về những hạn chế có thật của công tác đào tạo tài năng nghệ thuật mà chị là một trong những người có trách nhiệm?
Cái thiếu nhất của đào tạo thanh nhạc trong nước hiện nay là học sinh chưa được đào tạo ngoại ngữ bài bản để có thể hát những tác phẩm của Anh, Pháp, Ý… Ngay cả các môn bổ trợ như diễn xuất sân khấu, kỹ thuật biểu diễn sân khấu hiện vẫn còn “nợ” học trò, từ trước đến nay đều để khuyết trong chương trình, biết lắm nhưng vẫn chưa đáp ứng được do... thiếu kinh phí. Có một tin vui là sắp tới trường tôi sẽ khánh thành một nhà hát trên 700 chỗ bằng nguồn kinh phí trên cho, phía Nhật giúp về thiết bị âm thanh, dự kiến cuối năm nay mở cửa. Nhiều thầy trò chúng tôi đã thầm mơ ước nơi đây luôn sáng đèn để đón các tầng lớp công chúng yêu âm nhạc vào thưởng thức. Một cơ may quý giá cho thầy và trò trường nhạc được thoát khỏi dạy chay, học chay. Nhu cầu được hát có ở mọi sinh viên. Đam mê nghề mà, cứ nói đến hát là thích rồi.
Sau những khó khăn đã trải, những thách thức nghề nghiệp, với cô giáo – ca sĩ Thu Lan, đâu là giai điệu đẹp nhất trong cuộc sống?
Với tôi, giai điệu đẹp nhất trong cuộc sống luôn là những bản tình ca!
thực hiện: Kim Hoa
chân dung hội hoạ: Hoàng Tường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét