Số hoá sách: chuyện mình, chuyện người
SGTT.VN - Thư viện Quốc gia Na Uy vừa khởi động một dự án lớn: số hoá toàn bộ sách đã xuất bản trong nước trước đây cho người dân tha hồ truy cập, tra cứu, đọc miễn phí trên mạng. Theo đó, người dân Na Uy sẽ có hai hình thức hưởng thụ kho tàng sách này, dưới dạng tải miễn phí với những sách hết bản quyền và đọc trực tuyến với sách còn bản quyền đã được chính thư viện thương lượng ổn thoả với phía giữ bản quyền.
Dự án của thư viện Quốc gia Na Uy xem có thể là mô hình tốt cho Việt Nam theo đuổi, biến thành một chiến lược cụ thể và thiết thực thay vì quanh năm hội thảo hô hào vận động người dân đọc sách hay ta thán về đời sống văn hoá đọc đang xuống cấp trầm trọng.
Nhiều người ta thán đời sống văn hóa xuống cấp vì người đọc sách ngày càng ít (ảnh minh họa). |
Hiện nay, một trong những lý do quan trọng cản trở người dân Việt Nam đến với sách là… kinh tế. Những cuốn sách xuất bản hiện nay đang có giá bìa đội lên quá cao so với chi phí sản xuất thực, do phải gánh rất nhiều thứ phi lý: xuất bản phí, phát hành phí (40 – 50%). Tất cả trở thành gánh nặng đè lên vai người đọc. Với đa số người dân, sách chưa phải là một nhu yếu phẩm trong thời khủng hoảng kinh tế, thì chỉ dùng biện pháp hô hào tuyên truyền suông về “văn hoá đọc” xem ra chưa đủ hiệu ứng để thay đổi tình cảnh dân xa rời sách.
Công nghệ xuất bản số, sự chia sẻ tri thức qua không gian mạng ngày nay có thể là phương tiện để xử lý vấn đề trên. Hai trong số những tiện ích không thể phủ định trong việc số hoá sách đó là, nguồn tài liệu sẽ được đảm bảo về mặt lưu trữ, dễ dàng trong việc hệ thống, tra cứu và dễ dàng chia sẻ với người có nhu cầu sử dụng miễn phí hoặc với một mức giá thấp. Tuy nhiên, trước mắt, việc tiến hành sẽ mất rất nhiều thời gian và tốn kém. Nhưng không thể không tiến hành.
Câu chuyện nhỏ từ dự án mà công ty Ybook và ông Đồng Phước Vinh đang theo đuổi cho đến một kho tàng sách số cho toàn dân theo mô hình thư viện Quốc gia Na Uy tuy hai hoàn cảnh, cách làm, mà cùng một cứu cánh. |
Một năm trước, khi vừa về nắm công việc quản lý dự án sách số của công ty TNHH Sách điện tử Trẻ (Ybook), giám đốc Đồng Phước Vinh – một nhà báo, chuyên gia công nghệ – đứng trước một núi sách nhà xuất bản Trẻ đã in trong hơn 30 năm hoạt động, dưới dạng bản giấy, đa số đang xuống cấp. Đáng nói là còn rất nhiều đầu sách cũng do nhà xuất bản này in từ thời bao cấp đang lưu lạc khắp nơi. Và việc của Ybook lúc đó, không chỉ là xuất bản, bán những cuốn sách mới, mà song song, phải tìm kiếm, hệ thống, phục hồi lại những ấn bản cũ, chuyển sang số hoá, để tránh mai một nguồn tài nguyên. “30.000 tựa sách cũ cần được số hoá. Cứ hình dung, chúng ta sẽ phải làm lại các khâu từ rà soát, chọn lại những sách cần in rồi tổ chức đánh máy, trình bày, làm bìa, làm thủ tục tái bản... Sẽ tốn công sức, tiền bạc rất nhiều. Nhưng đó là công việc thuộc về “di sản”, không thể không làm”, ông Vinh nói.
Và thực tế, trong thời gian qua, song song với việc kinh doanh sách số, Ybook đã chạy nước rút trong việc số hoá sách cũ, cố gắng mỗi tháng tổ chức thực hiện 500 tựa. Cho đến nay, dự án đã hoàn thành 3.000 tựa và cố gắng năm 2014 sẽ số hoá thêm 7.000 tựa nữa. “Tốn kém thì dĩ nhiên rồi. Cứ tính trung bình mỗi tựa sách từ bản giấy cũ sang bản số sẽ tốn chừng 1 triệu đồng thôi, thì nhân lên 30.000 tựa, sẽ cho ra một con số khổng lồ. Nếu tính hiệu quả kinh doanh thôi, thì thua chắc. Nhưng cái quan trọng trong việc số hoá đó là gìn giữ nguồn tài nguyên tri thức theo yêu cầu của thực tế công nghệ xuất bản hiện nay, và xa hơn, là chia sẻ tri thức với cộng đồng”, ông Đồng Phước Vinh cho biết.
Câu chuyện của riêng dự án Ybook đã cho thấy bài toán số hoá nhìn từ các đơn vị xuất bản không hề đơn giản và không phải đơn vị xuất bản nào cũng đủ tiềm lực kinh tế để thực hiện trong bối cảnh kinh doanh xuất bản ảm đạm hiện nay. Sự phối hợp vì một chiến lược chung giữa các đơn vị xuất bản và hệ thống thư viện, huy động những nguồn lực xã hội hoá là một cách để có thể tạo nên một chiến lược lớn, giúp người dân có điều kiện hưởng thụ nguồn tài nguyên tri thức qua những kho tàng sách được tốt hơn.
“Không biết rồi đây công nghệ xuất bản sẽ còn phát triển đến đâu, nhưng trước mắt, trong giai đoạn công nghệ hiện tại, theo tôi số hoá nguồn sách cũ là một điều kiện sống còn trong lưu trữ và chia sẻ, một cách bảo tồn di sản, nguồn tài nguyên tri thức tiếng Việt, không để chúng bị đóng kho, thất thoát theo thời gian”, ông Vinh nói.
Câu chuyện nhỏ từ dự án mà công ty ông Vinh đang theo đuổi cho đến một kho tàng sách số cho toàn dân theo mô hình thư viện Quốc gia Na Uy tuy hai hoàn cảnh, cách làm, mà cùng một cứu cánh.
Nguyễn Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét