Tăng mức phạt vệ sinh thực phẩm lên cả trăm triệu đồng
Người dân có được miếng ăn sạch?
SGTT.VN - Từ ngày 31.12 tới mức phạt tối đa với hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm của cá nhân là 100 triệu đồng và tổ chức là 200 triệu đồng thay vì 15 triệu đồng như trước đây. Đây là một trong những nội dung chính tại nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm vừa được Chính phủ thông qua.
Cấp cứu, điều trị bệnh nhân ngộ độc thực phẩm tại trung tâm Chống độc – bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: anninhthudo.vn |
Thực phẩm “độc, bẩn” bủa vây
Cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) liên tục phát hiện, khuyến cáo với người dân về thực phẩm có chứa chất độc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hủ tíu khô, mì sợi khô chứa hoá chất bị cấm, không có trong danh mục các chất phụ gia sử dụng cho thực phẩm. Axit oxalic mạnh gấp hàng ngàn lần so với axit axetic và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng con người. Rượu gây chết người. Đậu phụ nghi chứa thạch cao. Giăm bông không đảm bảo vệ sinh thực phẩm…
Ngay bên bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Nguyễn Như Tiệp, cục trưởng cục Quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản cho biết, qua giám sát ô nhiễm vi sinh vật, thuốc thú y và hoá chất trong thịt gia súc, gia cầm tại các tỉnh miền Bắc (đến tháng 11.2013) cho thấy, xuất hiện chất cấm, kháng sinh vượt dư lượng cho phép trên thịt. Cụ thể, phát hiện 4/54 mẫu thịt gà chứa vi khuẩn Campylobacter spp (loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm); 2/40 mẫu và 4/40 mẫu dương tính lần lượt với hai chất cấm là Chloramphenicol và Furazolidon (hai loại kháng sinh cấm sử dụng trên chăn nuôi ở Việt Nam); 4/40 mẫu phát hiện thấy kháng sinh Tetracycline vượt giới hạn dư lượng tối đa cho phép.
Ông Hoàng Trung, phó cục trưởng cục Bảo vệ thực vật cho biết từ ngày 30.10 – 5.12.2013, cơ quan kiểm dịch đã kiểm tra hàng có nguồn gốc thực vật nhập khẩu trên 9.000 lô (gần 690.000 tấn), với hơn 90 mặt hàng. Cơ quan kiểm dịch đã lấy 96 mẫu (rau, củ, quả) phân tích, trong đó có 88 mẫu đạt điều kiện an toàn thực phẩm; phát hiện tám mẫu (8,3%) có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, gồm một mẫu củ cải trắng, năm mẫu quýt, hai mẫu càrốt.
Đặc biệt, vụ ngộ độc rượu nếp 29 Hà Nội đã làm sáu người tử vong tại Quảng Ninh. Nguyên nhân được xác định do hàm lượng methanol và ethanol trong sản phẩm của rượu nếp 29 Hà Nội vượt quá giới hạn cho phép từ 1.600 – 1.900 lần. Vụ việc này đang được cơ quan chức năng điều tra. Phía gia đình các nạn nhân cũng đòi hỏi cách xử lý với hành vi gây chết người của những nơi sản xuất.
Trong trường hợp không xảy ra những cái chết thương tâm thì hành vi trên chỉ bị phạt vài chục triệu đồng. Ai dám chắc chắn họ không sản xuất tiếp?
Phạt không chưa đủ
Nếu chiếu theo mức theo nghị định này hành vi sử dụng loại có chứa chất độc trên mức phạt sẽ là 70 – 100 triệu đồng. Mức phạt đối với việc sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục được phép cũng lên tới 30 – 40 triệu đồng. Một mức phạt đã được nâng lên so với quy định cũ. Ông Trần Quang Trung, cục trưởng cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) cho rằng, mức xử phạt theo nghị định mới này đủ sức răn đe. Mức phạt tiền của tổ chức được quy định gấp đôi cá nhân đối với cùng một hành vi vi phạm. Nếu mức phạt tối đa không đảm bảo thì căn cứ theo luật an toàn thực phẩm có thể xử phạt gấp bảy lần giá trị của hàng hoá đó.
Cũng theo ông Trung, một hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng nhưng chỉ phạt được vài chục triệu. Khi phát hiện cơ sở chế biến không đảm bảo vệ sinh, có thể gây ngộ độc, thanh tra y tế phải vận dụng những văn bản liên quan đến thực phẩm để xử lý. Trước đây, những quy định này không đầy đủ, mức xử phạt thấp. Nay mức phạt nâng lên với hy vọng đủ sức răn đe. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra chuyên ngành giám sát lĩnh vực vệ sinh thực phẩm còn quá nhiều việc không thể một lúc kiểm tra được hết. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm phụ thuộc vào kinh tế xã hội và nhận thức của người dân. Người dân nên mua sản phẩm rõ ràng có nguồn gốc, đặc biệt chú ý đến quy trình chế biến.
TS Lâm Quốc Hùng, trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm, cục An toàn vệ sinh thực phẩm (bộ Y tế) cũng chia sẻ, ở các nước phát triển người ta sử dụng thực phẩm được cơ quan chức năng kiểm soát mới sử dụng thành thực phẩm. Còn tại Việt Nam, việc sử dụng các sản phẩm từ tự nhiên, được dùng làm thực phẩm cho đời sống đang được thương mại hoá. Ăn uống là quyền riêng tư của cá nhân nên mọi người ăn theo ý thích, ăn theo cảm nhận. Nhưng khi xảy ra sự cố lại hỏi đến cơ quan chức năng. Lúc ăn không bao giờ hỏi không biết có an toàn hay không?
Nghị định mới cũng bổ sung thêm quyền lập biên bản xử phạt cho lực lượng công chức, viên chức thuộc các ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương. Biên bản sau khi lập được chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử lý theo quy định. Phía cơ quan chức năng chỉ có quyền phạt theo quy định nhưng liệu sau khi tăng mức phạt người dân có được dùng thực phẩm sạch hay cần một biện pháp mạnh hơn?
Lệ Hà
TS Lâm Quốc Hùng, trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm, cục An toàn vệ sinh thực phẩm Người tiêu dùng phải có trách nhiệm trong việc ăn uống của mình An toàn vệ sinh thực phẩm là lĩnh vực nhạy cảm. Không phải mặt hàng nào cũng kiểm tra được. Khi có thông tin chúng tôi mới tiến hành xác minh và cảnh báo. Việc quan trọng nhất hiện nay là tuyên truyền cho người dân những thực phẩm đó là không an toàn để người dân cố tình sử dụng. Bây giờ chúng ta không đến nỗi đói khổ mà không có thực phẩm gì thay thế. Khách hàng cũng có hai kiểu, một là không biết thực phẩm không an toàn, hai là cố tình sử dụng. Với người kinh doanh cần tuyên truyền hành vi kinh doanh thực phẩm không đảm bảo cần có cơ quan chức năng, phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền để họ thấy trách nhiệm trong kinh doanh, đảm bảo sức khoẻ cho cộng đồng chứ không phải bất cứ cái gì cũng đem chế biến thành món ăn để bán. Người tiêu dùng phải có trách nhiệm trong việc ăn uống của mình. Ăn uống cũng phải có nơi đủ điều kiện. Trên thực tế có những khu ăn uống được cơ quan quản lý có đủ điều kiện vệ sinh. Những nơi quá mất vệ sinh hãy tránh xa. Còn vấn đề xử phạt chúng tôi cũng chỉ phạt được theo luật chứ không thể làm gì hơn. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét