Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Chỉ là tai mắt, không có quyền xử phạt!

Chỉ là tai mắt, không có quyền xử phạt!

Nhân viên quản lý trật tự đô thị quận, huyện


Chỉ là tai mắt, không có quyền xử phạt!


SGTT.VN - UBND TP.HCM vừa ban hành quy chế mẫu tổ chức và hoạt động của đội quản lý trật tự đô thị quận – huyện. Trước đây, nhắc đến thanh tra xây dựng phường hay quận huyện, nhiều người không khỏi dè chừng và có phần sợ sệt, vì lực lượng này được quyền xử phạt tất tần tật các vi phạm trong công tác quản lý đô thị như xây dựng, lòng lề đường, vỉa hè... “Quyền cao” như vậy nhưng lĩnh vực trật tự đô thị vẫn không được đảm bảo.










Kể từ khi thanh tra xây dựng đổi thành đội quản lý trật tự đô thị quận, thì lực lượng này đã không còn chức năng xử phạt. Ảnh: govap.hochiminhcity.gov.vn



Tình trạng trên sẽ thay đổi? Chúng tôi phỏng vấn ông Trần Anh Tuấn, phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp (phụ trách lĩnh vực đô thị) – một trong những địa phương sớm triển khai các quy định của UBND TP.HCM về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này. Ông Tuấn khẳng định: kể từ khi thanh tra xây dựng đổi thành đội quản lý trật tự đô thị quận, thì lực lượng này đã không còn chức năng xử phạt.


Ông có thể giải thích rõ hơn, vì sao đội quản lý trật tự đô thị quận (trước đây là thanh tra xây dựng) lại không được xử phạt?


Chẳng hạn ở Gò Vấp, đội quản lý trật tự đô thị quận được thành lập hồi tháng 5.2013, với quân số khoảng 60 người. Chiếu theo quy định mới được ban hành thì đội này trực thuộc phòng quản lý đô thị quận. Thực tế, trong phòng Quản lý đô thị, đội quản lý trật tự đô thị giống như một tổ thuộc phòng. Mà đã là tổ trực thuộc thì làm gì có con dấu riêng – tức không có tư cách pháp nhân thì làm sao được quyền xử phạt.


Sở dĩ trước đây họ được xử phạt là vì họ có con dấu và tồn tại song song với phòng quản lý đô thị, chịu sự chỉ đạo của UBND, còn nay thì họ bị “giáng xuống một cấp” là trực thuộc phòng.


Vậy, nhiệm vụ cụ thể của đội quản lý trật tự Gò Vấp hiện nay là gì thưa ông?


Đội quản lý trật tự đô thị quận có nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quản lý trật tự đô thị và kiểm tra việc chấp hành pháp luật trên các lĩnh vực quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn. Tham mưu trưởng phòng quản lý đô thị trình lãnh đạo UBND phê duyệt và tổ chức thực hiện.


Tham mưu cho phòng quản lý đô thị quận trình lãnh đạo UBND quận kế hoạch tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân đình chỉ ngay các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực về trật tự lòng lề đường, nơi công cộng trên địa bàn quận, về vệ sinh môi trường trên địa bàn quận.


Tham mưu cho phòng quản lý đô thị đề xuất về các hình thức xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực phụ trách theo quy định trình chủ tịch UBND quận – huyện xem xét quyết định; theo dõi việc thực hiện các quyết định hành chính đã ban hành, đôn đốc thực hiện các quyết định đã có hiệu lực thi hành; đề xuất biện pháp cưỡng chế và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế đối với tổ chức, cá nhân trên địa bàn quận – huyện không tự giác chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính…


Nếu chỉ làm công tác tham mưu thì có nhất thiết phải thêm lực lượng này với quân số lên đến 60 người không thưa ông, bởi ở phường, xã cũng đã có một tổ công tác liên ngành chuyên chịu trách nhiệm quản lý trật tự đô thị?


Nhiều người lầm tưởng là vậy, nhưng thực tế như ở Gò Vấp chẳng hạn, đội quản lý trật tự đô thị quận có 60 người; trừ các vị trí chủ chốt, số còn lại sẽ được chia đều xuống 16 phường trong quận (trung bình mỗi phường có ba người, lập thành một tổ), tính ra hết 48 người “cắm” ở phường. Các tổ ở phường, tuy thuộc đội quản lý trật tự đô thị quận nhưng thực tế lại chịu sự chỉ đạo toàn diện của phường. Do đó, ở đây nếu nhìn kỹ, phân tích kỹ thì không có sự chồng chéo như một số người nghĩ.


Vậy ở phường các nhân viên thuộc đội quản lý trật tự đô thị sẽ làm những công việc cụ thể nào thưa ông?


Như tôi đã nói ở trên, do không có chức năng xử phạt nên ở phường các nhân viên này phải phối hợp với cán bộ địa chính hay các lực lượng khác để phát hiện các vi phạm trong quản lý trật tự đô thị.


Chẳng hạn, nhân viên thuộc đội quản lý trật tự đô thị, khi đi cơ sở phát hiện việc xây nhà không phép thì không được tự quyền xử lý mà phải điện báo cho cán bộ địa chính phường hay lãnh đạo phường. Còn gặp trường hợp nhà xây sai phép thì phải điện báo đội thanh tra xây dựng địa bàn thuộc sở Xây dựng xuống làm việc, chứ lực lượng này nếu đi một mình sẽ không có chức năng lập biên bản.


Nghĩa là đội quản lý trật tự đô thị ngoài việc tham mưu cho phòng quản lý đô thị, thì còn làm một việc giống như là “tai mắt” cho phường hay đội thanh tra xây dựng địa bàn thuộc sở Xây dựng?


Thực ra cũng gần giống như vậy. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là vai trò và nhiệm vụ của đội quản lý đô thị là không quan trọng. Nếu đội này làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình được giao như ở trên, thì sẽ giúp rất nhiều cho việc quản lý đô thị ở quận, huyện ngày một trật tự và bài bản hơn.


Đào Lê (thực hiện)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ