“Vừa qua lấy phiếu tín nhiệm không thực chất”
SGTT.Vn - “Qua tiếp xúc cử tri nhiều nơi, đại đa số cho rằng cách lấy phiếu tín nhiệm của mình là dung hoà, làm như thế không thực chất, chỉ nên lấy hai mức”, ông Huỳnh Ngọc Sơn, phó chủ tịch Quốc hội bày tỏ phiên thảo luận sáng 12.9 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Ông Sơn đề xuất, lấy phiếu thì có hai mức “tín nhiệm và tín nhiệm thấp”, còn bỏ phiếu thì là tín nhiệm và không tín nhiệm.
Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu. Ông Nguyễn Văn Hiện, chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp nói, “để hai loại thôi, nói tín nhiệm cao dân người ta không hiểu đâu”.
Đáng chú ý, đại biểu Ksor Phước nêu thực tế, tại một số tỉnh, đại biểu của HĐND có nhiều phiếu tín nhiệm cao, chiếm đến hơn 50%, “y chang như Quốc hội”. “Từ đó thấy giá trị thực tế của việc lấy phiếu tín nhiệm của chúng ta để làm gì, không phải là ca ngợi nhau”, ông nói.
Ông Ksor Phước đề nghị không nên lấy phiếu tín nhiệm với đại biểu dân cử nữa, bởi các đại biểu này khi trả lời dân thì chỉ cần làm theo văn bản pháp luật. Chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm với cơ quan hành pháp thôi (các đại biểu của Chính phủ, UBND – PV) vì “tiếp xúc hàng ngày với dân”. Việc này cũng giúp tiết kiệm thời gian và đỡ tốn kém.
Các đại biểu cũng thảo luận về thời hạn lấy phiếu tín nhiệm, ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm uỷ ban Tài chính – ngân sách đề nghị cân nhắc thời hạn nên làm hai năm một lần, để người được lấy phiếu “có thời gian sửa chữa, khắc phục”.
V. A
Kỳ họp Quốc hội thứ 6: thông qua Hiến pháp trước luật Đất đai Cũng trong thảo luận sáng 12.9, các đại biểu đều thống nhất nên thông qua Hiến pháp sửa đổi trước khi thông qua luật Đất đai sửa đổi trong kỳ họp tới (khai mạc ngày 21.10). Trước đó, ông Nguyễn Hạnh Phúc, chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho hay, dự kiến kỳ họp dành bốn ngày để Quốc hội xem xét, thông qua Hiến pháp. Về chất vấn và trả lời chất vấn, bên cạnh 2,5 ngày thực hiện như thông lệ, dự kiến bố trí nửa ngày để Quốc hội nghe và trao đổi về các báo cáo của một số bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5. Về các vấn đề kinh tế – xã hội, cùng với các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm, dự kiến Quốc hội xem xét các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2011 – 2015) và việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là cơ sở quan trọng cho việc quyết định định hướng phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2014 và năm 2015. Bà Nguyễn Thị Nương, trưởng ban Công tác đại biểu thông báo, kỳ họp này cũng bàn đến vấn đề miễn nhiệm chức danh phó Thủ tướng của ông Nguyễn Thiện Nhân, khi ông Nhân mới được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, sẽ có phê chuẩn phó Thủ tướng mới. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp khoảng 35 ngày. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét