Chuẩn bị SEA Games 27
Vì ta cần nhau chăng?
SGTT.VN - Đội tuyển U23 Việt Nam đã gút danh sách sang Hungary để tập huấn chuẩn bị cho chiến dịch săn vàng ở SEA Games. Các đội tuyển ở những môn khác cũng bước vào giai đoạn nước rút. Quân số đoàn thể thao Việt Nam lại đông lên ngồn ngộn nhưng có vẻ như đông không đồng nghĩa với vui.
Các cầu thủ hớn hở tập luyện trước ngày đi Hungary. Được góp mặt vô đội tuyển là vinh dự của họ, chuyện tiền nong không màng. Nhưng đâu phải vận động viên môn nào cũng sống khoẻ được như họ. Ảnh: VSI |
Không cần phải nói nhiều ai cũng biết, bóng đá luôn có những ưu tiên hơn hẳn các bộ môn khác. Do VFF kiếm được tiền từ việc người hâm mộ thể thao nước nhà thích bóng đá hơn hẳn các môn khác. Thậm chí, lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam khi đi dự SEA Games luôn nơm nớp khi nhìn về sân bóng đá rồi phát biểu “có chục huy chương mà bóng đá bị loại từ vòng ngoài là hỏng”. Thế nên, cầu thủ được ở khách sạn, chế độ dinh dưỡng cao hơn, tiền thưởng được treo cao hơn… cũng là bình thường. Thế nhưng, việc chênh lệch giữa cao và mức bình thường là hợp lý nhưng nếu chênh lệch giữa cao và thấp trong chế độ đãi ngộ, dinh dưỡng lại là một câu chuyện khác hẳn. Với “chiến lược” dàn hàng ngang mà tiến, quân số của thể thao Việt Nam luôn được duy trì đông và thường xuyên cho đến khi nước chủ nhà đăng cai SEA Games gút danh sách các môn sẽ tổ chức mới bắt đầu tinh giảm dần. Nhưng sự tinh giảm ấy lại được làm theo kiểu, những môn không có trong SEA Games sẽ không nhận được khoản tiền “tăng gia” trước SEA Games. Thế thôi.
Chính vì cách làm này mà đến nay, ngoài các cầu thủ bóng đá có thể sống khoẻ, có của ăn của để từ lương thì ở hầu hết các môn thể thao còn lại, các vận động viên luôn phải sống trong tình trạng khá túng thiếu. Đến ăn còn chẳng ngon, gia đình chẳng giúp được gì, những canh cánh ấy luôn bên cạnh thì đừng hỏi vì sao thể thao Việt Nam mãi chỉ quanh quẩn cái ao làng.
Nói có sách mách có chứng, theo quy định tiền công tập luyện tại quyết định số 32/2011/QĐ-TTg được ban hành năm 2011, quyết định được coi là có sửa đổi lắm rồi thì mỗi vận động viên đội tuyển quốc gia sẽ nhận được 150.000 đồng/ngày. Tất nhiên số tiền này sẽ phải trừ đi các ngày không tập luyện như chủ nhật chẳng hạn. Nếu có bịnh, các vận động viên chỉ còn nhận 75% tiền công hiện đang hưởng. Vậy nên, trung bình mỗi tháng các niềm hy vọng của quốc gia, những anh tài trong các anh tài sẽ được nhận vào khoảng chưa tới 4 triệu đồng. Thế nhưng, dẫu chỉ phải chi trả vào khoảng 4 triệu cho một vận động viên nhưng ngân sách đang phải gánh rất nặng bởi như đã nói ở trên, trung bình mỗi năm thể thao Việt Nam đang phải gánh đến hơn 1.000 các vận động viên ở các bộ môn, đó là chưa kể đến việc còn tuyến vận động viên đội tuyển trẻ quốc gia với số tiền công là 120.000 đồng/ngày tập luyện. Cùng với số đó là lực lượng quản lý, huấn luyện viên... cũng đông chẳng kém.
Kết quả cuộc việc tập trung “đông như quân Nguyên” kia nếu như rực rỡ thì đã chẳng nói. Đằng này, năm nào việc chia chác huy chương cũng lồ lộ đến độ người ta tự hỏi, nếu vậy thì tập luyện để làm gì. Không chỉ vậy, dẫu đông nhưng sau lần đầu tiên và duy nhất, thể thao Việt Nam được xếp đầu khu vực nhờ “lợi thế” tổ chức SEA Games trên sân nhà, đến thời điểm này thể thao Việt Nam vẫn chưa thể là quán quân thêm lần nào. Thậm chí, xét trên bình diện có chung, Việt Nam còn bị đánh giá là dưới cơ Thái Lan, Indonesia, Malaysia thậm chí là Singapore. Bởi, các nước vừa kể trên đều đã có kế hoạch dài hơi, đầu tư tập trung vào các vận động viên tham dự các giải đấu, đại hội đẳng cấp thế giới chứ chẳng còn lấy SEA Games làm trọng tâm hàng đầu như ở ta. Một ví dụ cụ thể, tay vợt cầu lông Lee Chong Wei của Malaysia đã từng được liên đoàn cầu lông nước này đồng ý cho bỏ kỳ SEA Games tại Indonesia vì muốn dồn sức cho giải lớn hơn. Trong khi ở Việt Nam, tay vợt bóng bàn số một Mai Hoàng Mỹ Trang luôn được cử “đi làm nhiệm vụ” ngay cả ở giải học sinh – sinh viên Đông Nam Á đến độ cha của tay vợt này phải lên tiếng phản ứng.
Có vẻ như sự hào hứng đoàn thể thao kỳ này đông lắm chỉ đến từ vài người làm quản lý thôi thì phải, mà cũng đúng, vận động viên đi đông quan chức mới đi cùng đông. Vận động viên tập trung đông, bộ máy quản lý mới đông. Thôi thì vì ta cần nhau cả ấy mà.
Thảo Du
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét