Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM (ITE HCMC 2013)
Nhiều cơ hội thu hút khách quốc tế
SGTT.VN - Các công ty lữ hành đều cho biết hội chợ năm nay những khách hàng đến hội chợ hầu như đã có nghiên cứu khá kỹ về thị trường du lịch Việt Nam và bốn quốc gia khác trong chủ đề “Năm quốc gia – một điểm đến” là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan. Riêng Việt Nam, đã thấy tín hiệu tốt về thị trường khách inbound trong thời gian tới.
Nếu chuẩn bị tốt, Việt Nam sẽ thu hút các đối tượng khách nước ngoài có khả năng chi tiêu cao. Ảnh: Trần Việt Đức |
Ông Nguyễn Minh Quyền, phó giám đốc trung tâm Dịch vụ lữ hành Bến Thành Tourist cho biết chỉ trong một buổi sáng khai mạc hội chợ, đơn vị đã gặp gỡ gần 100 đại diện các hãng lữ hành nước ngoài đến từ các nước châu Âu, Mỹ, châu Á và Trung Đông.
Chuẩn bị đón những thị trường khách chi tiêu cao
Tám lần hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM trước đây, công ty TST Tourist chỉ tham quan để tìm hiểu các thị trường khách. Đến hội chợ năm nay, TST Tourist mới tham gia gian hàng với mục đích tiếp xúc với các hãng lữ hành nước ngoài cho kế hoạch phát triển mạnh lĩnh vực inbound (khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam). Ông Lại Minh Duy, tổng giám đốc TST Tourist cho biết đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mọi dịch vụ đón khách. Hai thị trường khách mà TST Tourist nhắm tới trước nhất là Ấn Độ và Dubai.
Theo ông Trương Hoàng, phó phòng inbound trung tâm Dịch vụ lữ hành Bến Thành Tourist, những thị trường khách tiềm năng là Mỹ, Ý, Ấn Độ, Trung Đông. Khách hàng Mỹ quan tâm đến du lịch sinh thái, văn hoá và thăm lại chiến trường xưa. Du khách Ý, Ấn Độ, Trung Đông sẽ là những khách chi tiêu cao, mang lại nguồn thu tốt cho du lịch Việt Nam nếu xúc tiến quảng bá tốt và chuẩn bị dịch vụ cao cấp chu đáo.
Đến gian hàng của tỉnh Vĩnh Long, bà Dedbie Schuler, phụ trách điều hành dịch vụ du lịch của D&M Associares (Mỹ) cho biết đã có nhiều người Mỹ đi về đồng bằng sông Cửu Long và rất thích vùng này, họ thông tin với nhau tạo nên nhu cầu du khách Mỹ về du lịch sinh thái sông nước miệt vườn ở miền Nam Việt Nam. Bà tỏ ý mong muốn Vĩnh Long tổ chức cho các hãng lữ hành ở Mỹ khảo sát các điểm và bà tin sẽ thu hút khách.
Về thị trường khách Ấn Độ, ông Nguyễn Văn Tuấn, tổng cục trưởng tổng cục Du lịch nhận định Ấn Độ đang thực sự là nguồn khách quan trọng. Theo bộ Du lịch Ấn Độ, lượng khách Ấn Độ đi du lịch nước ngoài từ 4,4 triệu người trong năm 2000 đã tăng lên 14,9 triệu người trong năm 2012, con số này có thể đạt 50 triệu người vào năm 2020. Nhận thức được tiềm năng của thị trường khách Ấn Độ, năm 2012, Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN trong đó có Việt Nam và bộ Du lịch Ấn Độ đã ký thoả thuận hợp tác du lịch ASEAN – Ấn Độ. Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới có Thái Lan và Malaysia thu hút đông khách Ấn Độ vì có chiến lược tốt đối với thị trường này. Sau hội chợ lần này, tổng cục Du lịch Việt Nam quyết tâm thúc đẩy thị trường khách Ấn Độ, sẽ tổ chức cho các hãng lữ hành và báo chí Ấn Độ sang Việt Nam khảo sát các tuyến điểm. Một hãng phim Ấn Độ cũng đã gợi ý sẽ lấy Việt Nam làm bối cảnh cho bộ phim của họ cũng là cách họ muốn giới thiệu về Việt Nam đến du khách Ấn Độ.
Năm quốc gia – một điểm đến: triển khai tốt sẽ tạo nhiều cơ hội
Có thể nói đến lần tổ chức thứ 9, hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM được đánh giá cao ở ý tưởng kết nối các điểm đến trong khu vực tiểu vùng sông Mekong. Từ “Ba quốc gia – một điểm đến” gồm Việt Nam, Lào, Campuchia vào năm 2011, đến năm 2012 có thêm sự tham gia của Myanmar, đến năm 2013 có thêm Thái Lan nữa để hình thành liên kết “Năm quốc gia – một điểm đến”. Sự liên kết này của các bộ du lịch đã giúp các hãng lữ hành, các dịch vụ hàng không, khách sạn, mua sắm, vận chuyển... trong năm nước có thể liên kết thuận lợi khi các cơ chế ngày càng thông thoáng hơn.
Bộ du lịch của năm nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan đang xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch chung “Năm quốc gia – một điểm đến” thu hút khách các châu lục, nhất là những thị trường khách du lịch chi tiêu cao, thông qua việc xây dựng website du lịch, đề xuất logo và slogan chung. Những hoạt động giới thiệu điểm đến chung cũng đang được xúc tiến, trước tiên vào tháng 9.2013, Việt Nam và Campuchia sẽ đón đoàn khảo sát từ Ấn Độ. Các bộ trưởng đã nhất trí xây dựng hành lang du lịch mới giữa năm nước: Bagan – Chiang Mai – Luang Prabang – Viêng Chăn – Siem Reap – Đà Nẵng – Huế. Lãnh đạo các thành phố TP.HCM, Phnôm Pênh, Viêng Chăn, Yangon, Bangkok thống nhất năm thành phố sẽ phối hợp nhau tổ chức xúc tiến thị trường khách du lịch Nhật Bản tại thành phố Tokyo vào tháng 4.2014.
Giới báo chí và các hãng lữ hành nước ngoài cho rằng nếu chương trình “Năm quốc gia – một điểm đến” được năm nước triển khai tốt thì không chỉ các doanh nghiệp dịch vụ du lịch trong năm nước này tận dụng tốt mang lại nhiều cơ hội, mà các hãng lữ hành, hàng không nước ngoài cũng sẽ quan tâm đầu tư đưa khách vào điểm đến chung này. Các hãng lữ hành nước ngoài quan tâm nhiều về việc đi lại thuận lợi giữa năm nước.
Hiệp hội Lữ hành Đức, các công ty lữ hành và báo giới từ Trung Đông tham khảo nhiều tour kết nối giữa năm nước và đề nghị năm nước cùng tổ chức quảng bá du lịch tại châu Âu và Trung Đông.
Các hãng hàng không trong nước và nước ngoài đều bám sát các chương trình xúc tiến du lịch “Năm quốc gia – một điểm đến”. Ngay tại hội chợ, Vietnam Airlines, Philippines Airlines, Thai Airways đều giới thiệu những chương trình mở thêm tuyến bay mới, những dịch vụ cộng thêm, những chương trình giá tốt để các hãng lữ hành cùng liên kết, cũng như giới thiệu trực tiếp cho du khách muốn đi đến nội vùng năm quốc gia Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan.
Các Ngọc
Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM lần thứ 9 (ITE HCMC 2013) là sự kiện du lịch cấp quốc gia do bộ Văn hoá, thể thao và du lịch cùng UBND TP.HCM chỉ đạo sở Văn hoá, thể thao và du lịch TP.HCM phối hợp với tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức. Hội chợ diễn ra từ ngày 12 – 14.9.2013 tại trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC, Phú Mỹ Hưng, quận 7). Hội chợ thu hút hơn 300 đơn vị tham gia đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng 21 tỉnh thành trong cả nước. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét