Chuyện kinh doanh
Mở quán khởi nghiệp
SGTT.VN - Chủ quán là những người rất trẻ mà đa số là sinh viên, có người trong số họ còn đang trên ghế nhà trường. Họ chọn mô hình kinh doanh quán càphê làm nơi khởi nghiệp, bằng những cái nhìn mới năng động, trẻ trung, sáng tạo.
Chơi nhạc tại Giờ Dây Thun. |
Ưu thế về thiết kế đã giúp cho các sinh viên kiến trúc có lợi thế hơn khi kinh doanh mô hình này.
Sáng tạo
Bạn Hoàng – chủ quán càphê Giờ Dây Thun, cựu sinh viên kiến trúc nhẩm tính “cà phê Hoang, càphê Maliken, Cây Dầu, Xưởng, The Journey, Bệt, Ngôi nhà số 7… theo tôi biết ít nhất có tới chục quán do sinh viên kiến trúc làm chủ…” Họ có thể dùng những vật liệu rẻ tiền, thậm chí bỏ đi để tạo nên những không gian quán đầy cá tính với chi phí thấp.
Ở những quán càphê do sinh viên làm chủ này, cái tôi được thể hiện rất rõ. Hồn quán được thể hiện theo sự chắt lọc, chọn lựa của từng chủ quán. “Những người đi uống càphê bây giờ đa số muốn thưởng thức, thích nghệ thuật, thích cái mới lạ. Bohemien, là phong cách mà tôi muốn thể hiện, phong cách đại diện cho những “típ” người có quan điểm sống tự do, phóng khoáng”, Hoàng tâm sự. Ấn tượng nhất tại đây có lẽ là sự tìm kiếm, sưu tầm các vật dụng trang trí, decor nội thất, hoạ tiết. Từ các loại “rác” được chắt lọc lại như thùng phuy, két nước, vỏ chai, yên xe, lõi giấy, xơ mướp... đến những đồ vật đời thường nhất, vật tái chế, đã qua sử dụng, bỏ đi... Thậm chí những nhánh cây khô được lượm ven đường rồi “phù phép”, sáng tạo, sắp xếp lại thành những góc, mảng, biến rác thành bàn, thành ghế, thành đèn, vật trang trí xinh xắn, đắt giá. Nghệ thuật cộng thêm chút nổi loạn đã tái hiện Giờ Dây Thun thành “túp lều” tạm bợ của dân du mục, đúng chất Bohemian.
Trương Đức Luy – chủ quán Hoang chia sẻ: “Với tôi Hoang như một ngôi nhà đồng quê châu Âu bị bỏ hoang. Để làm đậm chất “hoang” cho quán, tôi đã cất công tìm kiếm những vật dụng thô sơ, cũ kỹ như gỗ ốp tường, vải, đá, những chiếc ghế gỗ, những khung cửa sổ…”. Những mảng dây thừng, bao bố, những khung ảnh đen trắng... tưởng như rối rắm, nhếch nhác nhưng được bố trí khéo léo làm nên một không gian rất riêng.
Luy cho biết về cách làm quán Hoang của mình: “Do quán tự thiết kế và nhờ một số bạn bè hỗ trợ thi công nên vốn đầu tư chỉ trên 100 triệu nhưng ai nhìn vào cũng tưởng từ 500 triệu trở lên. Có thể do quán có phong cách lạ nên khách đông, một phần khách biết đến quán qua những trang mạng xã hội, bạn bè truyền miệng...”
Tạo những nét riêng
Nhiều sinh viên không phải là dân kiến trúc cũng đã thể hiện được cái “tôi” của mình bằng cách tự thiết kế quán. “Móm và Bắp là tất cả tâm huyết của tôi. Tất cả những gì có thể làm là để đem đến cái riêng, hoàn toàn mới, cái mà những quán khác không có thì ở đây có”, Linh – chủ quán chia sẻ. Có thể thấy trang trí ở đây hoàn toàn từ hạt bắp. “Hơn nữa, thực đơn ở quán có nhiều món ăn vặt từ bắp như bánh plan bắp, bánh bắp chiên tôm, ram bắp, bắp xào, chè bắp, sữa bắp…”, Linh cho biết thêm.
Từ một nhóm bạn tham gia những khoá học Business Club, Duy Anh, cùng với nhóm bạn đã khai sinh càphê Cashflow. “Lúc đó tôi vẫn đang là sinh viên năm cuối nên ra mở quán run tay lắm”, Duy Anh cười bảo vậy. Khác biệt của quán là có những loại game phù hợp cho nhóm bạn giải trí. Trong đó, có một loại game Cashflow – game giáo dục về tài chính và đầu tư nổi tiếng trên thế giới, thông qua cách chơi game, người chơi biết cách dùng đồng tiền có được, tìm kiếm các cơ hội đầu tư cũng như kinh doanh để mang lại nhiều lợi ích nhất. Đây cũng là game chính của quán. “Chọn mô hình này vì chúng tôi nghĩ sẽ mang đến một phong cách lạ, thu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ”, một thành viên khác của nhóm góp chuyện. Có 60 – 70% khách đến đây vì hoạt động của quán.
Và dù thành công hay thất bại, việc kinh doanh cũng đã giúp cho các bạn sinh viên có được một hành trang kinh nghiệm vững vàng khi bước vào đời.
bài và ảnh: Ngọc Hoài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét