Giấy không hại mắt
Nhà cung cấp sách đi trước một bước
SGTT.VN - Trên thị trường tập vở học sinh, người dùng không thể tìm thấy loại giấy ít trắng phù hợp, trước thông tin giấy quá trắng gây hại mắt. Trong khi đó, đã có sự chuyển hướng sang dùng giấy ít trắng hơn ở thị trường sách từ vài năm nay. Các nhà cung cấp tập vở cũng hứa hẹn sẽ có giấy ít trắng từ năm tới.
Trên hệ thống của Fahasa, tập vở học sinh hầu hết là do Fahasa sản xuất. Với khổ thông thường người tiêu dùng chỉ có thể lựa chọn về mẫu mã bìa, số trang, cách kẻ ô li giấy chứ không thể có lựa chọn về độ trắng.
Tập vở: chờ áp lực từ người dùng
Các nhà sách Nhân Văn, Nguyễn Văn Cừ cũng vậy, sản phẩm của Vĩnh Tiến, Thuận Tiến, Tân Thuận Tiến đều trắng toát như nhau. Tập vở hiệu Enlivo do Thiên Long sản xuất cũng trắng tinh.
Người dùng không phân biệt được giấy thế nào là quá trắng (ảnh minh họa). Ảnh: internet |
Tìm hiểu vài phụ huynh có con đang tuổi đến trường hiện sống ở Nhật thì ở đấy, tập học sinh luôn có màu trắng ngà. Tập học sinh Campus của Nhật khi vào Việt Nam đã “nhập gia tuỳ tục” khi phía sau bìa bốn có dòng chữ: Sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam.
Ông Trần Tấn Dũng, giám đốc công ty cổ phần In Khuyến học phía Nam nhận xét, tâm lý chuộng giấy trắng xuất phát từ một thời gian dùng loại tập vở kém phẩm chất trong những năm đất nước còn khó khăn, nên hễ thấy trắng là xịn là mới, còn vàng là cũ là kém chất lượng. Do đó người tiêu dùng còn chuộng giấy trắng thì nhà sản xuất giấy còn bơm huỳnh quang cho tăng trắng để bán được hàng. Như một cái vòng luẩn quẩn, đến khi giật mình vì loá mắt, người tiêu dùng muốn quay lại tìm những sản phẩm dễ chịu cho mắt thì tìm đỏ mắt cũng không ra.
Cũng theo ông Dũng, thực ra nhà sản xuất nguyên liệu giấy lẫn đơn vị kinh doanh tập vở có thể biết được chuyện này nhưng vẫn chiều theo thị trường để trước hết, an toàn trong kinh doanh. Do đó, đã đến lúc gióng lên một hồi chuông, từ nhiều phía để thay đổi dần quan niệm cũ của người tiêu dùng về chất lượng giấy cũng như, doanh nghiệp cũng cần nhận thấy trách nhiệm xã hội của mình để dần dần, một thế hệ học sinh mới được thụ hưởng những sản phẩm an toàn cho sức khoẻ.
Cô Phạm Thị Tuyết Nhung, hiệu trưởng trường THCS Lê Anh Xuân, Tân Phú cho biết, hiện chưa có thông tin văn bản chính thức nào của cấp trên hay của các viện nghiên cứu chính quy nào để thông tin cho giáo viên và học sinh biết nên chọn loại tập vở thế nào để không hại mắt. Nghiên cứu ảnh hưởng độ trắng của giấy đến thị lực các em là một nghiên cứu rất cần thiết, vì hiện nay, do nhiều nguyên nhân, học sinh bị cận thị quá nhiều. Nếu loại trừ được nguy cơ nào thì nhà trường nhất định sẽ thay đổi để tránh ảnh hưởng xấu đến các em.
Trả lời cho Sài Gòn Tiếp Thị về kế hoạch tổ chức sản xuất tập vở học sinh sắp tới, bà Phạm Thị Hoá, trưởng phòng kinh doanh nội địa của Fahasa cho biết nếu người tiêu dùng quan tâm thì năm học sau, họ sẽ sản xuất loại vở giấy ngà để phục vụ. Sở dĩ cho đến nay, Fahasa chỉ sản xuất loại tập giấy trắng vì nhận thấy nhu cầu thị trường chưa có, nguồn cung cấp giấy cũng hạn chế hoặc có thì giá cao.
Sách đi trước một bước
Hiện tượng mỏi mắt do bị loá khi đọc sách với giấy quá trắng là có thật và đã được nhà xuất bản Trẻ lưu ý từ vài năm gần đây. Hiện nay, hầu hết sách của nhà xuất bản Trẻ đều đã được in trên loại giấy màu vàng nhạt, xốp, nhẹ nhập từ nước ngoài. Do giấy xốp nên với cùng số trang, khi in loại giấy book paper của Phần Lan này, cuốn sách trông dày dặn hơn nhưng cầm lên thì rất nhẹ. Một loạt các đơn vị xuất bản khác như Phương Nam, Nhã Nam hay Lệ Chi nếu không sử dụng loại giấy nhập khẩu này thì cũng mạnh dạn chuyển sang dùng các loại giấy ngà của Tân Mai hay Bãi Bằng.
Gọi là mạnh dạn bởi tâm lý chung của nhiều người tiêu dùng, có lẽ còn ám ảnh thời đọc sách trên giấy “đen thui” của những năm 80 thế kỷ trước, nên thấy giấy càng trắng càng thích. In sách với giấy vàng dễ gây cảm giác cũ có khi lại khó bán.
Theo ông Trần Tấn Dũng, khởi đầu cho xu hướng in sách giấy vàng ngà là từ các loại sách Phật giáo cách đây vài năm, khi các thầy tổ chức sản xuất, chọn loại giấy vàng theo phong cách các cuốn sách Phật giáo của Đài Loan. Ông Dũng khẳng định, giấy kem Tân Mai hay Bãi Bằng chất lượng khá tốt, giá thành lại rẻ hơn các loại giấy nhập khác. Điều duy nhất khiến các đơn vị xuất bản lấn cấn là trọng lượng giấy còn nặng.
Ghi nhận riêng ở lĩnh vực xuất bản sách, chất lượng in ấn sản phẩm đang đi theo chiều hướng khá sáng sủa. Xu hướng này là một tín hiệu vui cho người yêu sách lẫn các nhà sản xuất giấy trong nước.
Gia Hoà
Tập ít trắng vẫn quá trắng Về độ trắng của tập học sinh và ảnh hưởng của nó đến thị lực của người sử dụng, hiện chưa có một nghiên cứu khoa học của các viện nghiên cứu chính quy của Nhà nước công bố. Riêng tập khổ 17,5 x 25,5cm loại 160 trang dành cho sinh viên, nhìn bằng mắt thường là nhận thấy ngay sự kém trắng so với các sản phẩm khác, Hồng Hà và Fahasa có ghi thông tin độ trắng là 82% ISO kèm ghi chú “Giấy có độ trắng tự nhiên – không hại mắt”. Tuy nhiên, nhà xuất bản Giáo Dục cùng với các bác sĩ của học viện Quân y đã có một nghiên cứu nhỏ trên 102 em học sinh tiểu học , theo đó “sự thay đổi của kích thước đồng tử trước và sau khi đọc hết hai trang giấy ở mẫu giấy có độ trắng 82 – 84% ISO là lớn nhất và ở mẫu giấy có độ trắng 73 – 75% ISO là thấp nhất”. Như vậy, dù là sản phẩm “đỡ trắng” nhất và được tuyên bố là “Giấy có độ trắng tự nhiên – không hại mắt” nhưng nếu dựa theo nghiên cứu trên thì độ trắng loại tập này vẫn còn nằm ở mức cao. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét