Đời lân sư rồng trên bến Bình Đông
SGTT.VN - Nằm bên cạnh Chợ Lớn, trung tâm của nghệ thuật lân sư rồng của Sài Gòn, nhưng các đoàn lân trên bến Bình Đông, quận 8 lại có tuổi đời khá non trẻ – dưới 15 năm. Từ khi có mấy đội lân sư rồng hoạt động, trước mỗi dịp Trung thu, tết nhất, lễ lạc truyền thống, người dân ở bến Bình Đông có thói quen kéo nhau ra chân cầu Chà Và, đường Nguyễn Văn Của... coi bọn trẻ kỳ công tập luyện. Nhưng ít ai biết rằng, phía sau những màn công phu đem lại tinh thần hoan hỉ, là những cảnh đời bất hạnh!
Bài 1: Đoàn lân cơ nhỡ
Một cảnh luyện tập của đội lân Long Nhi Đường tại chân cầu Chà Và vào đêm 10.9.2013 chuẩn bị cho mùa diễn Trung thu. |
Cơn mưa đầu hôm vừa tạnh. Phố sá dịu hẳn. Nhưng con hẻm hẹp bên cạnh đình Vĩnh Hội, quận 8 vẫn nhếch nhác, ẩm thấp. Người ta thấy từ con hẻm đó, túa ra một nhóm hơn chục đứa trẻ lóc nhóc, đứa khệ nệ khiêng trống lân, đứa xách chũm choẹ, đứa vác đầu lân nói cười đùa giỡn, cắt qua dòng người xe nườm nượp đi về phía chân cầu Chà Và, trước toà nhà Prudential. Một lúc sau, tiếng trống rộn ràng vang lên cả góc phố, nhiều người dân chung quanh kéo đến, người đi đường hiếu kỳ dừng lại xem.
Rồng nhỏ dưới chân cầu
Thành lập gần bốn năm nay, chân cầu Chà Và là nơi luyện tập của Long Nhi Đường – đội lân có tuổi đời trẻ nhất ở khu vực bến Bình Đông, phường 13, quận 8. Phải nói rằng, so với quy mô của hai đoàn lân khác cùng địa bàn, là Tinh Võ (thành lập từ 2000) và Chánh Đại (thành lập 2001), thì Long Nhi Đường kém xa về số thành viên cũng như đồ nghề, nhưng có thể tìm thấy ở đoàn lân này một sự cộng hưởng cao của lòng nhiệt tình, say mê và quyết tâm ở những đứa trẻ từ 10 – 19 tuổi.
Tranh thủ khoảng thời gian rảnh giữa lúc huấn luyện động tác cho con lân hung hăng trên sân, Trác Gia Hưng, trưởng nhóm, vừa nói với tôi về “lý lịch” kỳ lạ của Long Nhi Đường. Theo đó, Hưng trước đây theo học ở đoàn lân sư rồng Tinh Võ được một năm. Vào dịp tết nhất, được theo thầy đi biểu diễn một số nơi, gặp những bạn trẻ bụi đời cơ nhỡ mê lân, chàng trai 20 tuổi đã nung nấu ước mơ quy tụ họ lại và lập ra đoàn lân riêng.
Cha mất sớm, học tới lớp 4 phải nghỉ học để đi bưng hủ tíu phụ mẹ kiếm sống, nên Hưng tìm thấy sự đồng cảm với những người chung cảnh ngộ. Với chút kinh nghiệm về lân, anh đã cùng với một người bạn thân của mình là Nguyễn Minh Quân (quận 8, sinh viên năm nhất trường đại học Nguyễn Tất Thành, nhà ở đường Bình Hưng) tổ chức quy tụ một nhóm chừng gần mười trẻ lang thang bụi đời. Ban đầu, mỗi thành viên góp quỹ 3.000 đồng/ngày, sau một tháng, thì đủ tiền mua nguyên liệu làm đầu lân, rồi lên mạng rao bán. May sao cũng có nhiều người hỏi mua và kiếm được đồng lời. Hầu bao vốn của nhóm dần dần nở ra, số thành viên cũng dần dần tăng lên và trong năm đầu, nhóm đã làm được bốn chiếc đầu lân đi múa dạo ở các cơ sở SOS, chùa chiền, trường học, phường nghèo...
Nhìn thấy đám trẻ chí thú với nghề lân, tránh được tệ nạn, nhiều người cũng thương tình, rộng tay giúp đỡ. Hưng nói: “Tụi em chủ động đi liên lạc với các mạnh thường quân để trình bày hoàn cảnh của anh em trong nhóm và nhận được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp như Ba Huân, khách sạn Thanh Loan (quốc lộ 51) về tiền bạc, hay quản lý toà nhà Prudential (quận 8) cho sử dụng mặt tiền để tập luyện, phường hỗ trợ cho kho giữ đồ, chỗ ở cho một số thành viên không có nhà cửa”.
Múa lân để quên nghịch cảnh
Với số vốn tự gầy dựng, tích luỹ cộng với khoản hỗ trợ của các mạnh thường quân, đoàn lân Long Nhi Đường đã có thể mua thanh lý tám cái trống cũ từ những đoàn lân lớn ở quận 5, dần dần sắm được thêm cái đầu rồng và đang mơ đến một dàn mai hoa thung chuyên nghiệp.
Hỏi, chỉ học ở đoàn Tinh Võ trong một năm, thì sao đủ bản lĩnh để có thể huấn luyện một đội lân “xuất xứ” mỗi thành viên phức tạp như vậy? Hưng đáp: “Tụi em lên mạng nghiên cứu chiêu thức, rồi đi học hỏi ở các đoàn lân khác về cách nhảy. Còn việc tập hợp các em vào trong một tập thể đúng là rất khó, vì có em hay ăn cắp vặt, có em thích gây gổ, đánh đấm, có em ưa hút thuốc, chửi tục... Nhưng vì mình đối xử với họ như những người anh trong một gia đình, nên nhờ đó mà cảm hoá họ, bù đắp những thiếu thốn tình cảm gia đình nơi họ, nên họ gắn bó với đoàn và nghe theo”.
Thoạt nghe lối đánh lò xã ăn nhịp với tiếng chũm choẹ, tiếng thúc trống sảng khoái, nao nức, hoan hỷ, ít ai nghĩ rằng, mỗi đứa có một vết thương trong cuộc đời. Như trường hợp của Quốc Nam (nhà quận 5). 19 tuổi, nhưng chàng thanh niên này có bộ dạng như một đứa bé chậm lớn, có lẽ cũng do những chấn thương lớn đã qua. Ba mẹ lần lượt qua đời sớm do AIDS, Nam lớn lên với bà ngoại, phải đi kiếm việc làm mướn, ai sai gì làm đó kiếm sống lây lất qua ngày. Giọng thiệt thà, đôi mắt ngờ nghệch, Nam nói: “Ở đoàn lân có nhiều bạn bè, đỡ buồn. Tiền bạc thì kiếm được nhiêu hay đó”. Nhiều người kể, Nam thấy ngây ngô vậy, nhưng rất có tình. Làm thuê làm mướn vậy chứ nhịn ăn, dồn được dăm ba chục ngàn là ghé tiệm mua cái bánh ngon, đạp xe mang về quận 5 cho bà ngoại.
Trong đoàn lân Long Nhi Đường, cứ năm thành viên nhỏ tuổi thì có đến ba em bỏ học sớm do hoàn cảnh gia đình khó khăn; có 20 thành viên thì đến 15 em thuộc thành phần bụi đời, lang thang cơ nhỡ. Một số em ngày bán vé số, phụ sửa xe máy kiếm sống, đêm lem luốc đến tụ tập học đánh trống, đánh chũm choẹ, lò xã... trước là vì mê lân, sau là để có thêm cái nghề vì tin rằng, diễn tử tế, người ta kêu diễn thì sẽ có thêm thu nhập. Có em kiếm sống bằng nghề lân từ sớm, như Phạm Minh Khang (10 tuổi) là thành viên nhỏ nhất, thì đã có ba năm giữ chân đánh xập xã ở trong đoàn lân Tinh Nghĩa ở quận 5. Cái hay là trong môi trường đoàn lân này, những em còn đi học, như Minh Quân (phó nhóm, sinh viên) hay Ngô Chí Quang (lớp 8, trường Tùng Thiện Vương)... đều nói với tôi rằng, các em coi những bạn kém may mắn khác như anh em trong một nhà, có trách nhiệm giúp đỡ, lôi kéo để có đời sống tốt hơn.
Buổi tập luyện thường kéo dài từ bảy đến chín rưỡi đêm. Kết thúc, đám trẻ đứa nào cũng mướt mồ hôi. Có người xem thấy thương cái công tập luyện khổ sở, lì xì tiền uống nước. Nhưng đáng mừng hơn, như đêm nay, trưởng đoàn khoe với tôi rằng, có hai người khách đến xin số điện thoại để liên lạc, hy vọng sẽ có thêm hợp đồng. “So với hai đoàn lân lớn trong địa bàn là Tinh Nghệ và Chánh Đại, tụi em không chuyên nghiệp bằng, nên khó để cạnh tranh lắm. Mình chỉ biết lấy hết sức lực ra để tập luyện phục vụ người xem có nhu cầu, giá cả người ta hợp đồng chín mười triệu, mình chỉ lấy một, hai triệu, biểu diễn loanh quanh đây để đủ chi phí duy trì, làm môi trường lành mạnh cho các bạn vừa có việc kiếm thêm, vừa bớt sa vào tệ nạn, là đạt được mục đích rồi” – Gia Hưng nói.
bài và ảnh: Nguyễn Vinh
Kỳ sau: Từ cảm hoá đến dòng chảy đam mê.
“Đại bản doanh” Theo chân Minh Quân, tôi về căn phòng kho cất giữ đồ đạc nằm trong một con hẻm chật chội, ồn ào, ẩm thấp bên hông đình Vĩnh Hội. Căn phòng chừng 15m2 được cải tạo từ hai nhà tiêu cho khu dân cư lao động chật chội trước đây, nền ximăng luôn bốc khí ẩm, tường tô trét nham nhở, cửa đóng tạm bợ bằng một miếng tôn gỉ sét nhưng trống, đầu lân, đầu rồng, và các phụ tùng lỉnh kỉnh được kê thật gọn gàng, kỹ lưỡng. Đây cũng là nơi mà Hùng, Nam, Tùng, Tuấn, Linh, Lộc và những thành viên khác trong đoàn không có nhà cửa có thể trải chiếu tá túc, trông coi đồ đạc. Trác Gia Hưng nói: “Đây là đại bản doanh Long Nhi Đường của tụi em”, rồi chỉ tôi xem “Bản nội quy đoàn nghệ thuật lân sư rồng Long Nhi Đường” được đánh máy, ép plastic dán trên tường. Nội dung như sau: “1/ Không đánh nhau; 2/ Không chửi tục; 3/ Không gây ồn ào mất trật tự; 4/ Không hút thuốc; 5/ Không trộm cắp; 6/ Giữ gìn vệ sinh chung; 7/ Ăn mặt (mặc – NV) sạch sẻ, nghiêm chỉnh; 8/ Giữ hoà khí anh em; 9/ Giữ gìn tài sản chung; 10/ Khi đi diễn và đi tập phải đúng giờ. Yêu cầu tất cả các anh em thực hiện đúng bản nội quy này. Nếu ai vi phạm thì sẽ bị xử theo hình phạt tiền hoặc sa thải”. Bản nội quy được soạn từ ngày 5.7.2013. “Từ đó đến nay chưa có ai vi phạm”, một thành viên nói. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét