Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Ý thức

Ý thức

Chuyện đêm nay


Ý thức


SGTT.VN - Đình đám nhất là chuyện cuốn sách của cô gái mang tên Huyền Chíp, người tán dương có nhưng cũng không thiếu người phản ứng bởi cho rằng, cuốn sách này tuyên truyền cách sống thiếu ý thức như vượt biên, đi làm lậu. Có vẻ như ý thức đang là “ông kẹ” của không ít dân Việt.










Có vẻ như ngoài lời tung hô, những vòng hoa, các cầu thủ U19 cần được rèn thêm về ý thức ngay từ bây giờ. Ảnh: VSI



Thời ông Karl-Heinz Weigang đến làm huấn luyện viên ngoại đầu tiên cho bóng đá Việt Nam, ông đến khốn khổ với việc làm sao để các cầu thủ của mình sinh hoạt theo chuẩn mực chung. Mặc cho các khách sạn 5 sao ở nước ngoài ngăn cấm chuyện nấu ăn, giặt giũ phơi phóng trong phòng. Các cầu thủ của ta cứ thế mà giặt, phơi, nấu đồ ăn rồi tụ tập trong phòng để ăn cùng. Thậm chí còn có màn giỡn hớt như xé hết bao mì gói mà cầu thủ Trần Công Minh để trong va li, sau đó đổ nước sôi rồi kéo dây kéo lại khiến người dọn phòng một phen khốn đốn. Chuyện ấy được lý giải bởi, thời ấy ta còn khổ, đi nước ngoài ít nên chưa quen với các thông lệ.


Nhưng đến tận thời ông Calisto làm huấn luyện viên trưởng cho đội tuyển Việt Nam, chuyện ý thức vẫn là một vấn đề. Nhìn các cầu thủ chuyển nhượng với giá vài tỉ đồng nhưng mặc đồ vẫn không theo khuôn phép nào dự các lễ lạt, ông Calisto ngứa mắt không chịu đựng được. Ông Calisto tập trung cả đội lại và lên hẳn một buổi giảng về chuyện mặc đồ nào ở nơi nào là phù hợp. Ông chỉ cách thắt caravat cho từng cầu thủ, ông bắt buộc không được đi giày tây, mặc vest mà mang vớ trắng thể thao. Ông đề nghị, từ nay mặc vest khi cả đội di chuyển ra nước ngoài, đến các lễ mừng công. Ông nói thẳng, đó là cách tôn trọng chính đội tuyển mà mình đang đại diện một cách có ý thức nhất.


Thật ra chuyện ý thức của cầu thủ không chỉ cần thiết điều chỉnh ở cách sinh hoạt mà ngay cả trong sân bóng, cách thi đấu. Trường hợp rõ rệt nhất mới đây khá đau là Công Vinh nhận thẻ đỏ ra sân ở Nhật. Sau bao chờ đợi, mãi đến lúc đội bóng của Vinh – tiền đạo người chấn thương, người bị thẻ phạt không thể ra sân – Vinh mới có cơ hội xuất hiện trên sân. Nhưng hỡi ơi, sau khi ghi được bàn thắng, Vinh đã ăn mừng bằng cách cởi phăng áo dù biết rằng sẽ phải nhận thẻ vàng cho hành vi này. Đến phút 36, sau một pha va chạm, Vinh lại bị phạt tiếp thẻ vàng nữa thành một thẻ đỏ khiến cả đội phải chật vật thi đấu với 10 người ở những phút sau đó.


Thật ra khó trách Vinh lắm, bởi ở Việt Nam Vinh không ít lần cởi áo bất chấp phải nhận thẻ vàng, như trận Vinh tái xuất cùng đội Sông Lam mùa này chẳng hạn. Nhưng, khác nhau ở chỗ, ở các nền bóng đá tiên tiến, cầu thủ ý thức mình vì đồng đội nên không dám mạo hiểm, trọng tài cũng cứ theo luật mà làm. Còn ở Việt Nam, các cầu thủ ỷ lại rằng, sau khi đã nhận một thẻ vàng, các trọng tài thường nương tay vì các áp lực “trận đấu phải về đích an toàn” hay cẩn thận kẻo “vỡ trận”. Chính các trọng tài như Võ Quang Vinh hay Dương Mạnh Hùng trước đây đều thừa nhận chuyện đương nhiên phải nương tay này. Chính điều này khiến ý thức tôn trọng luật của cầu thủ Việt Nam ít hơn so với các cầu thủ nước ngoài.


Hôm nọ, nghe bầu Đức nói về chuyện ưu tiên hàng đầu mà ông dành cho các cầu thủ của mình là phải thành người tử tế thông qua chuyện học hành. Thậm chí, ông còn cho biết, cầu thủ của ông có thể nói, hiểu cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, không ít người tin rằng từ nay chuyện ý thức chắc chắn sẽ được cải thiện. Nhưng hôm rồi, nghe tin đội U19 Việt Nam thay vì đăng ký lịch tập với ban tổ chức đã ra thảm cỏ trước đền thờ Hồi giáo ở Malaysia tập luyện. Cảnh sát đến nhắc nhở, các thầy và trò lui vào trong đợi cảnh sát đi rồi lại ra tập luyện tiếp. Để rồi cảnh sát lại phải quay lại và nhắc nhở nghiêm khắc hơn mọi thứ mới dừng lại.


Nghe mà thấy buồn bởi hoá ra, chuyện có ý thức sẽ phải bắt đầu từ “người lớn” mà điều ấy có vẻ hơi phiêu.


Ngẫm mà rầu.


Tất Đạt






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ