Vỡ quỹ tín dụng nhân dân ở Hậu Giang
SGTT.VN - Rất đông khách hàng gởi tiền đã tập trung tại Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Hậu Giang (TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) để yêu cầu được trả lại tiền mà không cần tính lãi. Trước đó, hầu hết khách hàng gởi tiền dù đã tới hạn được lãnh đạo quỹ ký giấy hẹn trả nợ, nhưng mỗi lần tới hẹn lại là một lần tới để chuốc lấy bực bội và ra về tay không...
Người gởi tiền lo mất vốn
Từ cuối tháng 9 tới nay, ngày nào cũng có rất nhiều người tập trung tại QTDND Hậu Giang để đòi tiền tiết kiệm. Ông Dũng, một khách hàng gởi tiền tại đây, bức xúc: “Tui gởi 110 triệu đồng đã tới hạn từ ngày 25.9, từ đó tới nay ngày nào tui cũng tới đây đợi chờ, nhưng họ cứ hẹn hoài hết lần này tới lần khác mà không trả một đồng nào”.
Người dân kéo đến Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang rút tiền nhưng không có. Ảnh: CAND |
Theo ông Dũng, có rất nhiều cán bộ, công chức nhà nước hiện là “chủ nợ” của quỹ tín dụng này, nhưng họ ngại không ra mặt và công khai lên tiếng. Chỉ có người dân thường ai cũng nóng ruột, vì số tiền gởi này là cả sự sống của họ cùng gia đình. Với nhiều người, đó là toàn bộ tiền bồi hoàn đất đai sau một vài lần bị giải toả, thu hồi đất. Nay họ trở thành những nông dân không ruộng đất mà số tiền kia lại còn bị tước mất thì không biết viễn cảnh tương lai sẽ ra sao. Còn kẹt 200 triệu đồng tiền gởi tại QTDND Hậu Giang, bà Nguyễn Thị Trúc (phường 2, thành phố Vị Thanh) không giấu được sự giận dữ: “Hình như họ cố tình ăn giựt trọn gói của dân, nếu không trả hết vốn cũng phải trả tiền lời định kỳ cho người ta chứ!”
QTDND Hậu Giang thành lập vào năm 2008 với số vốn điều lệ hơn 14,3 tỉ đồng. Đến thời điểm 30.9.2013 – tức ngày có đông khách hàng gởi tiền tập trung tại các bàn giao dịch của đơn vị này đòi rút lại tiền đã gởi, có trên 300 khách hàng đang gởi tiền tại đây với tổng nguồn huy động ghi nhận được khoảng 33 tỉ đồng. Trong số này, khách hàng có số tiền gởi trên 100 triệu đồng chiếm hơn 10%, 60% khách hàng có bảo hiểm tiền gởi. QTDND Hậu Giang mất khả năng chi trả, UBND tỉnh đã phải đề xuất ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ vốn khẩn cấp để chi trả dần cho người gởi, giảm tình trạng người gởi tiền vây điểm giao dịch đòi rút lại tiền.
Cam kết số tiền người dân gởi tại quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang sẽ không mất, giám đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hậu Giang, ông Trần Quốc Hà, cho biết: “Trước mắt, ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cho vay khẩn cấp 10 tỉ đồng để ưu tiên chi trả cho người có tiền gởi đã tới hạn và cần vốn thật sự”. Theo cam kết, trong tình huống cần thiết, ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam sẽ tiếp tục cho QTDND Hậu Giang vay thêm 10 tỉ đồng (có tài sản đảm bảo) để tiếp tục giải quyết những nhu cầu rút tiền tiếp theo nếu cần. Theo ông Hà, những khách hàng đã gởi từ 50 triệu đồng trở xuống nên tiếp tục gởi lại tiền ở đây kể cả trường hợp tiền gởi đã tới hạn. Với đảm bảo từ bảo hiểm tiền gởi, số tiền này hoàn toàn không thể mất kể cả khi QTDND Hậu Giang buộc phải phá sản.
Kim ra khỏi bọc!
Theo ông Trần Quốc Hà, giám đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hậu Giang, doanh số cho vay tại QTDND Hậu Giang tính tới thời điểm bùng phát vụ việc (30.9) đã hơn 49,3 tỉ đồng, phần lớn được cho vay đầu tư vào các lĩnh vực: bất động sản, nuôi cá tra… tới thời điểm này nợ đọng vẫn không thu hồi được, trong khi nhiều hợp đồng tiền gởi tới hạn không có nguồn chi trả. Tuy nhiên, điều khiến dư luận xã hội hết sức lưu tâm là dù QTDND Hậu Giang đã bị thanh tra chuyên ngành ngân hàng đưa vào diện phải “giám sát đặc biệt” từ tháng 11.2011, nhưng từ đó đến nay nhiều khoản cho vay của đơn vị này tiếp tục được đánh giá là không minh bạch khiến cho nhiều người gởi tiền lại trở thành nạn nhân.
QTDND Hậu Giang trước đây được đánh giá như một mô hình tín dụng linh hoạt, có thể đáp ứng nhanh nhu cầu vốn của người dân nông thôn, lãi suất tiền gởi luôn cao hơn mức áp dụng tại các ngân hàng thương mại khác ở mọi thời điểm. Nhằm nuôi giữ mô hình này, UBND tỉnh Hậu Giang đã đặt quyết tâm “cố gắng tìm mọi biện pháp tháo gỡ nợ nần trong vụ việc”, như lời của phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Liên Khoa. Nhưng vấn đề còn nằm ở chỗ sau khi giải quyết xong vụ việc, tổ chức này liệu có còn tồn tại và tiếp tục hoạt động được hay không cũng khiến ông Khoa băn khoăn. Đó là chuyện của tương lai, còn trong lúc này, phương án phụ mà ông Trần Quốc Hà, giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hậu Giang đưa ra là: tạo điều kiện cho những trường hợp gởi tiền thế chấp thẻ tiền gởi của mình để tiếp tục vay ở một ngân hàng khác nếu thật sự cần vốn, có vẻ như không khả thi. Bà Lê Thị Đắng, một khách hàng đang gởi 100 triệu đồng tại QTDND Hậu Giang cho rằng: “Tại sao tui từ là chủ nợ lại trở thành con nợ?” Chính vì vậy, nhiều người đã trót gởi tiền vào QTDND Hậu Giang lúc này chỉ muốn rút lại tiền dù biết rút vốn trước hạn sẽ không được tính lãi.
Ngọc Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét