“Dĩ công vi thượng”
SGTT.VN - Một thiên tài quân sự, một nhân cách vĩ đại, một vị Đại tướng của hoà bình, của nhân dân, hết lòng yêu thương cấp dưới đã ra đi. Sự ra đi của Đại tướng gây xúc động lớn trong toàn dân và trên thế giới, chứng tỏ uy tín của Đại tướng trong lòng nhân dân, nhưng cuộc đời ông cũng đầy thăng trầm.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến về thăm Điện Biên, 4.2004. Ảnh: Reuters |
Dù tuổi tác ngày càng cao, sức khoẻ càng yếu nhưng Đại tướng rất quan tâm đến tình hình đất nước, từng đề xuất những góp ý cho cải cách giáo dục, cho văn hoá. Thời bác Giáp làm khoa học kỹ thuật, ông quy tụ được rất nhiều các nhà trí thức, khoa học. Trong báo cáo đầu tiên tại thành phố Nha Trang khi làm phó Thủ tướng phụ trách khoa học và kỹ thuật, ông đã xác định rõ chúng ta phải phát triển ra biển, phải làm kinh tế biển để làm giàu cho Tổ quốc. Không phải ra biển chỉ để đánh bắt cá, mà phải nuôi trồng thuỷ sản, nếu không tài nguyên thiên nhiên sẽ ngày càng cạn kiệt. Ngày đó Đại tướng đã nhìn thấy tầm chiến lược của kinh tế biển khi điều hành kinh tế đất nước.
Về với đời thường, hàng ngày tưới cây, ngồi thiền, rèn luyện thể lực, sống với gia đình, vui với cỏ cây… bác Giáp vẫn giữ mối quan hệ gần gũi với giới trí thức, và được tín nhiệm cao trong giới trí thức bởi bản thân ông là một nhà trí thức uyên thâm nhiều ngành, khoa học, giáo dục, quân sự... Bác Giáp rất tôn trọng nhân tài, có quan hệ thân thiết với GS Trần Đại Nghĩa, GS.BS Tôn Thất Tùng, người đã từng lên Điện Biên Phủ điều trị cho thương bệnh binh…
Là người gần gũi với Đại tướng, tôi hiểu quãng đời mà ông buồn nhất là khi được giao nhiệm vụ phụ trách sinh đẻ có kế hoạch. Đó cũng là một điều buồn trong lịch sử.
Bác Giáp sẵn sàng phục tùng sự phân công của Đảng dù có lúc thấy không phù hợp với sở trường, đó là phẩm chất “dĩ công vi thượng” (đặt sự nghiệp chung lên hàng đầu) mà bác học được trong những đêm ở hang Pắc Bó, nằm ngủ bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đại tá Hoàng Minh Phương, nguyên trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Kim Yến (ghi)
GS Phạm Duy Hiển: Về cuối đời, Đại tướng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề văn hoá giáo dục và đạo đức xã hội. Thấy quá nhiều chuyện bất cập, cụ muốn làm thế nào để kết nối với giới trí thức nói nhiều về chuyện này. Đại tướng đã cùng GS Hoàng Tuỵ, GS Hoàng Xuân Hãn, GS Nguyễn Quang Diệu… có ý kiến về giáo dục, và gửi lên Chính phủ những bức xúc của mình… Hai ba năm gần đây, cụ nằm yên, không nói được nhiều, nhưng đâu đó trong tâm khảm vẫn còn trỗi dậy xung quanh những vấn đề của đất nước. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét