Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Bổ sung nước ngầm để chống lún: nói thì dễ!

Bổ sung nước ngầm để chống lún: nói thì dễ!

Bổ sung nước ngầm để chống lún: nói thì dễ!


SGTT.VN - Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng lún ở một số khu vực thuộc địa bàn TP.HCM đã được các nhà khoa học khẳng định là do khai thác nước ngầm bừa bãi và xây dựng đô thị trên các vùng trũng. Trong đó, cách khắc phục nguyên nhân thứ hai đã được báo Sài Gòn Tiếp Thị đề cập trong bài TP.HCM: Nguyên nhân và giải pháp cho lún (số báo ngày 11.11).










Khắc phục ngập do nền thấp hơn mực nước triều ở một số nơi trong quận Bình Thạnh cần phải đợi đến khi cống ngăn triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè thi công xong. Trong ảnh: triều cường gây ngập trong một con hẻm quận Bình Thạnh, tháng 10.2013. Ảnh: Thanh Hảo



Còn nguyên nhân thứ nhất – tức khai thác nước ngầm bừa bãi – đã có nhà khoa học đưa ra ý kiến nên bổ sung nguồn nước ngầm và tiến tới cấm khai thác nước ngầm.


Giải pháp này tuy được nhiều người ủng hộ nhưng không dễ thực hiện.


Muốn cấm, phải giải quyết ba bất cập trước mắt


Xét ở khía cạnh kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam) cho rằng, để hạn chế tình trạng sụt lún thì cấm khai thác nước ngầm bừa bãi như hiện nay là giải pháp hữu hiệu nhất. Muốn vậy, đơn vị cấp nước của TP.HCM phải giải quyết ít nhất ba bất cập đang tồn tại trong việc sử dụng nước máy.


Trước tiên, phải có hệ thống cung cấp nước máy đến tất cả các địa bàn của TP.HCM. Điều này đang là bài toán khó giải, bởi đến nay còn rất nhiều khu vực chưa có nước máy để sử dụng như huyện Nhà Bè, quận 12... Đặc biệt, theo báo cáo của ban quản lý các khu công nghiệp – khu chế xuất TP.HCM (HEPZA), tình hình khai thác và sử dụng nước ngầm tại các KCX và KCN trên địa bàn TP.HCM đang có xu hướng tăng cao, nhất là ở KCN Tân Tạo và KCN Lê Minh Xuân. Lý do: chưa có hệ thống cung cấp nước máy hoàn thiện… Vậy ở những vùng này nếu không cho khai thác nước ngầm thì người dân lấy nước gì để xài?


Kế đến là giải quyết bất cập trong việc gắn đồng hồ nước. Theo nguyên tắc, muốn gắn đồng hồ nước thì phải có số nhà, nhưng ở TP.HCM, rất nhiều nhà không có số. Không được gắn đồng hồ tất phải sử dụng nước giếng khoan (nước ngầm).


Cuối cùng, trước khi giải được hai bài toán trên thì vấn đề cấp thiết nhất hiện nay chính là phải giảm tình trạng thất thoát nước. Thất thoát nước lên đến gần 40% đã đẩy giá nước sinh hoạt lên quá cao, không phù hợp với túi tiền của những hộ gia đình lao động phổ thông, khiến không ít hộ có đồng hồ nước nhưng vẫn phải sử dụng nước ngầm. Điều này chính tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) đã báo cáo, 57.000 đồng hồ nước có chỉ số tiêu thụ bằng 0 (tức không sử dụng), 93.000 đồng hồ nước có chỉ số tiêu thụ 1 – 4m3. Giải thích lý do này, nhiều hộ dân ở phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân cho rằng, họ chỉ sử dụng nước máy để nấu ăn, còn các hoạt động khác dùng nước giếng khoan do chi phí rẻ hơn.


Bổ sung nước ngầm trực tiếp: nói dễ làm rất khó!


Gần đây, đề tài khoa học của PGS.TS Nguyễn Việt Kỳ (trưởng khoa Kỹ thuật – địa chất – dầu khí trường đại học Bách khoa TP.HCM) với nội dung: Đưa nước mưa từ mái nhà xuống lòng đất được đề xuất như một giải pháp khắc phục tình trạng nguồn nước ngầm đang cạn kiệt gây sụt lún ở TP.HCM.


Trả lời trên phương tiện truyền thông, tác giả cho hay, đã xây dựng mô hình thực nghiệm ở toà nhà B8 của đại học Bách khoa. Với hệ thống thu gom nước mưa từ mái nhà diện tích 400m2 vào bể lọc 1m3, sau đó nước được chuyển vào bể chứa và điều tiết có dung tích 10m3, từ đó nước được bơm trực tiếp xuống mạch nước ngầm qua giếng thu nước đường kính 200mm, lượng nước mưa hấp thụ tối đa đạt 60m3/giờ. Theo tác giả, sau hơn một năm thực nghiệm, mực nước ngầm ở khu vực này đã tăng 1m.


Bình luận về giải pháp này, GS.TS Lê Huy Bá, nguyên viện trưởng viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (đại học Công nghiệp TP.HCM) cho rằng: đó cũng là một cách làm hay nhưng chỉ khả thi ở một số vùng mà ở dưới mặt đất có túi rỗng trước đây chứa nước ngầm, nay nước ngầm bị hút hết mới bổ cập được nước. Riêng các vùng mà ở bên dưới là sình lầy (vốn đang bị sụt lún nhiều nhất) như Hóc Môn, xã Lê Minh Xuân (Bình Chánh), phường Hiệp Bình Phước (Thủ Đức)… nếu áp dụng cách làm bổ sung nước trực tiếp như trên sẽ lập tức gây ra cảnh lầy sụt. “Giải pháp này thực tế đã được tranh luận nhiều và theo tôi chỉ có thể áp dụng được ở các quận như 1, 3, Phú Nhuận. Tuy nhiên, cách làm trên sẽ rất tốn kém và khó kêu gọi được sự đồng thuận của người dân”, ông nói.


Theo GS.TS Lê Huy Bá, cách bổ sung nước ngầm hay nhất hiện nay vẫn sử dụng kênh, mương, rạch, ao hồ để lượng nước ở đây dần thấm vào các tầng nước ngầm. Đặc biệt, thành phố phải nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch hồ điều tiết để vừa chống ngập, vừa tăng lượng nước được thẩm thấu vào các tầng nước ngầm. Qua đó, hạn chế tối đa tình trạng sụt lún do lượng nước ngầm đang bị “hụt” trầm trọng như hiện nay.


Đỗ Thông






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ