Máy nước nóng: sai một li, đi một… mạng
SGTT.VN - Bình tắm nước nóng (còn gọi bình tắm nóng lạnh) là đồ dùng phổ biến ở nhiều gia đình, khách sạn, khu nghỉ dưỡng… nhưng là một trong những thiết bị gia dụng có độ an toàn thấp, vì có thể gây rò điện, phỏng nước cho người sử dụng nếu thiết kế và vận hành sai nguyên tắc.
Định kỳ quan sát dây, chỗ nối, đề phòng điện thẩm thấu ra ngoài. Ảnh: Sĩ Linh |
Nhiều tai nạn ở nhà, khách sạn
Phản ánh đến báo Sài Gòn Tiếp Thị mới đây, chị Nguyễn Dịu Huyền (TP.HCM) cho biết vợ chồng chị vừa có chuyến nghỉ dưỡng tại một resort ở Nha Trang. Trong một lần sử dụng máy nước nóng trong nhà tắm phòng nghỉ, nước bất ngờ nóng đột ngột khiến chị phỏng da khá nặng. Ban quản lý resort đã cho nhân viên đến kiểm tra và sơ cứu cho chị Huyền, sau đó giải thích chị bị phỏng do lỗi áp suất nước của hệ thống bình tắm. “Theo kết quả chẩn đoán của bác sĩ tôi bị phỏng độ 2 (diện tích 3%). Tôi đã gọi điện thoại trao đổi với quản lý khu resort nhưng đến giờ vẫn chưa thấy họ có ý kiến sẽ bồi thường gì cho tôi…”, chị Huyền bức xúc.
Trước đó, báo chí từng phản ánh nhiều tai nạn thương tâm do bị điện giật khi sử dụng máy nước nóng. Ông I., 41 tuổi, du khách Pháp khi nghỉ tại một khách sạn đã bị điện từ bình nóng lạnh trong nhà tắm giật chết tại chỗ. Chị N., 31 tuổi, ngụ ở TP.HCM cũng thiệt mạng vì máy nước nóng của một khách sạn trên Đà Lạt rò điện. Còn tại gia đình anh T., ở quận Tây Hồ (Hà Nội) đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm do bình hở điện, khiến con anh và người giúp việc tử vong trong lúc tắm.
Có lỗi do thiết kế, lỗi do cách dùng
PGS.TS Hoàng Đình Chiến, hội đồng khoa học khoa Điện – điện tử , đại học Bách khoa TP.HCM cho biết, nguyên lý hoạt động của máy nước nóng là sử dụng dây đốt (điện trở) để làm nóng nước. Hiện có hai loại bình: loại đun nước gián tiếp trong thùng chứa riêng, khá cồng kềnh nhưng có độ bền cao; và loại đun trực tiếp nhỏ gọn, nước được làm nóng trực tiếp qua bình bằng điện trở trong thời gian ngắn. “Với bình đun nóng gián tiếp, cần tắt điện trước khi tắm để đảm bảo an toàn. Còn bình đun nóng trực tiếp phải luôn cắm điện khi sử dụng nên khả năng giật điện cao hơn. Hiện đa số bình nóng lạnh đều có thiết bị chống giật nhưng vẫn cần lắp thêm mạch bảo vệ”, PGS Chiến nói.
Theo TS Trần Quốc Thạch, hiệp hội Công nghiệp kỹ thuật điện Việt Nam, nhiều người có thói quen mở điện bình nóng lạnh suốt ngày, vì nghĩ đã có rơle ngắt điện mà không biết rơle chỉ có nhiệm vụ điều khiển nhiệt độ nước, không có chức năng chống điện rò ra nước. “Chính việc cắm điện liên tục khiến dây mayso dễ hư hỏng do quá tải, dẫn đến rò điện”, TS Thạch lý giải. Cũng theo TS Thạch, các bộ phận của máy đều có thể bị ăn mòn, bong tróc gây rò điện. Do dây điện lắp chung với ống dẫn nước, dùng lâu ngày vỏ dây dễ giòn, nứt gây rò điện; gioăng cao su cách điện nối giữa dây mayso, vỏ bình với dây dẫn điện cũng có thể bị nứt, bong tróc gây thấm nước, dẫn điện ra bên ngoài. “Nước càng bẩn thì khả năng dẫn điện càng lớn. Nếu bình nóng lạnh bị rò điện, điện lại tiếp xúc với nước bẩn thì nguy cơ bị điện giật cao hơn nước sạch”, TS Thạch nói.
Để phòng tránh rủi ro
PGS Chiến lưu ý nên chọn mua bình nóng lạnh của thương hiệu uy tín, có tem nhãn. Đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi lắp đặt. Căn cứ nhu cầu sử dụng của gia đình mà chọn dung tích và công suất tiêu thụ. Bình chứa phải luôn đầy nước để tránh hư hỏng bộ đốt. Thường xuyên kiểm tra bằng bút thử điện xem có rò điện không. Định kỳ kiểm tra dây, chỗ nối. Gọi thợ bảo hành theo quy định. “Trong máy, theo thiết kế luôn có một đầu dây tiếp đất. Dây này có nhiệm vụ triệt tiêu dòng điện nếu có hiện tượng rò nhưng nhiều người thường hay bỏ qua”, PGS Chiến lưu ý.
Theo TS Thạch, với bình gián tiếp, chỉ nên bật điện trước khi tắm 5 – 10 phút. Khi đã đủ lượng nước, tắt điện rồi mới tắm. Bình nóng lạnh nên lắp trên tầm với của trẻ. Tránh chỉnh sẵn chế độ tối đa, giúp kéo dài tuổi thọ bình và giảm nguy cơ phỏng khi vô ý mở vòi nước nóng. Không sử dụng bình quá cũ. Nếu nước thường xuyên có cặn hay nhiễm phèn… nên mở bình kiểm tra, súc rửa để tránh hiện tượng tắc, gây gỉ sét vỏ và rò điện. Khi thấy người bị giật điện, không lao vào cứu ngay mà phải ngắt cầu dao điện trước, sau đó đưa người bị giật ra ngoài làm thao tác sơ cứu.
“Bình nóng lạnh cũng như các thiết bị sử dụng điện khác, đều có thể xảy ra rủi ro. Hệ số rủi ro cao hay thấp phụ thuộc chất lượng sản phẩm cũng như sự tuân thủ trong cách lắp đặt và sử dụng của người dùng”, TS Thạch lưu ý.
Thanh Tuấn – Mỹ Nhung
Có thể kiện nếu resort không bồi thường Liên quan đến tai nạn của chị Nguyễn Dịu Huyền, luật sư Nguyễn Hữu Nghị, công ty Luật hợp danh Talent Law cho biết nếu đúng là chị Huyền bị phỏng do lỗi áp suất nước của hệ thống máy nước nóng trong resort thì resort phải có trách nhiệm bồi thường. Theo quy định của luật Du lịch, cá nhân và tổ chức kinh doanh du lịch, kinh doanh lưu trú du lịch có nghĩa vụ bảo đảm chất lượng phục vụ, chất lượng trang thiết bị, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ và tài sản du khách, bồi thường cho khách về thiệt hại do lỗi mình gây ra. Trong trường hợp resort không chịu bồi thường thì chị Huyền có thể khởi kiện ra toà. Vi Thoại |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét