Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Tấn công nhiều đâu phải là “ngon”

Tấn công nhiều đâu phải là “ngon”

Càphê thể thao


Tấn công nhiều đâu phải là “ngon”


SGTT.VN - M.U giữ bóng đến 66,4% trong mười phút đầu, nhưng đến phút 20 thì họ chỉ còn giữ bóng 58%, và khi hiệp 1 kết thúc thì đội giữ bóng nhiều hơn đã là Arsenal (56%).


Vâng, chúng ta đang nhắc lại trận M.U – Arsenal ở Premier League hôm chủ nhật, trận đấu mà báo chí “Tây” cũng như “ta” đều cho rằng, hai kẻ không đội trời chung trong làng bóng Anh sẽ còn phải... đá với nhau trên mặt báo, ít nhất thêm một tuần nữa.










Bóng đá phải có một sự đa dạng cần thiết về lối chơi, trường phái. Ảnh: Reuters



Hãy trở lại với trận đấu tại Old Trafford. Rút cuộc thì M.U chỉ giữ bóng 39,87% trong toàn trận và chỉ chuyền bóng chính xác 75,87%. Đấy là trận đấu mà Van Persie và đồng đội giữ bóng ít nhất, chuyền bóng kém nhất trong mùa bóng này, tính chung mọi trận địa. Thậm chí, M.U chưa bao giờ chuyền bóng ít như thế khi chơi tại sân nhà Old Trafford, kể từ trận hoà Chelsea hồi năm 2006. Tất cả chỉ có 344 đường chuyền. Chỗ này, xin được nói thêm để bạn đọc tiện so sánh và dễ hình dung. Đội tuyển Tây Ban Nha hoặc câu lạc bộ Barcelona thường chuyền bóng gần 1.000 lần mỗi khi họ thi đấu thành công!


Vấn đề đặt ra: làm sao M.U có thể thắng một đối thủ rất mạnh, khi bản thân họ lại giữ và chuyền bóng kém đến như vậy? Giới chuyên môn có hẳn một kho đề tài để tranh luận. Đương nhiên, người ta sẽ phải nói nhiều về đấu pháp, và đi liền theo đó là cách chọn người hợp lý của huấn luyện viên David Moyes. Nhưng trước tiên, cứ phải khẳng định một điều, có vẻ đi ngược với trào lưu chung. Đó là, người ta không nhất thiết cứ phải học hỏi Barcelona hay Bayern Munich, không nhất thiết cứ phải giữ bóng nhiều hơn bằng cách liên tục chuyền nhuyễn để có thể làm chủ trận đấu. Không phải bao giờ tiki-taka, hoặc những gì gần gũi với nó, cũng là chuẩn mực trong bóng đá đỉnh cao.


Và bóng đá đỉnh cao trở nên hấp dẫn hơn nhờ những trận đấu như vậy. Bóng đá phải có một sự đa dạng cần thiết về lối chơi, trường phái. Vấn đề không chỉ là nó dẫn đến nhiều lựa chọn cho người xem.


Sự phong phú về lối chơi và trường phái còn làm cho các đội tưởng như tầm thường lại có thể thắng các đội trên tài.


Thẳng thắn mà nói, trận M.U – Arsenal vừa rồi khá tẻ nhạt. Đấy chính là ý đồ của David Moyes. Ông cần 3 điểm, cần cản bước một Arsenal hãnh tiến, chứ ông đâu cần (và sẽ là điều dại dột nếu cần) một cuộc so đọ kỹ thuật, trình diễn tài năng, trong bối cảnh M.U của ông không sở trường về lối chơi đẹp.


Trận đấu coi như kết thúc ngay sau thời điểm Robin van Persie mở tỷ số cho M.U. Bàn quyết định tương đối sớm sủa chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ giữ bóng vốn thuộc về M.U đến 66,4% lúc đầu cứ nghiêng dần về Arsenal, cho đến cuối trận thì M.U đạt một cột mốc hiếm thấy về tỷ lệ... không được giữ bóng. Đấy không hẳn là sự thay đổi ngẫu nhiên, theo kiểu đội đang dẫn điểm thì phải lùi về phòng ngự để bảo vệ ưu thế. Đấy chính là ý đồ của huấn luyện viên Moyes. Xưa nay, ông thành công ở câu lạc bộ nhỏ Everton, và đấy là một đội chuyên thi đấu trong hoàn cảnh phải nhường cho đối phương giữ bóng nhiều hơn.


Mọi người đều biết, Arsenal của Arsene Wenger là đội phản công cực kỳ xuất sắc. Bây giờ, M.U chủ động nhường hẳn thế trận cho họ. Arsenal buộc phải giữ bóng, buộc phải tấn công. Kể cả khi có bóng, M.U cũng không quá hồ hởi với việc tấn công, càng không có mục đích tìm thêm bàn nữa. Vậy lấy đâu ra cơ hội cho Arsenal phản công? Tấn công nhiều đâu phải là “ngon”, Arsenal đã chứng minh đấy thôi.


Quỳnh Nga






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ