Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Nâng cao chất lượng xét xử

Nâng cao chất lượng xét xử

Nâng cao chất lượng xét xử


SGTT.VN - Nhiều người có lẽ vẫn còn rất bàng hoàng về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị kết án chung thân về tội giết người, sau mười năm ngồi tù, vừa mới được thả. Không có gì có thể bù đắp được cho người đàn ông này và gia đình về những hậu quả mà họ đã phải gánh chịu trong suốt thời gian qua. Một hệ thống bảo vệ pháp luật với bộ máy đồ sộ, nhiều cấp được gắn hai chữ “nhân dân” nhưng đã để lọt tội phạm và có nhiều dấu hiệu làm oan người vô tội trong trường hợp này.


Hai gia đình hàng xóm lâu năm có tranh chấp đất đai với nhau, không tự giải quyết được, qua hoà giải ở UBND xã vẫn không xong, phải đưa nhau ra toà; tòa phán quyết có lợi cho một bên, bên kia không chịu, phải xử phúc thẩm, qua một thời gian các bên vẫn đang chờ đợi giải quyết.










Nhiều người có lẽ vẫn còn rất bàng hoàng về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị kết án chung thân về tội giết người.



Người dân ở một vùng quê đã vài năm nay phải chịu ô nhiễm nặng nề từ nước thải của một nhà máy. Họ cũng tìm mọi cách nhờ cậy tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương để hy vọng có những tác động tích cực nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Chính quyền dường như có lý do riêng mà không tiến hành các biện pháp can thiệp. Người dân buộc phải lập trại, đặt chướng ngại vật trên đường đi để hạn chế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…


Đây chỉ là một vài ví dụ trong rất nhiều vấn đề về công lý mà nhiều người dân Việt Nam gặp phải trong đời sống hàng ngày. Báo chí, công luận đã nêu nhiều vấn đề này và đặt ra câu hỏi “công lý ở đâu”?


Tại sao những câu chuyện nêu trên lại được coi là một câu “chuyện thường nhật” ở Việt Nam khi mà Nhà nước mong muốn xây dựng một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”. Hàng ngàn các quy định pháp luật, các quyết định hành chính được ban hành hàng năm để nhằm “quản lý xã hội bằng pháp luật” và để “pháp luật được thượng tôn”. Cơ quan nhà nước từ Trung ương tới cơ sở được cải cách từ “thu gọn” tới “phình ra” nhằm bảo đảm pháp luật được thực thi. Nhưng mong muốn đơn giản của người dân dường như chưa được đáp ứng đầy đủ.


Đơn cử như quyền được đi học miễn phí cấp tiểu học đã được ghi nhận qua các bản Hiến pháp của Việt Nam từ năm 1946. Nhưng có đến 31% người dân trong một cuộc khảo sát độc lập về Chỉ số công lý năm 2012 cho biết là họ chưa từng đi học hay học từ lớp 5 trở xuống. Trình độ học vấn của người dân rõ ràng là ảnh hưởng tới hiểu biết của họ về xã hội và pháp luật, trực tiếp ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận công lý của họ. Nghiên cứu này cũng đã chứng minh rằng những người có vị thế xã hội, có trình độ học vấn thì có được nhiều lợi thế hơn trong việc tiếp cận các thiết chế pháp luật. Đây cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến người dân cảm thấy bất an trong môi trường sống của mình nên thường xuyên phải gồng mình lên để “tranh đấu” nhằm bảo vệ các lợi ích tài sản.









Thiết nghĩ, hoạt động cải cách tư pháp ở Việt Nam không có những thay đổi để đem lại sự độc lập của toà án, nâng cao chất lượng hoạt động của toà án thì những vụ việc dân tự hành xử để thực thi công lý, những vụ án oan thấm đẫm nước mắt vẫn còn tồn tại.



Số lượng tranh chấp nhỏ nhiều và ngày một nhiều nên Việt Nam luôn phải duy trì một hệ thống tổ hoà giải tới tận từng thôn, xóm, cụm dân cư do hệ thống cơ quan hành pháp hỗ trợ và quản lý. Hơn nữa, các cơ quan hành pháp khi tham gia vào công tác hoà giải khiếu nại, tố cáo của người dân cũng đã đảm nhiệm luôn vai trò giải quyết các tranh chấp ấy. Dẫn đến, người dân lựa chọn các cơ quan hành pháp (UBND xã/phường, huyện và tỉnh) để nhờ giải quyết tranh chấp khá cao trong khi các thiết chế này không được trang bị về năng lực pháp luật, không… chuyên nghiệp. Khảo sát Chỉ số công lý 2012 cho thấy người dân nhờ cậy không nhiều vào cơ quan toà án vì khả năng tiếp cận vào cơ quan này còn khó khăn. Những vấn đề này có thể là nguyên nhân dẫn đến người dân không thoả mãn và tin cậy vào kết quả giải quyết tranh chấp, khiếu nại nên dẫn đến những tranh chấp, khiếu nại này thường bị kéo dài và tới nhiều cơ quan.

Luật sư trong các vụ án hình sự hay trong tranh chấp dân sự cũng được nhiều người đặt câu hỏi về vai trò của họ. Thậm chí, có cán bộ nhà nước cho rằng luật sư đã phát huy chưa tốt vai trò bào chữa, bảo vệ người dân. Chi phí để mời luật sư tham gia các vụ án hiện nay còn cao nên đã hạn chế người dân tiếp cận vào thiết chế bổ trợ tư pháp. Những vụ án như vụ của ông Nguyễn Thanh Chấn, luật sư được pháp luật yêu cầu phải cung cấp miễn phí cho người dân. Đáng tiếc, pháp luật lại quy định luật sư làm việc do chính các cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu và trả phí. Vấn đề này dường như đã tác động tính độc lập của luật sư trong hoạt động hành nghề bảo vệ người dân, cũng như sự tôn trọng luật sư của các cơ quan tiến hành tố tụng.


Trong xét xử, toà án phải độc lập để xem xét vụ án một cách công tâm và với những năng lực chuyên môn của mình. Nhưng thực tế, thẩm phán thường tham khảo các ý kiến của những cơ quan khác khi xem xét vụ án. Theo một nghiên cứu độc lập của UNDP, trên 50% thẩm phán cấp huyện và xấp xỉ 40% thẩm phán cấp tỉnh của Việt Nam đã tham khảo ý kiến lãnh đạo toà án khi xét xử vụ án hình sự, và vẫn còn một số thẩm phán thừa nhận đã tham khảo ý kiến của viện kiểm sát, cơ quan liên ngành tố tụng (bao gồm viện kiểm sát, cơ quan điều tra, toà án) khi giải quyết vụ án. Do vậy, nếu trong vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, các cơ quan này đã thống nhất ông Nguyễn Thanh Chấn có tội thông qua hội họp mà không theo trình tự tố tụng, thì thẩm phán và hội đồng xét xử khó có thể quyết định khác được. Cơ chế can thiệp vào vụ án kiểu này loại bỏ hoàn toàn vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng.


Thiết nghĩ, hoạt động cải cách tư pháp ở Việt Nam không có những thay đổi để đem lại sự độc lập của toà án, nâng cao chất lượng hoạt động của toà án thì những vụ việc dân tự hành xử để thực thi công lý, những vụ án oan thấm đẫm nước mắt vẫn còn tồn tại.


Luật sư Nguyễn Hưng Quang






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ