TP.HCM: Nguyên nhân và giải pháp cho lún
SGTT.VN - Gần đây, thông tin kết quả nghiên cứu bằng phương pháp khảo sát, quan trắc lún tự nhiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ của TS Lê Xuân Thuyên, trường đại học Khoa học tự nhiên (đại học Quốc gia TP.HCM) cho thấy, có hiện tượng lún mặt đất, đặc biệt lún tại TP.HCM xảy ra nghiêm trọng hơn… khiến không ít người dân lo lắng. Vấn đề đặt ra ở đây, phải chăng vùng đất Sài Gòn đang lún toàn diện một cách tự nhiên hay do con người gây ra?
Có ý kiến cho rằng do bị lún nên nhiều nơi tại TP.HCM ngày càng bị ngập nặng. Ảnh: Thanh Hảo |
Chỉ lún ở những đô thị vùng trũng
Trả lời cho câu hỏi trên, GS.TS Lê Huy Bá, nguyên viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (đại học Công nghiệp TP.HCM) khẳng định, khi nào các khu vực như sân bay Tân Sơn Nhất, quận 1, 3, Phú Nhuận, quận 5 – tức đô thị Sài Gòn xưa – mà bị lún lúc đó mới đáng lo ngại. Thực ra, lún chủ yếu chỉ xảy ra ở các quận 7, quận 2, quận 6, huyện Nhà Bè hay Thủ Đức, Bình Thạnh… Ông cho rằng: “Ngoài nguyên nhân khai thác nước ngầm một cách vô tội vạ như ở Gò Vấp, Tân Phú gây lún nền thì lún ở các quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh… chủ yếu do hệ quả của việc hình thành đô thị trên vùng đất trũng gây ra. Vì thế, tôi khẳng định nền hạ của Sài Gòn không lún”.
GS.TS Lê Huy Bá phân tích, ở Bàu Cát (khu dân cư hình thành từ năm 1994) hầu như nhà nào cũng phải gia cố nền nếu không rất nguy hiểm, bởi tình trạng lún xảy ra đều khắp. Các khu vực này xưa là ao hồ, vùng đất trũng, phù sa mới nên nền hạ yếu, xây dựng nhà cao tầng, làm đường lớn cho xe chạy thì lún là hiển nhiên. Nhưng lún ở đây chủ yếu ở phần đất nền được đắp cao lên là chính nên không thể khẳng định nền đất cũ (tức khi còn ao hồ) bị lún.
“Hiện còn Nhà Bè và Bình Chánh, quận 9, Thủ Đức, dù đã hình thành một số khu dân cư cao tầng nhưng chưa nhiều nên theo tôi, thành phố nên định hướng lại, ngừng phát triển đô thị ở những vùng đất trũng. Cũng là giúp người dân không phải bị mất hàng đống tiền mua nhà cửa trong các khu vực trên, tới khi bị lún, bị ngập chỉ còn nước ngậm đắng nuốt cay, vì tiền đã chui vào túi chủ đầu tư các khu đô thị mất rồi”, ông khuyên.
Phải ràng buộc các chủ đầu tư!
Theo GS.TS Lê Huy Bá, lún tất yếu sẽ gây ảnh hưởng đến các công trình ngầm, trong đó đáng nói nhất là hệ thống thoát nước, góp phần đẩy tình trạng ngập lụt ở TP.HCM ngày càng bất trị. “Đa phần các cửa xả đều nằm ở vùng trũng, vì thế, việc hình thành đô thị và gây lún sẽ khiến miệng cửa xả tụt xuống sâu hơn so với mặt nước sông rạch, hạn chế thoát nước nên việc gây ngập là tất yếu”, ông Bá phân tích.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, phó giám đốc trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, lún ở các khu đô thị vùng trũng hay ở các địa phương có mật độ khai thác nước ngầm cao dẫn đến hệ thống thoát nước lún theo, lún đều hết, làm hạn chế khả năng thoát nước.
Vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm của chủ đầu tư các khu đô thị ở vùng trũng trong việc khắc phục việc lún hạ tầng. Ông Dũng nói: “Về nguyên tắc, công trình hạ tầng như đường, hệ thống thoát nước khi bàn giao cho địa phương chủ đầu tư phải đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, sau này có bị lún mà do lún đều thì mình không thể quy trách nhiệm cho họ được. Nhưng nếu chỉ xảy ra lún cục bộ thì có thể xem lại chất lượng của thi công để đòi hỏi trách nhiệm”.
GS.TS Lê Huy Bá cũng nhận định, cách thức khắc phục hệ thống thoát nước ở các vùng lún gần như là rất khó và vô cùng tốn kém. Bởi nhà cửa, đường sá, cầu cống đã hình thành xong hết rồi, nếu xảy ra tình trạng lún thì gần như việc khắc phục là vô phương. Vì vậy, nếu các chủ đầu tư muốn đầu tư phát triển đô thị ở các vùng trũng và thành phố cũng đồng ý, thì nhất thiết phải có những điều khoản ràng buộc khắt khe chứ không theo nguyên tắc bình thường được. Trước hết, họ phải chịu trách nhiệm lâu dài về hệ thống ngầm, có thể là 30 năm chẳng hạn, chứ không thể, cứ thi công xong, nghiệm thu, rồi bàn giao. Thực tế là những khu vực như Phú Mỹ Hưng hay Bàu Cát phải vài ba năm sau hiện tượng lún các công trình ngầm mới xảy ra. Lúc này, chủ đầu tư đã bàn giao rồi thì hiển nhiên ngân sách nhà nước sẽ phải “hứng” hậu quả. Điều này đồng nghĩa với việc người dân phải gánh toàn bộ các lỗi từ hệ thống gây ra.
Đỗ Thông
Cống ngăn triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè đang bị tắc? Bà Trương Thị Kim Yến, một người dân ngụ tại một con hẻm đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh than phiền rằng, có lẽ việc chống ngập của TP.HCM đã rơi vào thế bế tắc khi hàng loạt các công trình chống ngập đã được đưa vào sử dụng nhưng tình trạng ngập xem ra ngày càng trầm trọng hơn. Bà Yến dẫn chứng, con hẻm nhà bà trước đây không bị ngập hãi hùng như hiện nay khi cứ trời mưa, thuỷ triều lên là ngập sâu đến nửa mét, trong khi, hệ thống thoát nước ở đường Điện Biên Phủ đã được thi công xong từ lâu. Lý giải cho việc này, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, phó giám đốc trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (trung tâm chống ngập) cho rằng, chuyện ngập ở các con hẻm thuộc quận Bình Thạnh, đơn vị ông cũng đã nghe nói. Hệ thống thoát nước trong hẻm tuy không do trung tâm quản lý nhưng qua phản ánh của bà con, trung tâm cũng đã tiến hành kiểm tra và xác định là do hệ thống cống trong hẻm thoát ra cống lớn bị bồi đắp nhiều, gây cản trở dòng chảy và một số hẻm thấp hơn mực nước triều. Trung tâm chống ngập và quận Bình Thạnh đã thống nhất nhanh chóng nạo vét cho thông hai tuyến cống này với nhau. Đối với việc khắc phục ngập do nền thấp hơn mực nước triều ở một số quận trong đó có Bình Thạnh thì phải đợi đến khi cống ngăn triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè thi công xong. “Đến nay dự án trên đã hoàn thành được hơn 95%, nhưng các hạng mục như nhà điều hành và trạm biến thế không làm được, vì bên đường Phú Mỹ (phường 22, quận Bình Thạnh) chưa giao mặt bằng, bên Ba Son cũng chưa giao mặt bằng nên công trình đang bị “tắc” chưa biết ngày hoàn thành. Nếu hai mặt bằng này được giao thì chỉ trong vòng bốn tháng chúng tôi sẽ hoàn tất dự án và đưa vào vận hành”, ông Dũng nói. Cũng theo ông Dũng, vì dự án chưa thể vận hành, trong khi thuỷ triều ngày càng dâng cao nên trong đợt thuỷ triều tới đây, trung tâm chống ngập đã thống nhất với bên thi công, câu điện tạm để vận hành “một cách cưỡng chế” cửa kiểm soát triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè, hạn chế ngập cho người dân. Đào Lê (ghi) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét