Nuôi bệnh phải có tay nghề
SGTT.VN - Hiện nay, tại các bệnh viện ở TP.HCM có hàng ngàn người nuôi bệnh. Mặc dù nghề nuôi bệnh đã có từ lâu nhưng chưa bao giờ phát triển rầm rộ như hiện nay. Mỗi bệnh viện đều có ít nhất một công ty và nhiều dịch vụ cung cấp dịch vụ “ngầm” khác. Trong đó, đa số người nuôi bệnh chưa được đào tạo, huấn luyện qua trường lớp (xem thêm bài Lặng lẽ nghề nuôi bệnh thuê trên báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 4.11.2013).
Tại bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng (quận 8) có khoảng gần 100 người nuôi bệnh, có người đã làm việc trên mười năm nhưng rất ít người được đào tạo, huấn luyện kỹ năng. |
Có cầu ắt có cung
Hầu hết ở các bệnh viện lớn tại TP.HCM đều có ít nhất một công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc người bệnh, người cao tuổi. Đơn cử, công ty SASO.Co kết hợp với bệnh viện Chợ Rẫy, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi, Ung bướu, bệnh viện An Bình cung cấp điều dưỡng, người nuôi bệnh; công ty chăm sóc người bệnh Tâm Đức đóng tại bệnh viện Nhân Dân 115, công ty dịch vụ Nhân Ái (quận 8) cung cấp người nuôi bệnh tại bệnh viện, ở nhà; công ty TNHH nguồn nhân lực và thương mại An Bình cung cấp người nuôi bệnh tại bệnh viện Ung bướu, bệnh viện Thống Nhất…
Ngoài ra, còn nhiều người nuôi bệnh, chăm sóc người cao tuổi đang làm việc tại các bệnh viện không xuất phát từ công ty giới thiệu mà do dịch vụ cung cấp ngầm, giới thiệu qua trung gian. Nhiều công ty cung cấp dịch vụ giúp việc nhà, vệ sinh văn phòng cũng kiêm luôn cả việc cung cấp nhân viên nuôi người bệnh, chăm sóc người cao tuổi.
Ông Nguyễn Hoài Nam, giám đốc công ty SASO.Co cho biết, công ty ông đã hoạt động trong lĩnh vực này được bốn năm. Dù kinh tế hiện nay có suy giảm nhưng nhu cầu về chăm sóc người bệnh, người cao tuổi ngày càng gia tăng do bệnh viện của Việt Nam hiện nay phần lớn đều quá tải, điều dưỡng, hộ lý làm không hết việc. Ngoài hơn 100 nhân viên chăm sóc bệnh có độ tuổi từ 30 – 60, công ty còn mở rộng thêm dịch vụ cung cấp điều dưỡng và nhân viên chăm sóc bệnh thường xuyên đi theo xe cấp cứu ngoại viện, đưa bệnh nhân đi cấp cứu và đưa bệnh nhân về nhà chăm sóc.
Nghề nuôi bệnh hiện nay tuy vất vả nhưng thu nhập tương đối ổn và khá. Mức lương tại công ty SASO.Co từ 4,5 triệu đồng, nhân lực của các công ty khác cũng như lao động tự do do cò mồi giới thiệu, giá tiền công dao động từ 250.000 – 400.000 đồng/ngày.
Nuôi bệnh cũng cần phải học
Phần nhiều người nuôi bệnh hiện nay chưa được đào tạo qua trường lớp cơ bản nào. Các công ty tuyển người vào làm việc đều lấy những người có kinh nghiệm truyền lại cho người đi sau.
Tại bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng (quận 8) có khoảng gần 100 người nuôi bệnh, có người đã làm việc trên mười năm. Điều dưỡng trưởng khoa ngoại 1 Trần Thị Hạnh cho biết, trước đây khoa điều dưỡng của bệnh viện mở khoá đào tạo chăm sóc bệnh trong vòng ba tháng rồi cấp chứng chỉ cho lực lượng này, nhưng 2 – 3 năm nay không còn mở nữa do quá bận rộn. Đại diện công ty Nhân Ái cũng cho biết, nhân viên chăm sóc bệnh của công ty khi tuyển vào cũng được huấn luyện ít ngày. Đội ngũ huấn luyện là những người đã từng chăm sóc bệnh nhiều năm rồi chỉ dẫn, truyền đạt lại kinh nghiệm cho người mới.
Phụ trách mảng điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân đã nhiều năm nay tại TP.HCM, chị Huỳnh Thị Phượng, chuyên viên sở y tế cho biết, theo nguyên tắc của ngành y tế trên thế giới, bệnh nhân vào viện do điều dưỡng chăm sóc toàn diện, giảm bớt gánh nặng cho người nhà. Tại Việt Nam, do điều dưỡng làm quá nhiều việc (?!) nên người vào viện phải có thân nhân đi theo chăm sóc. Do đó, nhu cầu nuôi người nhà và bệnh nhân trong bệnh viện ngày một tăng cao nên nhiều công ty đã mở ra dịch vụ cung cấp lực lượng này. Một số công ty đào tạo tốt, bài bản, nhưng nhiều công ty chỉ tuyển lao động tự do.
Đang chăm bệnh tại bệnh viện Nhân Dân 115, chị Nguyễn Thị Út Đào (58 tuổi), ngụ tại Trà Vinh nói, chị đã làm nghề này tám năm, không được đào tạo kỹ năng chăm sóc, chỉ làm theo cái tâm của mình, thỉnh thoảng chăm bệnh được bác sĩ chỉ dẫn mới biết. Do đó, khi gặp bệnh nhân mắc bệnh tâm thần, người bị bệnh tai biến mạch máu não, người phải cho ăn bằng ống thông dạ dày, thụt tháo cho người khó đi tiêu… gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như hiện nay có trường, lớp đào tạo chị sẽ sẵn sàng tham gia một khoá học để có chứng chỉ hành nghề và làm việc tự tin hơn.
Trước những nhu cầu trên, ngày 30.11 tới, trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch triển khai khoá học Huấn luyện nhân viên chăm sóc người bệnh, người cao tuổi cho những người có trình độ từ lớp 9/12, có sức khoẻ tốt, với học phí 3 triệu đồng/học viên/khoá học (sáu tuần).
bài và ảnh: Hoàng Nhung
TS Điều dưỡng Đặng Trần Ngọc Thanh, phó trưởng khoa điều dưỡng kỹ thuật y học, trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng: lực lượng chăm sóc người bệnh hiện nay ở các bệnh viện trong thành phố còn thiếu chuyên môn, kỹ năng chăm sóc nên chăm sóc không đúng. Ví dụ như việc xoay trở bệnh nhân hai giờ/lần để không lở loét nhưng người chăm sóc không nhớ hoặc không biết, dẫn tới chi phí điều trị lở loét rất tốn kém và đau đớn. Hoặc phải biết đo và đọc chỉ số huyết áp, theo dõi đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường… mới chăm sóc người bệnh đúng cách được. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét