Đường Phạm Văn Đồng thông xe
Kết nối, tiết kiệm và văn minh
SGTT.VN - Con đường rất đẹp với 12 làn xe, dài 4,7km từ nút giao thông Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm đến ngã tư Bình Triệu mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (thuộc dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài) vừa được thông xe. Bên cạnh tính hiện đại, con đường còn kết nối nhiều quận, huyện và tạo thuận lợi cho lưu thông.
>>Thông xe 5km tuyến đường tân Sơn Nhất - Bình Lợi
Người dân thành phố lưu thông trên đường Phạm Văn Đồng mới thông xe với 12 làn xe thông thoáng. Ảnh: Thanh Nhã |
Là một tài xế taxi thường xuyên phải đưa đón khách ở sân bay Tân Sơn Nhất, anh Nguyễn Văn Minh, hãng Vinataxi hào hứng kể về ngày đầu tiên bon bon chạy trên con đường này: “Tốc độ xe đến 60km/h vì đường rất rộng. Cả tôi và hành khách đều tiết kiệm được thời gian, quãng đường và lượng xăng dầu”. Theo anh, có con đường này, người ở khu vực Hàng Xanh muốn lên sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tránh được rất nhiều tuyến đường đông đúc trước đây buộc phải qua như Đinh Tiên Hoàng, Võ Thị Sáu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa... lại tiết kiệm được thời gian.
Chị Lê Trúc Uyên, nhà ở chung cư Cây Thị, đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh cũng vui mừng không kém khi sau lưng nhà mình đã có một con đường hoành tráng, văn minh. Khu vực nhà chị Uyên là điểm tiếp giáp các quận gần nhau như Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp. Trong khi đó đường Phan Văn Trị lại nhỏ, nhiều khu chợ tự phát mua bán cả ngày nên mỗi sáng đi làm, hay chiều tan sở về nhà rất dễ bị căng thẳng vì cảnh tắc xe, khói bụi. Tuy nhiên, chỉ sau hai ngày thông xe đường Phạm Văn Đồng, lượng xe trên đường Phan Văn Trị giảm đi rất nhiều. Cũng giống như anh Minh, chị Uyên, rất nhiều hộ dân khác sống dọc theo con đường vành đai này đang gấp rút xây sửa lại nhà mình để tận dụng mặt tiền kinh doanh. Đúng là con đường mới đã mở ra hướng làm ăn khả quan cho nhiều gia đình.
Dự án đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài được khởi công vào tháng 6.2008, có tổng chiều dài gần 14km từ sân bay Tân Sơn Nhất quận Tân Bình đi qua các quận Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức, rộng 30 – 60m (tương đương 4 – 12 làn xe). Tổng vốn đầu tư toàn công trình khoảng 340 triệu USD, gần 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng và phải di dời. Theo UBND TP.HCM, việc thông tuyến đoạn đường này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc lưu thông ở khu vực các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình... Nhất là tháo gỡ tình trạng ùn ứ ở khu vực cửa ngõ đông bắc, giảm thiểu nạn kẹt xe ở ngã tư Bình Triệu – vốn là điểm nóng về ùn tắc giao thông của TP.HCM; giảm xe cộ ra vào đường Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bạch Đằng, Phan Đăng Lưu, Đinh Tiên Hoàng, Võ Thị Sáu...; rút ngắn thời gian cho người dân ở Thủ Đức, Bình Thạnh... đi – về hướng sân bay Tân Sơn Nhất.
Nguyễn Thanh
Lo kẹt tại các nút giao Các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị đánh giá thêm, tuyến đường trên khi đưa vào sử dụng sẽ làm thay đổi không ít các quy hoạch về hạ tầng khu vực xung quanh. Cụ thể, cách đây khoảng hai tháng, công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII – chủ đầu tư dự án cầu đường Bình Triệu 2) đã lên phương án điều chỉnh lại quy hoạch quốc lộ 13, theo hướng hẹp hơn thiết kế ban đầu để trình thành phố. Bởi theo CII, thời gian qua đơn vị này đã thử đếm xe và nhận thấy khi dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài hoàn thành cũng như bến xe Miền Đông dời đi, thì lượng xe lưu thông từ đường Xuyên Á vào quốc lộ 13 sẽ giảm đáng kể. Và phương án thu hẹp cũng đang được thành phố và sở Giao thông vận tải cân nhắc. Dù là ngày chủ nhật (29.9) – thấp điểm lưu thông – nhưng tại các nút giao giữa đường Phạm Văn Đồng và một số tuyến đường xương cá cắt ngang có dấu hiệu quá tải. Nếu như ở nút giao với đường Nguyễn Xí, xe cộ tăng đột biến là do nhiều người hiếu kỳ muốn lên tham quan tuyến đường “cao tốc nội đô” mới khánh thành đẹp như thế nào; thì tại nút giao với đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) lượng xe tăng là vì có rất nhiều người chọn hướng đi từ quận Gò Vấp, Phú Nhuận về khu vực Thủ Đức cũng như Đồng Nai theo hướng đường Phạm Văn Đồng. Theo sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc điều tiết giao thông tại các nút giao chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu về dài sở Giao thông vận tải sẽ có những điều chỉnh hợp lý bằng nhiều giải pháp để tránh tối đa tình trạng ùn ứ ở các giao lộ trên tuyến đường này. Đ. Thông |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét