LTS. Giáo sư – nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai vừa qua đời ngày 27.9 tại TP.HCM, hưởng thọ 95 tuổi. Mặc dù còn là nhà thơ, nhà viết kịch, diễn viên kịch… nhưng giáo sư Hoàng Như Mai được biết đến nhiều nhất như một nhà giáo gắn bó cả đời với nghiệp sư phạm. Một người học trò đặc biệt của giáo sư là nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký vừa gửi tới Sài Gòn Tiếp Thị những kỷ niệm về người thầy năm nào đã kêu gọi bạn bè trong lớp “nắm lấy bàn tay không bình thường của Ký, giúp Ký vượt qua những khó khăn trước mắt”.
Những kỷ niệm không quên với thầy Hoàng Như Mai
SGTT.VN - Hôm nghe chị Hương con gái thầy nhắn tin: “Cha tôi giáo sư Hoàng Như Mai đã mất lúc 15g45 ngày 27.9.2013”, cả gia đình tôi sững sờ. Tôi nghẹn ngào, nước mắt ứa trào không sao nói nên lời...
Giáo sư Hoàng Như Mai. Ảnh: Nguyễn Á |
Kết thúc năm học thứ ba, tôi về quê nghỉ hè trong tâm trạng thao thức mông lung, chưa xác định được đề tài luận văn tốt nghiệp. Giữa thời điểm này một tin dữ đến: Bác Hồ từ trần. Cũng như bao người Việt Nam khác, nước mắt tôi tuôn trào trong những ngày tang Bác. Cũng thời điểm này, tôi đặc biệt xúc động khi đọc các bài thơ khóc Bác của các em như Hồng Kiên, Cẩm Thơ, nhất là bài thơ Cháu thề phấn đấu suốt đời của Trần Đăng Khoa, lúc ấy mới 11 tuổi. Một ý nghĩ bất chợt lóe lên: tại sao mình không viết luôn luận văn đề tài “Bác Hồ với thiếu nhi qua thơ của Bác, của các tác giả và của các em” nhỉ? Đề tài hay quá, thời sự quá, mình viết là quá hợp rồi! Tôi nghĩ vậy và háo hức thu xếp trở về Hà Nội ngay để đề đạt nguyện vọng với thầy Hoàng Như Mai – người đã tận tình hướng dẫn tôi làm khoá luận về thơ thiếu nhi ở năm học thứ ba.
Rời bến xe Kim Liên, tôi một mình xăm xăm cuốc bộ tìm đến nhà thầy Mai ở số 52, phố Nguyễn Du ngập tràn hương hoa sữa ngay góc hồ Thuyền Quang, khi mặt trời vừa đứng bóng. Gõ cửa, tôi giật mình nhận ra gia đình đang dùng bữa. Thấy bất tiện, tôi vội vàng định trở ra thì người nhà thầy bước tới giữ lại. Nhận ra tôi, thầy đứng dậy vồn vã: “Ồ, Ký hả! Vừa từ quê lên đúng không? Thôi vào luôn dùng bữa với thầy. Đang giữa trưa nắng thế này đi đâu nữa cho mệt. Có chuyện gì cần trao đổi cứ ăn rồi nói sau”. Cô Trang – vợ thầy – sợ tôi gặp khó khi dùng chân ăn nên có ý cầm bát bón cho tôi. Thầy liền ngăn lại: “Ký tự ăn được mà! Bà cứ để Ký tự nhiên!” Được cả nhà quan tâm, thông cảm, chẳng bao lâu sự ngượng ngùng lúng túng trong tôi giảm hẳn. Vừa ăn tôi vừa chủ động thưa với thầy về ý tưởng đề tài luận văn mới thai nghén. Nhẹ nhàng đặt bát xuống bàn, giọng thầy vui bất ngờ: “Ừ! Hay đấy! Đề tài rất nóng hổi tính thời sự. Ký tâm đắc là trúng lắm. Khẩn trương chuẩn bị đề cương thầy duyệt cho!” Tôi mừng rơn. Lòng phơi phới như được mở cờ trong bụng.
Sau bữa đó tôi miệt mài lao vào sưu tầm tư liệu và viết đề cương sơ bộ, đề cương chi tiết, rồi bắt đầu viết nháp từng phần bản luận văn. Cứ sau mỗi tuần tôi lại từ Hà Đông tìm tới nhà thầy ở Hà Nội, đọc thầy nghe để góp ý. Dù sáng hay chiều, dù trưa hay tối bao giờ thầy cũng dành cho tôi sự vui vẻ, tận tình chu đáo đến khó ngờ. Được thầy và cả nhà coi tôi như một thành viên chính thức nên cứ tới nhà có gì là bắt ăn nấy. Thiếu giấy thầy cho giấy, thiếu mực thầy cho mực. Nhiều lần trước khi ra về thầy không quên bỏ vào túi sách tôi khi thì mấy trái cam, lúc thì tấm bánh giò. Có lần, vài ba đồng từ tiền lương ít ỏi của thầy cho đã giúp tôi đỡ khó khăn trong khoản lộ phí xe tàu. Ngày tôi bảo vệ luận văn tốt nghiệp, thầy ngồi lặng lẽ giúp tôi mở từng trang bản tóm tắt.
Tốt nghiệp ra trường, biết tôi đang bâng khuâng khi chưa được phân công tác, thầy đã liên hệ với ty Giáo dục Hải Phòng mời tôi tới thành phố hoa phượng đỏ để giao lưu hơn một tháng. Tạm biệt Hải Phòng về thăm thầy, tôi bất ngờ khi thầy đưa tôi tờ quyết định về nhận công tác tại ty Giáo dục Nam Định. Tâm sự cùng thầy tôi mới biết chính thầy đã nói việc công tác của tôi với ông Việt Phương bạn thầy và là thư ký của Thủ tướng. Nghe ông Việt Phương báo cáo, bác Phạm Văn Đồng đã cho người về làm việc với ty Giáo dục Nam Định và họ đồng ý cho tôi về nhận công tác tại đây. Rồi ngày tôi cưới, thầy không quản đường xa về dự. Sau đó ít ngày lại chính thầy đã chuyển tôi món quà chất nặng ân tình của bác Đồng gửi tôi nhân dịp vui lớn ấy.
Năm 1991, biết tôi bị suy thận thầy viết thư động viên tôi vào TP.HCM để vừa chữa bệnh vừa công tác. Hai năm sau tôi mới thực hiện được lời thầy khuyên. Từ đó tôi luôn coi thầy như một người cha tinh thần lý tưởng. Có buồn vui gì tôi cũng tìm đến thầy để chia sẻ. Mấy cuốn sách của tôi ấn hành, đều nhờ thầy đọc và viết lời giới thiệu. Đặc biệt cuốn Tôi học đại học mới phát hành, mặc dù thầy đã yếu lắm vẫn vui vẻ nhận lời.
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký (phải) mừng thọ 90 tuổi giáo sư Hoàng Như Mai, năm 2008. Ảnh: Vũ Hải Sơn |
Đầu tháng 9 vừa qua, hay tin thầy bị ngã gãy chân phải vào điều trị tại bệnh viện 175. Ngay chiều đó, vợ chồng tôi cùng con gái lớn dạy THCS Phạm Văn Chiêu vào thăm. Thầy nằm bất động hai chân, thỉnh thoảng lại một trận ho dài. Thấy tôi lo lắng, thầy cầm tay tôi cười vui: “Ký yên chí đi. Ông trời chưa gọi thầy đâu. Xong được quyển gì mới cứ đưa thầy viết lời giới thiệu cho”. Chao ôi! Thầy Mai của tôi là thế. Ngay đến những ngày gần đất xa trời mà thầy đâu có nghĩ về mình, vẫn luôn nghĩ về trò và giúp trò như vậy đấy.
Hôm nghe chị Hương con gái thầy nhắn tin: “Cha tôi giáo sư Hoàng Như Mai đã mất lúc 15g45 ngày 27.9.2013”, cả gia đình tôi sững sờ. Tôi nghẹn ngào, nước mắt ứa trào không sao nói nên lời. Vậy là người thầy muôn vàn kính thương của tôi và của bao thế hệ sinh viên đất Việt đã về với thế giới người hiền. Song, những gì thầy đã dành cho tôi, cho sự nghiệp giáo dục nước nhà vẫn mãi ngân rung toả sáng khôn cùng.
Thầy vẫn là mãi mãi thầy ơi! ...
NGƯT Nguyễn Ngọc Ký
Theo thông tin từ gia đình giáo sư Hoàng Như Mai, 6g ngày 29.9, gia đình đã đưa linh cữu giáo sư về nhà Tang lễ TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu từ 8g ngày 29.9. Lễ truy điệu sẽ diễn ra 7g30 ngày 1.10. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét