Bước tiếp trên con đường “đổi mới sáng tạo”
SGTT.VN - Một cuộc “hội quân” đặc biệt hôm 25.9, quy tụ hơn 100 lãnh đạo doanh nghiệp từ Bắc đến Nam của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC), các hội ngành nghề và một số doanh nghiệp khoa học và công nghệ TP.HCM cùng đại diện các trường đại học, các giám đốc sở Khoa học và công nghệ (KH&CN) các tỉnh thành để chứng kiến một bước phát triển mới: hợp tác giữa Hội DN HVNCLC với bộ KH&CN để thực hiện đề án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế”.
Bộ trưởng Nguyễn Quân trao đổi thông tin với doanh nghiệp. |
“Đổi mới hay phá sản”?
Bộ trưởng bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân phát biểu khai mạc chương trình: “Tôi tin rằng, doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới KH&CN cả nước. Doanh nghiệp cũng là địa chỉ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để mang lại hiệu quả về sản xuất kinh doanh cho xã hội. Nhưng hiện nay công tác hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều điểm khó khăn và chúng tôi đang từng bước tháo gỡ. Bây giờ mà doanh nghiệp không đổi mới sáng tạo để tiếp tục phát triển thì có thể phải phá sản...”
Những cái vướng này, lần lượt được doanh nghiệp nêu ra thẳng thắn. Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc công ty Vissan chia sẻ: “Từ quy định, chúng tôi trích lập quỹ, bị vướng, tôi chạy qua sở KH&CN TP.HCM, giám đốc sở rất hỗ trợ để cùng đi gặp sở Tài chính giải quyết việc trích lập quỹ nhưng cuối cùng cũng không giải quyết được. Quy định chung là có, nhưng đến lúc triển khai thì không được”. Cùng một vấn đề, bà Phạm Thị Việt Nga, chủ tịch công ty Dược Hậu Giang chất vấn: “Tiền của chúng tôi, được phép trích quỹ để nghiên cứu phát triển, nhưng chi cái gì cũng khó về thủ tục, mà chi không hết thì sẽ bị phạt nặng. Như vậy sao phát triển cho mạnh được?”
Một cái khó khác, trong tam giác “nhà nước, viện trường và doanh nghiệp”, là cầu nối giữa các công ty và các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu thường chưa có hay bị gãy giữa chừng. Bà Hồ Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc công ty Saigon Food than: “Chúng tôi toàn dân Nông lâm nên quay về trường cũ của mình để tìm các thầy, nhưng tìm hoài cũng không có được những hỗ trợ chuyên môn cần thiết”. Tương tự là chuyện của anh Huỳnh Quang Vinh, phó tổng giám đốc công ty Antesco cũng loay hoay bao nhiêu năm nay với cái máy lột vỏ trái chôm chôm mà chẳng có ai làm thay, toàn anh em trong nhà tự mày mò…
Đổi mới từ đâu?
Một nghiên cứu sâu của hội DN HVNCLC chỉ ra: ai cũng biết tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, cả trong sản xuất và quản trị, nhưng doanh nghiệp nào cũng lúng túng. Trường hợp ông Cổ Gia Thọ, chủ tịch công ty Thiên Long là điểm sáng ít ỏi: “Doanh nghiệp còn nhỏ thì trích tiền nhỏ nhưng kèm theo, khát vọng phải lớn. Phải truyền lửa liên tục, đầu tư liên tục thì mới tìm ra những “quái kiệt” trong nghiên cứu phát triển sản phẩm, lấy đó làm động lực bứt phá trên thị trường”.
Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch hội nhìn nhận: “Thực tế thôi thúc các doanh nghiệp phải ngồi lại và lên chương trình hành động chung. 17 năm qua, hội chúng ta vẫn nhất quán một tinh thần: liên kết – hành động – chủ động. Nay bên cạnh hậu thuẫn của bộ KH&CN, hội đang được hỗ trợ của nhiều nguồn lực. Một đội ngũ những nhà khoa học, chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước đã đồng ý tham gia ban cố vấn cho doanh nghiệp. Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu LBC đang xúc tiến ra mắt Câu lạc bộ Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo với chương trình hành động khá phong phú sát cánh với doanh nghiệp. Một giải thưởng mang tên “Best R&D Awards” – đi tìm bộ phận nghiên cứu – phát triển tốt nhất chuẩn bị công bố. Sắp tới là hàng loạt hội thảo để tiếp thêm năng lượng cho doanh nghiệp: kinh nghiệm xây dựng phòng R&D hiệu quả? Kinh nghiệm hoạt động đổi mới công nghệ và quản trị với cả kinh nghiệm thành công lẫn thất bại; thông qua các cục, vụ của bộ hay các sở KH&CN các tỉnh, thành phố tiếp cận với các chương trình đổi mới công nghệ, làm quen với các viện trường có nhiều công trình nghiên cứu hay các vườn ươm công nghệ…”
Bà Vũ Thị Thuận, tổng giám đốc Traphaco nói cuối hội thảo: “Tôi bay gấp từ Hà Nội vào chỉ để nói một câu: đây là hành trình quan trọng nhất đối với Traphaco. 17 năm kinh nghiệm gắn bó chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao đủ để chúng tôi tin tưởng vào hành trình mới có tính quyết định này, bước đột phá rất đúng lúc và hữu ích, giai đoạn tiếp tục hội nhập sâu phía trước”.
T. Nguyên
Sáu nội dung hợp tác với bộ Khoa học và công nghệ – Khảo sát thực trạng đổi mới sáng tạo hàng năm và kiến nghị chính sách. – Xây dựng Câu lạc bộ Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo: tập hợp các doanh nghiệp có quan tâm, có hoạt động đổi mới sáng tạo; các chuyên gia, viện trường trên cơ sở nòng cốt là CLB doanh nghiệp dẫn đầu LBC; kết nối với các cơ quan chức năng của bộ KH&CN để tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp về chuyên môn, về nguồn lực (tài chính, nhân lực, giải pháp…) - Hợp tác về Sở hữu trí tuệ: kết nối cơ quan chuyên trách của bộ, tạo điều kiện để doanh nghiệp am hiểu, bảo vệ, thực hiện quyền Sở hữu trí tuệ. Mỗi quý, tổ chức toạ đàm cho doanh nghiệp để trang bị kiến thức, hướng dẫn, giải quyết các trường hợp bị xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ. Tổ chức phổ biến kiến thức về Sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp và lực lượng truyền thông; phối hợp với cục Sở hữu trí tuệ tổ chức hai cuộc hội thảo chuyên đề/năm. – Xúc tiến thị trường công nghệ: tìm nguồn vốn cho hoạt động đổi mới sáng tạo từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác; trợ vốn đầu tư rủi ro cho sản phẩm công nghệ mới; và thử nghiệm hình thức “Gọi vốn cộng đồng” (crowdfunding). Đồng thời xúc tiến thị trường công nghệ trong nước: Tổ chức các hoạt động (họp báo, triển lãm mini về đổi mới sáng tạo trong không gian hội chợ HVNCLC năm 2014), giới thiệu về thành tựu đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ của doanh nghiệp tại hội chợ công nghệ trong nước và quốc tế, tham gia tổ chức “Tuần lễ đổi mới sáng tạo KH&CN và quản trị kinh doanh”. – Truyền thông: trung tâm BSA (BSA Media) kết hợp với tạp chí Tia Sáng và hợp tác với các chương trình truyền thông do các cơ quan của Bộ KHCN kết hợp thực hiện với các báo đài; tổ chức các chương trình mới có chủ đề doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trên cơ sở các công cụ truyền thông của hội hay theo các mô hình hợp tác vốn có của hội DNHVNCLC với các báo đài. – Hỗ trợ một số doanh nghiệp hạt giống tiếp nhận sự trợ giúp của bộ, từ tài chính đến các tư vấn về thủ tục, về kiến thức khoa học và công nghệ để tiến hành đổi mới công nghệ. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét