Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Nhiều ngư dân Bạc Liêu sợ đi biển!

Nhiều ngư dân Bạc Liêu sợ đi biển!

Nhiều ngư dân Bạc Liêu sợ đi biển!


SGTT.VN - Thực tế nghe có vẻ tréo ngoe này đang là tâm trạng chung của nhiều gia đình ở xóm cửa biển Cái Cùng (ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu). Đã có những ngư dân với thâm niên cả chục năm trời trong nghề biển, nhưng nay họ phải buông lưới, bỏ tàu, chạy về nhà, run lẩy bẩy như mới vừa chết hụt.


“Bão” trên đất liền










Ngư dân Nguyễn Văn Nô trong căn nhà trống trước trống sau của mình ở xóm nghèo Cái Cùng.



“Một cơn “bão cạn” quét qua xóm Cái Cùng hồi tháng 8 đã làm 14 ngư dân bỗng dưng mất tích, trong đó có sáu người đến nay, gia đình họ vẫn không thể liên lạc”, ông Lê Văn Út, trưởng ấp Vĩnh Lạc nói về sự đột ngột mất tích của nhiều ngư dân nghèo, khi họ được thuê đi phu cho tàu biển ở một nơi xa. Theo ông Út, nguyên nhân bắt đầu từ việc một người lạ mặt đã “móc nối” với ông Danh Nhung tới địa phương này tuyển mộ lao động đi biển. Trước đó, theo ông Danh Nhung, ông chỉ biết người này qua điện thoại do người khác giới thiệu, anh ta tự giới thiệu tên là Trần Hoàng hiện hoạt động ở khu vực biển Vũng Tàu và ông Hoàng đang cần nhiều lao động làm việc trên biển. Ông Hoàng đã ra giá với ông Nhung, “mỗi lao động được tuyển sẽ được trả trước tiền công 7 triệu đồng cho một chuyến biển 40 ngày và mỗi lao động tuyển được, ổng (Hoàng) sẽ thưởng công môi giới cho tui 500.000 đồng”, ông Nhung nói.


Ngày đầu tiên của tháng 8 là ngày những ngư dân này đi nhận việc để hy vọng sao cho gia đình họ thoát dần khỏi sự nghèo khó. Tại Vũng Tàu, 14 ngư dân được tuyển mộ đã xuống tàu ra khơi và ông Hoàng cùng ông Nhung trở lại xóm Cái Cùng để giao những phần tiền công lao động tận tay các gia đình ngư dân. Thế nhưng, với thủ thuật “hô biến” của kẻ lừa đảo, ông Nhung đã phải một mình ngồi xe khách trở về nhà mình, bắt đầu chịu đựng những trận “bão lời” từ búa rìu dư luận. Trong lúc này, kẻ lừa đảo đã biệt tăm cùng với số tiền công lao động của 14 ngư dân, cộng với số tiền “bo” phải trả cho ông Nhung theo cam kết.


Thoát nạn


“Tới khi ra Vũng Tàu, xuống tàu cá, tụi tui yên tâm vì nghĩ là tay cò ghe biển này cùng đi có ông Nhung, đem tiền về giao tận tay cho gia đình, vợ, con tụi tui như lời hứa ban đầu, ai dè…”, ngư dân Dương Văn Toản, một trong những người đầu tiên trở về nhà than. Theo anh Toản, sau 20 ngày làm việc trên tàu và trở vào bờ, lúc này, liên lạc với gia đình, anh Toản mới tá hoả biết số tiền công của anh, của đứa con trai lớn và cả người em vợ (Nguyễn Tiến Lên) cùng đi biển theo tuyển mộ của hai ông Hoàng – Nhung đã bị chiếm đoạt. Tương tự, sau một tháng hai ngày theo tàu cá, ngư dân Nguyễn Văn Nô trở về đất liền tại Vũng Tàu, được người quản lý tàu cho 200.000 đồng để tiêu xài, nhưng lúc này, anh lại nghe tin từ quê nhà rằng, người tuyển mộ đã trốn mất cùng với số tiền công họ phải chi trả.


Ngồi trong căn nhà mái tôn cũ rích ở xóm Cái Cùng, ông Nô nghẹn giọng nói: “Thôi chắc thà ở nhà chịu nghèo, chứ bây giờ nói chuyện ra biển, tui lại sợ đi chung với những người đối xử tàn độc với mình như lần đó”. Trưởng ấp Vĩnh Lạc, ông Lê Văn Út cho biết: “Đến nay, chỉ có ba ngư dân trong tổng số 14 người đã trở về với gia đình, năm trường hợp khác đã liên lạc được với gia đình, nhưng thông tin về họ chỉ biết là, họ còn tiếp tục theo tàu”.


Truy tìm kẻ lừa đảo, đòi lại công bằng cho cả nhóm ngư dân là công việc không đơn giản trong lúc này. “Cái khó là hầu hết ngư dân có liên quan trong vụ này đều chỉ học tới lớp 3 – 4, họ không nhớ được số tàu mà họ đã từng đi, còn manh mối của kẻ lừa đảo họ chỉ là cái số điện thoại không nối được liên lạc”, trưởng công an xã Vĩnh Thịnh, ông Đặng Hồng Khánh cho biết.


bài và ảnh: Ngọc Tùng









Thảm kịch của một gia đình


Căn nhà mái tôn cũ nát không có lối vào, nằm bơ vơ giữa vùng cỏ ngập nước, khuất sau dãy nhà ven lộ giao thông nông thôn khu vực chợ Cái Cùng, là nơi cư ngụ của gia đình ngư dân Dương Văn Toản. Ở đó, sau ba tuần rời tàu, trở về nhà, gương mặt anh Toản vẫn còn vẻ thất thần. Chị Nguyễn Thị Huệ (vợ anh Toản) ôm ghì hai đứa con gái nhỏ như muốn níu kéo những gì còn lại của gia đình, sau những biến cố của gia đình nhiều bất hạnh này. Trong suốt câu chuyện hơn nửa giờ, chúng tôi ghi nhận duy nhất có một nụ cười của đứa con gái anh chị Toản trên bức di ảnh đặt trên chiếc bàn thờ nhỏ nằm sát trong góc nhà. Dương Thị Thu Hiền, đứa con gái lớn của anh Toản đã bất ngờ ra đi khi mới ở tuổi 17, trong một vụ tai nạn có liên quan tới hành vi cưỡng hiếp xảy ra hồi năm 2011 tại Cà Mau. Ngước nhìn lên mái tôn gỉ sét, thủng rách nhiều nơi, anh Toản cho biết: “Tui với đứa con trai cả tính đi biển đợt đó để kiếm chút đỉnh tiền về sửa lại mái nhà, nhưng những kẻ vô tâm đã cướp mất hết rồi”.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ