"Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo":
Cần cuộc cải cách lớn toàn xã hội
SGTT.VN - Đề án "Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo" vừa được bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) hoàn thiện với việc hướng tới đánh giá học sinh trong cả quá trình, bỏ kiến thức hàn lâm, học thiết thực.
Tuy nhiên, không ít người tỏ ra lo ngại về sự tin cậy đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, khi con đường vào đại học được đánh giá bằng kết quả kỳ thi này.
Giảm “kiến thức hàn lâm”
Một trong những kỳ vọng lớn của bộ GD-ĐT trong việc nâng cao hiệu quả giáo dục trong giai đoạn tới đó là việc “tăng cường cả tích hợp và phân hóa trong quá trình dạy học”.
Kết quả học tập của học sinh sẽ bị "méo mó" nếu thiếu đi sự nghiêm túc. Ảnh: T.Tuyền |
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết ở bậc tiểu học, sẽ tăng cường tích hợp trong nội bộ môn toán, tiếng Việt, đạo đức, tự nhiên - xã hội (lớp 1, 2, 3); lồng ghép các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, dân số… vào các môn học và hoạt động giáo dục. Lớp 4 và 5 sẽ điều chỉnh và hình thành 2 môn là khoa học - công nghệ và tìm hiểu xã hội.
Ở bậc THCS, tăng cường tích hợp trong nội bộ môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục công dân; lồng ghép các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản… vào các môn học và hoạt động giáo dục. Xây dựng hai môn học mới là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Các môn được xây dựng bảo đảm tính logic, sắp xếp sao cho có sự hỗ trợ lẫn nhau, tránh trùng lặp.
Ở bậc THPT sẽ phân hóa theo hướng tự chọn. Dự kiến lớp 10, học sinh học 7-10 môn bắt buộc, còn lại là các môn học và hoạt động giáo dục tự chọn. Lớp 11 và 12 sẽ phân hóa mạnh và hướng nghiệp cho học sinh. Học sinh sẽ học ít môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là tiếng Việt, toán, ngoại ngữ, 3 môn/chủ đề tự chọn (như vật lý, hóa, sinh, địa lý, lịch sử, công nghệ, khoa học về máy tính, kinh doanh, ngoại ngữ 2, nghệ thuật…).
Tán thành với quan điểm chương trình hiện nay nghiêng nhiều về kiến thức hàn lâm, thậm chí “vô bổ”, PGS.Văn Như Cương (hiệu trưởng trường PTDL Lương Thế Vinh) cho rằng, kiến thức toán cấp 3 hiện nay quá cao siêu, kiến thức văn kiến học sinh học xong có thể thành “nhà nghiên cứu”... Trong khi chương trình lại đang đặc biệt thiếu những kiến thức thực tế, đặc biệt là những kỹ năng trong cuộc sống, để học sinh không chỉ học để lấy kiến thức mà còn học để làm Người.
Còn GS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng bộ GD-ĐT, Chủ tịch hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập thì nhấn mạnh, xu hướng đánh giá học sinh trong cả quá trình là xu hướng của thế giới, đã được hiệp hội đề xuất cách đây ba năm. Nhưng việc công nhận tốt nghiệp ngoài dựa trên kết quả học tập phải dựa trên kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục về phẩm chất, đạo đức, kỹ năng của học sinh. Để làm được điều này, chính bản thân nội dung chương trình phải thay đổi, tăng cường những nội dung này.
Chỉ còn một kỳ thi quốc gia?
“Các trường ĐH, CĐ tổ chức tuyển sinh theo hướng dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT và có thể kiểm tra/thi thêm một vài môn hoặc chuyên đề theo yêu cầu đào tạo của mỗi ngành, mỗi trường” – với nội dung đổi mới này việc thi ĐH, CĐ áp lực và căng thẳng hàng năm sẽ chấm dứt.
Đổi mới giáo dục trong giai đoạn tới sẽ hướng tới tăng cường kỹ năng sống , giảm kiến thức hàn lâm ngay từ bậc tiểu học. Ảnh: Thanh Hảo |
Tuy nhiên, với tỷ lệ thi tốt nghiệp hàng năm luôn trên 90% như hiện nay, làm sao để kết quả của kỳ thi này tạo được sự tin cậy đối với xã hội nói chung và các trường đại học nói riêng thực sự là một câu hỏi lớn?
GS Trần Hồng Quân cho rằng, để tạo sự tin cậy cho kỳ thi này cần một cuộc cải cách lớn của toàn xã hội. Tất cả sẽ méo mó nếu các cấp, các ngành đều muốn gửi gắm con em, phụ huynh sẽ bất chấp mọi giá cho con em mình có một chỗ ngồi trên giảng đường.
“Đổi mới căn bản ở đây là đổi mới chính tư duy của toàn hệ thống xã hội. Hướng tới việc ai cũng phải làm nghiêm túc. Phụ huynh phải ủng hộ việc giáo dục tạo ra con người biết làm việc, có đạo đức chứ không phải chỉ là chuyện bằng cấp, có được sự chuyển biến đó thì khi đó mới có sự tin cậy”, GS Quân nhấn mạnh.
Theo một chuyên gia giáo dục, cần thiết phải có những trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục hoạt động độc lập với bộ GD-ĐT, khi kết quả thi tốt nghiệp rất cao nhưng kết quả kiểm định chất lượng giáo dục lại rất thấp thì bị “thổi còi”. Như thế sẽ không có địa phương nào dám thả lỏng kỳ thi này.
Kết quả tốt nghiệp THPT là “điểm sàn” ĐH, CĐ Bộ GD-ĐT đã cấp bằng cho học sinh nhưng lại dùng “điểm sàn” để gác chất lượng chẳng khác nào không công nhận giá trị của bằng tốt nghiệp THPT. Tôi ủng hộ phương án đổi mới của bộ. Nhưng kết quả công nhận tốt nghiệp THPT lúc này có thể được xem là “điểm sàn” để tuyển sinh ĐH-CĐ. Những trường có khả năng thu hút người học có thể tổ chức thêm kỳ kiểm tra đầu vào để loại thí sinh những trường không tổ chức thi có thể căn cứ đây để xét tuyển. (PGS.Văn Như Cương) Đổi mới việc biên soạn sách giáo khoa Sách giáo khoa sẽ đổi mới về cách tiếp cận (xây dựng chương trình phát triển năng lực người học), đảm bảo tính hệ thống và nhất quán, trên nền tảng cơ bản, tích hợp cao và phân hóa sâu, giảm gánh nặng học hành cho học sinh. Chương trình sau 2015 chủ trương chỉ lựa chọn một số nội dung cơ bản, thiết thực, gần gũi với cuộc sống nhằm hình thành năng lực, giúp học sinh biết giải quyết các vấn đề và tình huống trong cuộc sống thường nhật. Một trong những hạn chế của các lần thay đổi vừa qua là cách làm theo kiểu cuốn chiếu nên thời gian thí điểm chương trình và sách giáo khoa quá dài. Định hướng đổi mới lần này chủ trương thực hiện cách biên soạn đồng thời và thí điểm đồng thời 3 cấp nhằm rút ngắn thời gian thí điểm khoảng 3 - 4 năm (từ 2016 - 2019). (Dự thảo đề án) |
Thanh Tuyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét