Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Bắt đúng bệnh, lựa đúng thuốc

Bắt đúng bệnh, lựa đúng thuốc

Tư vấn trực tuyến Bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản:


Bắt đúng bệnh, lựa đúng thuốc


SGTT.VN - Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD – Gastroesophageal Reflux Disease) là bệnh lý đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam. Do bệnh có phổ triệu chứng khá rộng nên để bắt đúng bệnh, tìm đúng thuốc đặc trị, người bệnh cần được trang bị một số kiến thức.










Không chỉ đến tham dự trực tiếp, nhiều bạn đọc còn cẩn thận ghi chép những thông tin về bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản để về chia sẻ với người nhà.



Nhằm cung cấp những thông tin bổ ích về bệnh lý này cho cộng đồng, báo Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp hội Khoa học tiêu hoá TP.HCM, với sự đồng hành của công ty AstraZeneca đã tổ chức buổi tư vấn trực tuyến “Trào ngược dạ dày – thực quản: bệnh lý thường gặp nhưng hay bị bỏ sót” sáng 22.9 tại toà soạn. Với cương vị khách mời, ThS.BS Lê Đình Phương – trưởng phòng khám đa khoa FV Saigon và ca sĩ Trang Nhung đã chia sẻ những kiến thức bệnh lý, những quan điểm điều trị, kinh nghiệm phòng ngừa, trị bệnh... cho hơn 100 bạn đọc tại khán phòng và trả lời hàng loạt câu hỏi trực tuyến qua http://sgtt.vn.


Không nhất thiết phải nội soi trong tất cả các trường hợp


Khéo léo trấn an bạn đọc bằng một bài thuyết trình ngắn về bệnh lý này, BS Lê Đình Phương cho biết GERD là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản. Do tính chất gây tổn thương của các chất dịch trong dạ dày như axít HCl, pepsine, dịch mật… đối với niêm mạc thực quản, nên sẽ gây ra các triệu chứng và biến chứng. Một số triệu chứng phổ biến thường gặp là ợ nước chua, ợ trớ, nóng rát vùng bụng trên hoặc nóng vùng giữa ngực lan đến họng, đau bụng trên, rối loạn tiêu hoá. Ngoài các triệu chứng điển hình thường gặp, bệnh này còn có những triệu chứng không điển hình nhưng rất hay gặp và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như đau ngực, cảm giác nghẹn, ứa nước chua trong miệng, ho khan kéo dài, hen suyễn, khàn giọng, viêm xoang, viêm hầu họng, đắng miệng và đau họng, hôi miệng, nấc cục, ói… Do vậy, nếu có dấu hiệu của một trong bảy triệu chứng: khó nuốt, ăn mau no, chảy máu đường tiêu hoá, sụt cân, nuốt vào bị đau rát, nôn thường xuyên, thiếu máu – thiếu sắt thì phải đi khám ngay. BS Phương nhấn mạnh: “Khá nhiều bệnh nhân có những triệu chứng không liên quan đến tiêu hoá như ho, hen, khàn giọng, viêm thanh quản, mòn răng dễ gây nhầm lẫn với các bệnh đường tai mũi họng hay răng miệng. Khi xuất hiện các triệu chứng này, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán xem có đúng là bị GERD hay không. Lưu ý, bệnh này không nhất thiết phải có nội soi mói chuẩn đoán được, mà có thể tầm soát bằng bảng câu hỏi khảo sát GEFD Q. Vai trò của nội soi cũng rất quan trọng để phát hiện biến chứng và mức độ GERD”.


“GERD tuy không phải cấp cứu nhưng nếu không được điều trị, các triệu chứng sẽ tái đi tái lại, ngày càng trở nặng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống” – BS Đình Phương khẳng định. Biến chứng thường xảy ra nhất là viêm thực quản do trào ngược với các hệ quả loét, teo hẹp. Tiếp xúc nhiều với axít dịch vị có thể làm thay đổi cấu trúc lớp tế bào niêm mạc thực quản, dẫn đến bệnh thực quản Barrett, một tổn thương có thể đưa tới ung thư thực quản. Triệu chứng trào ngược càng nhiều, càng nặng, kéo dài càng lâu thì nguy cơ bị ung thư thực quản càng cao. Ngoài ra còn có các biến chứng viêm thanh quản, viêm xoang, viêm mũi họng, viêm phổi, làm nặng hay khởi phát hen suyễn...


















ThS.BS Lê Đình Phương:


“Có thể giảm được 50% nguy cơ loét và chảy máu dạ dày khi dùng chung PPI với thuốc điều trị thấp khớp. Tuy nhiên, chọn thuốc nào thì phải dựa vào nghiên cứu chứ không phải theo quảng cáo. Bác sĩ sẽ căn cứ vào bệnh trạng của bệnh nhân để tư vấn loại thuốc nào hiệu quả cao, tác dụng phụ ít, vừa túi tiền của họ”.











Ca sĩ Trang Nhung


“Nếp sống tác động nhiều đến sức khoẻ. Ngay khi có cảm giác khó chịu, bất kể là các triệu chứng gì cũng nên đi khám bác sĩ ngay, không chủ quan”.



Về phương pháp và thuốc điều trị, BS Phương cho biết các thuốc kháng axít như Phosphalugel, Maalox chỉ có tác dụng trung hoà tạm thời axít trong dạ dày là nguyên nhân gây nên các triệu chứng khó chịu của GERD. Tuy nhiên, do axít vẫn tiết ra thường xuyên nên các thuốc này chỉ làm bớt triệu chứng lúc uống, “không giúp điều trị căn nguyên của bệnh”. GERD là căn bệnh dai dẳng và dễ tái phát nên bệnh nhân cần tuân thủ liệu trình điều trị. Hiện nay y học thế giới hướng dẫn điều trị GERD với thuốc ức chế bơm proton (PPI) trong bốn tuần để đảm bảo bệnh nhân lành viêm hẳn và hết triệu chứng, ít bị tái phát. Các thuốc trong nhóm PPI có thể kể tới omeprazol, lanzoprazol, pantoprazol, esomeprazol... và danh sách nhóm thuốc này ngày càng dài. “Có thể giảm được 50% nguy cơ loét và chảy máu dạ dày khi dùng chung PPI với thuốc điều trị thấp khớp. Tuy nhiên, chọn thuốc nào thì phải dựa vào nghiên cứu chứ không phải theo quảng cáo. Bác sĩ sẽ căn cứ vào bệnh trạng của bệnh nhân để tư vấn loại thuốc nào hiệu quả cao, tác dụng phụ ít, vừa túi tiền của họ”, BS Phương khuyên.

Thuốc đặc trị + đổi lối sống


Kiến thức y khoa qua cách trả lời hóm hỉnh cùng những hình ảnh minh hoạ đầy sinh động của vị bác sĩ khách mời giúp cho nỗi lo của bạn đọc phần nào được giải toả. Tuy nhiên, BS Lê Đình Phương vẫn nhấn mạnh: “Khoảng 70% bệnh nhân được điều trị thành công có nguy cơ tái phát sau sáu tháng. Do đó, bệnh nhân GERD sau khi chữa khỏi có thể được bác sĩ hướng dẫn áp dụng các chế độ điều trị duy trì phù hợp như dùng thuốc ức chế bơm PPI mỗi ngày với liều thấp hơn, hoặc dùng thuốc PPI ngắt quãng theo một khoảng thời gian nhất định. Phương pháp này giúp bệnh nhân duy trì hiệu quả điều trị lâu dài, tránh bị tái phát”. Bác sĩ cũng khuyên để cải thiện đáng kể bệnh tình cũng như nâng cao sức khoẻ mỗi người, cần thay đổi lối sống. Trong đó, vì “triệu chứng liên hệ với bữa ăn” nên không ăn quá no, tránh ăn đồ chua, giảm thực phẩm béo, chiên xào. Cần tích cực giảm cân, bỏ thuốc lá, kê cao gối khi nằm, nằm nghiêng bên phải…


Tham dự với tư cách khách mời nhưng cũng từng là một bệnh nhân GERD, ca sĩ Trang Nhung chia sẻ: “Ở bốn lần sinh nở, trong thời gian mang thai, Trang Nhung đều mắc bệnh lý này và nó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Việc phòng bệnh thì theo kinh nghiệm của Trang Nhung, ngay khi có cảm giác khó chịu, bất kể là các triệu chứng gì cũng nên đi khám bác sĩ ngay, không chủ quan”. Đó là quãng thời gian khó khăn cho cô khi căn bệnh này chưa có thuốc đặc trị, bác sĩ chỉ có thể khuyên nếu ăn vào bị nôn ra thì chờ 15 phút sau ăn tiếp, và điệp khúc cứ như vậy! Tuy nhiên, nhờ cô luôn cố gắng lạc quan, biết chăm lo sức khoẻ nên bệnh dần bị đẩy lùi, các con sinh ra đều khoẻ mạnh. Nữ ca sĩ cho biết nếp sống tác động nhiều đến sức khoẻ. Từ một người phải uống thuốc quanh năm, hai năm trở lại đây nhờ thói quen giữ cổ ấm, chân ấm cũng như tránh uống nước đá, thức ăn lạnh... giờ cô đã hết ho. Trang Nhung khuyên: “Sức khoẻ luôn là ưu tiên số một, và bất kể lứa tuổi nào, ngành nghề nào cũng cần trang bị các kiến thức về sức khoẻ cho mình và gia đình”.


Bài: Trung Dũng. ảnh: Thanh Hảo






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ