Lộn xộn thu, nộp thuế ở các khu chế xuất
SGTT.VN - Cuộc thanh tra về tình hình quản lý thu thuế tại các khu chế xuất Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai do Thanh tra Chính phủ (TTCP) mới kết thúc cho thấy tình hình quản lý thu thuế ở các khu chế xuất, các doanh nghiệp chế xuất khá lộn xộn, nhiều kẽ hở trong quản lý, có nguy cơ gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước…
Nhiều doanh nghiệp báo lỗ, có dấu hiệu chuyển giá
Theo TTCP, tại thời điểm 31.12.2011, có 399 doanh nghiệp ở các khu chế xuất thuộc bốn tỉnh, thành phố trên có số thuế các loại phải nộp gần 688 tỉ đồng. Trong số này, có 125 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 31,3% có doanh thu 32.563 tỉ đồng, hạch toán lỗ 1.956 tỉ đồng. Trong số 125 doanh nghiệp báo lỗ này thì có 36 doanh nghiệp lỗ ba năm liên tiếp, lỗ 2.856,8 tỉ đồng. Số doanh nghiệp lỗ hai năm liên tiếp là 69, lỗ trên 1.829,8 tỉ đồng.
Công ty TNHH sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia (Đồng Nai) lỗ ba năm trên 430,4 tỉ đồng (ảnh minh họa). Ảnh: TBKTSG |
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp báo lỗ lớn: công ty TNHH Sumitomo Bakelite Việt Nam (Hà Nội) báo cáo lỗ ba năm trên 777,67 tỉ đồng; công ty TNHH sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia (Đồng Nai) lỗ ba năm trên 430,4 tỉ đồng; công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam (Hà Nội) ba năm lỗ với số tiền gần 301 tỉ đồng; công ty TNHH Sài Gòn STEC (Bình Dương) lỗ ba năm trên 218 tỉ đồng. Công ty TNHH Olympus Việt Nam (Đồng Nai) lỗ hai năm trên 256 tỉ đồng.
Tính ra có đến 57% số doanh nghiệp chế xuất hạch toán lỗ hoặc không có lãi, báo lỗ kéo dài liên tục nhiều năm, thậm chí có không ít doanh nghiệp có số lỗ vượt quá số vốn chủ sở hữu. Nhưng đáng ngạc nhiên là tốc độ tăng doanh thu nhiều doanh nghiệp vẫn cao, liên tục mở rộng phạm vi kinh doanh.
Cũng có những nguyên nhân mà một số doanh nghiệp chưa có hiệu quả và lỗ thật như do vẫn đang trong giai đoạn đầu tư, chưa có doanh thu, bị ảnh hưởng suy thoái kinh tế thời kỳ 2007 – 2009. Nhưng theo đánh giá của TTCP, có dấu hiệu chuyển giá trong giao dịch liên kết: chuyển lợi nhuận ra nước ngoài qua việc nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị với giá cao và xuất khẩu với giá thấp để tạo lỗ, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp.
“Tình trạng này không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn gây mất công bằng trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư…”, TTCP nhận định.
Tuy nhiên, cũng như nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra trước đây, TTCP cũng chỉ nhận định đây là những dữ liệu, thông tin có dấu hiệu chuyển giá ở các doanh nghiệp mà chưa xác minh được thông tin đầu ra với doanh nghiệp nước ngoài nên các cơ quan thuế không đủ cơ sở xem xét, xử lý các doanh nghiệp này.
Nợ thuế và hạch toán sai
Số nợ thuế của các doanh nghiệp chế xuất của bốn tỉnh, thành phố trên cũng khá lớn. Tại thời điểm 31.12.2011, có tới 62 doanh nghiệp nợ thuế trên 9,4 tỉ đồng, bình quân 151 triệu đồng/doanh nghiệp. Có doanh nghiệp nợ khá lớn là công ty TNHH TF (TP.HCM) nợ trên 1,17 tỉ đồng. Trong ba năm 2009 – 2011, có 83 doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra, đã bị xử lý, truy thu và phạt trên 67 tỉ đồng, đồng thời phải hạch toán lại, giảm lỗ 344 tỉ đồng.
Theo thanh tra tổng cục Thuế và cục thuế các địa phương, các dạng sai phạm ở các doanh nghiệp chế xuất thuộc bốn tỉnh, thành phố này rất nhiều dạng: trích khấu hao không đúng, chi phí sai nguồn, trợ cấp thất nghiệp quá mức, giảm tiền thuế thu nhập cá nhân của thẻ golf…
Tuy nhiên, TTCP cho rằng, việc tổ chức thanh tra, kiểm tra ở các địa phương không được thường xuyên, liên tục. Như cục Thuế Đồng Nai, cả năm 2009 không thanh tra doanh nghiệp chế xuất nào. Việc thanh tra, giám sát của hải quan các tỉnh, thành phố này cũng không đều. Từ năm 2009 – 2011, có 15 doanh nghiệp chế xuất được thanh tra, kiểm tra về hải quan. Riêng năm 2011, có 15 doanh nghiệp chế xuất được kiểm tra, truy thu và phạt trên 16,6 tỉ đồng. Nhưng cục Hải quan Hà Nội không tổ chức cuộc nào, Hải quan TP.HCM chỉ thanh tra một doanh nghiệp. Trong lĩnh vực này, nhiều doanh nghiệp chế xuất đã tuỳ tiện thay đổi mục đích sử dụng hàng hoá, nguyên phụ liệu nhập khẩu được miễn thuế mà không kê khai để nộp thuế, khai tăng so với định mức tiêu hao nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu; lập và khai không đúng nhiều số liệu…
Quản lý lỏng lẻo, yếu kém
Để xảy ra nhiều sai phạm ở các doanh nghiệp chế xuất, ngoài nguyên nhân việc thanh tra, kiểm tra ở một số địa phương còn chưa kịp thời, thường xuyên; thì có một nguyên nhân đáng nói là sự thiếu thống nhất trong việc áp dụng chính sách, hướng dẫn chính sách ở một số bộ, ngành.
TTCP đã phát hiện rất nhiều trường hợp cho thấy các bộ: Tài chính, Công thương, tổng cục Hải quan và cục Hải quan các tỉnh hướng dẫn, thực hiện nhiều quy định không chính xác, thống nhất. Ví dụ, công văn số 207/TCT-KTNB của tổng cục Thuế ngày 17.1.2011 hướng dẫn xác định doanh thu, thu nhập chịu thuế, phương pháp chuyển lỗ và thời gian ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty Loteco (Đồng Nai) không đúng quy định của thông tư số 128/2003/TT của bộ Tài chính.
Đoàn thanh tra cũng phát hiện tổng cục Thuế có ba văn bản hướng dẫn quy định về chính sách thuế, ưu đãi thuế theo thông tư số 134/2007/TT-BTC về thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng không thống nhất. Bộ Công thương cũng có một công văn hướng dẫn về thực hiện quyền xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp không thống nhất với chính quy định của bộ này. Trong một số trường hợp, việc các bộ, ngành ra văn bản hướng dẫn sai cũng đã gây thiệt hại cho ngân sách. Ví dụ một số văn bản hướng dẫn của bộ Tài chính và tổng cục Thuế về thuế thu nhập doanh nghiệp với thu nhập khác từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp, đã trái với thông tư 130/2008/TT-BTC của chính bộ Tài chính, làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trên 10,47 tỉ đồng; một số văn bản hướng dẫn khác về thuế thu nhập doanh nghiệp với thu nhập khác từ bán phế liệu, phế phẩm, theo TTCP cũng trái với thông tư số 13/2008/TT-BTC làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trên 26,4 tỉ đồng ở nhiều doanh nghiệp.
Cuộc thanh tra này đã cho thấy, mặc dù về phía các doanh nghiệp được thanh tra, có những doanh nghiệp cố tình lập lờ, làm trái quy định, báo cáo, kế khai sai… để giảm thuế. Nhưng về phía các cơ quan quản lý nhà nước, có rất nhiều điều phải chấn chỉnh về công tác thanh tra, giám sát, về việc xây dựng, ban hành các văn bản theo thẩm quyền… để tránh tình trạng quản lý lỏng lẻo, hướng dẫn sai, mâu thuẫn, gây thất thu cho ngân sách và để các doanh nghiệp lợi dụng, trốn thuế.
Mạnh Quân – M. Minh
Theo TTCP, kết thúc đợt thanh tra này, tổng số tiền thuế được TTCP đề nghị xem xét, xử lý (không tính số thuế thu nhập doanh nghiệp trên 19,7 tỉ đồng, số lỗ tăng thêm hơn 21,5 tỉ đồng đề nghị cơ quan thuế điều chỉnh) tại TP.HCM là 38 tỉ đồng; Đồng Nai 14,28 tỉ đồng và 1,35 triệu USD; Bình Dương 1,25 tỉ đồng; Hà Nội gần 5,2 tỉ đồng. Sau khi có biên bản thanh tra, các doanh nghiệp đã tự giác nộp 5,47 tỉ đồng vào các tài khoản tạm giữ của TTCP và các cục thuế. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét