Kiếm sống trong “nền tảng thứ ba”
SGTT.VN - “Nền tảng thứ ba” là thuật ngữ chỉ sự hội tụ công nghệ và ứng dụng của điện toán đám mây (cloud computing), di động (mobile), truyền thông xã hội (social) và công nghệ lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn (big data) trên nền tảng internet.
Đó là thuật ngữ mà các chuyên gia về công nghệ thông tin (CNTT) trên thế giới và trong nước đã xác định về mô thức đời sống xã hội hiện nay dưới góc nhìn của CNTT.
Thiết bị di động phát triển là nền tảng để “nền tảng thứ ba” phát triển. Trong ảnh: khách hàng đang mua sắm máy tính bảng. Ảnh: Minh Phúc |
Không theo kịp công nghệ là… từ từ “chết”
Ông Hà Thân, tổng giám đốc Lạc Việt, cho rằng, chủ doanh nghiệp, không phân biệt ngành nghề nào, nếu không bắt kịp trào lưu công nghệ là “từ từ” đặt dấu chấm hết cho chính doanh nghiệp của mình. Theo ông Thân, dữ liệu phát sinh hiện nay rất lớn, chỉ trong ba năm gần đây, lượng dữ liệu sinh ra bằng mấy ngàn năm tích tụ lại. Trước đây, muốn tìm ra một quy luật nào, phải dùng nhiều thí nghiệm, tốn nhiều thời gian, tiền bạc nhưng hiện nay với kho dữ liệu lên đến hàng tỉ đơn vị thông tin, dễ dàng xử lý, phân tích để mau chóng đi đến quy luật.
Khi kinh tế suy thoái, lượng hàng tồn kho ngày càng tăng, bài toán làm các doanh nghiệp đau đầu là làm sao bán được hàng với chi phí tiếp thị thấp nhất. Ông Trần Viết Huân, giám đốc công nghệ IBM Việt Nam cho rằng, ngày càng nhiều công ty sử dụng những ứng dụng di động để gia tăng tương tác với khách hàng thông qua các thiết bị di động như: ngân hàng dùng ứng dụng mobile banking, nhà hàng khai thác thế mạnh của mạng xã hội để quảng cáo về sản phẩm và chương trình bán hàng… “Doanh nghiệp phải biết xử lý kho dữ liệu đó như thế nào để hỗ trợ kinh doanh”, ông Huân chia sẻ. Theo lời ông Nguyễn Hồng Minh, giám đốc trung tâm Điện toán và truyền số liệu khu vực 2 (VDC2), ứng dụng những ưu thế của CNTT trong kinh doanh không còn là chuyện mới, vấn đề là doanh nghiệp lựa chọn những giải pháp nào tiết kiệm và tăng hiệu quả. “Không nhất thiết phải đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, mà có thể thuê dịch vụ, vừa tiết kiệm, vừa nhanh chóng triển khai những giải pháp cần thiết cho hoạt động của công ty”, ông Minh tư vấn thêm. Cũng theo ông Minh, những ngành nghề có tính cạnh tranh càng cao, cần chú trọng đến việc đầu tư hệ thống CNTT.
Khai thác thế mạnh của “xã hội ảo”
Ông Huỳnh Phúc (HP Việt Nam) nói: “Mạng xã hội (MXH) là một xu hướng không thể cưỡng lại được, đó là một xu hướng tất yếu về mặt công nghệ, được ứng dụng trong đời sống rất nhiều. Theo số liệu của tổ chức Social Media Maketing (năm 2013), trong những doanh nghiệp có tiếp thị trên MXH, có nhiều chỉ số tăng trưởng: 89% nhận biết thương hiệu, 75% lưu lượng truy cập, 54% đối tác, 65% khách hàng trung thành…
“Nền tảng thứ ba đã tạo ra sự thay đổi to lớn về môi trường làm việc, kết nối, giao tiếp giữa con người với con người, thiết bị với con người, giữa nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng… Từ đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược và phương thức kinh doanh”, ông Chu Tiến Dũng, chủ tịch hội Tin học TP.HCM nhận định. |
Tính đến thời điểm này, chuyện khai thác thế mạnh của MXH không có gì là mới mẻ nhưng hiểu đúng và đầu tư hiệu quả, chưa có nhiều doanh nghiệp làm đủ và đúng hướng. Ông Nguyễn Thanh Đạm, phụ trách công nghệ của CT Group cho rằng, một doanh nghiệp giỏi là phải biết đầu tư ít nhưng sử được nhiều và lâu dài. Theo lời ông Đạm, CT Group khuyến khích nhân viên sử dụng những thiết bị cá nhân như laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh… để từ đó, doanh nghiệp chỉ xây dựng hệ thống, còn phần thiết bị là những sản phẩm của nhân viên. Nói về quảng bá trên MXH, ông Đạm cho rằng, chi phí thấp nhưng hiệu quả cao, nhất là nhận diện thương hiệu doanh nghiệp. “Hiệu quả của MXH không phải theo cấp số nhân mà là siêu cấp số nhân”, ông Đạm nhận định.
Theo ông Huân, bên cạnh việc kinh doanh trên MXH, có thể ứng dụng MXH vào việc tăng tính tương tác giữa các chuyên gia và nhân viên. Một chuyên gia về công nghệ cho rằng, nhiều doanh nghiệp đã khai thác thế mạnh của MXH trong việc quản trị nội bộ, nhưng vấn đề quan trọng là tìm kiếm một giải pháp để kiểm soát, tránh những xung đột trong quá trình hoạt động.
Ông chủ phải có cái đầu thoáng
Không thể phủ nhận doanh nghiệp Việt Nam thích đầu tư công nghệ để “bằng anh bằng chị” nhưng vì vốn ít, việc đầu tư không đúng hướng nên cuối cùng, những sản phẩm công nghệ đó phải “trùm mền” hoặc bán đổ bán tháo khi chưa hết thời gian khấu hao tài sản. Hiện tượng này thường gặp ở các doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi các “ông chủ” là người quyết định cuối cùng việc mua gì, sắm gì. Trong khi đó, bộ phận có chức năng, như phòng quản lý CNTT chỉ có quyền đề xuất, tư vấn mua sắm mà không được quyền “định hướng, sáng tạo cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng năng lực cạnh tranh” của doanh nghiệp. Ông Huân cho rằng, để doanh nghiệp tồn tại trong “nền tảng thứ ba”, trước hết, “ông chủ doanh nghiệp phải được tác động, tư vấn để hiểu, thích ứng với những trào lưu công nghệ mới trong hoạt động doanh nghiệp”. Còn ông Dũng lại kêu gọi những ông chủ của các nhà cung cấp giải pháp phải “đoàn kết” vì “trên nền tảng thứ ba đòi hỏi các giải pháp phân khúc mà không có nhà cung cấp nào có thể quán xuyến. Hãy hợp tác để xây dựng một hệ thống sinh thái bền vững cho thị trường”, ông Dũng bình luận.
Công nghệ đang phát triển nhanh từng ngày. Các doanh nghiệp còn “chóng mặt” huống gì đến người tiêu dùng. Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, “ông chủ” lớn nhất là Nhà nước phải theo kịp trình độ phát triển công nghệ để có những chính sách kịp thời, hệ thống quản lý phải mở để phù hợp với sự phát triển nhanh của công nghệ.
Gia Vinh
Theo khảo sát của IDC tháng 5.2013, 58% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ đám mây, 6% sẽ sử dụng dịch vụ đám mây trong vòng sáu tháng tới, 8% sẽ sử dụng dịch vụ đám mây sau sáu tháng, 25% đang tìm hiểu, nghiên cứu về công nghệ nhưng chưa có kế hoạch sử dụng, 3% không có kế hoạch sử dụng. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét