Trời kêu không dạ
Sống giữa thập bệnh mai phục
SGTT.VN - Sau gần nửa tháng bà Bùi Thị Hoà (60 tuổi) ngụ tại Củ Chi TP.HCM nằm bất động vì bị nhồi máu não, bác sĩ đã báo gia đình chuẩn bị điều xấu nhất. Hậu sự chuẩn bị xong thì bà chợt tỉnh. Sau hơn một tháng điều trị, bà được xuất viện. Ngày tái khám cũng là ngày bà phải cấp cứu vì những ngón chân nhiễm trùng thâm đen và chết dần. Bác sĩ buộc quyết định cưa một phần ba chân bên phải của bà.
Bà Hoà đã tỉnh táo bên con dâu. |
Chuỗi hạt mầu nhiệm?
Hơn một tháng trước, bà Hoà được đưa vào bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng yếu liệt nửa người bên phải, không ăn uống được, bị nhồi máu não nặng, do bệnh nền đái tháo đường gây xơ vữa và tắc mạch máu.
Chị Dương Thị Trúc Linh, con dâu bà Hoà nhớ lại trong nước mắt: “14 ngày nằm trong phòng hồi sức tích cực, mẹ không mở mắt, không biết gì. Bác sĩ thông báo nguy cơ tử vong rất cao, gia đình chuẩn bị tinh thần. Cả nhà náo loạn, ba chồng ở nhà đi chùa cầu nguyện, lập bàn thờ cúng; chồng đang làm việc cũng bỏ dở vào bệnh viện chờ đợi tin tức. Lúc ấy gia đình tôi chỉ còn biết chờ đợi và cầu nguyện thôi!” Rồi một lần lau rửa, vệ sinh cho mẹ chồng, chị Linh khẽ lồng vòng chuỗi hạt vào bàn tay của bà, bất ngờ bà khẽ se vòng chuỗi. Không tin, chị thử lại ba lần nữa và bà đều lặp lại như thế. Vui mừng không kể hết, chị Linh gọi điện thoại báo cho từng người thân ở nhà, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Ngày thứ 15, bà Hoà bắt đầu mở mắt, khi bác sĩ nhéo vào ngực bà đã phản ứng bằng cách đưa tay lên và tỉnh dần. Sau một tháng điều trị, bà được bác sĩ cho xuất viện về nhà và hẹn mười ngày sau tái khám.
Chưa đến ngày hẹn, hai đầu ngón chân của bà thâm tím buộc phải nhập viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết bà bị hoại tử ở cẳng chân bên phải do nhiễm trùng máu và sốt cao nên bắt buộc phải đoạn chi 1/3 dưới đùi phải.
Nhiều bệnh đe doạ cùng lúc
BS.CK1 Trịnh Trung Tiến, khoa ngoại lồng ngực – mạch máu, bệnh viện nhân dân 115, người phụ trách ca mổ cho biết: “Bà Hoà bị tắc mạch hoại tử chân do nhiễm trùng nên phải đoạn chi để ngăn chặn nhiễm trùng huyết theo vòng tuần hoàn về tim gây nhiễm độc ở thận, tim… và toàn thân. Đây là một ca điều trị cực khó bởi cùng một lúc bệnh nhân bị nhiều thứ bệnh: cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, nhồi máu não, tắc mạch chi. Vì vậy, sau mổ bệnh nhân phải hồi sức tích cực vài ngày. Hiện tại, khoa ngoại lồng ngực phải phối hợp với nhiều khoa khác như nội thần kinh, khoa tim mạch tổng quát để điều trị cho bà. Đặc biệt, do bệnh nhân tắc mạch lan toả nhiều nơi và rối loạn nhịp tim nên nguy cơ tái phát tắc mạch chi nữa rất cao. Do đó, bác sĩ phải ngừa tai biến tim mạch và ngừa tai biến mạch máu não có thể tái phát. Hiện nay, bệnh nhân đã tỉnh táo, ngồi dậy uống sữa và nói chuyện được nhưng các bác sĩ luôn phải theo dõi chặt chẽ diễn tiến của bệnh, ngừa biến cố tim mạch, kiểm soát đường huyết tốt, dùng kháng sinh phổ rộng và dùng thuốc chống sốc cho bệnh nhân”.
Bà Hoà là vợ liệt sĩ, bà sinh con trai được chín tháng tuổi thì chồng hy sinh tại chiến trường Nam bộ năm 1972. Mười năm sau bà mới tái giá. Bà chỉ có một con trai và một con dâu. Con trai bà vì vất vả, lam lũ nên nhiễm lao và bị kháng thuốc. Trong thời gian bà Hoà nằm viện, do thay phiên với vợ túc trực chăm sóc mẹ, thức khuya và cơ thể yếu nên bệnh lao của anh tái phát làm nổi hạch khắp người, anh phải nhập viện Phạm Ngọc Thạch để điều trị.
Vì vậy, bà Hoà không mong ước gì hơn là nhanh khỏi bệnh để được về nhà, giảm bớt gánh nặng cho con.
bài và ảnh: Hoàng Nhung
Người lớn tuổi có bệnh phải chữa ngay BS.CK1 Trịnh Trung Tiến cho biết: Bệnh thuyên tắc mạch chi trên 90% là do xơ vữa động mạch, còn lại thường gặp ở các nhóm bệnh ít gặp như hút thuốc lá, dị dạng do chấn thương, bệnh lý viêm nhiễm… Trường hợp bệnh nhân Bùi Thị Hoà do xuất phát từ xơ vữa và tai biến mạch máu não nhiều chỗ, đặc biệt là bệnh nền tiểu đường nên bệnh tiến triển rất nhanh, thương tổn cùng một lúc ở nhiều cơ quan tim, não, tắc mạch chi… Để tránh những tai biến dẫn đến nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch đưa đến nhiễm trùng phải đoạn chi như bà Hoà, bác sĩ Tiến khuyên người lớn tuổi mắc nhiều bệnh như cao huyết áp, tiểu đường… nên đi khám sức khoẻ định kỳ đều đặn 3 tháng/lần, nếu có bệnh phải chữa trị ngay. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét