Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Hà Nội sẽ có thêm 2 quận mới

Hà Nội sẽ có thêm 2 quận mới

Hà Nội sẽ có thêm 2 quận mới


SGTT.VN - Hai quận mới này sẽ do người dân đề xuất và phương án đặt tên đang được lấy ý kiến tại 16 xã và thị trấn của huyện Từ Liêm. Chính phủ đã đồng ý chủ trương điều chỉnh địa giới này.


Chiều 28.11, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế, HĐND Hà Nội cho biết, ngày 18.11, Văn phòng Chính phủ đã thông báo đồng ý chủ trương điều chỉnh địa giới huyện Từ Liêm (Hà Nội) thành 2 quận, 23 phường. UBND thành phố đã trình HĐND đề án điều chỉnh và Ban pháp chế đã thẩm tra.


Theo ông Nam, trong kỳ họp thứ 8 HĐND khóa 14 diễn ra ngày 2-6.12, HĐND thành phố sẽ xem xét đề án này, còn tên quận sẽ do người dân đề xuất. "Phương án đặt tên hiện được lấy ý kiến tại HĐND các xã nên chưa có đề xuất cụ thể", vị Trưởng ban Pháp chế nói và cho hay, hiện huyện Từ Liêm gồm 1 thị trấn và 15 xã.










Huyện Từ Liêm nằm ở điểm khởi đầu của Đại lộ Thăng Long. Ảnh: HH



"Việc chia tách đã được Hà Nội chuẩn bị từ lâu, trách nhiệm của HĐND thành phố theo luật định là thể hiện quan điểm. Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ ra quyết định cụ thể về việc này", ông Lê Văn Hoạt, Phó chủ tịch HĐND Hà Nội cho biết thêm.


Với hơn nửa triệu người, huyện Từ Liêm hiện có dân số đông nhất Hà Nội. Trên địa bàn cũng có rất nhiều trường đại học, cao đẳng và các khu đô thị mới đã hình thành từ nhiều năm nay.


Cũng trong kỳ họp tới, các đại biểu HĐND thành phố sẽ xem xét nội dung thường kỳ như nhiệm vụ kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng của thành phố, tổng quyết toán ngân sách năm 2012, giá các loại đất năm 2014, chương trình giám sát của HĐND thành phố năm 2014...


Theo Phó chủ tịch HĐND Lê Văn Hoạt, chưa bao giờ Hà Nội gặp nhiều khó khăn như năm nay khi không đạt thu ngân sách gần 11.000 tỷ đồng. Nguyên nhân do suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp hoat động kém hiệu quả nên thành phố phải giãn, hoãn thu tiền sử dụng đất. Do vậy, Hà Nội đã có chủ trương tiết kiệm ngân sách như hàng loạt trụ sở đang xây dựng phải dừng lại, mua ôtô công cũng hạn chế.










Huyện Từ Liêm (vùng khoanh màu hồng) hiện giáp quận Tây Hồ và Đông Anh (phía Bắc); huyện Thanh Trì, quận Hà Đông (phía Nam); quận Cầu Giấy, Thanh Xuân và Tây Hồ (phía Đông); huyện Hoài Đức và Đan Phượng (phía Tây).



Trước những đề xuất như xây dựng nhà vệ sinh, xây cổng chào tiền tỷ mà báo chí nêu, Thành ủy đã chỉ đạo rà soát lại.


HĐND thành phố cũng xem xét việc quy hoạch đê điều đến năm 2020, quy hoạch phát triển thể dục thể thao của thành phố, một số loại phí, lệ phí, đặt và đổi tên đường phố, công trình công cộng trên địa bàn, danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954...


Huyện Từ Liêm được thành lập năm 1961 trên cơ sở quận 5, quận 6 và một số xã của huyện Hoài Đức, Đan Phượng (Hà Tây cũ). Huyện có 26 xã, 120.000 người, diện tích trên 114 km2.


Năm 1974, huyện bàn giao xã Yên Lãng về khu phố Đống Đa; Đầu năm 1996 bàn giao 5 xã Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng An, Xuân La, Phú Thượng (diện tích 1.619 ha đất và 32.080 nhân khẩu) về quận Tây Hồ. Cuối năm 1996, huyện giao xã Nhân Chính (diện tích 160 ha và 9.229 nhân khẩu) về quận Thanh Xuân.


Năm 1997, 4 thị trấn (Cầu Giấy, Mai Dịch, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân) và 3 xã (Dịch Vọng, Yên Hoà, Trung Hoà) với tổng diện tích 1.210 ha và 82.914 nhân khẩu đã tách khỏi huyện để thành lập quận Cầu Giấy.


Sau 52 năm thành lập, huyện Từ Liêm đã góp phần thành lập 3 quận mới của thủ đô, chuyển gần 1/3 diện tích đất tự nhiên và 1/2 dân số ở những vùng kinh tế phát triển về nội thành. Diện tích của huyện là 75 km2, dân số trên 550.000 người.


VnExpress






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ