Khi gạo được giá thì nông dân hết lúa
SGTT.VN - Việt Nam vừa trúng thầu xuất khẩu 500.000 tấn gạo sang Philippines với giá theo như hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tiết lộ là “khá tốt”. Sau hợp đồng này, doanh nghiệp phải tính toán, cân đối kỹ lưỡng mới có đủ nguồn hàng giao cho đối tác…
Thu gom lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTX |
Có trong tay hợp đồng “khủng”, nhưng những thông tin về nguồn gạo còn lại đến thời điểm này để đáp ứng cho xuất khẩu lại khiến doanh nghiệp không thể không lo lắng. Theo quy định của gói thầu nói trên, lịch giao hàng sẽ thực hiện làm nhiều đợt. Trước ngày 15.12, doanh nghiệp phải giao khoảng 20.000 – 30.000 tấn tới kho dự trữ của Philippines để triển khai cứu trợ tới các vùng bị bão Haiyan. Đợt hai ấn định từ ngày 15 – 31.12, thêm khoảng 120.000 tấn. Tổng cộng trong tháng này doanh nghiệp phải giao đủ 120.000 – 150.000 tấn gạo giúp Chính phủ Philippines cứu trợ khẩn cấp hơn 4 triệu người dân đang thiếu đói. Số còn lại, theo quy định sẽ được giao đến hết quý 1/2014.
Hết gạo…
Sáng 28.11, ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA cho biết, ngay sau khi trúng thầu, hiệp hội xác định đây không còn là việc mua bán gạo thương mại thông thường mà mang ý nghĩa nhân đạo nên đã triển khai cấp bách, huy động tổng lực nguồn gạo từ các doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu giao đủ gạo theo yêu cầu của phía bạn.
Dù giá gạo trúng thầu khá tốt, nhưng ông Phong cũng thừa nhận xu hướng giá gạo nội địa đang tăng khá mạnh, giá thành gạo 5% hiện vào khoảng 414 USD/tấn, tương đương 8.750 đồng/kg nên cũng phần nào gây khó khăn, cản trở tiến độ giao hàng. Một lý do khác cũng khiến doanh nghiệp lo lắng đó là nguồn gạo nội địa không còn nhiều, tồn kho thấp, muốn giao hàng đúng tiến độ phải cân đối, tính toán hợp lý mới có thể thực hiện được hết các hợp đồng đã ký. Còn không khéo, dễ dẫn đến nguy cơ gây sốt giá lúa gạo nội địa.
Giá lúa vụ 3 loại tốt ở một số địa phương như An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng đang thu hoạch dao động từ 5.500 – 6.000 đồng/kg lúa khô. Thực tế là mặc dù giá tăng nhưng hầu hết nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long không còn lúa để bán.
May mắn
VFA cho biết lượng gạo xuất khẩu dự kiến 6,6 – 6,7 triệu tấn của năm nay được xác định dựa trên số liệu xuất chính ngạch, nếu cộng thêm hơn 1,5 triệu tấn bán tiểu ngạch sang Trung Quốc không khai báo hải quan thì năm nay, Việt Nam xuất khẩu hơn 8 triệu tấn. Con số này cũng phù hợp với thực tế nguồn gạo trong nước đang có dấu hiệu cạn kiện như phân tích trên.
Giá xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay giảm 5% so với năm ngoái, tỷ lệ giảm cũng được coi là thấp hơn khá nhiều so với Thái Lan. Năm ngoái, gạo 5% tấm của Thái có giá trung bình 545 USD, năm nay chỉ còn trên dưới 400 USD/tấn, giảm hơn 26% và hiện tại còn 385 USD. Nói như vậy để thấy, dù thế giới khủng hoảng thừa lương thực, giá xuống thấp, các nước phải cạnh tranh quyết liệt trong xuất khẩu, nhưng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ được ở mức đảm bảo nông dân có lời. Năm 2013, mặc dù chưa có thống kê chính thức, nhưng trong ba vụ đông xuân, hè thu, vụ mùa, nông dân đều bán được giá lúa khô không dưới 5.000 đồng/kg. Ngoài ra, đến thời điểm này cũng có thể đánh giá năm nay Việt Nam đạt mục tiêu tiêu thụ hết lúa hàng hoá cho nông dân…
Năm 2013, nhờ vào lợi thế cạnh tranh so với gạo Thái Lan, doanh nghiệp đã lấy được thị phần của doanh nghiệp Thái ở phân khúc gạo thơm ở một số thị trường như Hong Kong, Hàn Quốc, Trung Quốc… nên mới xuất khẩu được hơn 800.000 tấn với giá cao, chiếm 14% tổng lượng gạo xuất khẩu và tăng 64% so với năm ngoái. Lượng gạo này đã góp phần đáng kể trong việc giữ giá gạo không giảm sâu (chỉ giảm 5%).
Phải hiểu thị trường
Tuy nhiên, đánh giá về thị trường xuất khẩu năm tới, các chuyên gia lương thực cho rằng “cơ hội may mắn” ở thị trường Trung Quốc sẽ khó có thể lặp lại thêm một lần nữa. Trong cả năm 2013, Trung Quốc mua của Việt Nam khoảng 3,5 triệu tấn gạo, có 2 triệu tấn mua chính ngạch. Hiện nay gạo vẫn đi qua cửa khẩu sang Trung Quốc. Có thể từ tháng 2 năm sau, Trung Quốc có nhu cầu mua gạo chính ngạch để bổ sung dự trữ quốc gia, nhưng thị trường luôn tiềm ẩn rủi ro nên ông Trương Thanh Phong cho rằng, việc xúc tiến thương mại tại thị trường Trung Quốc trong năm tới không chỉ dừng lại ở mục tiêu bán được bao nhiêu gạo mà phải tìm hiểu xem nhu cầu thị trường này cần chủng loại nào, chất lượng gạo của mình có vấn đề gì không, có hợp với khẩu vị của họ không?
“Làm kỹ càng như vậy thì chúng ta mới chủ động được trong đàm phán, còn không thì cứ bị động hoài!”, ông Phong nói. Hơn nữa, Thái Lan cũng đã có động thái giảm giá để đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc.
Hoàng Bảy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét