Chuyện đêm nay
Rổn rảng để làm gì?
SGTT.VN - Có vẻ như cơn phấn khích vì chiếc huy chương bạc của U19 Việt Nam vẫn chưa dừng lại. Lật các trang báo, người ta không khó tìm ra những tiêu đề như: “bầu Đức ra lệnh…” hay “bầu Đức lên kế hoạch…”
Vượt qua đội U19 Lào vào chung kết với tỉ số 1 – 0 nhưng được diễn tả là “mừng rưng rưng nước mắt” thì quả là cũng hơi khó hiểu. Ảnh: Nhựt Anh |
1. Huấn luyện viên Lê Thuỵ Hải khi được hỏi đã nói, người ta đang khen quá, mình nói khác đi có khi bị ghét nhưng, năm 2011 U19 Việt Nam cũng vào đến chung kết và chỉ thua Thái Lan ở chấm luân lưu đấy thôi. Thật ra, ông Lê Thuỵ Hải nói đúng, ngày ấy lứa cầu thủ U19 cũng vào đến trận chung kết nhưng người hâm mộ lẫn giới truyền thông đều không làm quá lên, bởi khi ấy U19 không được “làm truyền thông” một cách chuyên nghiệp như mùa này.
Chính vì vậy, sau khi cơn phấn khích dịu dần, thậm chí nhiều người còn hơi lo cho các cầu thủ U19 dù những người lớn có trách nhiệm luôn miệng “đừng làm hư các em”. Mới nhất, việc VFF công khai chuyện ông Nguyễn Trọng Hỷ sẽ làm thư kiến nghị về trọng tài điều khiển trận chung kết giữa Việt Nam và Indonesia gửi lên AFF khiến nhiều người giật mình. Giật mình bởi, việc khiếu nại không thể thay đổi kết quả trận đấu nhưng, nó như một kiểu vẽ đường cho hươu chạy khi cầu thủ không thể vượt qua những thử thách.
Hoá ra, máu ăn thua của những “người lớn” đang trỗi dậy và việc nhân danh bảo vệ các tài năng trẻ có khi chỉ là cái cớ. Thậm chí, bầu Đức, người tưởng chừng như bình tĩnh nhất, cũng thốt lên “Tôi thích nhất làm trưởng ban trọng tài”. Có vẻ như ông bầu lẫn VFF vẫn bực khi phó chủ tịch AFF, trưởng ban tổ chức giải U19 là ông Dương Vũ Lâm, người Việt nhưng không chịu “tác động có lợi” cho quân mình.
Nhưng, nếu nhìn kỹ hơn sự việc, chúng ta sẽ đồng quan điểm với các chuyên gia. Việc các cầu thủ chúng ta chấn thương, xuống sức nhanh có phần rất lớn do chính các cầu thủ còn non kinh nghiệm, thiếu sức mạnh. Nếu cần phải nhắc lại, chắc nhiều người hâm mộ chưa quên việc đội tuyển Việt Nam cũng chọn cách đá rắn với Thái Lan ở nhiều kỳ SEA Games, coi đó như một biện pháp để khắc chế đối phương, tuy nhiên, người Thái vẫn thắng bởi họ kinh nghiệm hơn, mạnh mẽ hơn. Chính ông Nguyễn Bá Thanh – trưởng ban Nội chính Trung ương – cũng nhận định: “Mình phải thấy cái nhược của mình. Không thấy ra thì còn khuya. Còn đổ hết chuyện nọ qua chuyện kia thì còn khuya!”
2. Bỏ qua chuyện thắng thua, ở lần thành công của U19 năm nay, người ta không thể quên vai trò đầu tàu của bầu Đức trong việc đào tạo trẻ và có tầm nhìn xa. Tất nhiên, việc đào tạo ấy ban đầu xuất phát từ tiêu chí lợi nhuận và bây giờ cũng không khác mấy. Thử tưởng tượng, một học viện có toàn tuyển thủ quốc gia thì việc chuyển nhượng sẽ thành công như thế nào? Uy tín trào dâng lên đến đâu?!
Nhưng, thôi không nghĩ tới chuyện kinh tế, cái cách mà ông bầu đóng góp cho bóng đá Việt mới đáng quý làm sao. Thậm chí, mới nhất mọi người còn nghe nói về kế hoạch mà bầu Đức ấp ủ, đó là dùng chính quân của ông bầu này làm nòng cốt cho cuộc tranh chấp SEA Games hai năm sau. Bầu Đức cũng không giấu giếm ý định, “dứt khoát quyền chỉ huy kế hoạch phải thuộc về tôi”.
Có điều, bầu Đức vừa muốn làm chỉ huy kế hoạch tạo nên một đội tuyển mà VFF chỉ là nơi hỗ trợ, vừa ao ước làm trưởng ban trọng tài… vậy câu hỏi một lần nữa được đặt ra: VFF tồn tại để làm gì? Và VFF cần gì nhiều ban bệ đến thế. Nếu bầu Đức làm chủ tịch VFF cùng kiêm nhiệm điều hành trọng tài, đào tạo bóng đá trẻ… có khi bóng đá Việt cất cánh còn nhanh hơn chăng?
Chỉ biết rằng, khi mọi chuyện chưa ngã ngũ bởi đại hội 7 của VFF để tìm cho ra ông chủ tịch VFF sẽ dời lại vào đầu năm 2014, thì việc dùng thành công của các cầu thủ U19 như một bình phong, như một minh chứng cho câu nói hay cách làm dường như không hợp lẽ cho lắm. Bởi, đó mới chính là điều dễ làm hư các cầu thủ nhất, vì các tài năng trẻ được nhắc đến như một cứu cánh của cả nền bóng đá, đó chắc chắn không phải là bảo vệ các tài năng. Chắc hẳn mọi người chưa quên, ngày đội U16 Việt Nam thành công tại vòng chung kết U16 châu Á, với những Văn Quyến, Ánh Cường, Lâm Tấn, Như Thuật… Ngày ấy người ta cũng kêu gào chuyện “hãy bảo vệ các em” nhưng lại cũng dựa vào những thành công ấy để được việc của người lớn, để đánh bóng chính mình. Để rồi, giờ thì một thế hệ đã lụi tàn, thậm chí có người còn dính vào ma tuý hay tù tội.
Để thành công, hình như người ta cần làm nhiều hơn nói cho rổn rảng thì phải?
Thảo Du
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét