Khi dược sĩ tham gia chữa bệnh cùng bác sĩ
SGTT.VN - Trong mắt của nhiều người, bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân, còn dược sĩ là người hỗ trợ bác sĩ, cung cấp thuốc cho bệnh nhân theo chỉ định của bác sĩ. Nhưng trên thế giới mô hình này từ lâu đã không còn phù hợp, mà bác sĩ và dược sĩ có vai trò tương đương nhau, như thế việc điều trị mới đạt hiệu quả cao hơn.
DSLS tham gia chữa bệnh với bác sĩ điều trị ở bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: CTV |
Gần đây, tại một số bệnh viện của TP.HCM người ta bắt đầu quen với mô hình bác sĩ và dược sĩ cùng hợp tác chữa bệnh, bác sĩ thăm khám và cho thuốc, còn dược sĩ xem thuốc bác sĩ kê có hợp lý chưa. Những dược sĩ làm công việc này được gọi là dược sĩ lâm sàng (DSLS).
Mỗi người một việc sẽ tốt hơn
Tháng 11 năm qua, chị Hà, ngụ tại Tân Bình, có con mười tháng tuổi nhập viện tại một bệnh viện TP.HCM. Bác sĩ điều trị chẩn đoán cháu bị viêm mũi họng, cho nhiều thứ thuốc, trong đó có xirô Théralène uống. Nhưng sau đó toa thuốc này được điều chỉnh, thay xirô Théralène bằng một thuốc khác an toàn hơn, vì Théralène chống chỉ định cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Người phát hiện không phải là bác sĩ kê toa, mà là DSLS.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Dũng, trưởng bộ môn dược lâm sàng, khoa Dược đại học Y dược TP.HCM, cho biết dược lâm sàng (DLS) ra đời ở Mỹ vào thập niên 1960 vì trước đó xảy ra một số tai biến nghiêm trọng trong quá trình điều trị ở nước này. Khi đó người ta đổ lỗi cho nhau, bác sĩ trách dược sĩ tại sao rành về thuốc mà không cản lại, còn dược sĩ lại nói bác sĩ toàn quyền kê đơn, không ai can dự được, nên phải chịu trách nhiệm hoàn toàn!
Sau Mỹ, DLS lan sang các nước châu Âu, được giảng dạy chính thức trong các trường đại học dược, và khẳng định vai trò đúng đắn của người DSLS, giúp bác sĩ chọn lựa một loại thuốc tốt nhất để điều trị cho bệnh nhân, kiểm soát những sai sót trong quá trình kê đơn. PGS. Nguyễn Tuấn Dũng nói: “Từ xa xưa, bác sĩ kiêm luôn vai trò dược sĩ, không khác gì lương y trong y học Đông phương, vừa khám bệnh vừa bốc thuốc. Nhưng trước sự phát triển vượt bực của y học, một người không thể làm hết tất cả, phải chuyên môn hoá công việc, càng chuyên môn hoá càng giỏi”.
Ở nước ta, cuối tháng 12.2012, bộ Y tế mới có hướng dẫn tổ chức hoạt động DLS trong bệnh viện, nhưng trước đó một số bệnh viện đã quan tâm đến lĩnh vực này bằng việc bình đơn thuốc của bác sĩ để việc điều trị bệnh nhân được tốt hơn. Khảo sát tại một bệnh viện chuyên khoa ở TP.HCM, những nhầm lẫn thường gặp của bác sĩ trong kê toa là cho hai loại thuốc có hoạt chất giống nhau (Diantalvic + Tydol, cùng chứa Paracetamol), cho thuốc không nên dùng chung nhau (Théralène và Mucitux, vì Théralène làm khô đàm nhưng Mucitux lại làm loãng đàm), cho thuốc không đúng đối tượng (Tetracyclin dùng cho trẻ dưới tám tuổi).
Mô hình đúng, nhưng còn nhiều khó khăn
Tại TP.HCM, bệnh viện Từ Dũ được xem là một trong những nơi đi đầu về DLS, khi triển khai công tác này từ năm 1999. DS chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Lầu, trưởng khoa dược bệnh viện, nói: “Ban giám đốc rất quan tâm đến DLS, xuất phát từ mong muốn chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất, không chỉ về hoạt động khám chữa bệnh, kỹ thuật điều trị mà cả phần thuốc men, làm sao sử dụng thuốc một cách an toàn hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, giảm chi phí điều trị cho người bệnh”.
Sau khi có hướng dẫn của bộ Y tế, năm qua bệnh viện Từ Dũ đã thí điểm hai đợt thực hiện mô hình DSLS tại khoa phụ và nhóm bệnh nhân hậu phẫu. Mỗi sáng, một bác sĩ điều trị và một DSLS cùng đi buồng thăm bệnh, trong khi bác sĩ khám và cho thuốc, DSLS hỏi bệnh nhân về tiền sử sử dụng thuốc, tiền sử dị ứng với thức ăn hoặc đồ uống. DSLS cũng cung cấp thông tin thuốc giúp bác sĩ đưa ra chỉ định thuốc hợp lý cho bệnh nhân (chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, đường dùng…) Khi bác sĩ cho thuốc xong, DSLS xem xét việc chỉ định thuốc trong hồ sơ bệnh án, nếu phát hiện có vấn đề liên quan đến thuốc, DSLS sẽ trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh.
Là chuyện bình thường ở những nước phát triển, nhưng ở nước ta do còn quá mới, nên có lẽ chuyện bác sĩ và DSLS cùng đi buồng bệnh cần một thời gian dài để làm quen. Một dược sĩ nói: “Chắc chắn bác sĩ không vui gì khi thấy một DSLS cứ “tò tò” đi theo mình để xem xét chỉ định thuốc có đúng không”. DS Lầu cho biết: “DSLS phải có đủ bản lĩnh, kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng giao tiếp mới có thể trao đổi với bác sĩ”.
Mặc dù tích cực, được triển khai ở nhiều bệnh viện trong TP.HCM, nhưng PGS.TS Nguyễn Tuấn Dũng nhìn nhận hoạt động DLS còn hạn chế. Ông nói: “Môn học này trong trong đại học còn mới, nên việc giảng dạy chưa chuẩn hoá đúng mức, nội dung còn nặng về hàn lâm, chưa đi nhiều vào thực hành như nước ngoài”. Một trở ngại khác là số lượng DSLS trong các bệnh viện quá ít, họ lại phải ôm đồm nhiều công tác khác, nên chưa tập trung nhiều cho công tác này.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, thừa nhận sự cần thiết của DSLS: “Hiện nay bác sĩ phải học về dược, nhưng bác sĩ không muốn học, hoặc học không tốt, việc dùng thuốc cho bệnh nhân sẽ thiếu chuẩn xác. Nếu bác sĩ điều trị có cạnh mình một dược sĩ đủ trình độ thì còn gì bằng. Chỉ sợ không có đủ DSLS và DSLS cũng chưa đủ trình độ để phối hợp với bác sĩ”.
Phan Sơn
DSLS là bức tường phòng vệ bệnh nhân về thuốc men “Trong những bệnh lý phức tạp, DSLS sẽ hỗ trợ bác sĩ đưa ra một quyết định dùng thuốc đúng đắn cho bệnh nhân. Không chỉ thế, trong khi sao chép y lệnh, chuẩn bị thuốc và thực hiện thuốc vào người bệnh, sai sót có thể xảy ra ở bất kỳ khâu nào. DSLS là người theo dõi những khâu này, phát hiện sai sót để không gây hậu quả cho bệnh nhân. Thí dụ insulin nhanh mà chích chậm, đường huyết sẽ không được kéo xuống kịp thời; ngược lại, nếu chích quá nhanh, đường huyết tụt đột ngột cũng có hại cho bệnh nhân. DSLS còn tư vấn cho người bệnh dùng thuốc chính xác vì bác sĩ không thể nào vừa khám bệnh vừa tư vấn thuốc cho bệnh nhân đầy đủ”. PGS.TS Nguyễn Tuấn Dũng |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét