Casuco tăng tốc đầu tư
SGTT.VN - Khi Casuco đưa dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE trị giá 140 tỉ đồng vào hệ thống sản xuất của nhà máy đường Phụng Hiệp đúng vào dịp mừng năm mới, dù là đối thủ cạnh tranh ráo riết nhưng các công ty đường trong vùng đều mong muốn Casuco thành công.
Điểm bán chạp phô ở Pasar Kramat Jati, Jakarta. Ảnh: HL |
“Sẽ là trải nghiệm có ý nghĩa như mở con đường máu khi Casuco thực hiện dự án này”, ông Phạm Quang Vinh, phó tổng giám đốc Casuco cho biết. Một dây chuyền sản xuất đường RE chưa đủ sức làm dịu cơn thắt ngặt mà công ty này chịu đựng trong năm qua. Nhưng có vẻ Casuco đã chọn được cách trị bệnh cho chính mình và những nhà máy đồng dạng. Trên 1.200 lao động, hàng vạn người là nông dân, thương nhân gắn với chuỗi cung ứng đang kỳ vọng.
Điểm xuất phát của dự án có tính chất “sửa sai” này là: đường trắng RS – ít được sử dụng trong các ngành công nghiệp và chế biến thực phẩm – lại là loại phổ biến của hầu hết các nhà máy nhập thiết bị từ Trung Quốc. Casuco kỳ vọng vào lối thoát nhờ đổi mới công nghệ để đa dạng hoá sản phẩm từ đường RE và tiếp cận khả năng sinh lợi từ điện đồng phát thay vì xây dựng nhà máy và chỉ nghĩ tới đường chứ không quan tâm những giá trị khác.
Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại dự kiến sản lượng đường trong niên vụ 2013 – 2014 khoảng 1,6 triệu tấn, chưa tới 50 % trong số này là đường tinh luyện. Ông Vinh cho biết, Casuco hết sức kỳ vọng vào công nghệ RE để tiếp cận nhu cầu các nhà máy chế biến thực phẩm, dược phẩm trong nước, cũng như đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế khi xuất khẩu. Đặc biệt, với dây chuyền này, môi trường sạch hơn do không thải khí SO2 thừa ra môi trường.
Việt Nam từng nhập dây chuyền – công nghệ, thiết bị từ Trung Quốc về xây dựng hàng chục nhà máy đường RS. Hầu hết nhà máy đường nhập từ Trung Quốc, sau 20 năm, công nghệ và thiết bị đều lạc hậu dẫn tới hậu quả một tấn mía nguyên liệu chỉ sản xuất được 90kg đường, thấp hơn 10% so với công nghệ của các nước. Nhiều giống mía nhập từ Trung Quốc, năng suất, chất lượng mía thấp, hiệu suất thu hồi đường chừng ấy thì cạnh tranh với đường ngoại trong thế thắng mới là chuyện lạ.
Các chuyên gia thị trường giả định: Sản lượng đường nhập lậu không dưới 400.000 – 500.000 tấn/năm; lượng tồn kho đường trong niên vụ tới cũng sẽ lên tới chừng ấy. Tăng sản lượng đường RS là tự sát nếu không khai phá thị trường ngoài Trung Quốc. Hiệp hội Đường Indonesia cho biết nước này sẽ nhập khẩu 5,4 triệu tấn đường trong năm nay, gấp đôi năm ngoái do dự báo một số ngành sẽ phục hồi, nhu cầu sản xuất cần nhiều đường hơn. Nghịch lý là thị trường Indonesia lại ít được chú ý, trong khi đó Trung Quốc chỉ hé mở cánh cửa cho đường tiểu ngạch từ 2,5 – 3,5 triệu tấn lại dễ dẫn dụ các nhà xuất khẩu từ Việt Nam.
Ông Vinh kỳ vọng vào cơ hội thứ hai: Điện đồng phát từ bã mía sẽ tham gia chương trình năng lượng sạch và Casuco sẽ giảm được áp lực lời – lỗ “đơn tuyến” từ đường. Các nhà máy đường sẽ ổn hơn nếu bán được điện đồng phát từ bã mía, làm sao nhận thức này được chia sẻ đúng là việc không đơn giản!
Hoàng Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét