Nhật ký trên những đôi giày
Kỳ 2: Khát vọng lên Mae Hong Son
SGTT.VN - Trong lần gặp gỡ ở Bắc Ireland tháng trước, tay đua huyền thoại người Anh Phillip McCallen chia sẻ với tôi rằng: “Hiếm có cung đường đèo dốc nào tuyệt vời như Mae Hong Son, một điểm đến hoàn hảo dành cho giới big bike khắp thế giới”. Còn với riêng những tay lái môtô đến từ Việt Nam, họ đã chờ đợi hai năm qua để hôm nay thực hiện khát vọng chinh phục ấy.
>>>Kỳ 1: Giấc mơ cưỡi môtô xuyên Đông Nam Á
Những khúc quanh cùi chỏ liên tiếp là “đặc sản” trên Mae Hong Son. |
Có hai hướng để chinh phục vòng cung Mae Hong Son với điểm khởi hành từ Chieng Mai, nếu đi thuận chiều kim đồng hồ, sẽ là Chieng Mai – Mae Sariang – Mae Hong Son – Pai – Chieng Mai. Nhưng ở chuyến đi với đoàn môtô Việt Nam, mọi người chọn hành trình ngược lại, bởi cung đường dù ngắn, nhưng là đoạn gian nan, rất nhiều thử thách và nguy hiểm nhất trong vòng cung Mae Hong Son.
Đêm lên vui cùng với Pai
129km, nhưng dự báo mất không dưới bốn giờ đồng hồ để chinh phục – một tốc độ rùa bò. Rời Chieng Mai, đoàn xe tiến vào cung đường 107 để lên Pai trong cái nắng chiều đang tắt dần. Đường núi càng lên cao càng hẹp dần, bóng đêm chụp xuống, những khúc cua lên dốc gắt đến độ xe vào cua mà như muốn văng xuống vực sâu đen ngòm phía trước. Những bóng đèn cao áp vẫn không đủ xoá được màn đêm khiến tầm quan sát đèo dốc bị hạn chế.
Chưa đi hết nửa đường, cậu em út của đoàn Nguyễn Hoàng Tuấn rủn tay, Tuấn nói: “Em mất hồn, muốn khóc luôn vì cung đường kinh khủng quá, phải gọi bộ đàm kêu các anh dìu đi cùng vì nếu rớt lại một mình em không thể chạy tiếp nổi”.
Đồng hồ chỉ hơn 9 giờ khuya, các biker Việt Nam tiến dần vào thị trấn Pai dưới cái se se lạnh của đất trời, phố xá vắng vẻ, nhà cửa thưa thớt, nổi bật trong màn đêm là những quán càphê với không gian mở ở sân vườn, trang trí phong cách đậm chất cổ điển, phóng túng bằng vật liệu tre, gỗ, phối hợp với các mảng ánh sáng vàng ấm đem lại cho Pai một sự đồng điệu, một sắc thái riêng biệt khiến Pai trở nên ấn tượng ngay lần chạm mặt đầu tiên.
Bữa ăn khuya lại một lần nữa trễ giờ, nhưng bên khung cảnh lãng mạn của dòng sông Pai, đích thân chủ nhà nghỉ Baantawan mang cơm đãi khách với món lạp xưởng tươi độc đáo do chính chị làm (chồng chị cũng là một biker). Đêm càng khuya, Pai càng trở nên long lanh, rộn ràng với chợ đêm, với những con đường quán bar và hàng ăn nằm san sát. Khách du lịch bụi biết đến Pai từ hơn mười năm trước bởi nét đẹp hoang sơ, mộc mạc, và rất dân dã từ tính cách người bản địa, đến kiến trúc, phong cảnh.
Ca sĩ Tường Vy, thành viên nữ duy nhất của đoàn big bike Việt Nam chia sẻ: “Pai dễ thương quá, thị trấn đẹp nhất mà mình từng đi qua”. Nhịp sống đêm của Pai thêm thú vị, Don’t Cry Bar trên con đường Raddamrong, ca sĩ Tường Vy hát những ca khúc trữ tình dành tặng cho Pai, cho big bike Việt trong buổi đêm hôm ấy.
Tạm biệt giấc đêm của Pai, ngày mai sẽ là hành trình đỉnh điểm trong chặng chinh phục Mae Hong Son huyền thoại.
Cuộc gặp gỡ đầy thú vị với người dân tộc Karen trên Mae Hong Son. |
Sắc vàng non cao
Với những thông tin từ các trang mạng, diễn đàn môtô của Thái Lan, của người chơi môtô khắp thế giới thì Mae Hong Son là một điểm son để các biker luôn thể hiện khát vọng được một lần trong đời chinh phục. Vòng cung khởi hành từ Chieng Mai, lên Pai, rồi Mae Hong Son, Mae Sariang, sau đó về lại Chieng Mai dài chưa đầy 700km, nhưng có đến 1.864 khúc cua, được mệnh danh là một trong những cung đường đèo hiểm hóc và nguy hiểm nhất thế giới.
Ra khỏi Pai chưa đầy một giờ, những cung đường uốn lượn đưa các tay lái vào một miền lung linh tràn ngập sắc vàng hoa dã quỳ, ai cũng ngẩn ngơ trước vẻ đẹp đầy kỳ thú này.
Nhưng hành trình dọc dặm đường phương bắc Thái Lan trên Mae Hong Son, còn một sắc vàng khác ấn tượng hơn là vẻ đẹp từ những chiếc vòng cổ màu vàng óng của các cô gái người dân tộc Karen mang theo bên mình từ khi lên năm, lên sáu. Điểm dừng chân lý thú của hôm nay, chính là ngôi làng người cổ dài Karen để khám phá phong tục đeo vòng cổ độc đáo của các phụ nữ trong làng. Chị Mapang – một trong những người cổ dài nhất làng, với vốn tiếng Anh tốt đã chia sẻ với các biker Việt về phong tục và cách thức đeo vòng cổ của người con gái Karen từ thuở ấu thơ cho đến cuối đời.
“Đổ bánh xèo” bên sườn núi
Tham gia vào chặng chinh phục Mae Hong Son, có thêm những người bạn mới nhập cuộc nâng số lượng lên 27 big bike từ Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Mỹ, Nga. Hai trong số ba tay lái từ California, Mỹ là Dave và Tony đã thuộc nằm lòng các khúc cua trên Mae Hong Son, tình nguyện dẫn đường cho các biker Việt vượt núi.
Ngay sau khi rời khỏi làng người Karen cổ dài, độ nguy hiểm của cung đường hiểm hóc nhất Đông Nam Á này bắt đầu lộ diện, những đoạn cua gắt với tần suất mỗi lúc một khó hơn, các tay lái phải dùng cả thân người để nài xe, nói theo tiếng lóng của dân chơi phân khối lớn là phải: “lật bánh tráng, đổ bánh xèo”. “Chưa từng thấy một cung đường đèo nào lắt léo như ở Mae Hong Son”, đó là cảm nhận chung của những tay lái kỳ cựu nhất ở nhóm môtô ACE trong hành trình lần này.
Các trải nghiệm về tốc độ, cảm xúc trước cảnh đẹp trên đường đi đều nhường chỗ cho sự tập trung cao độ khi xe vào các khúc cua gắt liên tiếp hết sang phải lại sang trái ở từng giây phút một. Các tay lái, ai cũng hiểu rõ chỉ cần một cú ôm cua hỏng, hậu quả sẽ kinh khủng, không ai dám nghĩ đến. Gần nửa ngày đường mệt nhoài với những khúc cua đầy nguy hiểm. Khi vào đến thung lũng Mae Hong Son, các biker đón nhận một bất ngờ khác.
Đích thân vị tỉnh trưởng Mae Hong Son ra tiếp đón và chúc mừng sự thành công của hành trình, sau đó cả đoàn biker được mời vào hội trường lớn của thành phố để tỉnh trưởng trang trọng trao cho từng biker tấm bằng danh dự, chứng nhận là nhóm big bike đầu tiên của Việt Nam chinh phục thành công cung đường này. Tấm giấy chứng nhận vô tri vô giác, nhưng thực sự để lại một ấn tượng đẹp với các tay lái Việt Nam, và phải thầm thán phục cách làm du lịch của người Thái...
bài và ảnh: Lam Phong
Kỳ cuối: “Chiến binh” ngàn dặm lên Tam Giác Vàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét