Quản lý thuốc cũng cần phải có y đức!
SGTT.VN - Y đức ở đây chính là xây dựng những văn bản pháp luật chặt chẽ, ngăn chặn được chuyện trục lợi cá nhân. Y đức ở đây là việc hãy đặt quyền lợi của bệnh nhân lên trên hết chứ không phải là lợi ích nhóm... Và y đức ở đây chính là chuyện sửa sai kịp thời các văn bản khi thực tế phát sinh nhiều vấn đề.
Đấu thầu thuốc tập trung: ba nỗi lo
"Thuốc lạ", giá cao vẫn cứ vào bệnh viện!
Đấu thầu thuốc: đừng vì lợi ích nhóm
Chuyện đấu thầu thuốc trong bệnh viện đang thu hút sự quan tâm của khá nhiều người. Thật vậy, khác những lần đấu thầu thuốc trước đây, việc đấu thầu lần này đáng quan tâm hơn vì nó thực hiện theo tinh thần thông tư 01 gây nhiều tranh cãi: giúp bệnh viện tiết kiệm được hàng chục tỉ đồng tiền thuốc so với năm trước nhưng lại tạo điều kiện cho những loại thuốc giá rẻ, đáng ngờ về chất lượng có mặt trong bệnh viện.
Bệnh nhân mua thuốc tại nhà thuốc bệnh viện ở TP.HCM. Ảnh: Thanh Hảo |
Tiếp xúc với chúng tôi, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết ông không thể ngờ khi Ceftriaxone – kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3 – của Ấn Độ lại chỉ có giá 8.000 đồng/1g. Không ngờ được, vì với chi phí sản xuất bình thường, không ai có thể cho ra một sản phẩm với giá rẻ mạt như thế. Chỉ có thể kết luận: thuốc có vấn đề về chất lượng. Thuốc là một loại hàng hoá đặc biệt vì dùng để chữa bệnh cho người, vậy nếu dùng một loại thuốc có vấn đề, liệu điều gì sẽ xảy ra cho bệnh nhân? Khả năng là bệnh không khỏi, dẫn đến cảnh tiền mất tật mang hoặc bệnh nhân phải chịu những phản ứng phụ kiểu như sốc phản vệ.
Nhưng đó chưa phải là “phản ứng phụ” của thông tư 01. Trong thực tế, tận dụng kẽ hở của thông tư này, các nhóm lợi ích đã đưa vào danh sách trúng thầu những loại thuốc không giống ai về hàm lượng, thay đổi dạng đóng gói, tách nhóm thuốc theo gốc muối để tạo thế độc quyền nhằm nâng giá, hưởng lợi nhiều lần. Nhìn vào danh sách trúng thầu của một bệnh viện có tiếng, người ta phải “choáng váng” vì lợi nhuận thu được khi thực hiện những chiêu trò kể trên: với chiêu “hàm lượng lạ” trên mặt hàng Ciprofloxacin infusion của Ltd “Yuria – Pharm” – Ukraine, tính ra người ta có thể hưởng lợi gần 2 tỉ đồng chênh lệch. Nếu dùng chiêu “đổi dạng đóng gói” trên mặt hàng Levofloxacin 500mg/100ml (túi nhựa) của PT Sanbe faema – Indonesia, chênh lệch sơ sơ 660 triệu đồng! Kinh hoàng hơn là người ta lợi dụng cả nước cất pha tiêm. Cũng nước cất 5ml thôi, nhưng nếu dạng ống thuỷ tinh có giá 651 đồng/ống, còn dạng ống nhựa có giá 1.260 đồng/ống. Với cách này, người ta có chênh lệch gần 500 triệu đồng!
Về mặt lý thuyết, rõ ràng thông tư 01 (chính xác là thông tư liên tịch 01 do bộ Y tế và bộ Tài chính ban hành) hoàn toàn tốt đẹp, vì nhằm mang vào bệnh viện những loại thuốc có chất lượng với giá hợp lý, qua đó làm giảm gánh nặng điều trị của người bệnh. Nhưng cũng có người đặt câu hỏi: Khi soạn thảo thông tư này, những nhà quản lý có lường hết mọi hậu quả và có giải pháp để ngăn chặn việc lợi dụng thông tư để trục lợi hay không? Thực tế là những nhà quản lý đặt quyền lợi người bệnh hay lợi ích nhóm lên trên khi cho ra một thông tư với nhiều kẽ hở, vô tình hoặc hữu ý tiếp tay cho việc trục lợi?
Một vài số liệu khiến người ta không khỏi băn khoăn: qua giám sát và kiểm tra chất lượng thuốc, cơ quan chức năng phát hiện 37 công ty của mười quốc gia có thuốc vi phạm chất lượng, nhiều nhất là Ấn Độ. Thế nhưng, qua xem xét hồ sơ trúng thầu thuốc của chín tỉnh, thành phố vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện thuốc Ấn Độ chiếm tỷ lệ lớn. Theo một chuyên gia, để ngăn chặn những loại thuốc kém chất lượng trà trộn vào bệnh viện không phải là điều khó: đưa ra những ràng buộc chặt chẽ cho công ty đấu thầu, chỉ cần phát hiện một mặt hàng thuốc có vấn đề là loại bỏ hết tất cả những mặt hàng khác và cấm công ty đó tham dự đấu thầu trong năm năm; quốc gia nào có một tỷ lệ thuốc nhất định có vấn đề về chất lượng, cấm nhập toàn bộ thuốc từ quốc gia đó trong một thời gian nhất định. Và để giám sát chuyện này, nên cần đến một cơ quan độc lập để loại bỏ những xung đột lợi ích có thể xảy ra như hiện nay. Đơn giản như thế, nhưng các nhà quản lý có dám làm hay không?
Từ những dị nghị trong đấu thầu thuốc được báo chí nêu lên thời gian qua, một bác sĩ cho rằng đến lúc đặt vấn đề: nhà quản lý y tế cũng phải có y đức. Bác sĩ này nói: “Nhà quản lý mọi cấp luôn đòi hỏi chúng tôi phải có y đức với bệnh nhân, nhưng hơn ai hết bản thân họ phải nêu cao y đức để làm gương”.
Mỗi bệnh viện xây dựng danh sách trúng thầu thuốc với hàng ngàn mặt hàng khác nhau, nếu không phát hiện và ngăn chặn kịp thời khuất tất, những số tiền khổng lồ sẽ rơi vào túi nhóm lợi ích. Cuối cùng người bệnh sẽ lãnh mọi hậu quả. Y đức ở đâu trong chuyện này?
Phan Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét